Bàn về tôn giáo và thế giới quan của con người

Con người càng lớn lên trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người về thế giới và về vị trí của mình trong thế giới đó càng tự nhiên phát triển nhanh.

Bàn về tôn giáo và thế giới quan của con người

Trích từ ấn phẩm Hành trình trưởng thành đích thực của nhà tâm thần M. Scott Peck – NXB Văn hóa Thông tin.

Trái lại, con người càng không lớn lên được trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người càng không phát triển được. Do đó, giữa những thành viên của loài người có một sự biến thiên lạ thường về bề rộng và độ phức tạp của hiểu biết của chúng ta về bản chất của cuộc đời.

Sự hiểu biết này chính là tôn giáo của chúng ta. Vì mỗi người đều có một hiểu biết nào đó – một thế giới quan nào đó, dù hạn hẹp, thô sơ và không chính xác đến mức độ nào đi nữa – mỗi người có một tôn giáo. Thực tế này, không được công nhận rộng rãi, là hết sức quan trọng: mỗi người có một tôn giáo.

Tôi tin, chúng ta có khuynh hướng định nghĩa tôn giáo quá hạn hẹp. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng tôn giáo phải bao gồm một niềm tin vào Thượng Đế, hoặc một thực hành nghi lễhoặc thành viên của một nhóm thờ phụng nào đó. Chắc chắn chúng ta sẽ nói về một người không đi nhà thờ hoặc không tin một đấng bề trên nào đó rằng “Anh (chị) ta không có tôn giáo”. Thậm chí tôi còn nghe những học giả nói những chuyện như thế này: “Phật giáo thực sự không phải là một tôn giáo” hoặc “Giáo phái độc vị đã loại trừ tôn giáo ra khỏi niềm tin của họ”, hoặc “Thần bí thuyết là một triết học hơn là một tôn giáo”.

Chúng ta có xu hướng xem tôn giáo như một cái gì nguyên khối, cắt từ một tấm vải nguyên, và với quan niệm đơn giản hóa này chúng ta lúng túng không hiểu sao hai người rất khác nhau lại có thể cùng gọi mình là Ki-tô-hữu. Hoặc tín đồ Do Thái giáo. Hoặc làm thế nào mà một người vô thần lại có thể có được một ý thức luân lý Kito giáo cao hơn một người Công giáo dự lễ hàng ngày.

Khi quan sát những nhà tâm lý liệu pháp khác, tôi thường thấy rằng họ quan tâm quá ít, nếu không muốn nói là không quan tâm, đến những cách thức mà các bệnh nhân của họ nhìn thế giới. Có nhiều lý do về chuyện này, nhưng trong số đó có ý niệm cho rằng nếu bệnh nhân không xem mình là có tôn giáo vì niềm tin của họ vào Thượng Đế hoặc thành viên của giáo hội của họ, thì họ không có tôn giáo và vì thế vấn đề không cần phải xem xét kỹ lưỡng xa hơn nữa nhưng thực tế của vấn đề là mọi người đều có một bộ mặc nhiên hay minh nhiên những ý tưởng và những niềm tin về bản chất tất yếu của thế giới. Có phải bệnh nhân hình dung vũ trụ cơ bản là hỗn mang và vô nghĩa cho nên, họ chỉ nghĩ chộp lấy bất cứ khoái lạc nhỏ nhoi nào có thể có sẵn đó không? Có phải họ nhìn thế giới như một nơi tranh chấp thô bạo ở đó sự tàn nhẫn là cần thiết cho sự sống còn của họ không? Hay có phải họ xem đó là một nơi dinh dưỡng ở đó mọi thứ tốt lành sẽ luôn luôn có sẵn và họ không cần phải bứt rứt nhiều về tương lai không? Hoặc đó là một nơi có bổn phận phải nuôi sống, bất kể họ lèo lái cuộc đời họ như thế nào chăng? Hoặc đó là một vũ trụ có qui luật cứng nhắc ở đó họ sẽ bị đánh đổ và nhận chìm nếu họ bước lệch ra ngoài đường ranh một chút chăng? vân vân và vân vân. Người ta có đủ mọi cách thức khác nhau để nhìn thế giới. Sớm muộn rồi trong quá trình tâm lý liệu pháp đa số các nhà trị liệu cũng sẽ nhận ra cách thức một bệnh nhân nhìn thế giới, nhưng nếu nhà tư liệu cảnh giác đặc biệt tìm kiếm thì ông (bà) ta sẽ nhận ra điều này sớm hơn. Và cất yếu là các nhà trị liệu có được sự hiểu biết này, vì thế giới quan của bệnh nhân luôn luôn là một phần thiết yếu của những vấn đề của bệnh nhân, vô sự điều chỉnh thế giới quan của bệnh nhân là cần thiết cho việc chữa trị. Vì thế tôi thường nói với những nhà trị liệu thuộc quyền: “Hãy tìm cho ra tôn giáo của bệnh nhân dẫu họ nói họ không có tôn giáo.”

Thông thường tôn giáo hoặc thế giới quan của một người chỉ được người ấy ý thức một cách không hoàn toàn. Các bệnh nhân thường không biết họ nhìn thế giới như thế nào, và đôi khi còn nghĩ mình có một thứ tôn giáo nào đó trong khi thực tế họ có một thứ tôn giáo khác xa. Stewart, một kỹ sư công nghiệp thành đạt, bị suy sụp trầm trọng ở giữa tuổi năm mươi. Mặc dù thành công trong công việc vừa là một người chồng vừa là một người cha gương mẫu, ông cảm thấy vô dụng và xấu xa “Thế giới này sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu tôi chết đi,” ông ta nói. Và có ý đó thật. Stewart đã hai lần tính chuyện tự tử rất nghiêm trọng. Không có một sự làm yên lòng thực tiễn nào có thể cắt đứt được cái tính phi thực tế của việc ông tự xem mình là vô dụng. Cùng với những triệu chứng thông thường của một chứng trầm nhược nghiêm trọng như mất ngủ và bối rối, Stewart còn phải chịu một khó khăn lớn trong việc nuốt thức ăn. “Không phải thức ăn dở”, ông ta nói. “Nói thế thì quá. Nhưng như thể có một miếng sắt chắn ngang cuống họng tôi và không gì có thể qua được trừ chất lỏng.” Đi rọi X-quang và làm những thử nghiệm đặc biệt cũng không cho thấy một nguyên nhân thể lý nào của sự khó khăn của ông ta. Stewart không do dự nói về tôn giáo: “Tôi là một người vô thần, rõ ràng và đơn giản,” ông ta tuyên bố. “Tôi là một nhà khoa học. Những thứ duy nhất mà tôi tin là những thứ tôi có thể thấy và sờ mó được. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi có một niềm tin nào đó và một Thượng Đế nhân hậu và yêu thương, nhưng thẳng thắn mà nói, tôi không thể nuốt nổi một thứ cứt đái như thế. Tôi đã có đủ thứ đó rồi khi tôi còn bé và tôi mừng vì đã thoát được nó.” Stewart đã lớn lên trong một cộng đoàn nhỏ ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ, là con trai của một nhà truyền đạo cứng nhắc của giáo phái Cơ bản.Ông ta đã bỏ nhà và giáo hội khi có được cơ hội đầu tiên.

Nhiều tháng sau khi được điều trị Stewart kể lại giấc mơ ngắn sau đây: “Đó là trở lại cái thời thơ ấu còn ở nhà tại Minnesota. Hình như lúc ấy tôi còn sống ở đó như một đứa bé, nhưng tôi cũng biết lúc ấy tôi đang độ tuổi như bây giờ. Đó là vào lúc đêm. Một người đàn ông vào nhà. Ông ta sắp sửa cắt cổ chúng tôi. Tôi chưa từng gặp người đàn ông này trước đó, nhưng lạ lùng là tôi biết ông ta là ai: bố của một cô gái mà tôi đã hẹn hò hai lần ở trường trung học. Tôi chỉ kịp thức giấc, sợ hãi vì biết rằng người đàn ông này muốn cắt cổ chúng tôi.”

Tôi yêu cầu Stewart kể cho tôi nghe những gì ông ta biết được về người đàn ông này trong giấc mơ. “Thật sự chẳng có gì để kể cho ông”, ông ta nói. “Tôi chưa bao giờ gặp người đàn ông này. Tôi chỉ hẹn hò với con gái ông ta hai lần mà thôi – không hẳn là hẹn hò. Chỉ đi bộ về đến cửa nhà nàng sau những lần nhóm họp của giới trẻ ở nhà thờ. Một trong những lần đi bộ đó tôi đã hôn trộm nàng khuất sau bụi cây.” Đến đây thì Stewart cười gượng và nói tiếp: “Trong giấc mơ tôi có cảm giác chưa bao giờ gặp bố của nàng, dù tôi đã biết ông ta là ai. Thực sự, trong đời thực tôi đã thấy ông ta – ở xa. Ông ta làm trưởng ga xe lửa của thành phố chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi có thấy ông ta khi tôi đi đến nhà ga nhìn những đoàn tàu vào những buổi chiều mùa hè.”

Một điều gì đó lóe lên trong tâm trí tôi. Tôi cũng vậy, khi còn nhỏ, tôi cũng dành những buổi chiều mùa hè lười biếng xem các đoàn tàu chạy qua. Nhà ga là nơi hành động xảy ra. Và ông trưởng ga là giám đốc của hành động. Ông ta biết những nơi xa từ đó những đoàn tàu dài chạy đến thành phố nhỏ bé của chúng tôi cũng như những nơi xa xăm mà những đoàn tàu đang đi đến. Ông ta biết những đoàn tàu nào phải dừng lại và những đoàn tàu nào phải chạy ào qua, làm rung chuyển đất khi chúng đi qua. Ông ta bẻ ghi, ra những dấu hiệu. Ông nhận thư từ và gửi đi. Và khi ông ta không làm những chuyện kỳ diệu này thì ông ta ngồi trong văn phòng làm một việc còn kỳ diệu hơn: gõ nhẹ trên một cái phím nhỏ đầy ma thuật với một ngôn ngữ huyền bí có nhịp điệu để gửi những thông điệp đi khắp thế giới.

“Ông Stewart”, tôi nói, “ông đã nói với tôi rằng ông là người vô thần, và tôi tin ông. Có một phần trong tâm trí ông là không có Thượng Đế. Nhưng tôi bắt đầu nghi ngờ rằng một phần khác của tâm trí ông tin vào Thượng Đế – Thượng Đế nguy hiểm, cắt cổ.”

Sự nghi ngờ của tôi là đúng. Từ từ, khi chúng tôi đã làm việc chung với nhau, miễn cưỡng, cố vượt qua trở ngại, Stewart bắt đầu nhận ra trong người ông ta một niềm tin lạ lùng và xấu xí: vượt qua chủ trương vô thần của ông ta một giả định rằng thế giới được kiểm soát và điều khiển bởi một thế lực ác ý, một thế lực không chỉ có thể cắt cổ ông ta mà còn hăng hái làm như vậy, hăm hở trừng phạt ông ta vì những vi phạm. Cũng từ từ chúng tôi bắt đầu tập trung vào những “vi phạm” của ông ta, nhất là những chuyện nho nhỏ về tính dục tượng trưng như chuyện ông ta “hôn trộm” đứa con gái của ông trưởng ga. Cuối cùng vấn đề trở nên rõ ràng là (trong số những lý do khác của sự trầm nhược) Stewart đã ăn năn và theo nghĩa bóng đã cắt cổ mình với hy vọng làm như thế ông có thể ngăn chặn Thượng Đế cắt cổ ông theo nghĩa đen.

Do đâu mà Stewart có ý niệm về một Thượng Đế thù hằn và một thế giới ác tâm như vậy? Những tôn giáo của con người phát triển như thế nào? Điều gì quyết định thế giới quan của một con người? Có những yếu tố quyết định hoàn toàn phức tạp và quyển sách này sẽ không khám phá sâu vấn đề này. Nhưng nhân tố quan trọng nhất trong sự phát triển tôn giáo của phần lớn người ta rõ ràng là nền văn hóa của họ. Nếu chúng ta là người châu Âu, chắc chắn chúng ta tin rằng Đức Kitô là một người da trắng, và nếu chúng ta là người châu Phi, thì ngài là người da đen. Nếu là một người Ấn Độ sinh ra và lớn lên ở Benares hoặc Bombay thì người đó có khả năng trở thành một người theo Ấn giáo và có một thế giới quan được miêu tả là bi quan. Nếu là một người Mỹ sinh ra và lớn lên ở Indiana thì người ấy có khả năng trở thành một Kitô hữu hơn là một người theo Ấn giáo và có một thế giới quan hơi lạc quan hơn. Chúng ta có khuynh hướng tin những gì người chung quanh chúng ta tin, và chúng ta có khuynh hướng chấp nhận như là sự thật những gì mà người chung quanh nói với chúng ta về bản chất của thế giới khi chúng ta lắng nghe họ trong những năm ở tuổi định hình.

Nhưng sự thật ít được nhận thấy rõ ràng (ngoại trừ đối với nhà tâm lý liệu pháp) là thành phần quan trọng nhất của nền văn hóa chúng ta là gia đình riêng của chúng ta. Nền văn hóa cơ bản nhất trong đó chúng ta phát triển là nền văn hóa cơ bản nhất trong đó chúng ta phát triển là nền văn hóa của gia đình chúng ta, và bố mẹ chúng ta là những “nhà lãnh đạo văn hóa” của nền văn hóa đó. Hơn nữa, khía cạnh có ý nghĩa nhất của nền văn hóa đó không phải là những gì bố mẹ cho ta nói với chúng ta về Thượng Đế và bản chất của những sự việc nhưng đúng hơn là những gì họ làm – họ xử sự như thế nào đối với nhau, đối với anh chị em của chúng ta và nhất đối với chúng ta. Nói cách khác, điều chúng ta học được bản chất của thế giới khi chúng ta đang lớn lên được quy định bởi bản chất thực tế của kinh nghiệm chúng ta trong trụ vi mô của gia đình. Những gì bố mẹ chúng ta nói quyết định thế giới quan của chúng ta không nhiều bằng cái thế giới duy nhất mà họ tạo ra cho chúng ta bằng lối xử sự của họ. “Tôi đồng ý rằng tôi có cái ý niệm về một Thượng Đế cắt cổ này”, Stewart nói, “nhưng nó từ đâu mà đến? Chắc chắn bố mẹ tôi tin vào Thượng Đế – họ nói mãi về chuyện đó – Thượng đế của họ là một Thiên Chúa của tình yêu. Đức Giêsu yêu thương chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta yêu Thiên Chúa và Đức Giêsu. Tình yêu, tình yêu, tình yêu, đó là tất cả những gì tôi đã nghe.”

“Ông có một thời thơ ấu hạnh phúc không?” Tôi hỏi.

Stewart giận dữ nhìn tôi. “Ông dẹp cái trò ngớ ngẩn ấy đi”, ông ta nói. “Ông biết là tôi không được như thế. Ông biết tuổi thơ của tôi thật khốn khổ.

“Tại sao nó lại khốn khổ?”

“Ông biết quá mà. Ông biết nó ra sao rồi. Tôi đã bị đánh đập tàn nhẫn. Thắt lưng, tấm ván, chổi, bàn chải, bất cứ cái gì nằm trong tay họ. Không có thứ gì tôi làm mà không phải đòn. Một trận đòn mỗi ngày sẽ không cần đến bác sĩ nữa và sẽ làm cho anh trở thành một Kitô hữu nhỏ tuổi tốt lành.”

“Họ có bao giờ định bóp cổ hoặc cắt cổ ông không?”

“Không, nhưng tôi chắc họ sẽ làm nếu tôi không cẩn thận.” Một hồi lâu im lặng. Gương mặt của Stewart trở nên chán nản thất vọng tột cùng. Cuối cùng, thật nặng nề, ông ta nói: “Tôi đang bắt đầu hiểu ra.”

Stewart không phải là người duy nhất tin cái mà tôi gọi là “ông chúa-quái vật”. Tôi có một số bệnh nhân có những ý niệm ảm đạm hoặc đáng sợ tương tự về bản chất của cuộc sống. Điều ngạc nhiên là chuyện “ông chúa – quái vật” đó không phải là phổ biến trong tâm trí của con người. Ở phần đầu cuốn sách này chúng ta đã ghi nhận rằng khi còn bé bố mẹ chúng ta là những hình ảnh giống như Chúa đối với con mắt trẻ thơ của chúng ta, và cách thức họ xử sự mọi việc trông như là cách thức mà mọi việc phải được hành xử trong vũ trụ, ý niệm đầu tiên (và đáng buồn, cũng thường là duy nhất) của chúng ta về bản tính của Thượng Đế là một phép ngoại suy đơn giản về bản chất của bố mẹ chúng ta, một sự pha trộn đơn giản những tính cách của bố và mẹ chúng ta hoặc những người thay thế họ. Nếu chúng ta có những bố mẹ biết yêu thương và hay tha thứ, chắc chắn chúng ta tin có một Thượng Đế yêu thương và tha thứ. Và trong nhãn quan người lớn của chúng ta thế giới cũng giống như một nơi dinh dưỡng như khi chúng ta còn thơ ấu. Nếu bố mẹ chúng ta ác nghiệt và hay trừng phạt thì chúng ta cũng sẽ thấm nhuần một quan niệm về ông chúa – quái vật ác nghiệt và hay trừng trị. Và nếu họ không chịu quan tâm chăm sóc chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ hình dung vũ trụ cũng vô tâm tương tự như vậy.

