Cái giá đắt phải trả phía sau một nền y tế công giá rẻ

Nhìn vào bảng giá dịch vụ ở bệnh viện công, bạn sẽ phải đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để bệnh viện cứu chữa cho bệnh nhân và duy trì hoạt động với nguồn thu ít ỏi như vậy? Nền y tế giá rẻ đang vận hành thực sự rẻ hay sẽ tạo ra nhiều rủi ro, khiến cái giá phải trả trở nên quá đắt? 

Tác giả: Trần Văn Phúc, bác sĩ, hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội.

Bệnh nhân là một chị làm nông ở quê, đến viện khám vì thấy người mệt mỏi, ăn uống kém. Lấy số xếp hàng từ 5 giờ sáng và chờ bốn tiếng, chị được gặp bác sĩ trong vài phút.

Sau hai ngày khám đầy đủ, gồm siêu âm ổ bụng, chị nhận kết quả bình thường. Ba tháng sau, tình trạng mệt mỏi tăng hơn, chị lại đi khám, ổ bụng vẫn bình thường. Đến tháng thứ sáu khám lại, kết quả siêu âm bình thường nhưng bác sĩ vẫn cho chụp CT ổ bụng, không thấy tổn thương. Một năm sau, chị được phát hiện có khối u ác tính gan phải, 4 cm. Vì u đã to, bác sĩ phải điều trị đa mô thức, từ nút mạch hoá chất, đốt sóng cao tần, rồi chờ đợi thể tích gan trái phì đại mới có thể phẫu thuật cắt gan.

Chi phí điều trị ung thư như một cái hố không đáy, hút cạn tiền tích lũy của gia đình, hút sang cả những khoản vay mượn của thân thích, họ hàng. Dù có BHYT, chị vẫn phải chi trả 30%. Tôi chỉ tính hai loại dịch vụ để nhìn thấy khối u gan, gồm ba lần siêu âm với giá 43 nghìn đồng, hai lần chụp CT với giá 800 nghìn đồng, vậy số tiền túi người bệnh phải bỏ ra để khám là 520 nghìn đồng.

Cũng gặp triệu chứng tương tự, một bệnh nhân khác chọn khám ở bệnh viện tư – nơi anh được mời nước uống và thoải mái trao đổi với bác sĩ về bệnh tình. Sau khi siêu âm, giá dịch vụ 500 nghìn đồng, bác sĩ phát hiện khối u gan 5 mm, nhưng chỉ cần đốt sóng cao tần để tiêu diệt tế bào ung thư. Hai ngày sau, anh ra viện.

Những người ở vào tình huống của người bệnh thứ nhất thường thuộc nhóm thu nhập trung bình 5,4 triệu đồng/tháng ở thành phố và 3,5 triệu đồng ở nông thôn. Họ phần lớn có BHYT. Những người không có bảo hiểm có thể khám chữa dịch vụ ở bệnh viện công, giá dịch vụ cũng rẻ bằng giá bảo hiểm. Nhìn vào bảng giá dịch vụ ở bệnh viện công, bạn sẽ phải đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để bệnh viện cứu chữa cho bệnh nhân và duy trì hoạt động với nguồn thu ít ỏi như vậy? Nền y tế giá rẻ đang vận hành thực sự rẻ hay sẽ tạo ra nhiều rủi ro, khiến cái giá phải trả trở nên quá đắt? Để trả lời những câu hỏi ấy, cần nhìn sâu vào từng vấn đề.

Đầu tiên là chính sách bệnh viện công không có quyền định giá. Kể từ cuộc cải cách y tế năm 1986, Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh, áp dụng thống nhất toàn quốc. Các bệnh viện không được tự ý vượt khung. Giá dịch vụ quá thấp, bệnh viện phải tự túc thu chi nên không có tiền mua sắm máy móc chất lượng, vật tư tiêu hao và thuốc tốt, vì thế mà chẩn đoán và điều trị không hiệu quả.

Tôi lấy ví dụ, máy siêu âm có nhiều hãng, nhiều thế hệ, chất lượng khác nhau, giá thành cũng khác. Để siêu âm bệnh lý đơn giản chỉ cần máy 500-700 triệu đồng. Nhưng với bệnh lý phức tạp, phải dùng máy 5-7 tỷ đồng. Hiện tại, giá dịch vụ siêu âm “cào bằng” 43 nghìn đồng, bệnh viện chỉ đủ tiền mua máy 500-700 triệu đồng; không những thế, phải tìm cách duy trì hoạt động của những máy móc cũ kĩ để hạn chế tối đa mua sắm. Vì thế tình trạng thiếu máy móc ở Bệnh viện Bạch Mai không phải là vấn đề gì lạ mà đang xảy ra tại hầu hết cơ sở y tế công.

