Chùm ảnh: 17 di tích phải ghé thăm ở cố đô Kyoto của Nhật Bản

Được UNESCO công nhận vào năm 1994, Di sản văn hóa thế giới – Cố đô Kyoto là một quần thể gồm 17 công trình có vai trò quan trọng về mặt lịch sử, tín ngưỡng, kiến trúc và cảnh quan của đất nước Nhật Bản.Chùm ảnh: 17 di tích phải ghé thăm ở cố đô Kyoto của Nhật Bản

Đền Shimogamo-jinja (Hạ Áp thần xã) hình thành vào thế kỷ 6, là một trong những đền thờ Thần đạo lâu đời nhất ở Nhật Bản. Là một trong hai đền thờ Kamo truyền thống của Cố đô Kyoto, nơi đây thờ nữ thần ánh sáng Tamayori-hime và phụ thân là Kamo Taketsunomi. Ảnh: Tourist in Japan.

Đền Kamigamo-jinja (Thượng Hạ Mậu thần xã) hình thành vào thế kỷ 7. Là ngôi đền Kamo còn lại của Kyoto, ngôi đền này thờ thần sấm sét Kamo Wake-ikazuchi. Lễ hội Aoi Matsuri được tổ chức ở hai đền Kamo là một trong ba lễ hội lớn nhất Kyoto. Ảnh: Wikipedia.

Chùa To-ji (Đông Tự) được phái Chân Ngôn lập năm 794, đầu thời Heian, là một ba ngôi chùa đầu tiên tiên được lập ở Kyoto, và là ngôi chùa duy nhất trong số đó còn tồn tại đến nay. Điểm nhấn của chùa là tòa bảo tháp bằng gỗ 5 tầng, cao 54,8 mét, là ngôi tháp bằng gỗ cao nhất ở Nhật Bản. Ảnh: TourCounsel.

Chùm ảnh: 17 di tích phải ghé thăm ở cố đô Kyoto của Nhật Bản

Chùa Kiyomizu-dera (Thanh Thủy tự) được hoàn thành vào năm 780, trở thành chùa của Hoàng gia năm 805. Công trình đã bị cháy và được xây lại tổng cộng 9 lần, các cấu trúc hiện tại có từ những năm 1630. Sảnh chính của chùa được dựng trên những cột gỗ lớn nhô ra từ sườn đồi, là tuyệt tác kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Ảnh: GaijinPot Travel.

Chùa Enryaku-ji (Duyên Lịch Tự) được sư Tối Trừng, tổ sư phái Thiên Thai Tông của Nhật Bản lập năm 788. Đây từng là một  một khu phức hợp quân sự khổng lồ trước khi bị lãnh chúa Oda Nobunaga san phẳng năm 1571. Chùa vẫn giữ được tòa nhà chính Konpon Chudo, được xây từ năm 887, được coi là Báu vật quốc gia. Ảnh: Wikipedia.

Chùa Daigo-ji (Thể Hồ Tự) có từ thế kỷ 9. Sáu công trình của ngôi chùa này, gồm sảnh chính (Kondo) và chùa tháp năm tầng Gojunoto là các Báu vật quốc gia Nhật Bản. Vườn Sanbo-in Teien, được lảnh chúa Toyotomi Hideyoshi cho tái thiết trong khuôn viên chùa năm 1598, là một Danh thắng đặc biệt. Ảnh:
My Kyoto Photo.

Chùa Ninna-ji (Nhân Hòa Tự) được Thiên hoàng Koko (Quang Hiếu) cho xây vào năm 886-888, sau khi ông thoái vị và trở thành nhà tu hành. Chùa bị phá hủy trong chiến tranh Onin năm 1467, các công trình hiện tại có từ cuộc tái thiết vào năm 1641-1644. Sảnh Vàng của chùa được chuyển đến đây từ cung điện Hoàng gia, là một Báu vật quốc gia. Ảnh: Wikipedia.

Chùa Byodo-in (Bình Đẳng viện) có niên đại từ thế kỷ 11. Ban đầu đây là một biệt thự quý tộc, sau đó được chuyển thành chùa Phật giáo vào năm 1052. Sảnh chính, cọi là Sảnh Phượng Hoàng, là công trình nguyên bản duy nhất còn lại, những kết cấu khác của chùa đều bị thiêu rụi trong cuộc nội chiến năm 1331. Ảnh: Go Hawaii.

