Bạo hành trẻ em: Phía sau một tội ác

Trong suốt hơn 10 năm làm luật sư bảo vệ trẻ em, tôi chứng kiến rất nhiều vụ việc ám ảnh.

Bài viết của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ.

Bé N là một trường hợp như thế. Bé bị tên Nguyễn Văn Tú, 28 tuổi, xâm hại khi em mới có 2 tuổi 6 tháng 22 ngày.

Hôm đó, mẹ mới sinh đang chăm em bé trong nhà. N ngồi chơi trước cửa phòng trọ. Tú, công nhân thuê phòng trọ khu vực bên kia đường đi nhậu về. Thấy bé chơi một mình, anh ta bế N về phòng mình cách đó 50m và xâm hại. Khi mọi người tìm ra, bé đã bất tỉnh.

Chúng tôi đến bệnh viện Nhi đồng II gặp bé lúc 6 giờ sáng. Em vẫn hôn mê. Các bác sĩ kết luận bé bị xâm hại nặng nề, thủng trực tràng, rách vùng kín.

Suốt cả năm trời sau đó, cứ 3 giờ đêm là N mê sảng, la hét và không ngủ nữa. Ba mẹ em phải chuyển nhà qua nhiều khu phòng trọ vì chúng tôi khuyên nên đưa em đi xa khung cảnh cũ. Bé hoảng loạn nhiều tháng, sống rút mình không chịu đi chơi, không giao tiếp với ai. Mới đây ba mẹ phải gửi em về quê ở với ông bà ở Bạc Liêu hy vọng cháu nguôi ngoai.

N bây giờ đã 4 tuổi. Tháng nào cũng phải đi khám bệnh. Môi dưới em bị cắn nát, vết sẹo dài lồi lên ngang ngược trên khuôn mặt thơ ngây. Bộ phận sinh dục cũng thành tật. Bé hay kêu “Con đau và ngứa quá ba ơi”. Con bé ốm nhom ốm nhách, hơn 4 tuổi mà chỉ 12kg.

Nhiều lần tôi nhìn cháu mà ứa nước mắt: “Làm sao em lớn lên?”

Đây là một vụ án có bằng chứng rõ ràng. Kẻ phạm tội bị bắt ngay sau đó. Vậy mà vì thủ tục tố tụng, thu thập hồ sơ. Hai năm sau phiên tòa mới có thể diễn ra.

Cũng là mẹ của hai đứa con và bà của bốn cháu, nhiều khi tôi rất đau lòng. Mỗi lần một vụ việc bị phát hiện. Dư luận ầm ĩ lên án, rồi khởi tố. Nhưng cái ác vẫn còn. Năm này qua năm khác, điệp khúc bạo hành trẻ em vẫn lặp lại, dưới các hình thức khác nhau.

Khi dư luận cuồng điên đòi tiêu diệt cái ác bằng sự trừng phạt, liệu có ai dừng lại để đặt câu hỏi: Sau cơn bão này sẽ là gì? Còn biết bao em bé không thể lớn lên bình thường vì những vết thương dài và sâu sắc đó?

Sau cái ác, thì sự trừng phạt, sự lên án hay tiêu diệt một cá nhân ở khía cạnh xã hội, có phải là cách duy nhất chúng ta đối mặt với hậu quả của nó?

Các nạn nhân sau khi bị cú sốc giáng xuống, cần được thăm khám và điều trị tâm lý kịp thời mới có cơ may không để lại di chứng lâu dài lên tinh thần và cả thể xác. Tôi nhấn mạnh chữ “kịp thời” vì nếu không điều trị kịp thời nhờ chuyên gia và bác sĩ tâm lý, các sang chấn tâm lý sẽ đi theo em cả đời.

Bản thân phụ huynh các em cần hệ thống hỗ trợ tư vấn pháp lý và tư vấn tâm lý để có thể phát hiện các thay đổi của con mình khi bé bị hành hạ, bị ngược đãi. Các trung tâm đó phải sẵn sàng và được biết đến ở mọi địa phương.

Rất nhiều người dân không hiểu biết về luật pháp, quyền của chính mình và quyền của con em. Họ cũng không biết đến những kênh trợ giúp pháp lý nên ngại phiền phức, sợ bị đe dọa, sợ đấu tranh, sợ ra tòa, sợ mất tiền vì thực ra đa số họ đều có thu nhập thấp. Đã có những vụ án rất đau lòng nhưng bố mẹ trẻ bị hại xin rút đơn vì sợ. Họ cũng không có thói quen tìm đến luật sư nhờ can thiệp ngay từ đầu trong khi phía bên gây hại thường mau chóng thuê luật sư tư vấn để che đậy chứng cứ.

Một khía cạnh quan trọng của vấn đề, theo tôi là cần có phương cách kiểm tra và điều trị bệnh tâm lý, tinh thần cho những bảo mẫu, giáo viên có hành vi ngược đãi, những kẻ xâm hại, hành hạ trẻ em. Bởi đó là dấu hiệu của người có bệnh. Bệnh cụ thể là gì, phải có quá trình theo dõi và kiểm tra y tế. Một người bình thường, một người mẹ, một người cha, một người ông có suy nghĩ thì không bao giờ có thể làm vậy với những đứa trẻ.

Tôi từng đề xuất việc đưa vào các trung tâm điều trị tâm lý, tinh thần, cách ly những người này khỏi xã hội, đặc biệt khỏi các em nhỏ; tuyệt đối không được tham gia các công việc liên quan hay tiếp xúc trẻ em. Điều này rất nhiều quốc gia đã làm.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu hôm qua trong cuộc họp khẩn với các sở, ngành và địa phương cho biết hiện có khoảng gần 4 triệu trẻ em, trong đó 1/4 số trẻ là dân nhập cư vào TP HCM. Bà nói sẽ triển khai một đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em” giai đoạn 2017-2021, tổng kinh phí hơn 6 triệu USD.

Bà Thu cũng đã yêu cầu tất cả các cơ sở giữ trẻ đều phải trang bị camera. Camera nào theo sát hết những mầm ác có thể nảy ra bất cứ lúc nào quanh các em? Bằng chứng luôn rất mong manh.

Tôi mong một phần kinh phí ấy sẽ dùng để xây dựng mạng lưới hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc pháp lý, tâm lý cho chính phụ huynh gia đình có trẻ bị bạo hành, bản thân các em và thậm chí cho chính những người có mầm mống hành vi tội ác đó.

Bởi biết đâu, những hành vi đó ngoài nguyên nhân bệnh lý, cũng là hệ quả của những cú sốc họ đã phải mang theo từ lâu trong mình?

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,