Bài toán khó của một nền giáo dục chạy theo điểm số

Với hệ thống nặng về điểm số như thế, nền giáo dục của chúng ta thực sự đang rơi vào một nan đề, mà chỉ trích vào phần nào cũng có thể rơi vào sự phiến diện.

Bài toán khó của một nền giáo dục chạy theo điểm số

Cuối tháng 6 vừa qua, các tờ báo bắt đầu đưa dồn dập một loại tin đã không còn xa lạ: có quá nhiều học sinh chỉ được 2-3 điểm/môn là đã đủ điều kiện để đỗ vào lớp 10. Tiếp theo dòng tin tức này là những bài bình luận cho rằng giáo dục đang lâm vào trạng thái báo động. Rồi liệu với kỳ thi mà như không thi này, nên chăng là bỏ luôn, giống như trước kia chúng ta từng bỏ kỳ thi vào lớp 6 THCS. Điểm số như thế mà đỗ được thì kỳ thi chỉ là hình thức.

Nhưng, bỏ thi thì lại nảy sinh một câu chuyện khác, cũng rất cũ (bạn đọc có thể Google theo các năm để thấy chúng lặp lại như chu kỳ như thế nào): lạm phát điểm 9, điểm 10 ở cấp tiểu học. Không cần phải quá sắc sảo để hiểu nguyên nhân đến từ đâu: các trường THCS sẽ xét tuyển dựa trên điểm học bạ và thế là thay vì cho điểm thi cho có, giờ nguy cơ là nhiều nơi có thể cho điểm học cho có.

Lớp học trong mơ

Với hệ thống nặng về điểm số như thế, nền giáo dục của chúng ta thực sự đang rơi vào một nan đề, mà chỉ trích vào phần nào cũng có thể rơi vào sự phiến diện. Hôm nay, tôi sẽ thử không phê phán trực tiếp nó, mà muốn đề ra một giải pháp khác. Bạn đọc hãy tưởng tượng một lớp học khác với tất những lớp học chúng ta hay con em chúng ta từng được học. Ví dụ thế này:

Khi bạn bước vào phòng học, phía trước không phải những dãy bàn ghế xếp hàng dài trước bảng đen nữa, mà là những chiếc ghế được xếp lại theo một vòng tròn lớn. Cách sắp xếp này gửi đi một thông điệp: đây là không gian để thảo luận cởi mở và trao đổi tự do. Các sinh viên bước vào, ổn định chỗ ngồi, sẵn sàng cho buổi thảo luận.

Giáo viên ngồi vào vòng tròn và bắt đầu đi thẳng vào chủ đề: “Tôi có phải là cùng một người với tôi của ngày hôm qua không?”. Tranh luận nổ ra ngay lập tức. Giáo viên nói ít trong giai đoạn này, thi thoảng cắt lời để yêu cầu làm rõ một luận điểm hoặc đề nghị cả lớp xem xét thêm lập luận mà một trong số các sinh viên đưa ra.

Khi mọi thứ lắng xuống một chút, giáo viên sẽ gợi ý mọi người đọc thêm một đoạn trích từ tác phẩm của triết gia John Locke về chủ đề này. Có thêm dữ liệu, các sinh viên lại tiếp tục tranh luận. Một sinh viên nói rằng giáo viên vẫn là cô ấy thôi, vì DNA vẫn giống nhau. Một người khác phản biện: vậy làm sao lý thuyết ấy có thể áp dụng cho những cặp song sinh giống hệt nhau? Một sinh viên khác phát triển vấn đề đi xa hơn, cho rằng mỗi người đều có một vai trò trong cuộc sống và chính những vai trò này xác định danh tính của chúng ta.

Trong quá trình tranh luận này, giáo viên không đưa ra câu trả lời nào, mà chỉ ghi những tranh luận cốt lõi lên bảng. Tiết học cũng không kết thúc bằng câu trả lời. Trên thực tế, nó không kết thúc ngay cả khi chuông reo báo hết giờ: các sinh viên vẫn tranh cãi dữ dội trên đường rời khỏi lớp.

Đấy là một lớp học “trong tưởng tượng” của tiến sĩ John Taylor – Giám đốc Học tập, Giảng dạy và Đổi mới tại trường nội trú Cranleigh (Anh), một người nghiên cứu rất sâu về các triết lý giáo dục: “Trên thực tế, đấy không chỉ là giấc mơ. Lớp học thực sự của tôi đôi khi cũng thế này, thi thoảng vậy. Tôi nhận thấy rằng khi dạy theo cách này, học sinh tích cực tham gia thảo luận, trao đổi và mọi thứ đều đáng nhớ hơn đối với cả học sinh và giáo viên, do đó, tôi cố gắng thực hiện mọi thứ theo cách này bất kỳ khi nào có thể”, ông viết trong tham luận trên trang Aeon.co.

Đấy là ví dụ về một lớp học ở cấp đại học nhưng tư duy này cũng có thể được chuẩn bị từ những chương trình giáo dục ở cấp thấp hơn. Taylor cho rằng đấy có thể là “vũ khí” để chống lại những tha hóa của nền giáo dục quá nặng điểm số. Khi học sinh bước vào lớp học để thi, trọng tâm không phải là được tham gia những cuộc thảo luận không hồi kết, mà là tìm hiểu “những điều cần biết” để thành công trong các bài kiểm tra.