Việc tôn giáo hoặc thế giới quan của chúng ta được quyết định phần lớn và trước hết bởi kinh nghiệm của thời thơ ấu duy nhất đưa chúng ta đến đối diện với một vấn đề trọng tâm: mà quan hệ giữa tôn giáo và thực tại. Đó là vấn đề của vi mô và vĩ mô. Quan điểm của Stewart nhìn thế giới như một nơi hiểm nguy ở đó ông ta có thể bị cắt cổ nếu ông ta không rất cẩn thận cảnh giác là hoàn toàn hiện thực dưới hình thức vi mô của gì minh thời thơ ấu; ông ta sống dưới sự thống trị của hai người lớn xấu xa. Nhưng không phải mọi bố mẹ đều xấu xa và mọi người lớn đều xấu xa. Ở trong thế giới to lớn hơn, thế giới vĩ mô, có nhiều dạng bố mẹ, con người, xã hội và nền văn hóa khác nhau.

Để phát triển một tôn giáo hoặc thế giới quan hiện thực – tức là phù hợp với thực tại của vũ trụ và vai trò của chúng ta trong đó, như chúng ta có thể biết tốt nhất thực tại đó – chúng ta phải không ngừng xem lại và mở rộng sự hiểu biết của mình để tiếp thu tri thức mới mẻ về cái thế giới rộng lớn hơn đó. Chúng ta phải không ngừng mở rộng khung qui chiếu của chúng ta. Ở đây chúng ta đang giải quyết những vấn đề lập bản đồ và chuyển dịch đã được thảo luận luận với một mức độ dài dòng nào đó ở phần thứ nhất. Bản đồ thực tại của Stewart là chính xác đối với thế giới vi mô của gia đình ông ta, nhưng ông ta đã chuyển dịch tấm bản đồ đó một cách không thích hợp vào trong một thế giới người lớn rộng lớn hơn, ở đó nó không hoàn toàn chút nào và do đó thành khiếm khuyết. Trong một chừng mực nào đó, tôn giáo của đại đa số người lớn là sản phẩm của sự chuyển dịch.

Phần lớn chúng ta hoạt động từ một khung quy chiếu hạn hẹp hơn cái chúng ta có thể, đồng thời để cho sự hiểu biết của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa riêng của chúng ta, bởi bố mẹ chúng ta và bởi kinh nghiệm thời thơ ấu của riêng chúng ta. Vì thế, không có gì lạ khi thế giới loài người đầy những xung đột. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mà mọi người phải quan hệ với nhau, nhưng lại có những lối nhìn rất khác nhau đối với bản chất của thực tại, mỗi người tin quan điểm của mình là đúng bởi vì nó đưa trên thế giới vi mô của kinh nghiệm riêng tư. Càng tệ hại hơn nữa, đa số chúng ta không biết đầy đủ thế giới quan của mình, biết quá ít tính duy nhất của kinh nghiệm mà từ đó phát xuất thế giới quan của mình. Bryant Wedge, một nhà tâm bệnh học chuyên về lãnh vực quan hệ quốc tế, nghiên cứu những cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và đã vạch ra được một số những giả định căn bản về bản chất của con người, xã hội và thế giới theo người Mỹ và người Nga; những giả định này của hai bên khác nhau vô cùng. Những giả định này chỉ đạo cung cách đàm phán của hai bên. Nhưng không bên nào biết được những giả định của mình hoặc biết được bên kia đang hành động trên những giả định khác. Kết quả không thể tránh khỏi là đối với người Mỹ thì cung cách đàm phán của người Nga trông có vẻ điên khùng hoặc có chủ tâm xấu, và dĩ nhiên đối với người Nga thì người Mỹ trông có vẻ cũng điên khùng hoặc xấu như vậy.

Quả thật chúng ta giống ba anh mù trong chuyện ngụ ngôn mỗi anh chỉ sờ được một phần của con voi và anh nào cũng đòi là mình hiểu biết được bản chất của cả con vật. Vì vậy chúng ta cãi nhau về những thế giới quan vi mô của chúng ta, và mọi cuộc chiến tranh đều là thánh chiến.

S.T

Tags: ,