CHDCND Triều Tiên có thể giành chiến thắng trước Mỹ bằng cách nào?

Việc đặt niềm tin vào hỏa lực vượt trội và tổ chức quân sự thì những thất bại cũng có thể xảy ra. Những sự thất bại đó là kết quả của tham vọng quân sự ngông cuồng, kể cả việc đánh giá thấp các yếu tố không thể định lượng nhưng lại quan trọng trong chiến tranh như tinh thần chiến đấu hay “các lực lượng tinh thần”.

Bài viết của tác giả Franz-Stefan Gady, phó tổng biên tập tờ The Diplomat. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Đã đến lúc xem xét lại lời khẳng định rằng thất bại của Triều Tiên đã được định trước.

Sự thất bại của Triều Tiên trong một cuộc chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Ít nhất đó là sự đồng thuận trong số hầu hết các chuyên gia về quân sự. Cuộc chiến sẽ “ác hiểm, tàn bạo và ngắn ngủi” và có thể làm thiệt mạng tới 20.000 người mỗi ngày thậm chí trước khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kết quả chắc chắn sẽ là: Sự thất bại của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Kết luận này được rút ra dựa trên việc phân tích các khả năng quân sự tương đối của Triều Tiên, chủ yếu được xem như một chức năng của kho dự trữ vũ khí quân sự và đạn dược của nước này, so với Hàn Quốc và Mỹ.

Việc tập trung chủ yếu vào vũ khí quân dụng hạng nặng của Triều Tiên – dù là vũ khí trong chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống pháo binh, hay lực lượng tàu ngầm – trong việc đánh giá sức mạnh chiến đấu của Triều Tiên là điều có thể hiểu được. Chẳng hạn, việc xác định số lượng các khả năng quân sự luôn dễ dàng hơn là các cấp độ huấn luyện và động cơ của một lực lượng. Đặc biệt trong trường hợp quân đội Triều Tiên, mà đã không tiến hành một cuộc chiến tranh nào trong 6 thập kỷ qua, những lỗ hổng tình báo đã phóng đại hiện tượng cũ rằng các nhà phân tích quân sự có xu hướng tập trung vào những gì có thể định lượng. (Chẳng hạn, số lượng khẩu đội pháo và các loại đạn dược được bắn) hơn là những gì không thể định lượng.

Xét cho cùng, nếu Triều Tiên hết đạn dược, thì cả tinh thần vượt trội và các chiến thuật cũng sẽ không thể bù đắp được sự thiếu hụt này, đúng như câu châm ngôn cũ theo chủ nghĩa đế quốc của Anh rằng: “Bất kể điều gì xảy ra, chúng ta có súng máy Maxim, còn họ thì không”. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của sự mất cân bằng về công nghệ quân sự vào thế kỷ 19 khi các quân đội của châu Âu, giống như lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ hiện nay, đặt niềm tin của họ vào hỏa lực vượt trội và tổ chức quân sự thì những thất bại cũng có thể xảy ra. Những sự thất bại đó là kết quả của tham vọng quân sự ngông cuồng, kể cả việc đánh giá thấp các yếu tố không thể định lượng nhưng lại quan trọng trong chiến tranh như tinh thần chiến đấu hay “các lực lượng tinh thần”.

Như Carl von Clausewitz lưu ‎ý trong cuốn “Bàn về chiến tranh”, các lực lượng tinh thần “nằm trong số các đối tượng quan trọng nhất trong chiến tranh”. Chúng “là tinh thần thấm vào toàn bộ yếu tố của cuộc chiến”. Tuy nhiên, như triết gia người Phổ viết về những lời kêu than trong chiến tranh: “Đáng tiếc chúng tìm cách thoát ra khỏi tất cả kiến thức sách vở, vì chúng sẽ không được đưa vào những con số hay các lớp học, và chỉ muốn được nhìn thấy và cảm nhận”. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, bằng cách loại trừ các lực lượng tinh thần và các nhân tố không thể định lượng khác, chúng ta có được một sự hiểu biết mang tính hệ thống và toán học rõ ràng về việc bằng cách nào một cuộc chiến tranh như vậy có thể diễn ra giống với những ý tưởng khoa học giả tưởng trước năm 1914 của Bộ Tổng tham mưu Đức-Phổ về một cuộc chiến tranh chung ở châu Âu.

Do đó, dựa trên lời nhận xét của Clausewitz về khả năng không thể dự đoán cố hữu của chiến tranh và những lời giảng của ông về tầm quan trọng của lực lượng tinh thần trong xung đột, có thể đáng để đặt ra câu hỏi: Liệu rằng bất chấp các khả năng quân sự tương đối hạn chế của mình, Triều Tiên vẫn có thể chiến thắng một cuộc chiến tranh hay không? Và nếu như vậy thì bằng cách nào? Trong trường hợp đó chiến thắng dành cho Triều Tiên được xác định bằng các cách sau đây. Thứ nhất, duy trì chế độ Kim Jong-un. Thứ hai, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Triều Tiên. Tuy nhiên, một phân tích thấu đáo về tinh thần sẽ không chỉ đem đến một cái nhìn cận cảnh hơn về Triều Tiên, mà điều quan trọng hơn là các lực lượng tinh thần tham gia trong quân đội Mỹ và Hàn Quốc và trong ban lãnh đạo dân sự và quân sự cấp cao của họ. Điểm mấu chốt là chúng ta phải xem xét khả năng Kim Jong-un có các phương tiện để tái tạo một tình trạng bế tắc quân sự trên bán đảo Triều Tiên và hệ quả là “giành chiến thắng” trong Chiến tranh tranh Triều Tiên lần thứ hai.

(Trong bài viết ngắn này, tác giả không đề cập đến vấn đề chiến tranh kinh tế, cũng như không đi vào các chi tiết khi đề cập đến sự hỗ trợ bên ngoài dành cho Triều Tiên trong trường hợp có xung đột).

Bằng cách nào Triều Tiên có thể giành chiến thắng: Các khả năng bất cân xứng

Để Triều Tiên “giành chiến thắng” một cuộc chiến tranh chống Hàn Quốc và Mỹ, họ sẽ cần đạt được một kiểu bế tắc quân sự nào đó. Chiến lược quân sự của Triều Tiên tập trung vào chiến tranh du kích, chiến tranh pha tạp đa hình thái, và chiến tranh thông thường kiểu Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng-ND). Kể từ khi Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo, quân đội ngày càng tập trung vào việc tiến hành chiến tranh tổng lực, một phần dựa trên việc phát triển các khả năng bất cân xứng bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Như Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố trong một đánh giá: “Trong tình huống bất trắc, các lực lượng của Triều Tiên có khả năng dùng đến chiến tranh pha tạp đa hình thái, chiến tranh du kích và Blitzkrieg. Có khả năng lớn họ sẽ phát động các cuộc tấn công bất ngờ ồ ạt vào các mục tiêu hạn chế, chủ yếu sử dụng các khả năng bất cân xứng của họ”. Do đó, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nên được nhìn nhận trong bối cảnh một chiến lược tiến hành chiến tranh toàn diện được tạo ra để có thể thực hiện cuộc xung đột thông thường và pha tạp đa hình thái với Hàn Quốc và Mỹ nếu răn đe thất bại.

