Bài học đau đớn từ công cuộc bảo tồn cố đô Bagan của Myanmar

Cố đô Bagan đã phải trả giá cho hành động vô trách nhiệm của chính phủ Myanmar khi UNESCO từ chối công nhận thành phố cổ này là di sản thế giới do các ngôi đền đã được khôi phục không còn đúng nguyên vẹn với lịch sử.

Cố đô Bagan của Myanmar với gần 3000 ngôi đền chùa có giá trị về khảo cổ và lịch sử kiến trúc. Myanamar đang mong muốn thành phố cổ này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO xếp vào danh mục các Di sản Thế giới.

Vào thời kỳ hoàng kim của vương quốc giữa thế kỷ 11 và 13, các nhà lãnh đạo Pagan giàu có đã cho xây dựng hàng ngàn ngôi đền ở các vùng đồng bằng Bagan. Người ta ước tính rằng có hơn 10.000 ngôi đền phật giáo, chùa và tu viện phủ khắp 100km2 đồng bằng ở trung tâm Myanmar, trong đó có hơn 2200 đền chùa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những di tích còn sót lại của Bagan có thể được đánh giá tương đương với đền tháp nổi tiếng Angkor Wat của Campuchia và đền Borobodur ở miền Trung đảo Java, Indonesia.

Những đền, chùa được xây dựng trong thời đại này đánh dấu sự khởi đầu của những truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar. Kiến trúc Mon rất phổ biến tại các ngôi chùa lớn của Bagan, một trong số đó là chùa vàng Shwezigon. Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện và cũng là hình mẫu tiêu biểu cho các ngôi chùa sau này, mỗi công trình đều ghi dấu tích một thời đại lịch sử với những nét văn hóa đặc sắc truyền thống.

Thời kỳ hoàng kim của Bagan đã kết thúc năm 1287 khi vương quốc và thủ đô bị xâm lược bởi quân Mông Cổ. Dân số của vương quốc đã giảm xuống với số lượng chỉ bằng một ngôi làng trước khi bị xâm lăng. Các di tích tôn giáo mới vẫn được xây dựng đến giữa thế kỷ 15, nhưng sau đó các công trình đền thờ chỉ được xây dựng nhỏ giọt với khoảng dưới 200 ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20. Cố đô Bagan tiếp tục là một địa điểm hành hương nhưng người ta chỉ hành hương tập trung trên những ngôi đền nổi bật nhất. Hàng ngàn ngôi đền còn lại rơi vào tình trạng xuống cấp, và hầu hết đã không còn tồn tại với thời gian. Một số khác thì bị phá hủy bởi thiên tai, như động đất.

Trong những năm 1990, chính phủ Myanmar đã cố gắng khôi phục lại rất nhiều những ngôi chùa bị hư hỏng, xuống cấp, nhưng do cách phục chế các di tích không còn nguyên vẹn với lịch sử, công tác trùng tu không thực hiện theo quy định quốc tế với việc sử dụng những vật liệu hiện đại, hay mở thêm nhiều con đường mới làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích, đã các nhà sử học, nghệ thuật và bảo tồn trên toàn thế giới lên án. Bagan đã phải trả giá cho hành động vô trách nhiệm của chính phủ khi UNESCO từ chối công nhận thành phố trở thành di sản thế giới do các ngôi đền đã được khôi phục không còn đúng nguyên vẹn với lịch sử.

Hiện nay, chính phủ Myanmar đang nỗ lực trùng tu và phục hồi các ngôi đền và chùa cổ ở Bagan với mục đích đề cử Bagan vào danh sách các di sản thế giới của UNESCO. Công việc bảo tồn giờ đây được tiến hành tỉ mỉ với sự giám sát của các chuyên gia với mục đích trả về giá trị nguyên bản cho di sản. Bên cạnh Ấn Độ, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Italia cũng đang giúp Myanmar tiến hành bảo tồn các di tích ở Bagan. Ông U Thein Lwin, Vụ phó Vụ Khảo cổ và Bảo tàng Quốc gia, Bộ Văn hóa Myanmar cho biết : “ Hiện Bagan có khoảng 3000 di tích đền và chùa cổ và chúng tôi đang phân loại, chúng tôi có kế hoạch chuẩn bị đưa Bagan đề cử vào danh sách di sản UNESCO nhưng chúng tôi cần thêm nhiều thời gian nữa vì cần nhiều kế hoạch để bảo tồn cho tất cả các di tích”.

Theo DI SẢN XANH

Tags: ,