Chùm ảnh: Cận cảnh những loài thân mềm hai mảnh vỏ thú vị nhất thế giới

Động vật thân mềm hai mảnh vỏ (Bivalvia) gồm các loài sò, hến, hàu, trai…, thường được biết đến như những thủy hải sản hấp dẫn với con người. Nhiều loài trong số chúng có hình dạng hoặc tập tính rất lý thú.

Điệp lớn (Pecten maximus) dài 12-15 cm, cư trú trong cát mịn ở các vùng bờ biển châu Âu. Loài này có thể bơi lội tự do và có phản xạ trốn thoát bằng phản lực.

Hàu lưỡi mèo (Spondylus linguafelis) dài 10-12 cm, phân bố ở vùng biển Thái Bình Dương. Mặt ngoài vỏ của chúng có nhiều gai tua tủa, trông giống bề mặt lưỡi các loài họ Mèo.

Hàu mào gà (Lopha cristagalli) dài 10-12 cm, phổ biến ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sống ở rạn san hô, loài hàu này được nhận biết nhờ mép vỏ có hình zig-zag đặc trưng.

Sò huyết (Anadara granosa) dài 5-6 cm, phố biến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có phần thịt đỏ như máu, chúng là một hải sản có giá trị, được nuôi trồng trên quy mô lớn ở châu Á.

Sò chó châu Âu (Glycymeris glycymeris) dài 5-6 cm, phân bố ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Loài sò hình tròn này là hải sản được đánh bắt phố biến ở châu Âu. Thịt của chúng có vị ngọt rất hấp dẫn, nhưng sẽ bị dai khi nấu chín quá.

Trai nước ngọt (Margaritifera margaritifera) dài 10-15 cm, được ghi nhận ở lục địa Á – Âu và Bắc Mỹ. Sống vùi trong cát hay sỏi dưới các dòng sông chảy nhanh, loài này nổi tiếng vì tạo ra ngọc trai chất lượng tốt. Ở một số nơi chúng được dùng làm thực phẩm.

Hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) dài 8-40 cm, có nguồn gốc từ bờ biển Thái Bình Dương của Châu Á. Là hải sản quan trọng, loài hai mảnh vỏ có vẻ ngoài không mấy bắt mắt này đã được du nhập vào châu Âu và Australia.

Móng tay silic (Ensis siliqua) dài 15-20 cm, phân bố ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Loài này sống trong hang, hô hấp qua ống xi-phông trồi lên, nhưng rút xuống nhanh bằng chân cơ khi bị làm phiền.

Ngao vệ nữ gai lược (Pitar dione) dài 2,5-3 cm, phân bố ở vùng bờ biển nhiệt đới châu Mỹ. Chúng có hình dạng dễ nhận biết, với hàng gai giống răng lược chạy trên vỏ.

Trai tai tượng (Tridacna gigas) dài 1-1,4 mét, cư trú ở các rạn san hô trên đáy biển cát ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ lớn nhất thế giới này có thể sống rất lâu. Chúng là loài nguy cấp do tốc độ sinh sản chậm và bị khai thác quá mức.

Hà phát quang (Pholas dactylus) dài 12-15 cm, phổ biến ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Sống trong hang được khoét vào gỗ hay đất sét, loài này có khả năng phát ra ánh sáng huỳnh quang.

Hà đục thuyền (Teredo navalis) dài 15-20 cm, phổ biến trên toàn cầu. Đã biến đổi cao so với các họ hàng, loài này dùng các mảnh vỏ có gờ nổi như mũi khoan để đục sâu vào gỗ, làm tàu thuyền hư hại.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,