Mới chỉ một số bệnh viện công bố lo ngại phải đóng cửa, nhưng nhiều giám đốc tâm sự với tôi, họ thường trực nỗi lo kiếm đâu ra tiền để trả lương, để giải quyết số nợ khổng lồ của bệnh viện.

Vấn đề thứ hai, chiến lược “cho chính sách chứ không cho tiền” đã được áp dụng trong thời gian dài và bộc lộ nhiều bất hợp lý, nhưng sự giám sát lại lỏng lẻo. Khi đầu tư của chính phủ không đủ, thì tổng chi phí y tế sẽ được chuyển cho các cá nhân, cho xã hội và các cơ sở y tế.

Đối tượng phải gánh chịu đầu tiên là người bệnh. Tiếp đến là nhân viên y tế. Với giá dịch vụ quá thấp, việc định giá lao động của nhân viên y tế bị hạ thấp thảm hại. Bác sĩ y tá thường xuyên làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày, nhưng tiền vẫn không tăng. Bệnh viện Bạch Mai có hơn 300 nhân viên y tế đã bỏ việc. Cả nước có hơn 10.000 y bác sĩ bỏ việc. Đồng nghiệp của tôi đã so sánh giá dịch vụ y tế và mức thu nhập với bệnh viện tư, chênh lệch lớn đến mức chúng tôi phải bật khóc.

Vấn đề thứ ba, là y tế giá rẻ cào bằng tạo nên bất bình đẳng trong khám chữa bệnh, khoét sâu khoảng cách giàu nghèo. Nếu chỉ nhìn vào giá dịch vụ siêu âm 43 nghìn và 500 nghìn đồng, ai cũng nghĩ y tế giá rẻ đứng về phía đa số người dân thu nhập thấp. Nhưng để phát hiện khối u người nghèo đã phải bỏ ra 520 nghìn đồng, trong khi người giàu chỉ mất có 500 nghìn. Bệnh nhân bị đẩy vào trạng trạng thái coi đi viện tương đương với “mua mạng sống”. Họ sẽ xoay xở mọi cách để “mua”, gây ra tình trạng tiêu cực trong hệ thống y tế. Ví dụ, người bệnh chấp nhận bỏ bảo hiểm để làm dịch vụ, chi thêm các khoản tiền để “ra ngoài” làm xét nghiệm hay chụp chiếu, dúi phong bì cho bác sĩ để được ưu tiên… Người nghèo sẽ nghèo thêm. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân nhìn vào y bác sĩ, họ cảm thấy đó là những “con thú” mặc blouse.

Vấn đề cuối cùng, là dịch vụ y tế giá rẻ, nhưng tổng chi phí y tế không hề nhỏ. Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố, đầu tư cho y tế của Việt Nam chiếm 5,25% GDP năm 2019. Con số này cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á, ví dụ Thái Lan 3,79%, Philippines 4,08%, Malaysia 3,86%, Indonesia 2,90%, Singapore 4,08%. Ngay cả Trung Quốc, đầu tư cho y tế cũng chỉ 5,35% GDP.

Câu hỏi đặt ra là, nếu nâng giá dịch vụ y tế lên, thực hiện đúng nguyên tắc tính đúng tính đủ, ví dụ siêu âm có thể từ 43.000 lên đến 500.000 đồng, thì bảo hiểm lấy đâu tiền thanh toán, người dân lấy đâu tiền đóng chênh lệch?

Tôi đi một số nước và thấy chính sách bảo hiểm của họ rất hay. Ví dụ Thuỵ Điển, nguồn thu quỹ bảo hiểm trích từ lương chỉ chiếm phần nhỏ. Nguồn thu lớn hơn nhiều được trích từ thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, các khoản thuế chung, đóng góp của các tổ chức, ngân sách của chính phủ.

Ngoài ra, người bệnh trong vòng 12 tháng phải đóng toàn bộ tiền khám, khi đóng đến một mức nào đó, ví dụ 3 triệu đồng, thì sẽ được bảo hiểm chi trả 100%. Cách làm này của họ giúp quỹ bảo hiểm thừa tiền chi, xoá bỏ tệ trục lợi bảo hiểm như ở Việt Nam.

Dự thảo thông tư về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh đã được xây dựng lại sau khi từng bị hoãn ban hành vào 2019. Đây là lúc cần có quyết định dứt khoát, để cứu y tế công, xây dựng nền y tế hiện đại, chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho người dân.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,