Bàn về nghệ thuật và sự hoài nghi

Hoài nghi là một khả năng sinh tồn. Đánh thức lòng say mê một chiều. Phản bác lại lý luận của tri thức. Bắt đầu cho một hành trình nhìn lại và tìm kiếm một phương hướng khác để đi.

Hoài nghi là bắt đầu định giá trở lại những gì đã được định giá. Định giá lại giá trị trong quá khứ và giá trị hiện tại của đối tượng bên ngoài. Hoài nghi còn quan trọng hơn khi tái định giá lại giá trị của chính mình.

Một nghệ sĩ khi đã hoài nghi về giá trị của nghệ thuật đang được tôn thờ thì không cách nào hơn là hủy bỏ những phức tạp của nghệ thuật đó, nắm lấy tính và chất tinh ròng và đơn thuần để trồng vào giá trị sáng tạo riêng trong lòng, tư hóa và đặc thù, để nẩy sinh một giá trị khác của nghệ thuật.

Cuộc tranh luận độc thoại này càng hung hãn, càng gay gắt, càng hơn thua chừng nào thì càng có kết quả hữu ích chừng đó. Trớ trêu là kết quả này lại dẫn đến những tranh luận khác và cứ như vậy cho đến khi người đó bỏ cuộc hoặc chết đi. Vì hoài nghi là yếu tính của nghệ thuật. Còn mục diện sau cùng của nghệ thuật là thẩm mỹ tuyệt đối thì chưa hề trông thấy.

Quá trình này có thể ví như tự nhảy vào vực sâu. Vực sâu đây chính là cõi nghệ thuật mà chưa ai biết rõ. Có thể là cái đẹp sau cùng, có thể là bí ẩn đời sống, có thể là Sẽ Không Bao Giờ Biết nhưng với bản tính thám hiểm, với trực giác sáng tạo, với một lòng can đảm xem thường thất bại, người nghệ sĩ này sẽ cảm và thức được, đáy vực sâu là nơi anh ta muốn tới.

Một tôn giáo nhân thì tìm kiếm bí mật của đời sau. Một triết gia thì tìm kiếm bí mật của cội nguồn và bến đổ. Một nghệ sĩ thì tìm kiếm bí mật của hay đẹp trong tâm hồn. Bất cứ là tìm cái gì, cứ tìm kiếm là có hoài nghi. Hoài nghi càng lớn thì tìm kiếm càng triệt để.

Nghệ thuật thì không cần đúng sai, không cần thiện ác, chỉ cần nỗi sung sướng trong tim. Nhưng khi hoài nghi về con đường dẫn đến sự sung sướng, khi hoài nghi chính bản chất của sự sung sướng, thì nghệ thuật phải chăng là nỗi khổ đau?

Năm xưa khi Trương Chi say đắm Mỵ Nương, chắc chắc anh ta sung sướng vô cùng. Tin tưởng vào tiếng sáo sẽ dẫn đưa đến tình yêu. Nghệ sĩ nào cũng có những giây phút ngây thơ và những niềm tin cực đoan trong vài giai đoạn hoặc cả đời người. Chắc bạn cũng cảm được anh Trương Chi đã mê mang biết bao là mộng mị. Rồi một hôm, thất vọng. Thưởng ngoạn từ chối anh. Buồn bã, khổ đau, nghi ngờ cây sáo “thần kỳ” kia. Nghi ngờ tiếng sáo mê hồn kia đã một thời cho anh được tình yêu của người đọc. Bẻ gãy cây sáo, rơi vào vực sâu để tìm đâu một tiếng sáo một con đò đưa anh về dung nhan kiều diễm. Anh Trương Chi khổ đau vì không được yêu là dĩ nhiên nhưng anh càng đau khổ hơn vì biết được chính dung nhan xấu xí của mình. Có thể thất vọng hơn nữa khi biết mình không có tài năng trở thành khanh tướng để sánh đôi với Mỵ Nương. Câu chuyện Trương Chi kết thúc bằng trái tim ngọc, mài thành ly ngọc để giọt nước mắt ngậm ngùi thương tiếc làm tan vỡ khối u tình của kẻ tình u. Anh Van Gogh cũng thảm thương bỏ đời để lại những bức tranh, đương thời không ai coi trọng. Vậy mà một hôm Sunflowers, hoa Mặt Trời thành ngọc. Giá bán bạc triệu. Ngàn ngàn giọt nước mắt ngậm ngùi. Giá như không nghi ngờ nghệ thuật hội họa thời đó, chắc gì anh Van Gogh đã chọn con đường vẽ khác để đi vào lịch sử. Nghệ thuật Trương Chi và nghệ thuật Van Gogh khác nhau chỗ nào vậy?

***

Hai ông triết gia hạng nặng khác ý nhau. Ông Immanuel Kant cho rằng, trước khi tiến hành một công việc cần phải có một nhận thức đối với các công cụ, phương pháp để thực hiện công việc. Nếu chặng đường công cụ và phương pháp không hoàn chỉnh thì kết quả công việc không thể tốt đẹp.

Ông Friedrich Hegel phản bác rằng, khi một người khảo sát nhận thức về công cụ hay phương pháp, tức là đang nhận thức về nhận thức, để tìm sự hoàn hảo thì giống như người trước khi học được cách bơi thì đừng xuống nước vì đắn đo nguy hiểm.

Cả hai đều đúng. Ráp vào việc làm nghệ thuật, bạn có thể thấy ngay, lời ông Kant ứng dụng cho một nghệ sĩ hoài nghi về tiến trình sáng tác. Chú trọng đến thành quả của tác phẩm. Trong khi lời của ông Hegel là hoài nghi về tính sáng tạo. Không thể nào đạt được nghệ thuật nếu không xông phá vào nghệ thuật. Dĩ nhiên, đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong bức tranh suy tư to lớn của hai vị triết gia thế kỷ 18, 19.

Mượn cách lập luận này để dẫn chứng yếu tính hoài nghi quan trọng như thế nào trong nghệ thuật. Một nghệ sĩ không bao giờ hoài nghi về khả năng tri thức, tài năng áp dụng vào tác phẩm hoặc nghi ngờ chính giá trị của tác phẩm của mình, người nghệ sĩ này chưa trưởng thành trong nghệ thuật. Một nghệ sĩ chưa bao giờ nghi ngờ về tài hoa của mình trong sáng tạo nghệ thuật thì chưa thể là nghệ sĩ có bản lãnh để tác tạo những tác phẩm có giá trị cao.

Cái tạo ra giá trị nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ và mỗi tác giả là mức độ của bản chất nghệ thuật và thực niệm về quang tính nghệ thuật. Muốn được giới tiêu thụ hâm mộ, một chiếc xe hơi thể thao (sport) phải đẹp từ hình dạng đến màu sắc. Phải hội đủ mức độ xe thể thao: tốc độ nhanh và trang bị công nghệ, kỹ thuật phải cao độ và yếu tính của xe thể thao phải an toàn vì không có người giàu nào muốn chết sớm. Còn một chiếc xe đò chở khách thì từ tứ, ý, bản chất sẽ khác với xe thể thao. Nhưng phải có cùng yếu tính là an toàn vì người thường, người nghèo, cũng không ai muốn chết. Vì vậy, bản chất nghệ thuật và quang tính nghệ thuật là xương sống để xây dựng một cơ thể tác phẩm. Cơ thể này hình dạng ra sao, mặc áo quần gì, thuộc về tứ.

Một tác phẩm được thưởng ngoạn từ hình dạng, tức là tứ. Cùng với tứ, thưởng ngoạn sẽ đạt được ý. Sau đó, thưởng ngoạn có trình độ sẽ thẩm thấu mức độ bản chất nghệ thuật và yếu tính nghệ thuật của tác phẩm qua phương pháp sáng tác. Toàn bộ trình bày được khả năng và giá trị sáng tạo của tác phẩm và ghi nhận tiến trình sáng tác của tác giả.

Rồi một hôm nào, người nghệ sĩ, như một thức giấc, cảm thấy những tác phẩm, những giá trị nghệ thuật đều rơi vào nghi hoặc. Ngay ở ngã ba dừng chân này, người nghệ sĩ có thể rẽ vào ngã đường an toàn. Lãng quên những hoài nghi. Nắm giữ những gì đã tạo nên trong quá khứ. Giữ lấy gia tài nghệ thuật đã hiểu, đã nghiệm, đã có. Giữ lấy tên tuổi và sự hài lòng. Hoặc rẽ vào con đường chán nản, bỏ cuộc chơi. Hoặc rẽ qua con đường Thám hiểu. Con đường của trưởng thành nghệ thuật. Con đường tự tiệm hành một bản lãnh.

S.T

Tags: