Chùm ảnh: Bộ sưu tập tượng thờ có nguồn gốc đặc biệt ở Sài Gòn

Tượng thờ cổ là biểu hiện trực quan và sinh động về thế giới tâm linh của người Việt xưa. Cùng khám phá điều này qua loạt tập tượng thờ trăm tuổi do cơ quan chức năng bàn giao cho Bảo tàng TP HCM sau khi thu hồi từ bọn trộm cắp, buôn bán cổ vật trái phép.

Tượng thờ Quan Âm Tống Tử bằng gỗ sơn, niên đại thế kỷ 18-19. Theo quan niệm dân gian Quan Âm Tống Tử, là một vị Bồ Tát có thể ban phước cho những gia đình hiếm muộn hoặc mong muốn có con trai. Tượng Quan Âm Tống Tử thường được tạo hình với một bé trai trên tay.

Tượng Thánh Mẫu bằng gỗ sơn, niên đại thế kỷ 18. Thánh Mẫu là danh hiệu hoặc cách gọi những người phụ nữ đáng kính, đáng tôn trọng về mặt tâm linh và thường được xem là một vị nữ thánh. Có thể kể đến một số vị Thánh Mẫu nổi tiếng như Liễu Hạnh Công chúa, Bà Thiên Hậu, Bà Đen…

Tượng Phật bằng gỗ sơn, niên đại thế kỷ 18. Trong Phật giáo, Phật là Bậc Giác Ngộ, một vị Chánh Đẳng Giác đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện trong đạo đức, trí tuệ thông qua nỗ lực của bản thân trong việc thực hành Phật pháp.

Tượng Bồ Tát bằng gỗ sơn, niên đại thế kỷ 19. Bồ Tát là danh hiệu dành cho những người sau khi tin theo Phật pháp đã phát nguyện tự độ, độ tha, thậm chí hy sinh cả bản thân mình để cứu giúp chúng sinh. Một số vị Bồ Tát được biết đến rộng rãi là Quán Thế Âm, Địa Tạng, Đại Thế Chí…

Tượng Địa Tạng bằng gỗ sơn, thế kỷ 19. Bồ Tát Địa Tạng được biết đến qua lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho đến khi Bồ Tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng.

Tượng Chuẩn Đề bằng gỗ sơn, niên đại thế kỷ 16. Phật Mẫu Chuẩn Đề là một vị Bồ Tát trong phái Phật giáo Đại thừa. Là một trong những hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, ngài thị hiện trong lục đạo luân hồi để cứu khổ những chúng sanh khổ nạn, đồng thời bảo hộ Phật Pháp.

Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ bằng gỗ sơn, thế kỷ 19. Theo quan niệm Phật giáo, Tiêu Diện Đại Sĩ là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm dưới dạng một nam nhân dữ dằn, oai phong, chuyên hàng phục quỷ yêu và cứu độ chúng sinh.

Tượng Diêm Vương bằng gỗ sơn, thế kỷ 20. Diêm vương là chúa tể của địa ngục trong văn hóa Á Đông. Trong Phật giáo, Diêm Vương được coi là người phái cái già, cái chết đến cho con người, nhắc nhở họ đừng làm gì trái với đạo lý.

Tượng một vị quan không rõ danh tính bằng gỗ sơn, niên đại thế kỷ 18-19. Vào thời phong kiến, các vị quan, tướng hoặc nhân tài có công lớn với đất nước, địa phương có thể được người đời dựng tượng và thờ phụng trong đền chùa.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,