Cái chết tức tưởi của chỉ huy pháo binh Pháp ở Điên Biên Phủ

“Piroth đã dành trọn một đêm quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông, hai khẩu pháo 105mm bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155mm bị loại khỏi vòng chiến đấu…”.

Di tích hầm làm việc của Charles Piroth ở Điện Biên Phủ.

Ngày 7/12/1953, De Castries lên Điện Biên Phủ nhậm chức Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực hiện ý đồ của Navarre nhằm biến Điện Biên Phủ thành cái bẫy khổng lồ nhằm thu hút cộng sản Việt Nam đến đây để tiêu diệt, kết thúc chiến tranh, bình ổn Đông Dương sau nhiều năm “loạn lạc”. Navarre cũng gửi lên đây nhiều tay tay chân và những sĩ quan có uy tín, kinh nghiệm chiến trường phụ giúp De Castries trong công cuộc gây dựng Tập đoàn cứ điểm, trong đó có Charles Piroth, một chỉ huy pháo binh dày dạn kinh nghiệm.

Người Pháp luôn tự hào về pháo binh và Piroth là sự bổ xung tuyệt vời cho Đại tá De Castries bởi những kinh nghiệm chuyên môn giỏi của ông ta; Piroth cũng đồng thời là chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đặc trách pháo binh. Tuy nhiên đây lại là người đáng thất vọng nhất khi không thể phát huy tác dụng của những loại pháo uy lực được trang bị cho Điện Biên Phủ để tiêu diệt đối phương mà còn để mất những cứ điểm quan trọng bậc nhất trong chuỗi phòng thủ gần như tuyệt đối của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sự tự sát của Piroth ngay từ những ngày đầu khi trận chiến vừa mới diễn ra, là điềm báo cho sự thất thủ nhanh chóng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã cho thấy hoặc là người ta đã cường điệu hóa sức mạnh của hệ thống phòng thủ “chưa từng có ở Đông Dương” cùng hệ thống vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân được hỗ trợ từ các cường quốc trong khối liên minh với Pháp và khả năng điều hành, dẫn dắt chiến sự của những tướng tá, sĩ quan Pháp hay đó là bài học cho sự kiêu căng, ngạo mạn khi đánh giá quá thấp đối phương và những điều phi thường họ có thể làm được. Những ngày tháng ở Điện Biên Phủ quá ngắn ngủi và là trận chiến nhỏ bé so với chiến tranh thế giới thứ hai nhưng mang lại cho Piroth nhiều đau thương hơn hay nói một cách khác là quyết định số phận của ông ta của một thời ngang dọc trước đó.

Đây là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất tại Đông Dương nên để tương xứng với ý đồ quân sự sẽ thực hiện tại Điện Biên Phủ, Pháp đã gửi những đơn vị pháo mạnh nhất lên Điện Biên Phủ, chủ lực là những khẩu trọng pháo 155mm, là những khẩu pháo lớn nhất được bố trí ở Đông Dương tại thời điểm hiện tại. Ngoài ra còn có hỏa lực mạnh của các loại pháo 105mm, súng cối hạng nặng, …

Pháo binh được bố trí thành hai căn cứ có thể phối hợp yểm hộ cho tất cả các cứ điểm. Căn cứ thứ nhất ở Mường Thanh gồm một tiểu đoàn pháo 105mm, một đại đội pháo 155mm và 16 khẩu cối 120mm. Căn cứ thứ hai ở Hồng Cúm có một tiểu đoàn pháo 105mm. Hai trận địa pháo này có thể yểm trợ cho tất cả các cứ điểm vào những lúc cần thiết và trở thành quân bài chủ lực kiên quyết để tiêu diệt đối phương.

