Ấn Độ chuẩn bị bước tới vị thế cường quốc toàn cầu?

Thời cơ để Ấn Độ xác lập vị thế trên trường quốc tế đã đến. Mỹ cần bước đến và đón nhận sự xuất hiện này, thay vì chỉ biết đứng chờ đợi. Mỹ cần phải làm tốt hơn phần việc bình thường hóa thực tế Ấn Độ trỗi dậy và nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia Nam Á này đối với lợi ích quốc gia của Mỹ và của thế giới, như cách Washington làm với nhiều đối tác châu Âu thân cận khác.

Bài viết của tác giả Alyssa Ayres là chuyên viên nghiên cứu cấp cao về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, là tác giả cuốn sách sắp xuất bản Our Time Has Come: How India Is Making Its Place in the World (Oxford University Press, 2018). Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Một quốc gia có sức mạnh quân sự tính theo số lượng quân đứng hàng thứ 3 thế giới, có ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới và nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, nhưng không phải là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nước này thậm chí không có chân trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7). Đó là Ấn Độ, quốc gia từ lâu được xem là cường quốc mới nổi, nhưng không phải là cường quốc toàn cầu.

Nói một cách công bằng, trong nhiều năm đánh giá này không phải là không có cơ sở và thực tế, Ấn Độ vẫn chưa chuyển được những ưu thế tiềm năng thành sức mạnh thực thụ. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển. Hơn 270 triệu người dân Ấn Độ đang sống trong cảnh nghèo đói. Cơ sở hạ tầng cần phải được đầu tư lớn, với tổng số vốn lên đến 1.500 tỷ USD trong một thập kỉ tới – theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính nước này. Tồn tại những khác biệt trong cơ cấu dân số đa dạng ở Ấn Độ, dù là xét dưới tiêu chí giới tính, tôn giáo hay vùng miền.

Chính vì những thách thức này cộng với việc Ấn Độ luôn có xu hướng đứng ngoài lề các thiết chế toàn cầu vốn là trung tâm trong chính sách của Mỹ, quyền lực kinh tế và quốc phòng ấn tượng của quốc gia Nam Á này thường không được thừa nhận đúng mức. Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Một Ấn Độ tự tin hơn đã bắt đầu tham gia định hình nghị trình toàn cầu về biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, dịch chuyển việc làm. Đối mặt với một Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn trong cục diện khu vực, Ấn Độ cũng đã đẩy nhanh việc nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Ấn Độ lâu nay bị đóng đinh vào một thực tế: Thế giới không xem Ấn Độ là một cường quốc, bất chấp việc nước này có quy mô và nền dân chủ phát triển. Không được như Trung Quốc, Ấn Độ không có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Căn cứ vào sức mạnh kinh tế lớn dần cùng với tiềm lực quân sự được nâng cao, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang thúc đẩy các bước đi nhằm tạo lập “một vị thế xứng đáng” trong trật tự, thiết chế toàn cầu như cựu Thủ tướng Manmohan Singh từng tuyên bố. Dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi, Ấn Độ đã bắt đầu chuyển sang tạo lập vị thế của một “cường quốc hàng đầu”, một vị trí mới, trung tâm hơn trên thế giới.

Khi Ấn Độ dần từ bỏ cách tiếp cận phòng thủ xưa cũ trên trường quốc tế được đặc trưng bởi quan điểm không liên kết và đây cũng là thời điểm để Mỹ chuyển đổi chính sách với New Delhi. Quan hệ Mỹ-Ấn được định hình và phát triển khá sớm, từ những ngày mà hai nước còn là “hai nền dân chủ xa lạ” như mô tả của nhà ngoại giao và sử học Dennis Kux. Mỹ và Ấn Độ hiện là đối tác chiến lược của nhau, một kiểu quan hệ hợp tác nhưng chưa phải là đồng minh chính thức. Tổng thống Donald Trump vẫn chưa công bố dự kiến kế hoạch đối với mối quan hệ Mỹ-Ấn, dù hồi tháng 6/2017 ông có bình luận đây là mối quan hệ “chưa bao giờ tươi sáng như hiện nay”. Trong bài phát biểu về chiến lược của Mỹ với Afghanistan (8/2017), ông Trump cũng công khai đề nghị Ấn Độ trợ giúp phát triển kinh tế nhiều hơn nữa đối với Pakistan.

Khi quan tâm đến sự trỗi dậy của Ấn Độ, Tổng thống Mỹ và bộ máy lãnh đạo Nhà Trắng cần tái định hình quan hệ Mỹ-Ấn để xử lý hiệu quả những khác biệt đến từ việc New Dehli coi độc lập chính sách là điểm ưu tiên. Giới lãnh đạo Mỹ cũng phải giải quyết tình trạng mất cân đối của việc Ấn Độ không có chỗ đứng chính thức trong các thiết chế lớn của nền điều hành toàn cầu, bằng việc ủng hộ trao quy chế thành viên cho Ấn Độ và tạo cho New Delhi một vị trí vững chắc ở bàn đàm phán. Hợp tác với một Ấn Độ đang trỗi dậy chưa bao giờ là điều dễ dàng. New Delhi vẫn kiên quyết theo đuổi bảo vệ độc lập chính sách, lảng tránh việc tham gia các liên minh chính thức và sẵn sàng làm đứt gãy đồng thuận toàn cầu – như những gì đã thể hiện trong các cuộc đàm phán thương mại. Ấn Độ có thể là một đối tác phòng vệ thân thiết, nhưng không phải là cách theo khuôn mẫu quen thuộc trong các quan hệ đồng minh mà Mỹ hiện có. Ấn Độ muốn cải thiện quan hệ kinh tế-thương mại với Mỹ, nhưng rất khó để Washington buộc New Delhi mở cửa thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ cho các công ty Mỹ. Nhưng điểm thuận lợi là các chính quyền dù dưới thời đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều đồng thuận đặt ưu tiên cao cho việc thúc đẩy quan hệ mật thiết hơn với Ấn Độ, xem quan hệ Mỹ-Ấn bền chặt là một lá phiếu ủng hộ cho tầm quan trọng của dân chủ và như là cách đặt cược về ổn định và thịnh vượng chung ở châu Á.

Thịnh vượng và quyền lực

Cũng giống Trung Quốc, kinh tế là điểm trung tâm trong bước chuyển đổi toàn cầu của Ấn Độ. Nhiều người nhận thức được rằng Ấn Độ có tiềm năng lớn, nhưng ít ai lưu ý rằng với GDP hơn 2.000 tỷ USD, kinh tế Ấn Độ đã vượt lên trên Canada và Italy, hai nước thành viên trong Nhóm G7. Báo cáo của Chính quyền Mỹ dự báo Ấn Độ sẽ vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2029, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Đà giảm tốc kinh tế của Trung Quốc cùng với sự suy giảm ở Brazil, Nga đã khiến tỉ trọng của Ấn Độ trong GDP toàn cầu tính theo tiêu chí sức mua tương đương tăng lên. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), con số này sẽ vượt mức 8% trong năm 2020, tức là lớn hơn tỉ trọng của Nhật Bản trong năm 1995 và Trung Quốc tại thời điểm năm 2000 trong GDP toàn cầu. Thế giới vẫn chưa chịu xem Ấn Độ là cường quốc kinh tế ngang hàng với hai cường quốc Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng giới lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu thì đã nhận ra điều này. Một cuộc khảo sát do tập đoàn KPMG tiến hành trong năm 2016 cho thấy, Ấn Độ đã tăng bốn bậc và trở thành điểm đến hàng đầu cho các cơ hội tăng trưởng trong vòng ba năm tới.

Quy mô dân số và lợi thế dân số trẻ giúp Ấn Độ có được triển vọng lớn về tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc và trở thành nước đông dân nhất trên thế giới vào năm 2024 và cũng là nước có lực lượng lao động trẻ lớn nhất thế giới. Dân số trong độ tuổi lao động sẽ tiếp tục tăng đến tận năm 2050, trong khi Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Âu bước vào giai đoạn già hóa. Tại thời điểm đó, độ tuổi trung bình dân số của Nhật Bản là 53 tuổi, Trung Quốc là 50 tuổi, Tây Âu là 47 tuổi, trong khi ở Ấn Độ chỉ là 37 tuổi.

Ấn Độ là nước có số lượng người nghèo lớn nhất thế giới, nhưng tầng lớp trung lưu tại quốc gia này đang tăng mạnh, ước tính đạt từ 30 đến 270 triệu người, tùy theo tiêu chí và cách tính “tầng lớp trung lưu” khác nhau. Một báo cáo của tập đoàn McKinsey (2007) ước đoán, nếu xem mức thu nhập bình quân hộ gia đình từ 4.000 – 22.000 USD là “trung lưu”, số người Ấn Độ vươn tới ngưỡng này sẽ đạt 600 triệu người vào năm 2025. Tầng lớp trung lưu lớn mạnh đồng nghĩa với thị trường tiêu dùng mở rộng, đó là lý do mà các tập đoàn xuyên quốc gia lớn như Apple, Xiaomi, Bosch, Whirlpoll đều đưa Ấn Độ vào tầm ngắm. Cả bốn tập đoàn này đều có các nhà máy sản xuất, lắp ráp đặt tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về xe gắn máy. Quốc gia Nam Á này hiện cũng là trung tâm của ngành chế tạo xe hơi, với tỉ lệ trong ba xe cỡ nhỏ bán ra trên toàn cầu thì một chiếc được sản xuất tại Ấn Độ. Các hãng ôtô như Ford, Hyundai, Maruti Suzuki và Tata đều có cơ sở tại đây. Xét tổng thể, Ấn Độ chỉ xếp sau Hàn Quốc và vượt Mexico, hai nước sản xuất xe hơi lớn.

Ấn Độ nhanh chóng chuyển sức mạnh kinh tế sang sức mạnh quân sự, là một trong số ít nước thuộc nhóm các câu lạc bộ sở hữu công nghệ quốc phòng hiện đại, trong đó có chương trình vũ khí hạt nhân. Ấn Độ cũng là cường quốc vũ trụ, đã phóng được tàu thăm dò mặt trăng vào năm 2008 và trong năm 2014 lại phóng thành công và đưa vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao hỏa. Đặt Ấn Độ Dương làm ưu tiên tối thượng, New Delhi đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ở khu vực, xây dựng lực lượng hải quân biển xa. Theo Viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược (IISS) có trụ sở tại Anh, Ấn Độ hiện có 1,4 triệu quân thường trực và gần 1,2 triệu quân dự bị. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển đánh giá, Ấn Độ là nước chi tiêu mạnh cho quốc phòng, với ngân sách đứng hàng thứ 5 thế giới trong năm 2016, trên cả Anh và Pháp. Là nước nhập khẩu thiết bị quân sự hàng đầu thế giới trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã đẩy mạnh việc mua sắm quân sự từ Mỹ, với tổng giá trị là 15 tỉ USD trong một thập kỉ qua. Nhưng ngay cả khi quan hệ thương mại quân sự với Mỹ phát triển nhanh, New Delhi cũng không từ bỏ hợp tác truyền thống với Nga. Thực tế, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Ấn Độ, cùng với Pháp và Israel. Đơn giản chỉ là việc Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn chiến lược qua việc mở rộng hợp tác với nhiều đối tác.

Ấn Độ cũng không ngừng phát triển các công nghệ quốc phòng hiện đại để thay thế nhập khẩu. Ấn Độ đang tự đóng, hoàn thiện tàu sân bay thứ hai cho quân đội, sau khi nhận bàn giao từ Nga một tàu sân bay cũ tân trang lại vào năm 2013. New Delhi cũng đang có kế hoạch khởi động đóng tàu sân bay thứ ba bằng chính năng lực nội địa, cùng với đó là kế hoạch hoàn tất ít nhất ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để phiên chế cho lực lượng hải quân. Trên thực tế, Ấn Độ đang chuyển đổi mạnh, từ chỗ là nước nhập khẩu chuyển sang xuất khẩu vũ khí trang bị sang nhiều nước trong khu vực. Ấn Độ đã chuyển giao một loạt tàu tuần tra cho Mauritius vào năm 2015 và đã thảo luận với Việt Nam về hợp đồng cung cấp, chuyển giao tên lửa hành trình.

Một dáng vẻ tự tin mới

Một Ấn Độ tự tin, chủ động tham gia tạo lập thay vì chỉ biết thích ứng trước các diễn tiến toàn cầu đã được thể hiện trong chính sách đối ngoại. Lấy biến đổi khí hậu làm ví dụ. Trong các cuộc đàm phán đa phương kéo dài về chủ đề này, chỉ trong chưa đầy một thập kỉ Ấn Độ đã chuyển mình từ một nước thụ động sang nước đi đầu trong việc xây dựng nghị trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong nhiều năm, New Delhi từng từ chối các đề xuất về cắt giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Ấn Độ xem rằng sẽ không công bằng nếu như các nước phương Tây phát triển trước và là tác nhân xả khí thải nhiều nhất đòi hỏi mức cắt giảm ngang bằng các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ. Nhưng tại Hội nghị thượng đỉnh Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, New Delhi đã cho thấy một cách tiếp cận mới. Cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Modi tuyên bố về một liên minh quốc tế về năng lượng mặt trời có trụ sở đặt tại Ấn Độ, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy việc triển khai, áp dụng nhanh chóng năng lượng mặt trời, cắt giảm chi phí tài chính và phát triển. Xét tới tham vọng của Ấn Độ và việc tăng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời lên mức 100 gigawatt vào năm 2022, liên minh này đã cho phép Ấn Độ đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc tế và bổ sung cho các kế hoạch năng lượng khác ở trong nước. Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris cho thấy một phong cách khác trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Đó không phải là một Ấn Độ từng khiến vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đổ vỡ, mà là một gương mặt mới – một Ấn Độ tham gia giải quyết các thách thức của thế giới.

Về quốc phòng và an ninh, Ấn Độ đã củng cố năng lực cho riêng mình trong một thập kỉ qua, đến mức mà chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis phải liên tục ngợi khen là “nhà bảo trợ an ninh khu vực”. Tham vọng hàng hải của Ấn Độ, đặc biệt là mục tiêu ưu tiên ở Ấn Độ Dương, chính là sự đáp trả các bước đi mạnh bạo của Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở Nam Á. Gia tăng trợ giúp phát triển hạ tầng với Bangladesh, Maldives, Sri Lanka và nhất là Pakistan, cùng với căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti đã giúp vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Năm 2012, New Delhi đưa ra quyết định bước ngoặt về phát triển hải quân, với yêu cầu nâng số tàu chiến từ 138 lên 198 chiếc. Năm 2015, Ấn Độ lặng lẽ ký thỏa thuận với đảo quốc Seychelles về thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của Ấn Độ ở nước ngoài. Cũng trong năm này, Ấn Độ là nước đi đầu trong nỗ lực sơ tán 1.000 công dân nước ngoài thuộc 41 quốc gia bị mắc kẹt ở Yemen, trong đó có nhiều công dân Mỹ. Khi Nhật Bản đồng ý tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào năm 2015, Ấn Độ có cơ hội trình diễn, phô trương tàu chiến, máy bay, tàu ngầm cùng với hai cường quốc dân chủ mạnh nhất ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc làm sâu sắc hợp tác với phương Tây, trong một thập kỉ trở lại đây New Delhi cũng cho thấy quyết tâm đầu tư vào các tổ chức quốc tế. Ấn Độ không tìm kiếm lật đổ trật tự toàn cầu, mà chỉ muốn các thiết chế như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) và nhiều tổ chức khác mở rộng quy mô để Ấn Độ có chỗ đứng trong đó. Nhưng khi tiến trình cải cách các tổ chức này đình trệ, New Delhi đã thực hiện chính sách “bỏ trứng vào nhiều rỏ”.

Hãy xem Nhóm các nền kinh tế đang nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Chỉ sau chưa đầy một thập kỉ, BRICS đã trở thành diễn đàn ngoại giao quan trọng, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn những điều mà giới quan sát mong đợi. Tại Hội nghị thượng đỉnh 2012 của Nhóm, BRICS bắt đầu thảo luận về việc thành lập Ngân hàng phát triển mới (NDB) và chỉ chưa đầy 4 năm sau NDB đã cho công bố khoản vay đầu tiên. Đây là thiết chế mà 5 nước thành viên có tiếng nói ngang bằng nhau, không như vị thế bất bình đẳng mà họ phải chấp nhận ở WB hay IMF. Năm 2014, BRICS thành lập một Quỹ dự trữ, giải pháp thay thế cho IMF để chuyên trợ giúp, xử lý khủng hoảng kinh tế. Ấn Độ cũng ủng hộ Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu và hiện là nước có mức góp vốn lớn thứ hai tại AIIB.

