Chùm ảnh: Dayak – tộc người rất giống người Việt cổ trên đảo Borneo

Dân tộc Dayak ở Indonesia cũng dùng mũ lông chim, xăm mình, ở nhà sàn, thờ rồng và chim thần… như các cư dân Việt cổ thời Hùng Vương.Chùm ảnh: Dayak – tộc người rất giống người Việt cổ trên đảo Borneo

Đảo Borneo, hòn đảo lớn nhất Đông Nam Á thuộc lãnh thổ các quốc gia Brunei, Malaysia và Indonesia là nơi sinh sống của dân tộc Dayak – một cộng đồng người có nền văn hóa cổ xưa và độc đáo.

Theo các nghiên cứu, Dayak là nhóm cư dân bản địa Borneo lâu đời. Tổ tiên của họ đã di cư từ lục địa châu Á ra đảo từ hơn 3.000 năm trước. Xã hội Dayak bắt đầu khởi sắc khi nghề luyện kim được truyền đến hòn đảo này cách nay khoảng 2.450 năm, tương ứng với cuối thời kỳ Hùng Vương ở Việt Nam.

Cộng đồng Dayak gồm hàng trăm sắc tộc khác nhau cư trú rải rác khắp đảo Borneo. Họ nói hàng trăm phương ngữ khác nhau nhưng tất cả đều thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesien). Ở Việt Nam có nhiều dân tộc sử dụng ngữ hệ này, như dân tộc Chăm, Êđê, Gia Rai, Ra Glai và Churu.

Phần lớn người Dayak sống bằng nghề làm ruộng lúa nước ven sông, làm rẫy, trồng cọ trên những ngọn đồi thấp… Họ cũng làm các nghề thủ công, nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, nghề đúc, săn bắt, chài lưới.

Tôn giáo của người Dayak là đạo Kaharingan, một dạng Hindu giáo đã bản địa hóa theo thuyết đa thần ở Borneo. Họ đặc biệt tôn thờ hình tượng rồng và chim thần, hai linh vật trong truyền thuyết về sự ra đời của dân tộc Dayak. Đặc điểm này khá giống với các cư dân Việt cổ thời Hùng Vương, những người coi mình là “con Rồng, cháu Tiên” và tôn vinh hình tượng chim lạc như biểu tượng của đất nước.

Người Dayak cũng có nhiều phong tục dân gian giống người Việt cổ như tục dựng cây nêu, cưới hỏi, cải táng, tín ngưỡng phồn thực…

Một phong tục tương đồng của người Việt cổ và người Dayak, ít thấy có ở các dân tộc khác trong khu vực, đó là tục xăm mình.

Với người Dayak, hình xăm thể hiện mối liên hệ với các linh hồn, thần linh hoặc tổ tiên và nhằm xua đuổi bệnh tật, tai họa, đồng thời cũng là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành, nhận biết đẳng cấp, địa vị trong bộ tộc hoặc phân biệt bạn với thù…

Cách ăn mặc của người Dayak cũng có đặc điểm rất giống với các cư dân Hùng Vương, đó là việc họ sử dụng loại mũ được trang trí bằng những chiếc lông chim dài, giống như những hình người trên hoa văn trống đồng Đông Sơn.

Trang phục của phụ nữ Dayak thay đổi tùy theo vùng, nhưng đều là những bộ váy làm từ thổ cẩm được trang hoàng bằng những hoa văn rực rỡ. Họ đeo cả những chiếc mũ trang trí cầu kỳ vào những dịp đặc biệt.

Phụ nữ Dayak thường căng dái tai mình bằng những chiếc vòng kim loại nặng. Đây là cách làm đẹp tương tự các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của Việt Nam như Ê đê, Bana, M’nông, Mạ, Stiêng…

Theo truyền thống, nhiều thế hệ người Dayak cùng sinh sống trong những căn nhà sàn có chiều dài hơn 50m, có sức chứa từ 30 – 40 gia đình và được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ.

Những ngôi nhà dài cũng là nơi người Dayak tụ họp, bày lễ vật dâng cúng, đánh trống khua chiêng, nhảy múa trong các lễ hội truyền thống.

Màu sắc ở các hình vẽ, hoa văn chạm khắc trong ngôi nhà này có ý nghĩa riêng của nó. Đáng tiếc rằng các ngôi nhà này đang biến mất dần theo nhịp sống hiện đại.

Người Dayak có một tập tục được cả thế giới biết đến, đó là tục săn đầu người giữa các bộ tộc. Đây là cách để bảo vệ lãnh địa sinh sống và khẳng định sức mạnh của các chiến binh và bộ tộc. Vũ khí chính trong các cuộc săn đầu người là giáo và khiên. Những chiếc sọ người sẽ được cất giữ trong nhà và sử dụng trong nhiều nghi lễ khác nhau.

Ít ai biết rằng dân tộc Cơ tu ở khu vực miền Trung Việt Nam cũng từng có một tục săn đầu người tương tự. Điều này được ghi nhận bởi các học giả Pháp, theo đó, săn máu và lấy đầu người của làng khác là một nhiệm vụ trọng đại để tế thần linh nhằm cầu xin mùa màng tươi tốt, không bị dịch bệnh và tai ương.

Tục lấy đầu người của người Dayak kéo dài cho đến những năm 1970, đến bây giờ đã chấm dứt hoàn toàn.

Về mặt nghệ thuật, người Dayak nổi tiếng với vũ điệu ngajat, lấy cảm hứng từ cuộc chiến của các chiến binh. Họ cũng sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác nhau.

Nhìn chung, dân tộc Dayak được các nhà nghiên cứu nhìn nhận là một trong những tộc người có nền văn hóa độc đáo nhất trên thế giới.

Ngày nay, sự phát triển của du lịch và các tiện nghi của cuộc sống hiện đại đang khiến nền văn hóa này đứng trước nhiều thách thức lớn.

>> Chùm ảnh: ‘Nhà sàn Việt cổ’ của tộc người Batak Toba ở Indonesia
>> Chùm ảnh: Tộc người Minangkabau – hậu duệ của người Việt cổ ở Indonesia?
>> Chùm ảnh: Nhà sàn của tộc người Indonesia giống hệt hình vẽ trên trống đồng Việt
.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,