Bức tranh tổng quan về tài nguyên biển và đại dương

Biển và đại dương chiếm khoảng 71% (361 triệu km2) tổng diện tích bề mặt trái đất. Nước biển có hàm lượng muối cao, nồng độ khoảng 3,5%.

Bức tranh tổng quan về tài nguyên biển và đại dương

Tầm quan trọng của đại dương

Đại dương là kho dự trữ vĩ đại của những khoáng sản có ích, tài nguyên sinh học, năng lượng cũng như những nguyên liệu dùng trong công nghiệp hóa học và dược phẩm, có thể cung cấp những chất thay thế những tài nguyên ngày càng bị cạn kiệt trên đất liền.

Dầu mỏ và khí đốt: có trong lòng đại dương. Vào những năm 1940-1950, dự đoán trữ lượng dầu mỏ và khí đốt là 55 tỉ tấn (quy ra dầu mỏ), đến năm 1960, con số này đã lên tới 207 tỉ, tới năm 1971 là 300 tỉ và đến 1975 là 400 tỉ.

Trữ lượng của hydratcacbon lỏng và khí
Năm Trữ lượng (triệu tấn) Lượng dầu khí khai thác trên thế giới (%)
Năm 1954 0,80 0,12
Năm 1960 9,35 0,90
Năm 1970 365,50 16,10
Năm 1979 562,20 19,00

Ngoài ra còn có những khoáng sản quý giá như ilmênit (oxyt tự nhiên của sắt và titan), rutil (oxyt titan), cassitêrit (oxyt thiếc), oxyt sắt từ magnétit, platin, kim cương… với trữ lượng không thua trên đất liền và than với trữ lượng dự báo nhiều hơn trên đất liền 900 lần.

Sóng biển, năng lượng thủy triều, sự chênh lệch nhiệt, các dòng hải lưu đều chứa một dự trữ năng lượng to lớn. Hiện nay, nhiều nước đã tích cực khai thác các nguồn dự trữ có trong nước biển như muối, sulfat, natri, kali, brôm, Mg, iod…

Biển là nơi cung cấp nguồn hải sản khổng lồ như rong, tảo, cá, tôm và nhiều đặc sản quý như đồi mồi, ngọc trai, san hô, yến sào … cung cấp 43% sinh giới. Trong nước biển có muối và nhiều khoáng chất dạng muối. Biển cung cấp cát và nhiều hóa chất trong cát. Dầu mỏ và khí đốt khai thác được ở biển rất nhiều. Biển cung cấp năng lượng gió, thủy triều. Biển là con đường giao thông vận tải có ý nghĩa to lớn. Khối lượng vận tải qua biển lớn hơn bất kỳ phương tiện nào khác trên không và trên lục địa.

Sản lượng hải sản hàng năm vào đầu thế kỷ 20 chỉ khoảng 7 triệu tấn, nhưng đến cuối những năm 70 lên khoảng 80 triệu tấn. Dọc theo thềm lục địa, đặc biệt ở các vùng cửa sông cung cấp khoảng 80% sản lượng cá thế giới và là nơi sinh sống đa dạng, năng suất cao của rừng nước mặn, rong biển, san hô và đa số các động vật giáp xác, động vật thân mềm khác chiếm 2/3 năng suất hải sản thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của phần lớn dân số trên thế giới

Ngoài việc cung cấp nguồn lương thực chính, đại dương còn là đường biển chính cho an ninh quốc gia và thương mại, là nguồn cung cấp dầu, thuốc và giải trí.

Sức khỏe và nền kinh tế của dân biển và cộng đồng trên thế giới liên quan với chất lượng của môi trường biển. Sự cân bằng giữa sức khỏe và khả năng sản xuất của đại dương với nhu cầu và sự phát triển dân số người là một trong những khuynh hướng lớn trên thế giới.

Con ngưởi sử dụng và khai thác đại dương

Đại dương và biển là nguồn dự trữ tài nguyên cực kỳ to lớn, tuy nhiên con người chỉ mới bắt đầu đẩy mạnh việc khai thác những tài nguyên này nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay. Sản lượng đánh bắt cá biển không ngừng tăng lên trong những năm 80 và đạt 99,43 triệu tấn vào 1989.

Trong tương lai, sản lượng đánh bắt cá sẽ giảm vì một số nguyên nhân sau:

– Thu hẹp diện tích cư trú và môi trường sinh sản của nhiều loại hải sản.
– Những hoạt động phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức của con người.
– Xây đập, ngăn sông, phá rừng đã làm thay đổi độ mặn, nghẽn bùn ở vùng ven biển. Việc quai đê lấn biển, phá rừng nước mặn …
– Hơn 90% sản phẩm hóa chất, rác và những chất thải khác bị ném xuống đại dương, rồi dạt vào bờ và đọng lại ở vùng đất bồi, đất ngập nước và những hệ sinh thái khác.
– Kỹ thuật đánh bắt tiên tiến, cả lạc hậu như đánh mìn, thuốc cá, chích điện … làm cường độ khai thác tài nguyên cá gia tăng. Tàu biển đánh cá, chở hàng có trọng tải ngày càng lớn. Sản lượng cá tăng lên, chỉ trong năm 1988 đã đạt 84 triệu tấn.
– Ô nhiễm gây ra bởi những hành động như vứt rác, chất hóa học, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải, và các tàu đánh cá lớn đã và đang đe dọa đời sống và nơi cư trú của sinh vật biển, khoáng sản, san hô. Đánh cá bằng mìn, rác từ các công cụ dùng để bắt sò bị ô nhiễm và các hoạt động khác của con người đã và đang phá hủy đại dương một cách nghiêm trọng.
– Ô nhiễm do các chất thải hóa học, chất thải công nghiệp và nông nghiệp, cống thoát nước … đã làm nguy hiểm đời sống và nơi cư trú của sinh vật biển.
– Những hoạt động của con người làm phá hủy môi trường đại dương và nơi cư trú của các loài hoang dã.

Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hiệp quốc (FAO) ước lượng khoảng 70% loài cá quan trọng trong thương mại bị khai thác quá mức, đã làm mất nguồn cá tuyết và cá bơn của Đại Tây dương và làm hàng ngàn dân Mỹ mất việc làm.

Nguồn cá của một số Đại dương lớn như cá thu, cá mập, cá mũi kiếm và cá biển mõm dài – bị giảm khoảng 60-90% trong 20 năm qua. Mỗi năm, 27 triệu tấn cá, động vật biển, cá mập, rùa biển, và hải âu (chiếm 1/3 trên thế giới) bị bắt bừa bãi và xác chết của chúng quay trở lại đại dương.

Tại Mỹ, với đường biển dài nhất trên thế giới và như là một nguồn lực về biển và nguồn tiêu thụ hải sản, đã đầu tư nhiều về kinh tế và môi trường để bảo vệ vùng biển.

Tỉ lệ các vùng biển ở mức nguy cơ cao, trung bình, thấp
Vùng
Tỉ lệ vùng biển bị đe dọa ở mức
Thấp (a) Trung bình (b) Cao (c)
Châu Phi 49 14 38
Châu Á 31 17 52
Trung và Bắc Mỹ 71 12 17
Nam Mỹ 50 24 26
Châu Âu 14 16 70
Liên bang So viết (cũ) 64 24 12
Châu Đại dương 56 20 24
Thế giới 49 17 34

(a): mật độ dân số biển <75 người/km2, mật độ giao thông <100 km đường/km2.
(b): mật độ dân số biển 75-150 người/km2-150 người/km2, mật độ giao thông 100 -150 km đường/km2.
(c): mật độ dân số biển >150 người/km2, mật độ giao thông >150 km đường/km2 (thường là ở các thành phố biển).

Tại Việt Nam

Nước ta có 3.260 km bờ biển với khoảng 1.000.000 km2 vùng biển và thềm lục địa. Khu hệ sinh vật biển vô cùng phong phú về thành phần loài. Nhưng số cá thể từng loài không nhiều, không tập trung và di cư mạnh. Sản lượng hải sản năm 1995 khoảng 1,4 triệu tấn – chưa nhiều do phương tiện và kỹ thuật đánh bắt còn hạn chế. Sản lượng cá biển cả nước nhìn chung tăng từ 615,8 ngàn tấn (năm 1990) lên 722 ngàn tấn (năm 1995), như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên cũng có một số khu vực, sản lượng cá biển bị giảm nhiều như Ninh Thuận (từ 61300 tấn ở năm 1990 còn 17000 tấn ở năm 1995).

Vùng ven biển có diện tích bãi triều (lúc thủy triều xuống thì cạn), có rừng ngập mặn lớn, có nhiều đầm phá khai thác, nuôi trồng thủy sản thuận lợi. Rừng ngập mặn ước tính đến 250 nghìn ha, hơn 60% là rừng gỗ, khoảng 15% là rừng trồng.

Rừng ngập mặn bị tàn phá nhiều do chiến tranh và do khai thác củi than, sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, gây nhiều tổn thất cho sản lượng nghề tôm cá. Hoạt động khai thác đánh bắt ồ ạt, dùng lưới mắt quá nhỏ, dùng mìn, thuốc độc, đặc biệt là mùa khô tôm cá đẻ làm cho nguồn hải sản giảm mạnh. Vùng cửa sông và vùng nước cạn còn bị ô nhiễm do nước thải từ thành phố, khu công nghiệp, do thăm dò khai thác dầu khí, do vận chuyển, bốc chuyển sản phẩm dầu. Việc khai thác cát và san hô bừa bãi gây thiệt hại lớn đến địa mạo bờ biển …

Theo VOER.EDU.VN

Tags: ,