Ngày 17/12/1953, Đại tá Piroth, chỉ huy lực lượng pháo binh của Pháp ở Điện Biên trình bày với Đại tướng Navarre kế hoạch phản pháo trong trường hợp bị Việt Minh tấn công. Piroth là một sĩ quan kỳ cựu về pháo binh đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai và đã để lại trên chiến trường nước Ý một cánh tay phải năm 1943. Piroth đã tự nguyện sang Đông Dương. Đứng trước bản đồ có ghi rõ vị trí Điện Biên Phủ và những cao điểm mà Việt Minh có thể bố trí pháo, Đại tá Piroth với giọng nói chậm rãi, rành rọt, tự tin phác họa kế hoạch phản pháo của mình và kết luận: “Một khẩu đội 155mm có thể tiêu diệt cả một cụm pháo 105mm sau khi xác định rõ vị trí đặt pháo của địch”. Piroth hứa danh dự sẽ “không để cho bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh bắn quá ba phát mà không tiêu diệt được chúng”

Cũng giống như chỉ huy của mình, với bất cứ một nhân vật cấp cao nào của nước Pháp, Mỹ hoặc chính khách nước ngoài tới, các nhà báo, phóng viên mặt trận thăm Điện Biên Phủ, Piroth luôn hênh hoang về sức mạnh pháo dưới tay mình. Ngay cả khi được gợi ý sẽ cung cấp thêm pháo, ông ta thừa tự tin để từ chối, khẳng định đã có quá số trọng pháo cần thiết ở Điện Biên Phủ đồng thời cũng cam kết sẽ bắt pháo binh đối phương phải im lặng ngay từ loạt đạn đầu và đảm bảo rằng 24 khẩu pháo 105mm sẽ dư sức đối mặt với bất kì loại vũ khí nào của Việt Minh và 4 khẩu pháo 155mm sẽ hoàn toàn dập tắt những gì chưa bị phá hủy.

Thái độ hênh hoang đó đến từ những tính toán của Bộ chỉ huy quân đội Pháp khi cho rằng Việt Minh không thể đưa được những khẩu pháo lên Điện Biên Phủ, cất giấu chúng mà không thể bị phát hiện trong điều kiện địa bàn chiến sự xa căn cứ và con đường vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, địa hình hiểm trở lại bị theo dõi, oanh tạc bởi máy bay trinh sát và oanh tạc của chúng. Nếu có đó chỉ là những khẩu pháo hạng nhẹ, nhỏ giọt và không có nhiều khả năng chiến đấu, hoàn toàn có thể kiểm soát được trước sức mạnh của các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân dưới sự chi viện khổng lồ của các loại máy bay quân sự, máy bay vận chuyển với sự đầu tư hết mình của Mỹ.

Trên thực tế, bằng những nỗ lực của mình, Việt Minh đã cho thấy sức mạnh của họ không phải từ những chiếc máy bay hiện đại, hùng dũng hằng ngày gào thét trên bầu trời, những khẩu trọng pháo mà chỉ cần nghe đến sức công phá của nó cũng đủ người ta thấy khiếp vía hay hệ thống phòng thủ mạnh mẽ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Nỗ lực, kỳ công đưa pháo đến Điện Biên Phủ, làm đường kéo pháo vào những trận địa trên núi cao xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ và khéo léo ngụy trang làm hầm trú ẩn cho pháo là những thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến không cân sức này.

17h ngày 13 tháng 3 năm 1954, Việt Minh nổ súng vào cứ điểm Him Lam, bắt đầu đợt tiến công thứ nhất vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các loại trọng pháo đã được bố trí sẵn trên các đồi cao xung quanh lần lượt nhả đạn xuống dưới lòng chảo. Từ các phía trên những triền núi xung quanh hàng ngàn viên đại bác các cỡ lao vun vút vào các vị trí ở cứ điểm Him Lam. Toàn bộ Him Lam rung chuyển trước đòn tấn công khá bất ngờ này. De Castries liên tiếp điện thoại cho Trung tá Piroth nắm bắt tình hình và yêu cầu ông ta cần có những biện pháp phản pháo ngay tức khắc nhưng cũng như cấp trên của mình, viên chỉ huy pháo binh này cũng đang hoảng loạn và sợ sệt không kém ngay khi tiếng pháo đầu tiên nổ trên bầu trời Điện Biên Phủ. Bất ngờ lớn nhất với Piroth là không phát hiện được bất cứ vị trí nào của những khẩu pháo đang nhả đạn. Ngay trong đêm, Piroth đã giội 6.000 viên đại bác xuống chung quanh Him Lam. Đến 22 giờ 30 phút cùng ngày, Him Lam đã tràn ngập quân Việt Minh, họ đã hoàn toàn kiểm soát được cứ điểm này. Gần 500 lính Pháp đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều loại vũ khí bị phá hỏng, tuyến phòng thủ ngoại vi kiên cố nhất của quân đội Pháp bị phá vỡ.

