Bom neutron – vũ khí hạt nhân kỳ lạ nhất từng được chế tạo

Bom neutron được quảng bá là loại vũ khí hạt nhân hiệu ứng trội được thiết kế để tiêu diệt con người nhưng chỉ gây tổn hại tối thiểu tới các công trình của đối phương.

Ý tưởng chế tạo bom neutron

Cha đẻ của bom neutron (bom N) là Samuel T. Cohen, ông làm việc trong bộ phận tính toán hoạt động của Fat Man, quả bom nguyên tử đã được ném xuống Nagasaki, Nhật Bản.

Cohen nói rằng ông cùng các cộng sự ở Dự án Manhattan đã nghiên cứu và tìm hiểu xem các tia neutron hoạt động ra sao trong một phản ứng phân hạch, cách thức chúng tản mát ra môi trường xung quanh, chúng bị thứ gì hấp thụ và chúng kích thích phản ứng phân rã nguyên tử như thế nào.

Trong một chuyến đi tới Seoul, Hàn Quốc vào năm 1951, khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra, Cohen đã tận mắt thấy thành phố này bị tàn phá tới mức độ khủng khiếp.

Hình ảnh Seoul hoang tàn đã cung cấp động lực, khiến bản thân ông mong muốn chế tạo ra một thứ vũ khí nguyên tử chỉ thuần túy phục vụ mục đích tiêu diệt sinh lực đối phương. Đó chính là cơ sở để bom neutron ra đời.

Nguyên lý hoạt động của bom neutron

Nguyên lý hoạt động của bom neutron dựa trên các phản ứng dây chuyền phân chia và tổng hợp hạt nhân.

Phản ứng dây chuyền phân chia hạt nhân có tác dụng nung nóng các chất ban đầu lên đến vài chục triệu độ C, tạo điều kiện cho phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra sau đó. Như vậy, thực chất bom neutron chính là một loại bom nhiệt hạch công suất nhỏ (đương lượng nổ cỡ 1 kT).

Về cấu tạo, bom neutron gồm hệ sơ cấp là một lượng nổ hạt nhân phân hạch dùng Plutonium (Pu) làm chức năng mồi nổ và hệ Tritium (T). Hai hệ trên được đặt tại hai tiêu điểm của lớp phản xạ hình elip tròn xoay, cấu tạo từ những chất trong suốt đối với neutron như sắt và Beryllium (Be).

Khi bom neutron nổ, hệ sơ cấp tạo thành plasma và bức xạ tia X rất mạnh. Áp suất của tia X mạnh đến mức làm khởi phát được phản ứng nhiệt hạch.

Phần lớn năng lượng của vụ nổ sẽ được bức xạ vào không gian xung quanh dưới dạng luồng neutron nhanh mang năng lượng cao mặc dù vẫn sinh ra nhiệt và sóng chấn động.

Luồng neutron có khả năng xuyên qua, gây sát thương sinh lực địch trong xe tăng, xe bọc thép, hầm trú ẩn… chưa được bảo vệ chống vũ khí neutron.

Các sinh vật sống trong phạm vi bom nổ sẽ bị tiêu diệt nhưng tài sản sẽ vẫn được giữ nguyên vẹn.

Bom neutron có thực sự là thứ “Vũ khí hạt nhân lành mạnh”?

Điều đáng chú ý đầu tiên là năng lượng bức xạ của bom neutron mạnh gấp 6 – 8 lần năng lượng neutron của bom hạt nhân dạng phân hạch truyền thống có cùng công suất.

Các yếu tố sát thương khác của thứ vũ khí này giảm xuống đáng kể, tuy vậy vẫn không thể coi là được triệt tiêu mà vẫn có những tác dụng nhất định, do đó không bao giờ có vũ khí neutron “sạch” như những nhà chế tạo vẫn thường quảng cáo.

Ví dụ, so với vũ khí phân hạch cùng công suất thì bức xạ nhiệt của vũ khí neutron ít hơn 50%, sóng xung kích giảm 50% và bán kính sát thương do sóng xung kích và bức xạ nhiệt tạo ra giảm 1,25 lần.

Về bức xạ neutron, cách tâm nổ 1.000 m (của đầu đạn 1 kT), liều bức xạ neutron vẫn còn khoảng vài nghìn Rad. Với bức xạ 450 – 2.000 Rad, con người chỉ có thể làm việc trong những giờ đầu sau khi bị chiếu xạ. Sau vài tuần lễ, hầu như 100% sẽ chết vì các bệnh bức xạ.

Một đặc điểm nguy hiểm nữa của vũ khí neutron là nó gây ra phóng xạ cảm ứng.

Bản chất của hiện tượng này là dưới tác động của luồng neutron nhanh, vật chất xung quanh, trong đó vũ khí trang bị và kể cả cơ thể con người đều trở thành các chất đồng vị phóng xạ với các chu kỳ phân rã khác nhau.

Ngoài ra, kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy bom neutron vẫn có khả năng phá hủy hết sức mạnh mẽ, không thua kém gì các loại bom nguyên tử khác.

Số phận hẩm hiu của vũ khí neutron

Việc chế tạo vũ khí neutron được bắt đầu tiến hành ở Mỹ từ những năm 1960. Ngay từ khi ra đời, bom neutron đã vấp phải sự phản đối lớn, chủ yếu liên quan tới khía cạnh đạo đức và nguy cơ nó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Khi Jimmy Carter lên nắm ghế Tổng thống Hoa Kỳ, ông ta có ý định triển khai vũ khí neutron ở châu Âu. Nhưng kế hoạch này vấp phải sự phản đối dữ dội, tới mức Carter buộc phải đình chỉ hoạt động phát triển.

Tổng thống Ronald Reagan đã tái khởi động chương trình trên vào năm 1981 nhưng vũ khí neutron cũng không được phát triển mạnh và cho tới nay cũng có 3 loại đầu đạn neutron đã được chế tạo.

Loại thứ nhất là đầu đạn W66 lắp trên tên lửa Sprint có nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đầu đạn này được sản xuất và triển khai hồi giữa những năm 1970 và nhanh chóng bị loại khỏi trang bị cùng hệ thống tên lửa mang nó.

Tiếp đó, đầu đạn W70 Mod 3 được phát triển để lắp vào tên lửa Lance tầm ngắn. Theo chân nó là đầu đạn W79 Mod 0 phát triển cho đạn pháo 203 mm. Cả 2 loại đầu đạn này cũng đã bị loại biên từ năm 1992 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trong khi đó, quốc gia từng thử nghiệm và sản xuất các đầu đạn chứa tia neutron vào đầu những năm 1980 là Pháp đã quyết định từ bỏ loại vũ khí này vào năm 1986 do áp lực của cộng đồng quốc tế và từ trong nước.

Tuy vậy, bom N không phải vì thế đã hoàn toàn hết thời và không được quan tâm nữa. Năm 1999, Trung Quốc công bố rằng họ đã nắm trong tay công nghệ để chế tạo một quả bom huỷ diệt loại này, gây ra một mối quan ngại lớn cho những người yêu chuộng hòa bình.

Tags: