Bóng tối từ đế chế sòng bạc khét tiếng của người Trung Quốc tại Lào

Đế chế sòng bạc của người Trung Quốc tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, tỉnh Bokeo, Lào đang gây ra những bất ổn trong xã hội và khiến người dân bức xúc.

Sòng bạc Kings Roman ven sông Mekong.

Sân bay quốc tế Bokeo đang được xây dựng ở tỉnh Bokeo, bắc Lào có thể khiến du khách ngạc nhiên về sự phát triển kinh tế ở một nơi từng được ít người biết đến.

Sân bay nằm ở khu vực Tam giác Vàng, đối diện với sân bay Mae Fah Luang của Thái Lan ở bờ bên kia sông Mekong. Sân bay Bokeo là một phần của siêu dự án đầu tư thuộc về nhà tài phiệt Trung Quốc Zhao Wei, người sở hữu Kings Romans, một sòng bạc khét tiếng ở biên giới Thái Lan – Lào.

Nhiều người cho rằng công trình sân bay hiện đại này là minh chứng cho việc Lào chấp nhận vội vàng các dự án đầu tư nước ngoài. Sự nổi lên của các dự án cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của vùng đất giàu văn hóa này, hiện được coi là “khu vực tài phán ngoài lãnh thổ” của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Kinh doanh bất hợp pháp

Sòng bạc và các hoạt động liên quan khác là động lực cho sự phát triển nhanh chóng của đế chế Kings Roman trong 10 năm qua.

Ngoài việc không phù hợp với văn hóa địa phương, đế chế cờ bạc này là nơi sinh sôi nảy nở của một loạt các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, bao gồm buôn lậu ma túy, động vật hoang dã và thậm chí là buôn người.

Ông chủ Zhao Wei còn nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ do bị cáo buộc buôn bán ma túy ở Tam giác Vàng.

Lo ngại dấy lên ở Thái Lan sau khi nhiều trường hợp người tìm việc ở nước này được ghi nhận phải làm những công việc bất hợp pháp sau khi trót tin vào lời dụ dỗ của các sòng bạc. Một số người đã chạy trốn trở về Thái Lan, những người khác thì phải nhờ đến sự trợ giúp của các đội cứu hộ biên giới Thái – Lào.

Một phụ nữ cho biết cô được người thân khuyên nộp đơn xin việc tại Kings Romans bởi mức thu nhập hấp dẫn, ít nhất 30.000 baht mỗi tháng cho nhân viên. Khi đến nơi, cô và các bạn của mình được một nhóm đàn ông Trung Quốc đưa đến tòa nhà gần sòng bạc.

Nhưng công việc không như cô mong đợi. Người phụ nữ cho biết cô và những người khác đã bị buộc phải thực hiện các hành vi gian lận trực tuyến bằng cách sử dụng tài khoản Instagram và Facebook giả mạo. Sau khi thu được hàng triệu baht từ các nạn nhân, nhóm người Trung Quốc sẽ giải tán “công ty” và sau đó mở lại dưới một cái tên mới để trốn tránh pháp luật.

Người phụ nữ cho biết cô phải làm việc 15 giờ mỗi ngày dưới sự giám sát chặt chẽ. Các nạn nhân là người Thái, người Trung Quốc và thậm chí có cả người phương Tây. Những người từ chối làm công việc này sẽ bị chuyển sang các “công ty” khác, một số người thậm chí bị đưa vào nhà thổ.

Nhiều nạn nhân phải thuê người dân địa phương để giúp họ trốn thoát, trong khi những người khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đại sứ quán, mặc dù quá trình này tốn rất nhiều thời gian.

Hiện vẫn còn một số lượng lớn người trẻ mắc kẹt tại Kings Roman, người phụ nữ cho biết.

Sự khởi đầu của đế chế sòng bạc

Sinh ra ở tỉnh Hắc Long Giang, trước khi sang Lào, Zhao Wei đã điều hành các sòng bạc ở Macao và Mong La, một thị trấn biên giới giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Myanmar.

Nhận thức rõ tác động xấu của sòng bạc đến người dân, đặc biệt là các quan chức thường xuyên lui tới đây, chính phủ Trung Quốc đã buộc Zhao Wei phải đóng cửa hoạt động kinh doanh tại khu vực biên giới.

Đó là khởi đầu của đế chế Kings Romans ở Tam giác Vàng.

Sự bức xúc của người bản địa

Zhao Wei khởi xướng Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng vào năm 2007 sau khi giành được hợp đồng thuê 3.000 ha đất với thời hạn 99 năm từ chính phủ Lào để phát triển sòng bạc, khách sạn, trung tâm mua sắm và sân bay.

Khi mới nghe tin về vụ cho người Trung Quốc thuê đất, dân bản địa tỉnh Bokeo đã rất tức giận và cố gắng đẩy lùi bản hợp đồng. Họ gửi một lá thư kiến nghị lên chính phủ, nhưng không được chấp nhận. Dân làng địa phương sau đó tổ chức các lễ thờ với hy vọng có thể bảo vệ rừng và đất khỏi các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Kings Romans đã nuốt chửng đất đai, đền thờ, làng mạc mà tổ tiên họ để lại.

Trên thực tế, chính phủ Thái Lan trước đây đã lên kế hoạch đề xuất khu vực ở 2 bờ sông Mekong được đăng ký là Di sản Thế giới. Các bằng chứng lịch sử và khảo cổ cho thấy những khu vực này từng là Suvannakomkam, một thị trấn Phật giáo cổ đại. Thật không may, đề xuất này không bao giờ thành hiện thực.

Theo nghiên cứu của Pinkaew Luangaramsri, một giảng viên tại Đại học Chiang Mai, chính phủ Lào rất coi trọng Zhao Wei. Các quan chức cấp cao trong chính phủ thường xuyên lui tới khu vực Bokeo.

Dự án của Zhao Wei còn được giới thiệu trong cuốn sách “Biến chủ quyền thành hàng hóa: Đặc khu kinh tế Trung Quốc và sự phát triển của Lào” do giáo sư người Lào Yot Santasombat chủ biên.

“Người Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì. Còn dân làng chúng tôi thì mất nhà, mất ruộng. Chúng tôi không biết phải làm gì để kiếm sống. Giới chức trách cấm đoán chúng tôi như thể đây không phải là đất của chúng tôi”, một người dân chia sẻ sự bức xúc trước sự dung túng dành cho đế chế của Zhao Wei.

Theo BANGKOK POST / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,