Sáng sớm ngày 15/3/1954, quân Việt Minh ồ ạt tiến công vào sườn phía Bắc và phía Nam cứ điểm Độc Lập. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Một số sĩ quan Pháp lần lượt bị thương vong. Toàn bộ súng cối 81mm và 120mm của Pháp bị phá hủy. De Castries ra lệnh nhiều cuộc phản kích bằng pháo 105mm và 155mm, một tiểu đoàn, một số xe tăng từ Mường Thanh ra ứng cứu nhưng tất cả đều thất bại. Sau hơn 3 giờ chiến đấu giằng co từ cả 2 phía, cứ điểm Độc Lập cũng không thoát khỏi số phận giống như cứ điểm Him Lam, bị đánh chiếm một cách nhanh chóng.

Cũng sáng hôm đó, Piroth, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh, đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn. Jean Ponget viết trong hồi ký: “Piroth đã dành trọn một đêm (13/3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông, hai khẩu pháo 105mm bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155mm bị loại khỏi vòng chiến đấu…” Đại tá Tơrăngca, chỉ huy phân khu Bắc, bạn thân của Piroth kể lại sau trận Độc Lập, Piroth khóc và nói: “Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với De Castries và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định và bây giờ ta sẽ thua trận. Mình đi thôi”.

Ngay khi nhận được tin, để tránh làm mất tinh thần binh sĩ, De Castries đã cho lấp căn hầm đó đi, giấu biệt tin tức Piroth tự sát và chỉ báo cáo tình hình đó cho vị chỉ huy của mình ở Hà Nội.

Piroth đã quá ảo tưởng vào khả năng chiến đấu thần thánh của pháo binh dưới quyền chỉ huy của ông ta và sức mạnh khủng khiếp của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà chủ quan, coi thường đối phương. Mặc dù có sự đáp trả trước đòn tấn công của Việt Minh nhưng trái với sự chủ động tiêu diệt cứ điểm địch khi Việt Minh biết rõ cần bắn lúc nào và mục tiêu, vị trí cụ thể với số đạn pháo ít ỏi, cần độ chính xác cao trong khi sự bị động đối phó của Pháp hướng ra bốn phía xung quanh lại chỉ nhằm ăn may nếu có thể tiêu diệt pháo của đối phương với lượng đạn pháo khá lớn. Và Piroth đã thua trong tuyệt vọng. Việt Minh đã biết tận dụng, phát huy tối đa lợi thế và linh hoạt chiến đấu đem lại hiệu quả tối đa. Ngược lại, với những gì có trong tay đáng lẽ ra, Piroth sẽ làm được những điều hơn cả lời nói của chính mình và sự kỳ vọng người ta đặt vào ông ta.

Đến nay, nhiều thập niên sau trận chiến Điện Biên Phủ, người ta vẫn nhắc tới sự tự sát của Piroth vì hổ thẹn, đau đớn không thể thực hiện được lời hứa của mình nhưng là cái chết trong danh dự và có thể chấp nhận được trong khi vị chỉ huy cao nhất của ông ta tại Điện Biên Phủ lại không làm được điều đó mà cam chịu đầu hàng quân đội Việt Minh.

Theo BẢO TÀNG CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ

Tags: ,