Ba câu hỏi đằng sau những tòa nhà ‘chọc trời’

Từ Tháp Babel huyền thoại đến Burj Khalifa biểu tượng, các tòa nhà chọc trời luôn là minh chứng cho khát khao của con người muốn vươn lên những tầm cao mới.

Ba câu hỏi đằng sau những tòa nhà ‘chọc trời’

Kỷ lục về tòa nhà cao nhất thế giới, theo thời gian, liên tục bị phá vỡ bởi những công trình táo bạo hơn. Điều này phải chăng đã khiến công chúng quên đi mục đích ban đầu của những công trình kiến trúc này, và tập trung hơn nhiều vào giá trị độc lạ mà những tòa nhà chọc trời mang lại.

Những tòa nhà chọc trời đến từ đâu?

Trong lịch sử, các công trình kiến trúc cao tầng từng là nơi bảo tồn giá trị của một tôn giáo hay một đế chế vĩ đại. Ví như quần thể kim tự tháp Giza – được xây dựng để đặt lăng mộ của Pharaoh Khufu – từng cao hơn 145 mét. Đây là cấu trúc nhân tạo cao nhất trong gần 4.000 năm, trước khi bị Nhà thờ Lincoln, Anh cao 160 mét vượt qua vào thế kỷ 14.

Các công trình cổ đại khác như Cung điện Potala của Tây Tạng hoặc các tu viện của Athos đều được xây dựng trên đỉnh núi, với tham vọng của con người được chạm gần hơn tới thiên đường.

Tuy nhiên, theo CNN, định nghĩa về “nhà cao tầng”, tiền thân của những tòa nhà chọc trời, chỉ thực sự ra đời vào thế kỷ 20. Kiến trúc sư nổi tiếng Richard Rogers từng nhận định, thế kỷ 20 được thống trị bởi sự đổi mới và khoa học, với những tác động mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả xây dựng.

Theo Carol Willis, giám đốc Bảo tàng Nhà chọc trời tại New York, vào cuối những năm 1800, quá trình công nghiệp hóa đã đẩy dân số đô thị và giá đất tăng cao, khiến các tòa nhà có sức chứa lớn được xây dựng trong không gian hạn chế trở thành phương án tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ của Mỹ từ năm 1880 đến năm 1890 chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng phát minh mới, giúp các kiến trúc sư xây dựng những công trình cao hơn, vững chắc hơn.

Phương pháp luyện thép Bessemer ra đời cho phép thiết kế khung nhà cao và linh hoạt hơn chất liệu gang của thời đại trước. Hệ thống nước mới được sáng chế đã giúp các tòa nhà phá bỏ giới hạn chiều cao nghiêm ngặt 23 mét, vốn được đặt ra để kiểm soát nguy cơ hỏa hoạn.

Đặc biệt, việc cấp bằng sáng chế về điện xoay chiều đã cho phép thang máy chạy bằng điện hoạt động ở độ cao lên đến 10 tầng nhà. Nhờ đó, những năm 1880, thế hệ tòa nhà chọc trời đầu tiên chính thức xuất hiện ở Chicago và New York. Cũng nhờ đó, Mỹ, vùng đất của những giấc mơ, được tin là nơi những tòa nhà chọc trời thời hiện đại ra đời.

Các kiến trúc sư Louis Sullivan và Dankmar Adler lần đầu tiên đặt ra thuật ngữ “tòa nhà văn phòng cao tầng” vào năm 1896. Theo đó, dựa trên kiến trúc thời kỳ Phục Hưng, các tòa nhà được xây dựng lên tới 10 tầng với hai tầng đầu tiên là sảnh chính và quầy hàng, một số dịch vụ đặt dưới tầng hầm, các tầng phía trên “xếp chồng lên nhau”, kết thúc bởi một tầng mái hoặc áp mái đặt phía trên cùng, với hệ thống ống dẫn thẳng đứng liên kết tòa nhà với nguồn điện, nhiệt.

Sau này, Hội đồng về các tòa nhà cao tầng và môi trường sống đô thị (CTBUH) duy trì một bộ tiêu chí để xác định nhà cao tầng, định nghĩa đây là cấu trúc nhiều tầng được thiết kế cho nhà ở, doanh nghiệp hoặc hoạt động sản xuất.

Được xây dựng sau trận hỏa hoạn lớn năm 1871, tòa nhà 12 tầng Home Insurance ở Chicago – hoàn thành vào năm 1884 bởi William Le Baron Jenney – hiện được coi là tòa nhà cao tầng đầu tiên của kỷ nguyên công nghiệp.

Trong 100 năm tiếp theo kể từ khi tòa nhà Home Insurance khánh thành, Mỹ luôn là nơi “tề tựu” những tòa nhà cao nhất thế giới. Riêng tại New York, kỷ lục về tòa nhà cao nhất thế giới đã bị phá vỡ sáu lần trong khoảng thời gian từ năm 1908 đến năm 1931 – với chiều cao của các công trình đã tăng gấp đôi, từ Tòa nhà Singer đến Tòa nhà Empire State.

Vì sao những tòa nhà chọc trời tồn tại?

Chỉ sau hơn một thế kỷ, sự thống trị thị trường “nhà chọc trời” đã chuyển dần từ Mỹ sang Đông bán cầu. Malaysia là quốc gia đầu tiên phá kỷ lục xây dựng các tòa nhà cao nhất thế giới của Mỹ khi tòa tháp đôi Petronas được hoàn thành vào năm 1998.

Tòa nhà Taipei 101 của Đài Loan, Trung Quốc là tòa nhà tiếp theo giữ kỷ lục này, bắt đầu từ năm 2004. Hiện nay, tòa nhà cao 163 tầng Burj Khalifa, vươn cao hơn 800 mét trên bầu trời Dubai, đã trở thành biểu tượng mới của sàn đấu những tòa nhà chọc trời trên thế giới.

CNN chỉ ra rằng, hơn cả mục đích xây dựng văn phòng hay nhà ở, hơn cả minh chứng cho đòn bẩy kinh tế và công nghệ tác động sâu sắc tới kiến trúc xây dựng, những tòa nhà chọc trời như Petronas hay Burj Khalifa còn là biểu tượng cho “cái tôi” – thước đo khẳng định giá trị thương hiệu.

Trong báo cáo đưa ra tại Hội nghị Tòa nhà cao tầng thế giới CIB năm 2007, chuyên gia Eldemery Ibrahim cho rằng, sự phát triển của nhà cao tầng còn là biểu trưng cho quyền lực, địa vị, và uy tín.

Nhà phân tích Sorkin trong cuốn Architectural Record từng viết, “cuộc chạy đua lịch sử vươn lên bầu trời bộc lộ sự tương phản của truyền thống và hiện đại, ảnh hưởng đến “kết cấu”, thậm chí là văn hóa và tính chính trị của một vùng đất”.

Chẳng thế mà, website chính thức của Tòa nhà Burj Khalifa, tự tin khẳng định: “Không chỉ là tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa còn là một ví dụ chưa từng có về hợp tác quốc tế, một biểu tượng của sự tiến bộ và là biểu tượng của một Trung Đông mới, năng động và thịnh vượng. Hơn cả, đó là bằng chứng hữu hình về vai trò ngày càng tăng của Dubai trong một thế giới đang thay đổi”.

Cũng vì thế, ngày nay, có một thực tế rằng, không phải tất cả không gian bên trong những tòa nhà chọc trời đều được sử dụng. Thuật ngữ “chiều cao phù phiếm” (vanity height) được CTBUH đưa ra năm 2013 nhằm diễn đạt điều đó, mô tả chênh lệch độ cao giữa đỉnh của tòa nhà chọc trời và tầng cao nhất có thể sử dụng được.

Theo CTBUH, khoảng 29% diện tích Tòa nhà Burj Khalifa có chiều cao phù phiếm. Chín tòa nhà cao tầng khác ở Mỹ, Trung Quốc và UAE cũng có tỉ lệ chiều cao không khả dụng từ 28% đến 36%. Theo CTBUH, 61% tòa nhà chọc trời trên thế giới sẽ mất danh xưng tòa nhà siêu cao nếu không có phần chiều cao phù phiếm này.

Điều này khiến giới truyền thông, trong đó có nhiều ông lớn như BBC, Daily Telegraph và một số chuyên gia kiến trúc nghi ngờ sự cần thiết của việc xây dựng những tòa tháp cao chọc trời, khi nó chưa hẳn đã đáp ứng mục đích ban đầu mà những tòa nhà cao tầng hướng đến, đó là phục vụ nhu cầu dân sinh.

Thế nhưng, một nhận xét được kiến trúc sư Louis Sullivan đưa ra từ những năm 1896 phần nào đã đảo ngược những nghi ngờ này: “Đặc điểm chính của một tòa nhà làm việc cao tầng là gì? Đó là vẻ cao ngạo sừng sững. Đó phải là chiều cao. Quyền lực và sức mạnh phải được thể hiện ở đó, hào quang và sự kiêu ngạo phải thể hiện ở đó. Nó phải là một chủ thể kiêu hãnh và bay bổng đến từng inch, thẳng tắp từ đáy đến đỉnh là một khối thống nhất mà không hề có một đường nét lệch lạc nào”.

Định nghĩa “chọc trời” mới trong cuộc sống “bình thường mới”?

Năm 2014, thế giới bước vào thời kỳ bùng nổ số lượng nhà chọc trời, với gần 100 tòa nhà cao trên 200 mét được xây dựng. Trang nghiên cứu The Towel Info nhận định, trong những năm gần đây, các nước phát triển nổi lên như trung tâm của các tòa nhà cao tầng thế hệ mới, đặc biệt là tại các khu đô thị của Nhật Bản hay Trung Quốc, nơi tấc đất quý hơn vàng.

Theo CTBUH, hiện đã có 191 tòa nhà chọc trời “siêu cao” – thuật ngữ mô tả các tòa nhà cao ít nhất 300 mét – đã hoàn thành. Mặc dù các tòa nhà chọc trời bắt đầu như một hiện tượng của Mỹ, nhưng Trung Đông và châu Á – đặc biệt là Trung Quốc – hiện đang thống trị thị trường xây dựng cao ốc chọc trời.

Dữ liệu của CTBUH cho thấy Trung Quốc chiếm hơn một nửa số tòa nhà chọc trời xây mới năm 2020 có chiều cao từ 200 mét trở lên, trong khi Dubai cho đến nay sở hữu nhiều tòa nhà chọc trời mới hơn bất kỳ thành phố nào khác.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 xuất hiện dường như đang làm đường đua của các tòa nhà chọc trời chững lại, bởi số tầng càng cao, chi phí xây dựng càng tăng lên. Theo CNN, tất cả các tòa nhà đều đạt đến một giới hạn mà việc tăng thêm một tầng nhà sẽ tốn nhiều tiền xây dựng hơn là số tiền lợi nhuận thu về.

William Clark và John Kingston – hai chuyên gia kinh tế và kiến trúc sư – năm 1930 từng khẳng định rằng, chiều cao để đạt lợi nhuận tối đa cho một tòa nhà chọc trời tại New York vào năm 1920 là không quá 63 tầng. Như vậy, những tòa nhà có chiều cao vượt trần (theo từng thời điểm) sẽ cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá quá cao lợi nhuận có thể thu lại được từ việc xây dựng tòa nhà mới.

Cho đến nay, điều đó vẫn đúng. Cũng vì lẽ đó, trong năm 2020, số lượng tòa nhà chọc trời mới được xây dựng trên toàn cầu giảm hơn 20%. CTBUH cho rằng sự sụt giảm này bắt nguồn từ COVID-19, khi các dự án trên khắp thế giới “tạm dừng” vì lệnh phong tỏa và giãn cách được áp dụng triền miên.

“Vì các tòa nhà cao tầng thường làm sụt giảm các chỉ số kinh tế, nên bất kỳ tác động nào mà điều kiện kinh tế hoặc gián đoạn thị trường có thể gây ra đối với các dự án mới bắt đầu, hoặc các dự án đang được xây dựng vào năm 2020, sẽ đều được nhìn thấy”, CTBUH nhận định.

“Cần phải nhớ rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 không được phản ánh một cách vội vã, mà sự sụt giảm công trình cao ốc chỉ được ghi nhận đến những năm 2010 và 2011”, báo cáo của CTBUH viết, cảnh báo về nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí dừng tiến độ của một loạt tòa nhà chọc trời do nguồn vốn đầu tư sụt giảm vì đại dịch.

Song, CNN vẫn tin tưởng rằng, những kỷ lục về các tòa nhà chọc trời sẽ tiếp tục bị phá vỡ, bởi giá trị của chúng không chỉ nằm ở lợi tức đầu tư, mà còn là uy tín và thương hiệu. “Vai trò của các tòa nhà chọc trời được chia làm hai nửa” kiến trúc sư Simon Chan đến từ HongKong giải thích, bởi “mọi thành phố đều muốn có một địa danh mang lại cảm giác văn hóa riêng biệt, hơn là giải quyết nhu cầu vật chất đơn thuần”.

Theo AN NHIÊN / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,