Các trận hải chiến kinh điển thế giới: 5 – Trận Leyte và cái chết của Yamato

Nói đến trận hải chiến lớn nhất Thế chiến II và lịch sử quân sự nhân loại phải kể đến trận chiến Vịnh Leyte hay còn gọi là Hải chiến Philippines lần hai.

Trận đánh xảy ra tại các vùng biển Philippine gần các đảo Leyte, Samar và Luzon từ ngày 23 đến ngày 26/10/1944 giữa hải quân và không lực hải quân Đồng Minh cùng Đế quốc Nhật Bản. Ngày 20/10/1944, quân Mỹ bắt đầu tấn công đảo Leyte như một phần của chiến lược cô lập Nhật Bản khỏi các nước họ đã chiếm đóng tại Đông Nam Á, đặc biệt là dầu mỏ vốn là nguồn tiếp liệu sống còn của nền quân sự và công nghiệp Nhật. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã huy động hầu như tất cả các tàu chiến còn lại của họ nhằm đánh bại lực lượng tấn công đổ bộ Đồng Minh, nhưng đã bị Đệ Tam hạm đội và Đệ Thất hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ đẩy lui. Hải quân Nhật đã không thể đạt được mục đích đề ra, bị thiệt hại nặng, và từ đó không thể tham chiến với một lực lượng tương đương. Đa số các tàu chiến lớn còn sống sót, do thiếu hụt nhiên liệu, hầu như phải ở lại căn cứ của chúng cho đến hết chiến tranh tại Thái Bình Dương.

Trận chiến vịnh Leyte bao gồm bốn trận hải chiến chính là: trận chiến biển Sibuyan, trận chiến eo biển Surigao, trận chiến ngoài khơi mũi Engaño và trận chiến ngoài khơi Samar cùng các hoạt động khác.

Trận chiến vịnh Leyte cũng được ghi nhận là trận đánh đầu tiên mà máy bay Nhật thực hiện các cuộc tấn công tự sát kiểu kamikaze (Thần Phong) một cách có tổ chức. Và một điểm đáng chú ý khác là lực lượng Nhật Bản trong trận này có số máy bay còn ít hơn so với số tàu bè của lực lượng Đồng Minh, một minh chứng rõ ràng cho sự chênh lệch về lực lượng của đôi bên đến thời điểm này của cuộc chiến.

Các chiến dịch tiếp nối nhau từ tháng 8/1942 đến đầu năm 1944 đã đẩy lui quân Nhật khỏi nhiều căn cứ trên các đảo tại Nam và Trung Thái Bình Dương, đồng thời cô lập nhiều căn cứ khác, đáng kể là ở quần đảo Solomon, quần đảo Bismarck, quần đảo Admiralty, New Guinea, quần đảo Marshall và đảo Wake. Đến tháng 6/1944, một loạt các cuộc đổ bộ được hỗ trợ bởi Lực lượng Đặc nhiệm tàu sân bay nhanh của Đệ Ngũ hạm đội đã chiếm được hầu hết quần đảo Mariana (có bỏ qua Rota). Việc này đã phá vỡ vành đai chiến lược phòng thủ bên trong của Nhật Bản, chiếm được căn cứ mà máy bay ném bom chiến lược B-29 Superfortress có thể xuất phát để tấn công các đảo chính quốc Nhật. Trong cuộc phản công thất bại của Nhật ở Trận chiến biển Philippine, Hải quân Mỹ đã đánh chìm ba tàu sân bay, làm hư hại nhiều tàu chiến khác và tiêu diệt khoảng 600 máy bay Nhật, khiến Hải quân Nhật hầu như không còn lực lượng không quân trên tàu sân bay và phi công có kinh nghiệm.

Về kế hoạch hành động tiếp theo, Đô đốc Ernest J. King và các thành viên khác của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân thiên về giải pháp cô lập lực lượng Nhật tại Philippines và tấn công vào Đài Loan, cho phép lực lượng Mỹ và Úc kiểm soát được những con đường vận chuyển hàng hải giữa Nhật Bản và Đông Nam Á. Đại tướng Lục quân Douglas MacArthur thì bênh vực cho một cuộc tấn công vào Philippines, vốn cắt ngang con đường tiếp tế chiến lược của Nhật Bản. Để lại Philippines trong tay quân Nhật sẽ là một đòn đánh vào thanh thế của Mỹ và là một sự sỉ nhục vào danh dự cá nhân của MacArthur, khi vào năm 1942 ông đã phát biểu câu nói nổi tiếng: “Tôi sẽ trở lại”. Nhiều sĩ quan cao cấp khác bên ngoài Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, bao gồm Đô đốc Chester Nimitz, cũng cho là lực lượng không quân đáng kể mà người Nhật tập trung tại Philippines là quá nguy hiểm để có thể bỏ qua. Tuy nhiên, Nimitz và MacArthur ban đầu có những kế hoạch trái ngược nhau, trong đó kế hoạch của Nimitz nhấn mạnh vào việc tấn công Đài Loan, vì việc này cũng có thể làm cắt đứt đường tiếp vận đến Đông Nam Á. Đài Loan còn có thể được sử dụng làm bàn đạp để tấn công Trung Quốc lục địa, điều mà MacArthur cảm thấy không cần thiết. Một cuộc gặp gỡ tay ba diễn ra giữa MacArthur, Nimitz, và Tổng thống Roosevelt đã giúp xác định Philippines là mục tiêu chiến lược, nhưng để ngõ quyết định cuối cùng về thời hạn sẽ tấn công Philippines. Cuối cùng Nimitz thay đổi ý kiến và đồng ý theo kế hoạch của MacArthur.

Có lẽ sự cân nhắc quan trọng cuối cùng đưa đến việc loại bỏ kế hoạch Đài Loan-Trung Quốc, như được Đô đốc King và những người khác khởi xướng, là việc tấn công Đài Loan đòi hỏi phải huy động khoảng 12 sư đoàn Lục quân và Thủy quân Lục chiến, một lực lượng vượt quá khả năng mà Mỹ có thể cung ứng được cho cả mặt trận Thái Bình Dương vào cuối năm 1944, trong khi toàn bộ Lục quân Úc còn phải đang tiếp chiến tại quần đảo Solomon, New Guinea, Đông Ấn thuộc Hà Lan và trên nhiều hòn đảo khác tại Thái Bình Dương. Một điều kiện chỉ có thể đáp ứng được sau khi Đức thua trận để có thể dành ra nhiều lực lượng hơn từ Châu Âu.

Cuối cùng thì lực lượng của tướng MacArthur được cho phép đổ bộ lên đảo Leyte thuộc miền Trung Philippines. Lực lượng tấn công đổ bộ và hải quân hỗ trợ gần sẽ do Đệ Thất hạm đội, dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Thomas C. Kinkaid, đảm trách. Đệ Thất hạm đội lúc bây giờ bao gồm các đơn vị của Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Hoàng gia Úc, bao gồm các tàu tuần dương hạng nặng thuộc lớp County HMAS Shropshire và HMAS Australia cùng tàu khu trục HMAS Arunta, và có thể có một ít tàu chiến của New Zealand hoặc của Hà Lan.

Đệ tam hạm đội, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc William F. Halsey, Jr., trong đó Lực lượng Đặc nhiệm TF 38 (lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay nhanh), dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Marc Mitscher là thành phần chủ lực, sẽ hỗ trợ từ xa cho cuộc tấn công này.

Thiếu sót căn bản và nghiêm trọng của kế hoạch này là đã không có sự chỉ huy chung cho lực lượng hải quân Mỹ. Việc thiếu một sự chỉ huy thống nhất, cộng với việc không thông tin đầy đủ, đã tạo ra một tình huống nguy cấp mà suýt nữa đã trở thành tai họa lớn cho lực lượng Mỹ. Do trùng khớp ngẫu nhiên, kế hoạch của Nhật Bản sử dụng ba hạm đội riêng biệt cũng không chỉ định một vị tổng tư lệnh chung.

Các dự tính của Mỹ cũng không quá xa lạ đối với Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật Bản Soemu Toyoda đã chuẩn bị bốn kế hoạch “chiến thắng”: Shō-Gō 1 là một chiếc dịch hải quân lớn tại Philippines, trong khi các kế hoạch Shō-Gō 2, Shō-Gō 3 và Shō-Gō 4 là nhằm đáp trả các cuộc tấn công tương ứng nhắm vào Đài Loan, đảo Ryukyu và quần đảo Kurile. Những kế hoạch này là những chiến dịch tấn công phức tạp, huy động hầu như toàn bộ lực lượng có được vào một trận chiến quyết định, và do đó có thể làm tiêu hao lượng nhiên liệu dự trữ ít ỏi của Nhật.

Từ ngày 12/10/1944, Đệ Tam hạm đội của Đô đốc Halsey bắt đầu một loạt các cuộc không kích bằng máy bay trên tàu sân bay xuống Đài Loan và quần đảo Ryukyu, nhằm ngăn ngừa việc máy bay đặt căn cứ tại đây có thể ngăn trở việc đổ bộ xuống Leyte. Bộ chỉ huy Nhật liền áp dụng kế hoạch Shō-Gō 2, tung ra các đợt không kích chống lại các tàu sân bay của Hạm đội 3. Trong cuộc chiến ác liệt đó, Nhật Bản bị thảm bại với thiệt hại 600 máy bay trong vòng ba ngày, hầu như toàn bộ sức mạnh không lực của khu vực. Sau khi lực lượng Mỹ bắt đầu tấn công Philippines, Hải quân Nhật chuyển sang thực hiện kế hoạch Shō-Gō 1.

Kế hoạch Shō-Gō 1 sử dụng các tàu chiến của Phó Đô đốc Jisaburō Ozawa, dưới tên gọi “Lực lượng phía Bắc”, sẽ nhử lực lượng hạm đội yểm trợ chính của Mỹ ra khỏi Leyte. “Lực lượng phía Bắc” bao gồm nhiều tàu sân bay, nhưng chỉ có rất ít máy bay hoặc phi công được huấn luyện đầy đủ. Những chiếc tàu sân bay hoạt động như là những con mồi, và sau khi lực lượng yểm trợ đã được kéo ra xa, hai lực lượng tàu nổi khác sẽ hướng đến Leyte từ phía Tây. “Lực lượng phía Nam” của các Đô đốc Nishimura và Shima sẽ tấn công vào khu vực đổ bộ ngang qua eo biển Surigao. “Lực lượng Trung Tâm” của Đô đốc Kurita, là lực lượng tấn công hùng mạnh nhất, sẽ băng qua eo biển San Bernardino vào biển Philippine, hướng về phía Nam để cùng tấn công vào khu vực đổ bộ.

Kế hoạch này dường như sẽ mang lại hậu quả bị tiêu hao một hoặc nhiều lực lượng tấn công, nhưng sau này Đô đốc Toyoda đã giải thích cho những người Mỹ thẩm vấn ông như sau:

“Nếu chúng tôi thất bại trong các chiến dịch tại Philippines, cho dù hạm đội có thể thoát được, thì con đường vận chuyển hàng hải về phía Nam cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Nếu hạm đội quay về vùng biển Nhật Bản, chúng không được cung cấp dầu; còn nếu chúng ở lại vùng biển phía Nam, chúng không thể nhận tiếp liệu vũ khí đạn dược. Không có cách nào cứu vớt được hạm đội nếu mất Philippines.”

Trận chiến vịnh Leyte đã giúp giữ vững các bãi đổ bộ của Tập đoàn quân 6 Lục quân Hoa Kỳ trên đảo Leyte trước sự tấn công từ phía biển. Tuy nhiên, cuộc chiến trên bộ vẫn còn tiếp diễn gay go cho đến khi Đồng Minh kiểm soát hoàn toàn hòn đảo vào cuối tháng 12 năm 1944. Trận Leyte trên bộ được tiến hành song song với các chiến dịch trên không và ngoài biển, trong đó quân Nhật nỗ lực tăng viện và tiếp tế cho quân đồn trú tại Leyte, trong khi Đồng Minh ra sức ngăn cản và giành ưu thế trên không và trên biển cho một loạt các cuộc đổ bộ lên vịnh Ormoc, các cuộc đụng độ thường được biết đến dưới tên gọi Trận chiến vịnh Ormoc.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản chịu đựng tổn thất to lớn nhất kể từ thời đại Minh Trị duy tân. Thất bại của họ không đánh đuổi được lực lượng xâm chiếm Đồng Minh khỏi Leyte đồng nghĩa với việc mất Philippines không sao tránh khỏi, mà điều này sẽ dẫn đến việc Nhật Bản sẽ bị cắt đứt khỏi những lãnh thổ chiếm đóng tại Đông Nam Á. Những nơi này đang cung cấp nguồn nguyên liệu sống còn cho Nhật Bản, đặc biệt là xăng dầu cho tàu chiến và máy bay, và vấn đề này càng thêm trầm trọng vì các xưởng tàu và nguồn tiếp liệu khác như đạn dược đều ở ngay tại chính quốc. Cuối cùng, việc mất Leyte đã mở đường cho việc tấn công quần đảo Ryukyu trong năm 1945.

Hầu hết lực lượng tàu nổi của Hải quân Nhật quay trở về căn cứ của chúng trong trạng thái hư hỏng, hầu như không hoạt động cho đến hết chiến tranh. Chiến dịch duy nhất của các tàu chiến này từ lúc trận chiến vịnh Leyte Gulf kết thúc cho đến khi Nhật Bản đầu hàng là chuyến đi thảm họa và bi đát vào tháng 4 năm 1945 trong Chiến dịch Ten-Go (Ten-gō sakusen) khi thiết giáp hạm Yamato cùng một số tàu hộ tống bị các tàu sân bay Mỹ tiêu diệt.

Máy bay tấn công tự sát kamikaze lần đầu tiên được sử dụng sau cuộc đổ bộ lên Leyte, khi một máy bay đã đánh trúng tàu tuần dương hạng nặng Úc HMAS Australia ngày 21 tháng 10. Việc tấn công tự sát có tổ chức bởi “Lực lượng Tấn công Đặc biệt” bắt đầu vào ngày 25 tháng 10 trong giai đoạn kết thúc của trận chiến ngoài khơi Samar đã phá hủy tàu sân bay hộ tống USS St. Lo.

Chiến hạm Yamato

Người Nhật từng rất tự hào khi lớp thiết giáp hạm Yamato được thiết kế. Họ dự định sẽ sx 5 chiếc, nhưng chỉ có 2 chiếc hoàn thành trước khi Nhật thua trận. Đó là Yamato và Musashi.

Nhật muốn chế tạo 1 loại tàu chiến với sức mạnh áp đảo trên biển, vì vậy Yamato là lớp tàu trang bị mạnh nhất thời đó.

Pháo chính là loại 460mm, tầm bắn 42km. Tốc độ 2 viên mỗi phút.

Mỗi viên đạn nặng gần 1.5 tấn. tàu có tổng cộng 9 pháo loại này, chia làm 3 nhóm.

Ngoài ra còn 6 khẩu 155 mm, 24 khẩu 127 mm. Tàu được bảo vệ bởi 24 phòng không 25 mm và 4 đại liên 13.2 mm.

Viên đạn nặng gần 1.5 tấn của pháo chính.

Yamato được khởi công vào năm 1937, đến năm 1941 thì hoàn tất. Trong quá trình đóng tàu, Nhật che chắn, bảo vệ tàu rất kỹ để tránh phe Đồng Minh nhòm ngó.

Yamato trở thành soái hạm của Hạm đội liên hợp Nhật Bản, dưới quyền điều hành của đô đốc Isoroku Yamamoto (người hoạch định trận Trân Châu Cảng).

Vì là soái hạm nên Yamato ít tham gia chiến trận, chủ yếu nằm tại cảng Kure. Sau này Musashi thay Yamato làm soái hạm, nên người ta gọi Yamato là “khách sạn Yamato” vì nó chẳng làm gì cả.

Lần chiến đấu đầu tiên của Yamato là 23/12/1943. Trong vai trò làm tàu chuyển quân ở khu vực biển Phillipin, nó bị tàu ngầm Mỹ Skate bắn trúng 2 ngư lôi nên phải quay về cảng sửa chữa.

Từ 22/10/1944 Yamato được biên chế vào hạm đội của đô đốc Takeo Kurita và tham gia trận chiến hải quân lớn nhất lịch sử, trận chiến trên vịnh Leyte.

Trên đường di chuyển, 2 tàu ngầm Mỹ đã bắn hạ soái hạm Atago nên Yamato lại nhận chức soái hạm của Takeo. Đến trận Sibuyan thì chiếc tàu cùng lớp của Yamato, thiết giáp hạm Musashi bị chìm sau khi nhận 17 ngư lôi và 9 bom. bản thân yamato cũng bị trúng 3 quả bom xuyên thép từ tàu sân bay Essex của Mỹ.

Từ những trận chiến trên biển Phillipin khiến Nhật mất nhiều tàu sân bay. Tới trận chiến trên vịnh Leyte thì hải quân Nhật không còn tàu sân bay. Các hạm đội Nhật không còn được máy bay bảo vệ khi ra khơi nên họ cũng hạn chế xuất trận.

Bước sang năm 1945, quân Nhật kiệt quệ trên mọi mặt trận, trên bộ, trên biển, trên không đều thất bại. Những máy bay Zero từng nổi tiếng thì nay Mỹ đã khám phá ra bí mật và cải tiến máy bay của mình. Loại F6F Hellcat đã làm mưa làm gió, họ bắn hạ những chiếc Zero của Nhật dễ dàng đến nỗi họ gọi là đi săn gà. Không quân Nhật lúc này tuyệt vọng tiến hành kế hoạch tự sát Kamikaze. Mỗi phi công cảm tử trước khi lên đường đều được truy điệu sống.

Khi đã làm chủ bầu trời và mặt biển, quân Mỹ tính chuyện tấn công Nhật ngay tại căn cứ Nhật. Và cảng Kure, nơi Yamato đang cập cảng là mục tiêu.

Tuy nhiên phía Mỹ đã bị bất ngờ rất lớn khi phòng thủ căn cứ đó là những phi công dầy dạn kinh nghiệm nhất của Nhật. Và bất ngờ lớn nhất đến từ Kawanishi N1K, loại máy bay mà Nhật sáng chế để thay thế chiếc Zero đã thua kém người Mỹ. Chiếc máy bay mới này có ưu thế vượt trội so với hàng Mỹ, tuy phải sx gấp rút để cung ứng nên có nhiều chi tiết chưa hoàn thiện nhưng nó là loại chiến đấu cơ số 1 lúc đó.

Nếu Nhật không bị cô lập, nếu Nhật có thời gian khoảng 1 năm thôi, khi mà những công nghệ rađa ứng dụng trong hải chiến, máy bay mới và tàu ngầm mới tham chiến thì thế giới đã đổi khác. Biết đâu Nhật sẽ hoàn tất tâm nguyện độc tài bá chủ, 1 đế chế không có mặt trời lặn.

Tháng 4/1945 Nhật mở chiến dịch hành quân Tengo để chống lại quân Mỹ đã chiếm đóng Okinawa. Trong khi quân Mỹ đổ bộ lên Okinawa, hải quân Nhật không ra khơi yểm trợ quân đóng trên đảo vì họ không đảm bảo an toàn trước không quân Mỹ kiểm soát mặt biển, khi họ đã hết tàu sân bay.

Vì áp lực chỉ trích từ bộ binh và Nhật Hoàng. Yamato cùng hạm đội lại ra khơi lần cuối để đánh 1 trận lớn trong đời binh nghiệp. Họ đã xác định trận này sẽ là tự sát nên nhiên liệu chỉ cấp cho 1 lượt đi.

Tối 6/4 Yamato ra khơi cùng tuần dương hạm Yahagi và 8 khu trục hạm để thực hiện 1 chiến dịch rất khó khăn…

Cuối cùng, chiến dịch hành quân nhằm cứu vãn danh dự hải quân Nhật đã thất bại. Trong số 1 thiết giáp hạm, 1 tuần dương hạm và 8 khu trục hạm, chỉ còn sót lại 4 khu trục hạm. Phía Mỹ chỉ thiệt hại chừng chục máy bay. Đó là kết quả tất yếu vì Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối khi hải quân Nhật không được máy bay yểm trợ, họ phải trần mình suất mấy tiếng đồng hồ để hứng bom từ phi cơ.

Cái chết của siêu chiến hạm Yamato cũng kéo theo cái chết của hải quân Nhật, đây là trận đánh lớn cuối cùng trước khi Nhật đầu hàng quân Mỹ.

Qua trận đánh này cũng nói lên 1 điều là những thiết giáp hạm lớn, pháo hạng nặng đã không còn chiếm ưu thế trên biển. Chính hàng không mẫu hạm với máy bay chiếm phần lớn đã làm vua trên mặt biển.

Điều này được phía Mỹ tiếp tục duy trì cho tới tận hôm nay, Mỹ là nước duy nhất có hạm đội tàu sân bay lớn nhất, mạnh nhất. Họ có niềm tin vào những học thuyết này vì kết quả khả quan trước hải quân Nhật. Một đội quân hùng bá Thái Bình Dương trước khi người Mỹ trở mình.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI


Tags: ,