Quả thật, một tình trạng bế tắc quân sự trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đạt được thông qua việc sử dụng các khả năng bất cân xứng của Triều Tiên. Bruce W. Bennett, một nhà nghiên cứu về quốc phòng tại Tập đoàn RAND, đã nói với tờ The Diplomat trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi không nghĩ rằng Triều Tiên có thể đạt được một tình trạng bế tắc thông thường trong một cuộc xung đột mà ở đó Mỹ/Hàn Quốc quyết định rằng họ cần phải xâm lược Triều Tiên. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hóa học, sinh học và thậm chí có lẽ cả vũ khí hạt nhân để tạo ra một tình trạng bế tắc cần thiết”. Bennett cho biết thêm: “Triều Tiên thừa nhận ưu thế về công nghệ quân sự của Mỹ vượt trội hơn đáng kể so với những sự tiến bộ về quân sự của họ cho đến cuối những năm 1970. Bắt đầu vào đầu những năm 1980, nếu không muốn nói là sớm hơn, Triều Tiên bắt đầu điều chỉnh danh mục đầu tư quân sự của họ để bao gồm tất cả các dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt, cộng thêm pháo, tên lửa đạn đạo và các lực lượng đặc biệt cần thiết để phóng những vũ khí đó. Tình thế khó xử đối với Triều Tiên là những gì xảy ra khi họ bắt đầu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Một khả năng bất cân xứng khác đang phát triển nhanh mà Triều Tiên đang tiếp tục thực hiện là chiến tranh mạng. Theo tin tức tình báo quân sự của Hàn Quốc, Triều Tiên đã thành lập một đơn vị các chuyên gia về chiến tranh mạng gồm 6800 người có khả năng tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng khác nhau. Greg Austin, một giáo sư tại Trung tâm an ninh mạng Úc thuộc Đại học New South Wales, nói với tờ The Diplomat: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những sự bất ngờ, nhưng nói chung, có lẽ Triều Tiên không có khả năng thu thập thông tin tình báo và phân tích phức tạp cho các hoạt động chiến tranh mạng hiệu quả dựa trên bất kỳ cơ sở được duy trì nào. Chiến tranh mạng không dễ dàng như tấn công gây phiền nhiễu hay hoạt động gián điệp đơn giản. Mối đe dọa về mạng lớn nhất đến từ Kim Jong-un là mối đe dọa đến cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng, có thể bao gồm các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc”.

Jason Healey, một học giả nghiên cứu cấp cao và chuyên gia về xung đột mạng của Đại học Columbia, nói rằng có một vài cách mà Triều Tiên có thể làm chậm lại những nỗ lực chiến tranh của Hàn Quốc và Mỹ: “Tôi ngờ rằng tai họa họ mang đến có thể ở một vài lĩnh vực, một nhằm vào Mỹ và một vào Hàn Quốc. Tai họa nhằm vào Mỹ sẽ là cố gắng phá hoại các mạng lưới giao thông vận tải, như sân bay và đặc biệt là việc vận chuyển đường biển mà qua đó chúng ta có thể đưa lực lượng đến khu vực. Đúng là chúng ta đã biết về các mối đe dọa đó trong hàng thập kỷ nhưng tôi nghi ngờ vẫn có những điểm dễ tổn thương vì ngay cả các cuộc tấn công bằng từ chối dịch vụ (DDoS) hay mã độc tống tiền (chẳng hạn, mã độc NotPetya tấn công hãng vận tải Maersk) cũng có thể là đủ. Tai họa nhằm vào Hàn Quốc có thể làm gián đoạn đèn giao thông, máy rút tiền tự động (ATM) và cơ sở hạ tầng khác nhằm tăng sự hoảng loạn và đặc biệt là trì hoãn việc di tản của Seoul trong khi đó hạn chế các khả năng Mỹ đưa lực lượng vào các vị trí chiến đấu”.

Tuy nhiên, Healey bác bỏ ý tưởng rằng Triều Tiên sẽ có khả năng làm gián đoạn hay thậm chí đánh cắp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Mỹ: “Không đời nào. Việc này là khó thậm chí cả với Nga và Trung Quốc, và Trung Quốc không có vẻ gì sẽ giúp đỡ họ. Người mắc bệnh hoang tưởng thực sự có thể lo lắng về một kẻ nội gián bị tống tiền, nhưng đó chỉ là một sự suy diễn lố bịch không thể tin nổi”.