Năm 2017, Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và chủ động hiện diện trong các thiết chế khác nằm ngoài quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ, như Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Dù vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc có được một chỗ đứng tương xứng với quy mô và sức mạnh của riêng mình trong các tổ chức quốc tế truyền thống vốn do phương Tây thống trị, Ấn Độ luôn cho thấy sẵn sàng trợ giúp xây dựng các lãnh địa khác để từ đó có tiếng nói lớn hơn. Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì kiểu quan hệ đa dạng như hiện nay ngay cả khi đẩy mạnh hợp tác với Mỹ. Bất luận thế nào, việc trao cho New Delhi một vị trí xứng đáng trong các diễn đàn đa phương quốc tế lớn của phương Tây sẽ giúp thúc đẩy chứ không ngăn cản lợi ích Mỹ. Tại thời điểm mà hợp tác quốc tế ngày càng phức tạp, việc gia tăng thâm nhập vào các tổ chức mới giúp tạo ra các cơ hội kiểu “diễn đàn mua sắm” như những gì mà chuyên gia chính trị quốc tế Daniel Drezner và nhiều học giả khác từng đề cập. Càng nhiều diễn đàn, càng nhiều lựa chọn sẽ khiến các bên khó đạt được đồng thuận quốc tế và nó cũng làm giảm ảnh hưởng của Washington.

Một chỗ đứng chính thức

Các chính quyền nối tiếp tại Mỹ xem quan hệ với Ấn Độ là một trong những cơ hội chiến lược lớn của Mỹ, tạo ra điều kiện giúp giải tỏa các bất đồng lịch sử, củng cố hợp tác với một thị trường phát triển nhanh, một trụ cột ổn định ở một khu vực có nhiều bất ổn, một nước lớn có khả năng tạo ra thế cân bằng quyền lực ở châu Á và chỗ dựa để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã nỗ lực tái định hình quan hệ Mỹ-Ấn với thỏa thuận bước ngoặt về hợp tác năng lượng hạt nhân ký năm 2005, đánh dấu sự kết thúc 30 năm chia rẽ, bất đồng giữa hai nước về phổ biến hạt nhân. Chính quyền Obama tiếp tục duy trì đà tiến, với nhiều nỗ lực mở rộng hợp tác quốc phòng, kinh tế, ngoại giao.

Nhưng mục tiêu chung không đồng nghĩa với cách tiếp cận đồng nhất. Đó là trường hợp Nga sáp nhập Crimea. Giới chức Ấn Độ lâm vào thế kẹt, hầu như không đưa ra quan điểm công khai ngoại trừ dòng tweet của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này (“Chúng tôi theo dõi sát tình hình đang chuyển biến nhanh chóng và hy vọng các bên tìm ra một giải pháp hòa bình), tránh chỉ trích Nga vi phạm chủ quyền Ukraine như cách làm của Mỹ và phương Tây.

Liên quan đến câu hỏi về đại chiến lược, mong đợi của Ấn Độ muốn được công nhận làm cường quốc toàn cầu bao hàm cam kết không thể chối bỏ đối với những ý tưởng riêng của New Delhi về tự chủ. Dù Ấn Độ vài năm gần đây đã chuyển đổi từ không liên kết sang học thuyết về “tự chủ chiến lược” rồi đến tầm nhìn “thế giới là một gia đình” của chính quyền đương nhiệm, xu hướng chung kết nối với bên ngoài vẫn là độc lập chính sách. Nhưng ý niệm độc lập này đôi khi lại mâu thuẫn với xu thế hành động của Mỹ – nước tin rằng các đồng minh và đối tác cần phải ủng hộ Washington khi tất cả đã ở trên cùng một con tàu.

Một phần nguyên nhân nằm ở chỗ Mỹ không có khuôn mẫu hợp tác đối với quan hệ quốc phòng thân cận ngoài các quy tắc đặc trưng về liên minh chính thức. Việc Chính quyền Mỹ năm 2016 xác định Ấn Độ là “đối tác quốc phòng lớn” – một vị trí được tạo ra chỉ để cho riêng Ấn Độ nhằm thúc đẩy nâng cao hợp tác quốc phòng, cho thấy tình thế riêng biệt của quan hệ Mỹ-Ấn và đánh dấu bước khởi đầu về một cách thức nhìn nhận mới đối với hợp tác này. Ngay cả khi tìm kiếm quan hệ sâu sắc hơn, trong đó có việc sở hữu công nghệ Mỹ, Ấn Độ không muốn gắn chặt mình vào tất cả các sáng kiến do Mỹ lãnh đạo trên toàn thế giới. Có sự khác biệt giữa vị thế “đồng minh tự nhiên” – cụm từ mà cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee mô tả, với các kết nối của đồng minh chính thức. New Delhi muốn cổ xúy mạnh cho “đồng minh tự nhiên” nhưng lại không giới hạn kỳ vọng đối với “đồng minh chính thức”. Xét tới lợi ích kép của Mỹ và Ấn Độ ở châu Á, quan hệ quân sự giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng ngay cả ở xu thế này, giới hoạch định chính sách Mỹ cũng phải biết kiểm soát kỳ vọng và không nên thất vọng khi Ấn Độ biết đâu đó sẽ tăng cường hợp tác với Iran. Để tránh viễn cảnh bực dọc vì New Delhi rời xa các ưu tiên của Washington – thực tế khó tránh khỏi, Mỹ cần định hình quan hệ với Ấn Độ theo cách khác, xem quan hệ Mỹ-Ấn như là một công ty liên doanh thay vì là một đồng minh truyền thống. Điều này đồng nghĩa với việc tách bạch các sáng kiến chung với những lĩnh vực còn bất đồng, ví dụ như chính sách với Iran hay quan hệ với Nga.

Về kinh tế cũng vậy. Mỹ và Ấn Độ đôi khi bất đồng sâu sắc, dù hai bên cam kết thúc đẩy thương mại song phương. Thực tế, Ấn Độ chưa bao giờ e ngại đánh đổ đồng thuận toàn cầu để bảo vệ lợi ích kinh tế mà New Dehli đã xác lập. Một thế kỉ trước đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã cùng chung tay bảo vệ khu vực nông nghiệp, dẫn đến bế tắc và đổ vỡ của vòng đàm phán Doha tháng 7/2008. Năm 2014, Ấn Độ phản đối Thỏa thuận thúc đẩy thương mại (TFA), sáng kiến hướng đến việc xóa bỏ những rào cản thủ tục hải quan, dù trước đó đã đồng ý. Các bên đã phải đàm phán liên tục sau đó mới có thể làm sống lại thỏa thuận này. Gần đây nhất, ngành công nghệ thông tin hùng mạnh của Ấn Độ đã nêu yêu sách về thương mại dịch vụ và coi đây là điểm ưu tiên hàng đầu trong nghị trình đàm phán kinh tế, vì một trong những cách thức để cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin là thực thi dịch chuyển lao động. New Delhi ép buộc các nước khác chấp thuận tiếp nhận lao động có thời hạn của Ấn Độ trong khi lại từ chối mở cửa thị trường nội địa với hàng hóa, dịch vụ đối với bên ngoài. Năm 2016, Ấn Độ chính thức khởi kiện Mỹ ra WTO vì việc tăng phí visa, điều mà New Delhi cho rằng sẽ tác động rất lớn đối với nhân lực ngành công nghệ thông tin. Kết quả phân xử sẽ tạo ra tiền lệ để quản lý và xử lý dịch chuyển nguồn nhân lực khắp toàn cầu.

Bất chấp những khác biệt này, vẫn có không gian cho thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tham vọng toàn cầu của Ấn Độ phụ thuộc vào khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế, vì vậy Ấn Độ cần tiếp tục duy trì đà cải cách hiện nay. Tiến trình chính trị tại New Delhi sẽ quyết định xu thế này, nhưng Mỹ cũng có thể và nên thể hiện một hành động có thiện chí. Đó là đưa Ấn Độ kết nối vào mạng toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Về mặt lịch sử, nhiều thập kỷ đóng cửa cùng với một nền kinh tế quy mô nhỏ đã khiến Ấn Độ không chen chân được vào các thiết chế kinh tế hiệu quả như APEC, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) – những thiết chế tạo ra các quy chuẩn và tạo dựng không gian hợp tác hiệu quả về chính sách kinh tế, phát triển, thương mại.

