⠀
CHDCND Triều Tiên từng nhập khẩu 100 trực thăng Mỹ như thế nào?
Cho đến nay, chưa quốc gia nào có thể “vượt mặt” Triều Tiên trong phi vụ chuyển trót lọt gần 100 trực thăng mới xuất xưởng từ Mỹ về nước vào thập niên 1960.
Ngày 27/7/2013, CHDCND Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953). Từng đoàn xe tăng và xe bọc thép diễu binh trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong khi trên bầu trời, 4 máy bay trực thăng MD 500E do Mỹ sản xuất cũng đồng loạt phô diễn sức mạnh. Đây chính là những hình ảnh đầu tiên xác nhận việc Triều Tiên sở hữu phi đội gồm 87 chiếc trực thăng do Mỹ sản xuất mà Bình Nhưỡng đã nhập lậu từ hơn 1/4 thế kỷ trước.
MD 500 là phiên bản dân sự của dòng trực thăng trinh sát hạng nhẹ OH-6 Cayuse được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng từ những năm 1960. Được gọi là trực thăng “Trứng bay” do thiết kế đơn giản giống hình quả trứng, MD 500 được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động sơ tán thương binh, hộ tống các trực thăng vận tải, do thám đối phương và yểm trợ hỏa lực hạng nhẹ cho các lực lượng dưới mặt đất bằng súng cỡ nhỏ và rocket.
Ngoài mức giá rẻ, chỉ khoảng 20.000 USD/chiếc vào thời điểm năm 1962, trực thăng MD 500 còn có ưu điểm về sự linh hoạt và có kích cỡ đủ nhỏ để có thể bay tới những khu vực mà các trực thăng khác không thể tới được. Hiện nay các phiên bản cải tiến của MD 500 là MH-6 và AH-6 vẫn được quân đội Mỹ sử dụng trong các chiến dịch ở châu Phi và Trung Đông.
Đơn hàng bất thường
Vào thập niên 1980, tập đoàn chế tạo máy bay McDonnell Douglas đã nhận được đơn hàng gồm 102 trực thăng từ Delta-Avia Fluggerate – một doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký kinh doanh tại Tây Đức do doanh nhân Kurt Behrens đứng tên. Từ năm 1983-1985, công ty Associated Industries của Mỹ đã nhận chuyển 86 trực thăng MD 500 D và E cùng một trực thăng Hughes 300 (trực thăng 2 chỗ ngồi có kích cỡ nhỏ hơn MD 500) của McDonnell Douglas thông qua 6 chuyến hàng xuất khẩu của Delta Avia tới các nước Nhật Bản, Nigeria, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tới tháng 2/1985, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ rằng cơ quan này đã phát hiện một số điểm bất thường “đáng ngạc nhiên” trong hoạt động của Delta Avia, bao gồm những khai báo gian dối về điểm cập bến của các tàu hàng chở số trực thăng nói trên. Ví dụ, 15 trực thăng ban đầu được chuyển đến Rotterdam (Hà Lan), sau đó được đưa lên tàu chở hàng Prorokov của Liên Xô bằng đường bộ và tiếp tục được chuyển tới Triều Tiên. Tương tự, một tàu chở hàng tại Nhật Bản cũng đã chuyển 2 trực thăng cho một tàu chở hàng Triều Tiên neo đậu tại Hong Kong và cuối cùng cũng được chuyển đến Triều Tiên. Một thông tin đáng chú ý nữa cũng được phát hiện đó là, anh em nhà Semler, những người điều hành Associated Industries, thực chất nắm phần lớn vốn sở hữu tại Delta Avia.
Trong khi 87 trực thăng được vận chuyển trót lọt, 15 chiếc MD 500 còn lại đã bị thu giữ và anh em nhà Semler cũng đã bị xét xử vào năm 1987 với cáo buộc vi phạm lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng sang Triều Tiên. Các thông tin được phanh phui sau đó cho biết Delta Avia thực chất là một công ty bình phong được dựng lên để chuyển máy bay tới Triều Tiên và những người chủ mưu sẽ được nhận 10 triệu USD sau khi hoàn tất hợp đồng. Một hãng bảo hiểm ở London cũng bị phát hiện dính líu tới phi vụ này và toàn bộ số tiền giao dịch được thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ.