Các lực lượng tác chiến đặc biệt của Triều Tiên cũng sẽ góp phần vào việc đạt được một sự đối đầu giằng co trong trường hợp có xung đột. Lực lượng này hiện nay được ước tính có khoảng 200.000 người và bao gồm một loạt rộng rãi đơn vị kể cả sư đoàn bộ binh hạng nhẹ, lực lượng tấn công đổ bộ và lữ đoàn bắn tỉa. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giải thích trong một bài đánh giá: “Trong thời chiến, các đơn vị tác chiến đặc biệt có khả năng thâm nhập vào cả các khu vực phía trước lẫn phía sau thông qua các đường hầm ngầm và khu phi quân sự (DMZ) hoặc với sự giúp đỡ của các phương tiện thâm nhập khác, như tàu ngầm, tàu đổ bộ đệm khí (LCAC), máy bay AN-2 và máy bay trực thăng, để thực hiện các hoạt động pha tạp đa hình thái bằng cách tấn công các đơn vị, cơ sở và căn cứ mang tính sống còn, ám sát các nhân vật then chốt và phá hoại các khu vực phía sau”. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiểu được rằng các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên không được triển khai cho các hoạt động quân sự trên quy mô toàn diện kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc. Do đó, khó có thể đánh giá toàn bộ hiệu quả chiến đấu của họ.

Cuối cùng, không nên đánh giá thấp các lực lượng thông thường của Triều Tiên trong trường hợp có một cuộc xung đột. Triều Tiên có gần 1,2 triệu binh lính ở nhiều nhánh quân sự thông thường khác nhau của nước này. 70% lực lượng mặt đất của Triều Tiên đóng ở gần khu DMZ (Phi quân sự) phía Nam tuyến Bình Nhưỡng-Wonsan. (Tác giả sẽ không đề cập đến các khả năng của lực lượng không quân và hải quân của Triều Tiên ở đây).

Theo ước tính của tình báo Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên đã và đang tiếp tục cải thiện các khả năng tác chiến của họ. Trong số những điều khác, điều này dẫn đến việc thực thi một hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến thuật tích hợp nhằm cải thiện các khả năng C4I (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính và tình báo). Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lưu ý: “Triều Tiên cũng đang cải thiện các khả năng tác chiến của họ thông qua việc hiện đại hóa thiết bị, với các đơn vị thiết giáp và cơ giới hóa hiện đang được trang bị các xe tăng chiến đấu chính Chonma-ho (Thiên mã) và Songun-ho (Tiên quân)”. Gần đây, Triều Tiên cũng triển khai các phương tiện phóng đa tên lửa 300 milimet gần biên giới và nhìn chung đã củng cố các lực lượng pháo binh của nước này. Tuy nhiên, như cựu Tham mưu trưởng Quân đoàn 8 của Mỹ tại Hàn Quốc Đại tá James Creighton nói với tờ The Diplomat: “Gần đây cấp độ huấn luyện của pháo thủ Triều Tiên đã giảm bớt”. Mặc dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định rằng các lực lượng Triều Tiên có khả năng “tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Hàn Quốc vào bất kỳ lúc nào”.

Triều Tiên được ước tính là có một kho dự trữ quân sự đủ lớn (chẳng hạn, đạn dược, nhiên liệu) để chiến đấu từ 1-3 tháng. (Sự giúp đỡ về quân sự bí mật hoặc công khai của Nga và Trung Quốc có thể kéo dài lịch trình này).

Cách thức Triều Tiên có thể giành chiến thắng: Các lực lượng tinh thần

Tuy nhiên, việc thảo luận về một tình trạng bế tắc quân sự có khả năng trong trường hợp có một cuộc chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc sẽ không trọn vẹn nếu không tính đến tinh thần và động cơ chiến đấu, như tác giả đã đề cập phía trên. Hãy chỉ xem xét 1 kịch bản. Nếu một cuộc chiến tranh nổ ra và ngưỡng vũ khí hủy diệt hàng loạt cùng với các cuộc tấn công pháo binh thông thường trên quy mô toàn diện vào Seoul bị vượt qua, các lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ sẽ buộc phải xâm lược lãnh thổ Triều Tiên. Trong khi không quân Mỹ và Hàn Quốc sẽ có khả năng tiêu diệt một số lượng đáng kể các mục tiêu ở Triều Tiên, vẫn sẽ cần binh lính mặt đất để loại bỏ pháo binh và các địa điểm phóng tên lửa một cách chắc chắn.

James Creighton cho biết: “Khoảng 7.000 đường ống của Triều Tiên đặt ở Seoul đều đã được chôn vùi sâu. Không quân Mỹ và Hàn Quốc kết hợp với pháo binh Mỹ và Hàn Quốc được huấn luyện và tập trận tốt để loại bỏ chúng nhưng khả quan nhất cũng có thể sẽ phải mất 1-2 tuần”. Nhiều điều có thể xảy ra trong 2 tuần chiến sự đó. Creighton nói thêm: “Tôi tin rằng việc yêu cầu lực lượng không quân có thể tiếp cận được tất các địa điểm là một đòi hỏi khó có thể đáp ứng. Triều Tiên đã phát triển các khả năng di động khiến cho việc này thậm chí khó khăn hơn. Không quân Mỹ chắc chắn có thể phá hủy hầu hết khả năng nhưng không phải là tất cả”.

Trong số các nhân tố khác, thành công quân sự trong một cuộc chiến ở Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào các lực lượng tinh thần đang tham gia.

Lực lượng mặt đất của Mỹ và Hàn Quốc có khả năng sẽ chạm trán với một kẻ thù đã suy yếu đáng kể nhưng vẫn là kẻ tử thù. Thương vong sẽ tăng cao. Ý niệm rằng sức mạnh không quân và các cuộc tấn công được điều khiển chính xác sẽ phá hủy ý chí kháng cự của Triều Tiên có thể bị bác bỏ bằng nhiều ví dụ lịch sử trong quá khứ bao gồm Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, không giống như Iraq, địa lý của Triều Tiên có lợi cho bên phòng thủ. Hơn nữa, so với các lực lượng của Saddam Hussein, quân đội của Kim Jong-un có hàng thập kỷ hòa bình để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ với lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ. Một nghiên cứu của Viện Nautilus lưu ý: “Cả hai bên đều có 50 năm để cân nhắc kỹ về các vấn đề này. Họ cũng sử dụng tất cả khả năng có thể có của con người và máy móc để sắp xếp, tạo dựng mô hình và nghiên cứu tất cả khía cạnh”.

Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) vẫn là xương sống của chế độ Kim Jong-un. Diễn giải theo câu nói hóm hỉnh nổi tiếng về nước Phổ được cho là của Vicomte de Mirabeau: “Các nhà nước khác sở hữu một quân đội, còn Triều Tiên là một quân đội với một nhà nước”. Mặc dù vẫn có sự tranh cãi về ảnh hưởng chính xác của quân đội đối với nhà nước này, nhưng có những dấu hiệu không được biết đến (chẳng hạn, tỷ lệ đào ngũ cao, những câu chuyện về việc không chịu phục tùng…) cho thấy KPA đang gặp phải tình trạng tinh thần đi xuống hoặc thiếu động cơ về ‎ý thức hệ để đối mặt với các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc. Sự nhiệt tình về ý thức hệ của KPA có lẽ được thể hiện rõ nhất qua một cuộc tấn công nổi tiếng vào DMZ năm 1976 khi 2 quân nhân Mỹ bị binh lính Triều Tiên chém chết vì một cây bạch dương. Người dân thường dường như cũng sẵn sàng chịu đựng một cuộc xung đột và nghĩ rằng Triều Tiên có thể chiến thắng, như Nicholas Kristof đưa tin từ Bình Nhưỡng vào tháng này: “Ryang Song-chol, một công nhân nhà máy 41 tuổi, trông có vẻ ngạc nhiên khi tôi hỏi liệu đất nước của anh ta có thể vượt qua được một cuộc chiến tranh với Mỹ, anh ta nói: ‘Chắc chắn chúng tôi sẽ thắng’”.