Xét tới quy mô nền kinh tế hiện nay của Ấn Độ, việc New Delhi nằm ngoài các thiết chế chuyên tạo dựng nghị trình là điều không phù hợp. Một APEC thiếu vắng nền kinh tế lớn thứ ba châu lục sẽ đánh mất tính chính danh và giảm ý nghĩa kinh tế. Mỹ nên ủng hộ trao quy chế thành viên cho Ấn Độ – điều mà cho đến lúc này Washington vẫn từ chối thực hiện. Tương tự như vậy là tranh cãi về chỗ đứng chính thức tại OECD, nhất là khi Ấn Độ đã trở thành nhà tài trợ lớn cho trợ giúp phát triển ở khắp Nam Á và châu Phi. Những năm gần đây, OECD đã lập ra tiêu chí về một nhóm nước “đối tác chủ chốt”, gồm có Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc và Indonesia. OECD tham vấn với nhóm này, nhưng không tính các nước trong nhóm là thành viên. Việc để Ấn Độ bên ngoài OECD cũng khiến Ấn Độ không thể tham gia IEA vì những lý do lịch sử và vì thế IEA mất đi một trong những nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Nếu G7 tiếp tục là thiết chế trung tâm tạo dựng nghị trình kinh tế đối với các nền dân chủ hàng đầu thế giới, đến một thời điểm nào đó Nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc biện minh tại sao lại không triệu tập thêm Ấn Độ khi xét đến quy mô kinh tế ngày một lớn của quốc gia Nam Á này. Quan ngại kiểu đưa Ấn Độ vào có thể sẽ gây đổ vỡ đồng thuận ở các thiết chế kinh tế này là thái quá, vì đây không phải là các diễn đàn đàm phán có tính ràng buộc. Ngược lại, trao cho Ấn Độ một vị trí chính thức tại bàn đàm phán sẽ giúp thiết chế tạo dựng được một tập hợp các nước có cùng quyết tâm, cam kết về minh bạch và mở cửa kinh tế.

Cuối cùng, về lĩnh vực an ninh, Ấn Độ có lý do để tin rằng việc tiếp tục loại trừ New Delhi ra khỏi quy chế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là không công bằng, nếu xét đến quy mô dân số và đóng góp của Ấn Độ đối với hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Ấn Độ là nước đóng góp quân gìn giữ hòa bình hàng năm hàng đầu thế giới). Washington nên tìm kiếm các bước đi tích cực nhằm thực hiện lời hứa về một suất thành viên thường trực cho Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an “được cải tổ và mở rộng”, như Tổng thống Barack Obama đã từng cam kết trước Quốc hội Ấn Độ năm 2010. Thúc đẩy quy chế thành viên cho Ấn Độ có thể sẽ đưa đến thách thức đối với nhiều quan điểm của Mỹ. Nhưng tầm nhìn ngoại giao của Ấn Độ đối với các vấn đề nan giải của thế giới đáng được lắng nghe, xem xét trong một phòng họp chung, ngang với tầm nhìn của Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh. Nhưng thật không may, Hội đồng Bảo an chẳng mấy đoái hoài đến việc mở rộng thành viên kể từ khi ông Obama lên tiếng ủng hộ New Delhi. Cải tổ bị giữ làm con tin, với lý do cũng có nhiều nước khác đòi có được quy chế thành viên thường trực, như Brazil, Đức, Nhật Bản. Đó là còn chưa kể tới việc thiếu đồng thuận trong việc mở rộng quy mô, cũng như câu hỏi các thành viên mới sẽ có quyền phủ quyết hay không.

Ngay cả khi Liên hợp quốc tiếp tục trong trạng thái trì trệ, vẫn có nhiều diễn đàn khác mà Ấn Độ có thể tham gia đóng góp mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của Washington. Mỹ cần phải làm tốt hơn phần việc bình thường hóa thực tế Ấn Độ trỗi dậy và nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia Nam Á này đối với lợi ích quốc gia của Mỹ và của thế giới, như cách Washington làm với nhiều đối tác châu Âu thân cận khác. Dù còn có khác biệt, cả ông Modi lẫn người tiền nhiệm Singh đều có chung một niềm tin: Đó là thời cơ đã đến để Ấn Độ xác lập vị thế trên trường quốc tế. Mỹ cần bước đến và đón nhận sự xuất hiện này, thay vì chỉ biết đứng chờ đợi.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: