⠀
Chùm ảnh: Diện mạo quảng trường Ba Đình đầu thế kỷ 20
Trong thập niên đầu của thế kỷ 20, khu vực Quảng trường Ba Đình đã được người Pháp quy hoạch để xây dựng trung tâm hành chính của Liên bang Đông Dương.
Toàn cảnh Quảng trường Ba Đình đầu thế kỷ 20, khi đó được người Pháp gọi là Vườn hoa Pugininer. Khu vực này còn được người dân Hà Nội gọi là quảng trường Tròn do có một vòng xoay lớn ở trung tâm, tên chính thức là Vòng xoay Pugininer.
Các công trình chính ở khu vực Vườn hoa Pugininer: Tòa nhà ở giữa là cổng Vườn Bách Thảo (vị trí phía trước Lăng Bác ngày nay), tòa nhà bên phải là Phủ Toàn quyền Đông Dương, nay là Phủ Chủ tịch.
Phủ Toàn quyền Đông Dương là một trong những dinh thự lớn nhất được Pháp xây ở Đông Dương, gồm 30 phòng, mỗi phòng có một phong cách trang trí khác nhau. Tầng ba là những phòng riêng và nơi ở của quan toàn quyền.
Diện mạo công trình này ngày nay không có nhiều thay đổi.
Trước Phủ Toàn quyền có tượng đài “Vì nước Pháp” (À la France) dựng năm 1907. Tượng thể hiện hình ảnh một người phụ nữ biểu trưng cho nước Pháp ngồi trên một cái ngai trang trí các họa tiết Angkor và rồng phượng An Nam, xung quanh có binh lính và phụ nữ bản xứ vây quanh.
Do bị dư luận phê phán về tính thẩm mỹ quá thấp, đến năm 1925 chính quyền thuộc địa đã phải dẹp bỏ tượng đài này.
Khu cổng chính của Vườn Bách Thảo nằm đối diện Vòng xoay Pugininer.
Đây là một công trình khá bề thế với hai tầng, ba vòm cổng chính và nhiều vòm cổng phụ nằm hai bên.
Đếp thập niên 1930, tầng trên của cổng đã bị dỡ bỏ vì một lý do nào đó.
Quang cảnh ở vòng xoay Pugininer với cổng Vườn Bách Thảo gần đó trong ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945.
Trong bức ảnh này, có thể thấy lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chính Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập nằm phía trước cánh cổng, ở vị trí chính giữa vòng xoay Pugininer cũ.
Toàn cảnh lễ đài Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Hà Nội, Quốc khánh Việt Nam, Đông Dương thời thuộc địa