Bên cạnh đó, trong trường hợp Mỹ-Hàn xâm lược Triều Tiên, việc động viên binh lính Triều Tiên chiến đấu thậm chí sẽ dễ dàng hơn là ngược lại do động cơ mạnh mẽ bảo vệ đất nước của họ. Sự thật đơn giản này về xung đột quân sự có lẽ được minh họa rõ nhất qua trao đổi giữa một người Hàn Quốc nghèo đã cầm súng chiến đấu chống binh lính Triều Tiên trong cuộc nội chiến Mỹ. Vào năm 1862, những kẻ xâm lược được cho là đã hỏi ông: “Tại sao dù thế nào anh cũng chiến đấu?”, ông trả lời: “Tôi chiến đấu vì các anh đang ở đây!”. Động cơ của binh lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc chiến tranh với Triều Tiên sẽ là gì? Ban lãnh đạo Mỹ-Hàn sẽ có một thời gian khó khăn hơn về căn bản để thúc đẩy binh lính trong thời gian dài. Chúng ta có xu hướng tin rằng hiệu ứng “tập hợp dân chúng đứng lên” sau khi chiến tranh bùng nổ kết hợp với một ý thức trách nhiệm chuyên nghiệp sẽ đủ để thúc đẩy binh lính chiến đấu. Tuy nhiên, Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai có lẽ sẽ không giống bất kỳ điều gì mà binh lính Mỹ và Hàn Quốc đã trải qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên gần đây nhất (đặc biệt khi đề cập đến những thương vong) và chúng ta không thể chắc chắn những chiến binh này sẽ phản ứng như thế nào ngay cả với ưu thế trên không của Mỹ-Hàn.

Quả thật, như năm đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên cho thấy tinh thần chiến đấu đi xuống và sự lãnh đạo yếu kém có thể báo hiệu thảm họa bất chấp ưu thế quân sự vẻ bề ngoài khi quân đội Mỹ của Tướng Douglas McArthur phải chạy trốn binh lính Trung Quốc (những người thiếu mọi sự hỗ trợ trên không) vào năm 1950-1951 trong cái được biết đến là “Cuộc đào ngũ lớn”. Như David Halberstam viết trong cuốn “Mùa Đông lạnh giá nhất”: “Điều đặc biệt thất vọng là thực tế rằng đây không phải những binh lính yếu kém được Mỹ đưa đến Triều Tiên khi cuộc chiến tranh bắt đầu: Đây là những binh lính giỏi nhất mà đất nước này có, thế nhưng họ đã bị đánh tơi bời; và hiện nay Mỹ đang chiến đấu với một kẻ thù mà các lực lượng được vũ trang kém cỏi của họ dường như đột nhiên không thể đánh bại. Đây là một phương trình khủng khiếp: Cuộc chiến tranh càng lớn, kẻ thù càng mạnh, sự hỗ trợ về chính trị trong nước cho cuộc chiến càng bị thu hẹp đáng kể và đồng thời trở nên ít ỏi hơn”. Rõ ràng rằng kinh nghiệm của Mỹ ở Việt Nam cũng như là một câu chuyện mang tính cảnh báo cho những gì có thể xảy ra khi các lực lượng quân sự gặp phải tình trạng tinh thần đi xuống và một khoảng trống lãnh đạo.

Tương tự như những binh lính phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên, các lực lượng Mỹ-Hàn sau cùng sẽ phải cân nhắc xem liệu họ có sẵn sàng “hy sinh vì một sự ràng buộc”, như một câu châm biếm hoài nghi vào những năm 1950 đã nói. Điều này hoàn toàn không cho thấy rằng chúng ta nên mong đợi sự không phục tùng công khai. Tuy nhiên, một cựu sĩ quan của quân đội Mỹ viết vào năm 2015: “Không ai thích thất bại, đặc biệt là các quân đội. Điều này đã nhiều lần được thể hiện rằng binh lính sẵn lòng chịu đựng những gian khổ cực độ miễn là cuối cùng chúng dẫn đến những kết quả rõ ràng”. Tuy nhiên, sẽ khó có thể đạt được những kết quả rõ ràng trên bán đảo Triều Tiên trong một chiến dịch quân sự kéo dài. Do đó, có lẽ chúng ta nên giảm bớt hiệu suất chiến đấu của các lực lượng Mỹ-Hàn hoặc ít nhất là xem xét xem liệu cuộc xung đột có kéo dài không hồi kết hay không.

Làm cho tình trạng quân sự này trầm trọng hơn (và tiềm năng làm xói mòn tinh thần chiến đấu hơn nữa và khuếch đại khoảng trống quyền lực) là sự nhìn nhận ngày càng tăng rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm, Donald Trump, đang cố gắng kích động Triều Tiên bắt đầu một cuộc xung đột. Điều này có thể là vì hiểu biết thiếu sót về khái niệm răn đe quân sự. Tuy nhiên, một đảng viên Cộng hòa cấp cao gần đây đã rung hồi chuông cảnh báo và mô tả những lời đe dọa của Trump đối với các nước khác là “liều lĩnh” mà có thể đặt Mỹ “vào con đường đi đến chiến tranh thế giới thứ ba”. Dân chúng Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột mà có khả năng là do tổng thống Mỹ gây ra? Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tinh thần quốc gia? Điều quan trọng hơn là người dân và quân đội Hàn Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu họ nhìn nhận rằng chính sách của Mỹ đã khiến cho Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu mà sau đó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh trên quy mô toàn diện?

Nếu các sự kiện gần đây là một chỉ dẫn không thật sự tốt đẹp: Điều này có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến sự gắn kết và tinh thần của quốc gia.

Kết luận

Sự bùng nổ các hành động thù địch trên bán đảo Triều Tiên là không được định trước. Đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, Chủ nhiệm khoa tại Đại học luật và ngoại giao Fletcher James Stavridis nói với tờ The Diplomat rằng ông có thể hình dung một cuộc trao đổi quân sự “giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể có cả Mỹ mà không dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực. Điều đó có 20% khả năng”. Ông nói thêm: “Tôi muốn nói là có khoảng 10% khả năng kết quả là thất bại và chúng ta cuối cùng rơi vào một vụ nổ hoàn toàn hoặc có thể là vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên”. Tuy nhiên, Stavridis nghĩ rằng có 70% khả năng “chúng ta xoay xở với ngoại giao và các biện pháp trừng phạt” và “kết thúc với một bán đảo vẫn bị chia rẽ… sử dụng một cỗ máy ngăn chặn mạnh mẽ”. James Creighton đồng tình: “Đây là một tình trạng bế tắc quân sự hiện có và đã có trong 70 năm. Tôi sẽ không bác bỏ giọng điệu diễn ra tự nhiên và một sự bế tắc đang tiếp diễn”.

Tuy nhiên, nếu một cuộc xung đột nổ ra, điều quan trọng là hiểu được rằng điều này sẽ không phải là một chiến dịch “sốc và kinh hoàng” kết thúc với một chiến thắng đẫm máu của Mỹ, một Bình Nhưỡng bị san bằng, và một Triều Tiên bị trừng trị. Nó có khả năng sẽ kéo dài lâu hơn và quả thật có thể kết thúc trong thế hòa quân sự mà một phần sẽ là kết quả của những gì Clausewitz gọi là “các lực lượng tinh thần” của chiến tranh. Câu châm ngôn quân sự cổ rằng tinh thần có vai trò quan trọng trong chiến tranh tiếp tục có giá trị ngay cả trong thời đại hạt nhân thứ hai. Do đó, để có được một sự hiểu biết toàn diện hơn về cuộc chiến tranh trong tương lai trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta cần tính toán đến các nhân tố khó định lượng hơn như tinh thần. Chúng ta cần mở rộng các cuộc thảo luận của chúng ta vượt ra ngoài các khả năng quân sự và vũ khí hạng nặng của Triều Tiên để chúng ta không bị bất ngờ nếu các sự kiện không diễn ra theo giả định của chúng ta. Chiến tranh vốn dĩ không thể đoán trước. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta có thể tạo ra những nỗ lực lớn hơn để suy nghĩ về nó một cách toàn diện hơn.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,