Theo National Interest, tập đoàn McDonnell Douglas đã bị lừa ngoạn mục khi chuyển gần 100 chiếc trực thăng sang Triều Tiên – quốc gia vẫn luôn coi Mỹ là kẻ thù. Tuy nhiên, anh em nhà Semler rốt cuộc vẫn được giảm án vì thành khẩn khai báo và số tiền họ phải nộp phạt cũng ít hơn rất nhiều so với số tiền mà họ nhận được trong phi vụ chuyển trực thăng này.
Anh em Semler cũng cáo buộc doanh nhân Kurt Behrens đã cố tình lừa họ về điểm đến của những chiếc trực thăng. Trong khi đó, Behrens vẫn cố bao biện rằng MD 500 không nằm trong diện cấm xuất khẩu sang Triều Tiên của Mỹ vì chúng không phải là trực thăng quân sự.
Sau này, có nguồn tin tiết lộ rằng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng biết về vụ nhập lậu trực thăng cho Triều Tiên. Vụ việc này được cho là do một tùy viên sứ quán Triều Tiên ở Berlin, Đức dàn xếp và được một công ty xe tải của Liên Xô ở Tây Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, CIA quyết định không cung cấp thông tin về vụ nhập lậu trực thăng cho giới chức dân sự Mỹ vì không muốn để lộ việc cơ quan này từng nghe lén Đại sứ quán tại Đức.
Mục đích của Triều Tiên
Vì sao Triều Tiên vẫn muốn sở hữu MD 500 trong khi mẫu trực thăng phiên bản dân sự này không được trang bị bất kỳ công nghệ tiên tiến hay phụ tùng đặc biệt nào mà Triều Tiên hoặc Liên Xô phải có bằng mọi giá?
Thực tế, nhiều nước vẫn muốn mua MD 500 do giá thành rẻ và có thể dễ dàng trang bị thêm súng cũng như rocket để sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Hàn Quốc đã trang bị hơn 270 chiếc MD 500 cho lực lượng Không quân và Lục quân của nước này.
Triều Tiên có thể cũng muốn sở hữu phi đội MD 500 để sử dụng chúng trong các hoạt động xâm nhập qua khu phi quân sự liên Triều, tiến hành các đợt đột kích bất ngờ hoặc đưa gián điệp cũng như các đối tượng chống phá sang lãnh thổ Hàn Quốc.
Triều Tiên hiện có hơn 200.000 lính đặc công trong Lực lượng Tác chiến Đặc biệt, đông hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong trường hợp xảy ra xung đột với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng sẽ triển khai hàng nghìn đặc nhiệm vào quốc gia láng giềng thông qua hệ thống đường hầm, tàu ngầm, tàu tàng hình hoặc trực thăng để phá hủy đường dây liên lạc và tiếp tế của Hàn Quốc đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi.
Sau khi nghe tin về vụ nhập lậu MD 500 cho Triều Tiên, cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan đã giận dữ chỉ trích Mỹ vì vô tình “tiếp tay” cho kế hoạch xâm nhập của Triều Tiên trở nên dễ dàng hơn.
Triều Tiên đã giữ bí mật về phi đội MD 500 trong suốt hàng chục năm, mặc dù một đại tá Triều Tiên từng tiết lộ về việc mua sắm loại trực thăng này trong cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel vào năm 1996. Bình Nhưỡng cũng gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động của phi đội này cũng như nguồn cung các phụ tùng cho trực thăng của Mỹ.
Sau khi “trình làng” vào năm 2013, MD 500 cũng được nhìn thấy xuất hiện trong triển lãm hàng không Wonsan hồi năm 2016. Một trong số các trực thăng này còn trình diễn phục vụ khán giả tới xem triển lãm. Triều Tiên đã sửa đổi các trực thăng MD 500 để chúng có thể mang theo 4 tên lửa chống tăng Susong-Po. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã hướng đến việc phát triển MD 500 thành trực thăng tấn công.
Triều Tiên không phải là quốc gia duy nhất lợi dụng các công ty bình phong để lấy được vũ khí Mỹ. Iran từng nổi tiếng với phi vụ mua các phụ tùng từ Mỹ để trang bị cho các máy bay chiến đấu F-14 Tomcat trong hàng thập niên. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa quốc gia nào có thể “vượt mặt” Triều Tiên trong phi vụ chuyển trót lọt 87 trực thăng mới xuất xưởng từ Mỹ về nước như vậy.
Theo DÂN TRÍ / THE NATIONAL INTEREST
Tags: Mỹ, Vũ khí, CHDCND Triều Tiên