Bài học lịch sử từ Hiệp ước Munich 1938

Hiệp ước Munich năm 1938 đi vào lịch sử như là bài học đắt giá về sự nhượng bộ ngoại giao chỉ có tác dụng khuyến khích kẻ xâm lược lấn tới.

Bài học lịch sử từ Hiệp ước Munich 1938

Hiệp ước Munnich vốn được ký kết vào cuối tháng 9.1938 giữa Đức, Anh, Pháp và Ý nhằm giao vùng Sudetenland của Tiệp Khắc cho Đức Quốc xã bất chấp cảnh báo của Prague rằng sự nhượng bộ này chỉ khiến Hitler “được voi đòi tiên”. Quả thực, chỉ một năm sau, Hitler đã xâm lược Ba Lan và Thế chiến thứ hai khai mào. Kể từ đó, “khoảnh khắc Munich” đã trở thành cụm từ để chỉ sự nhượng bộ ngoại giao vốn chỉ khiến kẻ được nhân nhượng ngày càng lấn tới.

*

Tháng 3/1938, các cường quốc phương Tây đã khoanh tay đứng nhìn Adolf Hitler xâm chiếm và thôn tính nước Áo. Sau khi trở về từ Vienna, Hitler nói với Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels: “Tiệp Khắc là nước kế tiếp”. Lấy cớ bảo vệ quyền lợi của người Đức ở Sudetenland, vùng đất thuộc Áo – Hung được giao cho Tiệp Khắc sau Thế chiến thứ nhất, Hitler lệnh cho quân đội chuẩn bị một cuộc xâm lược muộn nhất là vào ngày 1.10.1938. Thông tin này đã rò rỉ và làm dấy lên làn sóng hoang mang ở châu Âu.

Trong tình hình đó, vào mùa hè năm 1938, mọi sự chú ý đổ dồn vào Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, người trung thành với nguyên tắc “không có kẻ chiến thắng trong chiến tranh”. Vào tháng 9, Chamberlain quyết định gặp trực tiếp Hitler, với niềm tin rằng ông có thể xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin cậy. Cùng với nước Pháp, một đồng minh của Tiệp Khắc, Chamberlain thúc giục Prague từ bỏ Sudetenland. Song ông cảnh báo Hitler rằng Anh và Pháp sẽ đứng về phía Prague nếu Tiệp Khắc bị tấn công. Cả hai chia tay mà không đạt được thỏa thuận quyết định bởi Hitler khăng khăng phải tấn công Tiệp Khắc.

Với quyết tâm tránh chiến tranh bằng mọi giá, Chamberlain trở về nước và nhờ nhà lãnh đạo độc tài ở Ý Benito Mussolini thuyết phục Hitler chấp nhận một giải pháp hòa bình. Theo các sử gia, Chamberlain đã phạm phải một sai lầm đắt giá khi không nhận thấy sự bất hợp lý trong lập trường của Hitler: nếu y chỉ muốn có được Sudetenland thì tại sao cứ phải phát động chiến tranh trong lúc có thể được biếu không.

Ngày 29/9, Hitler tiếp Mussolini, Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier tại Munich để ký thỏa thuận. Theo đó, Tiệp Khắc sẽ giao Sudetenland cho nước Đức. Đổi lại, Hitler từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Cuộc họp giữa lãnh đạo bốn nước có vẻ như trở thành biểu tượng cho thiện chí thỏa hiệp và thúc đẩy hòa bình ở châu Âu.

Tuy nhiên, dưới góc độ chiến lược quân sự, thỏa thuận là một thảm họa. Không có Sudetenland, Tiệp Khắc mất đi hệ thống công sự vốn tạo nên một trong những phòng tuyến vững chắc nhất châu Âu. Ngoài ra, Sudetenland còn là một vùng công nghiệp phát triển có vai trò quan trọng để vận hành cỗ máy chiến tranh của nước Đức sau này. Bất chấp hiệp ước, vào sáng ngày 15.3.1939, xe tăng Đức đã tiến vào vùng Bohemia và Moravia ở Tiệp Khắc và 6 tháng sau, Đức tấn công Ba Lan.

Theo các sử gia, tình hình ở châu Âu lúc đó không đến nỗi bi đát. Bằng việc di chuyển quân sang phía đông để chuẩn bị tấn công Tiệp Khắc, Hitler đã để hở sườn ở phía tây cho nước Pháp. Ngoài ra, dự trữ xăng của Đức chỉ vừa vặn cho một chiến dịch kéo dài bốn tháng. Sau chiến tranh, các sĩ quan cao cấp của Đức cho rằng nếu không có Hiệp ước Munich, Hitler sẽ tấn công Tiệp Khắc vào ngày 1.10.1938 và dù có lưỡng lự, Pháp, Anh và có thể cả Liên Xô sẽ tham chiến. Đáng chú ý nhất là các tướng lĩnh Đức đều đồng ý rằng nước Đức sẽ nhanh chóng bại trận nếu tấn công Tiệp Khắc vào lúc đó.

Khoảnh khắc Munich của Mỹ

Kể từ sau Thế chiến thứ hai, cụm từ “khoảnh khắc Munich” thường được các chính trị gia Mỹ sử dụng để chỉ thái độ kiềm chế một cách khiếp nhược. Năm 1951, khi Tổng thống Harry Truman cách chức tướng Douglas MacArthur để tránh phát động chiến tranh với Trung Quốc vì cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, thượng nghị sĩ Joseph McCarthy đã gọi đây là một “siêu Munich”. Vào tháng 6/2011, khi kêu gọi Tổng thống Barack Obama hãy chú ý đến các động thái của Trung Quốc, thượng nghị sĩ Jim Webb cũng tuyên bố nước Mỹ đang “tiếp cận khoảnh khắc Munich” ở biển Đông. Vào tháng 9/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố nước Mỹ đối mặt với “khoảnh khắc Munich” khi quyết định có tấn công Syria để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học hay không. Còn khi chính phủ Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Iran, một chuyên gia bình luận của tờ Wall Street Journal đã mỉa mai rằng nó còn “tệ hại hơn cả Munich”.

.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,