Các trận hải chiến kinh điển thế giới: 3 – Hải chiến Đại Tây Dương

Thời kỳ đại chiến thế giới thứ 2, Anh là một đảo đế quốc phụ thuộc nhiều vào tài nguyên từ thuộc địa bên ngoài. Để tiếp tục chiến đấu chống Đức, mỗi tuần Anh cần một triệu tấn nguyên vật liệu. Trận đánh trên Đại Tây Dương thật ra đơn giản chỉ vì Anh cần tiếp vận và Đức ra sức đánh chìm tàu bè để cắt tiếp vận này.

Chính từ nguyên nhân này mà các sử gia có thêm những trang mới viết về trận hải chiến được xem là dài nhất trong lịch sử Thế chiến thứ II: Hải chiến Đại Tây Dương…

Trận chiến Đại Tây Dương được xem là trận chiến kéo dài nhất trong lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai mặc dù có sử gia cho rằng đây không phải là một trận duy nhất mà là gồm một chuỗi nhiều trận hải chiến hay cuộc hành quân trên biển. Cuộc chiến bắt đầu ngày 3 tháng 9 năm 1939 cho đến khi Đức Quốc Xã đầu hàng năm 1945. Cao điểm của trận chiến là những năm 1940 – 1943 khi tàu ngầm (U-Boat) và các chiến hạm của hải quân Đức (Kriegsmarine) tấn công và đánh chìm nhiều đoàn tàu buôn và chiến hạm của Đồng Minh.

Những đoàn tàu này thường là từ Hoa Kỳ theo phía nam Đại Tây Dương chở tiếp vận và vũ khí đến Anh Quốc và Liên Xô, được hộ tống bởi hải quân và không quân Anh và Canada. Bắt đầu từ ngày 13 tháng 9 năm 1941 có thêm chiến hạm Hoa Kỳ tham gia hộ tống các đoàn tàu này. Hải quân Ý theo phe Đức tham gia trận đánh từ ngày 10 tháng 6 năm 1940.

Trận chiến này (từ tiếng Anh “Battle of the Atlantic” do thủ tướng Anh Winston Churchill nêu lên năm 1941) lan rộng khắp một vùng hải dương rộng lớn, kéo dài 6 năm, với hàng nghìn thuyền bè tham gia, hơn 100 đoàn tàu bị tấn công và đến cả ngàn trận đánh một chọi một giữa hai chiến hạm.

Chiến thuật trên biển thay đổi liên tục, lúc bên này thắng thế, lúc bên kia thắng thế. Đồng Minh dần dần chiếm được thế thượng phong và đánh đuổi được chiến hạm địch ra khỏi chiến trường vào cuối năm 1942, và phá được chiến lược tàu ngầm và tháng 3 – 5 năm 1943. Hải quân Đức cố gắng trang bị thêm tàu ngầm hiện đại hơn vào năm 1945 nhưng đã quá trễ, không phục hồi được cục diện của chiến trường Đại Tây Dương.

Từ tháng 8 năm 1940, hải quân Ý đưa tàu ngầm đến căn cứ Bordeaux tăng cường lực lượng phe Trục tấn công hải quân Anh. Loại tàu ngầm Ý được thiết kế cho hải chiến tại Địa Trung Hải, không thích hợp với chiến trường Đại Tây Dương và yếu kém hơn loại của Đức. Tuy vậy, tàu ngầm Ý cũng đạt đựoc thành tích đáng kể: 37 tàu ngầm Ý bắn chìm 109 chiến thuyền và tàu buôn của Đồng Minh (tổng cộng 593.864 tấn tàu bè và hàng tiếp vận). Hải quân Ý còn sử dụng loại tàu lặn nhỏ (ngư lôi người) làm lung lay lực lượng hải quân Anh tại Gibralta.

Mặc dầu hải quân Ý đạt nhiều chiến tích, Đô đốc Đức vẫn coi thường lực lượng này. Ông cho rằng lính Ý thiếu kỷ luật và dễ nao núng khi chạm địch, không hoạt động theo chiến thuật bầy sói săn mồi, không giữ liên lạc chặt chẽ với hải quân Đức. Chẳng bao lâu, lực lượng tàu ngầm Ý ngừng hoạt động chung với lực lượng của Đức.

Nói đến hải chiến Đại Tây Dương với “quy mô” khổng lồ của nó, không thể nó đến những chiếc tàu chiến nổi tiếng trên chiến trường này.

Về phần mình, các sĩ quan hải quân Đức vẫn cho rằng chỉ có những chiến thuyền lớn mới đem lại chiến thắng thực sự trên mặt biển.

Trong những tháng đầu năm 1940, các tàu chiến lớn của hải quân Đức được tập trung vào chiến trường Bắc Âu và không chiếc nào có mặt tại Đại tây Dương, ngoài chiếc tuần dương nhỏ Admiral Graf Spee lập nhiều thành tích nhưng đã bị bắn hỏng. Sau chiến thắng tại Na Uy, hải quân Đức liên tục đưa các chiến thuyền lớn ra Đại Tây Dương, bắt đầu cuộc công kích tàu buôn của Đồng Minh.

Ngày 5/11/1940, đoàn tàu tiếp vận HX 84 của Anh bị tàu Admiral Scheer chận bắn – 5 chiếc chìm tại chỗ và nhiều chiếc khác bị phá hủy làm tán loạn đội hình. Quân Anh phải thí mạng chiếc HMS Jervis Bay và nhờ màn đêm kéo xuống, số tàu còn lại mới chạy thoát. Sau tổn thất này, tư lệnh hải quân Anh phải tạm ngưng các đoàn tàu tiếp vận và điều động chiến thuyền ra săn đuổi tàu Scheer nhưng không thấy đâu nữa. Tháng sau, chiếc Scheer lại lộ diện tại Ấn Độ Dương.

Ngày 25/12/1940, chiếc tuần dương Admiral Hipper của Đức chận đánh đoàn tiếp vận WS 5A nhưng bị các chiếc hộ tống đẩy lùi. Ngày 12/02/1941, Hipper chận đánh đoàn SLS 64 gồm 19 tàu và bắn chìm được 7 chiếc.

Tháng 1 năm 1941, hai chiến thuyền hạng nặng là Scharnhorst và Gneisenau mở chiến dịch Berlin ra vùng biển phía bắc Đại tây Dương chận đánh các đoàn tàu từ Canada sang Anh. Các đoàn tàu HX 106, HX 111 và SL 67 bị chận đánh nhưng may nhờ có tàu hộ tống đến kịp nên chỉ bị tổn thất nhỏ. Trong hai tháng, hai chiếc Scharnhorst và Gneisenau chạy ngang dọc 18.000 dặm đường biển, bắn chìm 22 tàu của Anh.

Tháng 5, quân Đức táo bạo mở chiến dịch Rheinübung đưa chiếc Bismarck mới xây xong và chiếc tuần dương Prinz Eugen ra tấn công các đoàn tàu tiếp vận. Quân Anh bắt được thông tin này liền đem một lữ đoàn tàu chiến ra ngoài hải phận Iceland chận đánh. Hai bên bắn nhau tại eo biển Đan Mạch. Hải quân Anh thua to. Tàu chiến HMS Hood của Anh bị bắn chìm. Trong số 1.418 thủy thủ chỉ có 3 sống sốt. Bên kia, chiếc Bismark bị ngư lôi của Anh bắn trúng làm hỏng bánh lái không chạy nhanh được. Ba ngày sau, Bismark bị hạm đội trung ương hải quân Anh bắt kịp và bắn chìm. Chỉ 110 trong số 2.300 thủy thủ của tàu Bismark sống sót. Sau mất mát quá lớn này, hải quân Đức ngưng chiến lược chận đánh tàu buôn bằng chiến thuyền trên mặt biển.

Tháng 2 năm 1942, hải quân Anh vô cùng xấu hổ vì không bắt được kịp các chiến thuyền của Đức (Scharnhorst, Gneisenau và Prinz Eugen) trên tuyến đường chạy thoát về Đức. Sau khi mất chiếc Bismark, cộng thêm lo ngại cuộc tấn công của Đồng Minh theo ngã Na Uy, Hitler quyết định rút ra khỏi chiến trường Đại Tây Dương.

Kế hoạch Z của hải quân Đức trong chiến trường Đại Tây Dương gồm thiết bị lực lượng hải quân mạnh đủ để tiêu diệt tàu hộ tống đồng thời phá hủy mọi tiếp vận đến Anh. Kế hoạch không thành công vì Đức chưa kịp xây dựng đủ hỏa lực hải quân thì chiến tranh đã bùng nổ. Kết quả là số tàu Anh bị Đức phá hủy không cao so với hao tổn của U-boot, mìn và máy bay. Tuy vậy cuộc chận đánh các đoàn tàu buôn trên Đại Tây Dương cũng gây nhiều chật vật khó khăn cho Anh, và làm mức nhập cảng vào Anh giảm xuống rất nhiều.

Tóm lại, về mặt chiến thuật, các trận đánh trong chuỗi hải chiến Đại Tây Dương thay đổi liên tục, lúc thì bên này thắng, lúc bên kia được. Song chung quy, phe Đồng minh chiếm ưu thế và vào cuối năm 1942 đánh bại âm mưu dùng tàu ngầm của Đức và làm thay đổi cục diện chiến trường trên Đại Tây Dương.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI


Tags: ,