Đền Ujigami-jinja (Vũ Trị Thượng Thần Xã) được xây dựng vào khoảng năm 1060, là nơi thờ thần bảo hộ cho chùa Byodo-in gần đó. Đây là ngôi đền Thần đạo còn giữ được những công trình lâu đời nhất Nhật Bản. Kiến trúc của đền là ví dụ cổ xưa nhất của phong cách đền thờ nagare-zukuri, với ba cấu trúc liền kề, cấu trúc giữa lớn hơn hai cấu trúc ở hai bên. Ảnh: Wikipedia.

Chùa Kozan-ji (Cao Sơn Tự) hình thành vào đầu thế kỷ 13, thời Kamakura. Ngôi đền đã bị phá hủy nhiều lần bởi hỏa hoạn và chiến tranh. Tòa nhà tồn tại lâu đời nhất là Sekisui-in (Thạch Thủy Viện), có từ thời khởi lập chùa, trong khi những công trình khác được xây dựng lại vào năm 1634. Ảnh: Wikipedia.

Chùa Saiho-ji (Tây Phương Tự) được sư Gyoki xây dựng vào thời kỳ Nara (710 -794). Chùa đã được xây lại nhiều lần sau khi bị tàn phá trong chiến tranh Onin và các trận lụt. Ngôi chùa thờ Phật A Di Đã này nổi tiếng với khu vườn rêu với hơn 120 loài rêu tạo thành tấm thảm xanh quyến rũ với nhiều sắc thái tinh tế. Ảnh: Japan Travel.

Chùa Kinkaku-ji (Kim Các Tự – chùa Gác Vàng) là một ví dụ hoàn hảo về phong cách xây dựng trong thời kỳ Muromachi (1337 – 1573). Đây là một cấu trúc 3 tầng với tầng thứ hai và ba hoàn toàn được mạ vàng, được bao quanh bởi ao nước và khu vườn tuyệt đẹp. Tòa nhà đã bị một nhà sư phóng hỏa vào năm 1950 và được xây dựng lại năm 1955. Ảnh: Wikipedia.

Chùa Ginkaku-ji (Ngân Các Tự – chùa Gác Bạc) được xây dựng vào năm 1460 để làm nơi nghỉ dưỡng của tướng Ashikaga Yoshimasa (1436 – 1490), trước khi trở thành chùa Phật giáo. Công trình mô phỏng theo Kim Các Tự, với kế hoạch ban đầu là dát bạc lá lên vách gác. Ý định này đã không bao giờ được thực hiện. Ảnh:
GaijinPot Travel.

Chùa Ryoan-ji (Long An Tự) ban đầu là một biệt thự quý tộc, đã trở thành một ngôi chùa Thiền tông vào năm 1450. Chùa bị cháy rụi năm 1797, sau đó được tái thiết bằng cách sử dụng các công trình có từ năm 1606 của chùa Seigen-in (Thanh Nguyên Viện). Vườn chùa Ryoan-ji được coi là chuẩn mực của kare-sansui – nghệ thuật vườn khô Nhật Bản. Ảnh: Trip.com.

Chùa Nishi Hongan-ji (Tây Bản Nguyện Tự) được khởi lập vào thế kỷ 13, di dời đến mảnh đất do lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi hiến tặng (địa điểm hiện tại) năm 1591. Đây là ngôi chùa đầu tiên của phái Tịnh độ Chân tông Nhật Bản. Cổng chùa được gọi là Karamon, là Báu vật quốc gia của nước Nhật. Ảnh: Wikipedia.

Chùa Tenryu-ji (Thiên Long Tự) được Ashikaga Takauji – là người sáng lập và là shogun đầu tiên của Mạc phủ Ashikaga – sáng lập vào năm 1339. Nằm trong nhóm Ngũ Đại Thiền Tự của Kyoto (Kyoto Gozan), ngôi chùa này sở hữu khu vườn được coi là đẹp nhất Kyoto. Ảnh: Japan Web Magazine.

Lâu đài Nijo (Nhị Điều) được mạc chúa Tokugawa Ieyasu cho xây dựng vào năm 1601 và hoàn thành dưới thời trị vì của Tokugawa Iemitsu năm 1626. Khu phức hợp được trang trí lộng lẫy này có vai trò như tư dinh và nơi hội họp của gia tộc Tokugawa cho đến năm 1867, khi quyền lực được trao lại cho Thiên hoàng. Ảnh:
Discover Kyoto.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,