Chùm ảnh: Điều bất ngờ về hiện trạng môn đấu bò ở Tây Ban Nha

Dù Tây Ban Nha nhiều lần tuyên bố môn đấu bò tót “đã chết”, số lượng trận đấu bộ môn này đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua, với nhiều người trẻ tuổi lấp kín khán đài.

Hồi tháng 3, Álvaro Alarcón biểu diễn tại trường đấu bò Las Ventas ở Madrid, với thử thách cuối cùng trong tư cách “novillero” (võ sĩ đấu bò tập sự). Nếu chiến thắng lần này, chàng trai 24 tuổi sẽ được nâng lên bậc cao nhất của “matador” – những người đấu bò nặng hơn nửa tấn. “Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, thậm chí cả lúc đang ngủ, tôi cũng mơ về những gì muốn làm tại trường đấu bò tót”, anh nói.

Chiều hôm đó, Alarcón giết hai con bò tót bằng cách đâm kiếm xuyên qua bả vai và làm thủng động mạch chủ của chúng. Hàng trăm trẻ em và thanh thiếu niên trong số 8.700 khán giả tới xem đã cổ vũ cho anh. Trong ảnh là các nhiếp ảnh gia chụp Alvaro Alarcon (phải) trước trận đấu hôm 26/3.

Những người trẻ tuổi đang là nhóm kéo tới các trường đấu bò tót. Theo thống kê từ Bộ Văn hóa Tây Ban Nha, dưới 2% người dân tới xem đấu bò tót trong năm 2021-2022, và nhóm 15-19 tuổi tham gia đông nhất, trái ngược với nhóm trên 75 tuổi.

Năm 2018, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em thúc giục Tây Ban Nha cấm trẻ em xem đấu bò do lo ngại bạo lực. Tuy nhiên, lời kêu gọi này không có tác dụng. Mặc dù đấu bò tót không được quan tâm nhiều như nửa thế kỷ trước, bộ môn này vẫn là biểu tượng quan trọng trong bản sắc Tây Ban Nha, đặc biệt ở khu vực miền Nam và miền Trung. Số lượng khán giả nhỏ hơn, nhưng trung thành hơn.

Miriam Cabas là vận động viên đấu bò 21 tuổi từ vùng Andalusia, và là một trong số 250 phụ nữ đăng ký thi đấu chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha. “Đúng là số lượng thi đấu bò tót đã giảm. Nhưng hiện tại, tôi nhận thấy khán giả trẻ bùng nổ và háo hức muốn xem các trận đấu bò”, cô nói.

Đối với một số thanh niên, việc tự hào gắn lên mình các biểu tượng truyền thống của Tây Ban Nha hoặc tham gia các trận đấu bò tót trở thành xu hướng. Ngành đấu bò còn có sự tham gia của hàng nghìn chủ trang trại, cùng với những người tổ chức và quảng bá sự kiện, thậm chí cả giới phê bình vẫn viết về các sự kiện trên những tờ báo uy tín cấp quốc gia.

África Calderón García – 20 tuổi, thợ may những bộ đồ mà các võ sĩ đấu bò mặc – kể mình xem các trận đấu bò với bà và sẽ tiếp tục truyền thống này, nói thêm mình là người yêu động vật. “Đây là một hình thức nghệ thuật, là văn hóa Tây Ban Nha”, cô nói. “Mọi người không nhận thức được mọi chuyện và những con bò được chăm sóc chu đáo ra sao”.

Năm ngoái, những người trẻ tuổi đã rất phẫn nộ khi chính phủ tìm cách loại môn đấu bò khỏi khoản trợ cấp 436 USD cho người 18 tuổi chi tiêu các hoạt động văn hóa. Hiệp hội đấu bò đã kiện lên tòa án Tây Ban Nha và thắng. Họ cho rằng đấu bò tót vẫn được bảo vệ như di sản văn hóa ở Tây Ban Nha theo luật hàng thập kỷ qua.

Kể từ những năm 1970, các trường đấu bò mang tính biểu tượng đã đóng cửa ở Barcelona, ​​Benidorm và Santa Cruz de Tenerife, đồng thời thay thế bằng các trung tâm mua sắm, trung tâm văn hóa và thậm chí cả hộp đêm. Với thợ may Antonio López Fuentes, hành động của chính phủ chỉ là nỗ lực mới nhất nhằm cấm tập tục mà giới lãnh đạo hàng thế kỷ trước cố gắng loại bỏ. “Những người trẻ nghĩ rằng: ‘Nếu cố cấm tôi điều gì, tôi sẽ làm điều đó’”, ông nói.

Dẫu vậy, nguy hiểm vẫn rình rập các võ sĩ đấu bò. Vào đêm cuối của Alarcón với tư cách là novillero, anh đã bị một con bò tót húc và gãy 3 chiếc xương sườn. Sau phẫu thuật, anh để lại lời nhắn: “Tôi sẽ sớm trở lại sàn đấu”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / AP

Tags: , ,