Che Guevara – Sức sống của một huyền thoại

50 năm sau cái chết của anh, cái tên Che Guevara lại được hô vang trên các đường phố khắp thế giới. Điều này đã một nữa chứng minh rằng: Che Guevara mãi mãi là một huyền thoại.

Có những cái chết đã hóa thành bất tử – đó là ý thơ của một nhà thơ Việt Nam khi nói về những chiến sĩ cách mạng và không phải đến bây giờ những kẻ đã ra lệnh thủ tiêu Che Guevara mới thấm thía câu nói đó.

Nhưng 50 năm sau cái chết của anh, cái tên Che Guevara lại được hô vang trên các đường phố khắp thế giới. Điều này đã một nữa chứng minh rằng: Che Guevara mãi mãi là một huyền thoại.

Từ phút cuối…

“Cách tốt nhất là tôi nên ngã xuống trong một trận đánh”, đó là câu nói cuối cùng của Che Guevara với chính kẻ đã thông báo với anh rằng sẽ không có bất cứ một phiên tòa và hắn đã nhận được lệnh phải thủ tiêu anh ngay lập tức.

Felix Rodriguez – một cựu điệp viên của CIA người gốc Cuba đã từng làm việc cho quân đội Bolivia năm 1967 đã lần đầu tiên tiết lộ trước báo giới về những giây phút cuối của người anh hùng trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của hãng BBC hôm thứ Hai vừa qua.

“Tôi nhận được bức điện báo với những mật mã hết sức đơn giản: 500- 600”, Felix Rodriguez nói. Trước đó, trong chiến dịch truy lùng và vây bắt Che Guevara, chính quyền quân đội Bolivia lúc đó đã thông báo tới tất cả những tên tham gia chiến dịch 3 mật lệnh đơn giản: 500 có nghĩa là Che Guevara, 600 – giết, 700- để cho sống.

Hôm 9/10/1967, một ngày sau khi bắt được Che Guevara, tất cả những tên trong biệt đội canh giữ anh còn cố tranh nhau để được chụp ảnh với con người đã khiến cho những chính quyền độc tài Nam Mỹ phải run sợ suốt bao nhiêu năm qua.

Chỉ đúng 1 tiếng đồng hồ sau khi chụp ảnh, Felix Rodriguez nhận được bức mật lệnh. Hắn thậm chí còn không tin là lệnh hành quyết Che được ban ra sớm như vậy và đã phải đánh điện đàm để hỏi lại và cũng giống như bức đầu tiên, bức điện chỉ có 2 dòng: 500 – 600. Và rồi chính hắn là kẻ đã thi hành quyết định hèn hạ đó mà không hề biết rằng chính việc thủ tiêu Che đã khiến cho tên tuổi của anh trở nên vĩnh cửu. Và anh đã tái sinh, người ta có thể nhớ như in những lời ấy trên đường phố Santiago, Chile, trong khi khắp châu Mỹ Latin gào thét: “Chúng ta sẽ không bao giờ để anh bị lãng quên!”.

… Đến sức sống mãnh liệt

“Che là một phần trong những suy nghĩ của tất cả chúng ta”, ông Juan Vela Valdes, Bộ trưởng Bộ giáo dục đại học Cuba đã nói trong buổi lễ ra mắt bộ phim nói về người anh hùng của cách mạng thế giới tại trường đại học Santa Clara, nơi mà Che đang nằm yên nghỉ. Sức sống mãnh liệt của cái tên Che Guevara không chỉ tồn tại ở Cuba mà còn ở trên hầu khắp các nước trên thế giới. Mỗi khi nhắc đến tên anh, những xúc cảm lại dâng trào.

Người ta còn nhớ hồi năm ngoái khi chuỗi các cửa hàng băng đĩa nhạc của hãng Target ở Mỹ quyết định lấy hình ảnh của Che để làm bìa cho một đĩa CD ca nhạc, sự phẫn nộ của dân chúng Mỹ nhằm vào CIA lại được dịp bùng lên khi mọi người vẫn cho rằng chính CIA đã đứng đằng sau để “giật dây” chính quyền Bolivia trong quyết định thủ tiêu người anh hùng. Sự ngưỡng mộ của mọi người đối với Che đã lan truyền sang cả với những người con của anh.

Một lần, khi Aledia Guevara March – cô con gái đầu lòng của Che đang đi xe máy trên đường phố Cuba, một nhóm du khách quốc tế đã ào đến ôm hôn chị. Alfredo Moreno, một du khách 32 tuổi người Mexico đã thổ lộ: “Tôi cảm thấy khắp người nổi gai ốc. Tôi không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình và chắc chắn bạn cũng không thể nào hiểu được giây phút này có ý nghĩa với tôi đến thế nào”. Và chính tình cảm đó của mọi người đã khiến cho Aledia Guevara phải thốt lên: “Tôi cảm thấy mình giàu có hơn cả nữ hoàng Anh”.

Hình ảnh Che ngày càng có sức lan tỏa và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chuyến đi bằng xe máy xuyên châu Mỹ La-tinh của ông và một người bạn thân hồi năm 1952 đã được dựng thành phim The Motorcycle Diaries vào năm 2004. Người ta cũng có thể thấy hình ông, qua cú bấm máy bất tử của nhà nhiếp ảnh Alberto Korda hoặc phiên bản của nghệ sĩ người Ireland Jim Fitzpatrick ở khắp nơi.

Nó được xăm lên vai các ngôi sao bóng đá và nghệ sĩ nhạc pop, in lên áo thun và nhiều loại hàng hóa khác. Nó xuất hiện trong nhà hàng ở Indonesia, trên khán đài sân vận động bóng đá ở Ecuador, trên cửa xe hơi ở Pháp, trên những bức tường ở Trung Quốc và tại nhiều khu nhà ổ chuột ở châu Phi. Tấm ảnh lịch sử chụp Che dự đám tang các nạn nhân trong vụ nổ tàu chở vũ khí tại cảng La Havana vào năm 1960 từng được Viện Nghệ thuật Maryland (Mỹ) đánh giá là “tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng nhất thế giới và là biểu tượng của thế kỷ 20”.

50 năm sau ngày mất, anh vẫn bất tử, cũng như những câu nói của anh vẫn còn nguyên giá trị: “Khi bạn giận run người trước những bất công, thì bạn là đồng chí của tôi”, “Tôi thà chịu chết đứng chứ nhất định không chịu sống mà phải quỳ gối”.

>> Đôi nét về tiểu sử Che Guevara
.

Theo CHE-VIETNAM.COM

Tags: , ,