Cách tiếp cận này là cái nhấn nút cho một guồng máy giáo dục kiểu “công nghiệp”: sẽ có đề cương cho kỳ thi sắp tới, sách giáo khoa tham khảo, các ngân hàng đề thi và sách giải bài tập. Khác xa với những không gian mở để tìm tòi và thỏa mãn cái biết của việc học, lớp học ngày nay giống như lò luyện, nơi học sinh phải luyện tập để thuộc làu những câu trả lời hoàn hảo cho một hệ thống các câu hỏi kiểm tra tiềm năng. Đến đây, hẳn nhiều bạn đọc nhớ lại được một phần tuổi thơ học hành vất vả của mình.

Đấy không phải chỉ là vấn đề giáo dục Việt Nam. Trong một cuộc khảo sát cảm nhận của học sinh trên diện rộng tại Anh, các nhà nghiên cứu ghi nhận được rằng nhiều học sinh đã mất hoàn toàn “sự tò mò khám phá”, cũng như “sự thích thú” với kiến thức, đến mức câu trả lời về định nghĩa việc học của các em chỉ “đơn giản là chuyện biết câu trả lời đúng”.

Trong một cuộc khảo sát khác, 87% giảng viên đại học cho rằng hệ thống “dạy để thi” là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc sinh viên không được chuẩn bị đầy đủ cho việc học ở trường đại học.

Giáo dục là quá trình triết học

Trong cuốn sách nổi tiếng “Không vì lợi nhuận” (2010), nữ triết gia Martha Nussbaum mô tả vấn đề của hệ thống giáo dục kiểu này: “Dạy để thi ngày càng chiếm ưu thế trong các trường công lập, tạo ra bầu không khí thụ động của học sinh và giáo viên. Sự sáng tạo và cá tính riêng dành cho cả việc dạy lẫn học một cách nhân văn khó có chỗ để định hình”.

Giờ hãy nghĩ lại về mục đích của giáo dục. 2 năm trước, khảo sát tại một số công ty của Nhật Bản cho thấy con số kinh hoàng: 100% kỹ sư mới tốt nghiệp đều phải đào tạo lại mới có thể làm việc. Điều này có thể đúng với hầu hết các ngành nghề được đào tạo đại học của chúng ta, một thực tế có lẽ không cần quá nhiều con số thống kê để hiểu.

Tức là mục đích thực dụng nhất của giáo dục, là đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, có lẽ đã không thật sự thành công, ở “đỉnh tháp” là giáo dục đại học. Và mục tiêu lãng mạn hơn, tạo ra những người ham hiểu biết và tư duy độc lập, lại càng đáng nghi ngờ hơn nữa.

Nghịch lý là ở nền kim tự tháp, với các cấp học thấp hơn, chương trình giáo dục lại quá nặng. Trong khi đó, như đầu bài đã đề cập, những điểm số, vốn là thước đo cơ bản của hệ thống kiểu này, đang bắt đầu lung lay. Nó không phản ánh đúng những gì đang diễn ra nữa.

Khi viết về ngôi trường lý tưởng trong trí tưởng tượng của mình, triết gia người Áo Karl Popper đã mô tả thế này, từ năm 1974: “Khi tôi nghĩ về tương lai, tôi mơ một ngày nào đó có một ngôi trường mà người trẻ có thể học không biết chán, được kích thích để đặt ra những vấn đề và thảo luận chúng; một trường học mà những câu trả lời ngoài dự kiến cho những câu hỏi không mong muốn đều được lắng nghe; trong đó một người không học để thi đỗ”.

Trong những nỗ lực biến trường học thành động cơ tạo ra tăng trưởng kinh tế, có lẽ chúng ta đã quên mất rằng giáo dục là một quá trình triết học. Như phương pháp của triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates, nó bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi, tiến hành tìm hiểu và rồi cố gắng hiểu sâu hơn, thông qua phản ánh, thảo luận và phản biện. Nó không đưa đến những câu trả lời cuối cùng cho phù hợp điểm số, mà giúp chúng ta hiểu hơn về giới hạn kiến thức của mình, về thế giới xung quanh và về chính chúng ta.

Đấy chính là “sự khôn ngoan”, theo định nghĩa của Socrates. Ông cố gắng khuyên những người Athens bắt đầu suy nghĩ bằng cách đặt ra những câu hỏi để họ tự thấy được hiểu biết hạn chế của mình về những ý tưởng quan trọng trong cuộc sống của họ, chẳng hạn như công lý hoặc lòng dũng cảm. Đấy được xem như điểm khởi đầu cho quá trình mở rộng sự hiểu biết và nó cũng có thể tạo ra sự khiêm nhường, cởi mở với ý tưởng của người khác.

Tất nhiên, ngay ngày mai thức giấc, nền giáo dục chúng ta đang có không thể kê lại bàn ghế, ngồi đặt câu hỏi và thảo luận ngay lập tức, cũng như có những giới hạn vô hình để triển khai một hệ thống giáo dục và đánh giá hiệu quả giáo dục khác.

Nhưng, ít nhất, trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ cố gắng đưa ra một cách tiếp cận khác, để tất cả chúng ta có thể suy nghĩ thêm, thảo luận và tích lũy cho những thay đổi, nếu có. Tôi chọn ngừng chỉ trích một thực tế cũ rích của nền giáo dục, để đưa ra một câu hỏi tiếp theo.

Đấy là lựa chọn hoàn toàn mang tính cá nhân nhưng tôi nghĩ rằng mọi lựa chọn của bất kỳ ai, không cứ là trong ngành giáo dục, khi suy nghĩ về cách chúng ta dạy và học trong tương lai, đều có ý nghĩa. Giáo dục là một quá trình triết học và mỗi người đều có thể góp một viên đá nhỏ cho công trình, chỉ cần suy nghĩ về nó. Ngay từ hôm nay.

Theo BAN CẦM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: