APEC 2017: Cuộc ‘sát hạch’ lớn giúp Việt Nam soi lại mình

Làm chủ nhà APEC cho chúng ta thêm một cơ hội nhìn rõ hơn bản thân mình, xem trong một thế giới hội nhập, ta đang có gì và đang thiếu gì.

Năm APEC Việt Nam 2017 đã kết thúc rất thành công với hội nghị cấp cao tại Đà Nẵng. Nhà báo – cây bút chính luận Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, chia sẻ về những dư âm của sự kiện quan trọng này.

Gia nhập APEC đã gần 20 năm, đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà. So với lần trước (năm 2006), có thể nói, giờ đây vị thế đất nước, tầm vóc nền kinh tế Việt Nam đã mạnh hơn trước nhiều; đồng thời tình hình thế giới, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cũng đã có những biến động mới, cũng như những vấn đề mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt cũng đã ở một tầm mức mới.

Đặc biệt, APEC Việt Nam 2017 đứng trước thách thức rất lớn: những thay đổi trong quan điểm của nước Mỹ về tự do hóa thương mại và mậu dịch đa phương. Cùng với đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch trở thành chính sách của nhiều nước. Giữa các nước lớn đang có những vấn đề gay cấn với nhau, nhất là xung đột thương mại Mỹ – Trung. Đó là chưa kể đến mâu thuẫn trong những lĩnh vực khác như về an ninh, ngoại giao, dân chủ, nhân quyền…

Thành công đối ngoại vang dội

Trước tất cả sức nén của đời sống quốc tế, nhất là cuộc cạnh tranh lợi ích rất gay gắt của các quốc gia, chúng ta đã làm rất tốt vai trò nước chủ nhà APEC, không chỉ ở hội nghị cấp cao, mà cả những nội dung, chương trình của APEC trong suốt một năm qua, gồm khoảng 243 hoạt động với sự tham gia của 21 nghìn người. Thử hình dung, chỉ trong tuần lễ cấp cao, Việt Nam đón 11 nghìn người đến một thành phố như Đà Nẵng khi khu vực miền Trung, trong đó có Đà Nẵng vừa phải đương đầu với một trận bão lớn, gây thiệt hại rất nặng nề.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, thực sự chứng tỏ “Việt Nam là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế”. Sự tích cực ở đây không chỉ bằng thái độ, bằng tâm thế mà là bằng khả năng đóng góp, thể hiện qua năng lực tổ chức hội nghị, điều hành các cuộc thảo luận để giải quyết những quan điểm khác biệt về những vấn đề có tính cốt lõi, đi đến những kết quả rất khả quan.

Hội nghị cấp cao lần này đã quy tụ đủ các nhà lãnh đạo đứng đầu 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có nhiều nước lớn: Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Canada…

Đặc biệt, trong dịp này đã đồng thời diễn ra hai cuộc thăm cấp nhà nước của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hai cuộc thăm chính thức của Thủ tướng Canada và Tổng thống Chile và gần 50 cuộc tiếp xúc cấp cao. Có thể coi đây là thành công đối ngoại vang dội của Việt Nam năm 2017.

Với Trung Quốc, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Đây cũng là lần đầu tiên có một tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Những nội dung bàn thảo giữa ta với Trung Quốc và với Mỹ rất quan trọng, xác định được đường hướng, nội dung rất cơ bản trong quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc hàng đầu này.

Quan sát quá trình diễn biến của cả hội nghị cũng như dư luận quốc tế, có thể nói APEC 2017 là một thắng lợi ngoại giao rất nổi bật và toàn diện của Việt Nam. Chúng ta đã định hướng các hoạt động của APEC, thể hiện rất rõ tại tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, bằng những chương trình, kế hoạch, mà ta là người chủ trì soạn thảo, điều hoà được cả những quan điểm khác biệt, có lúc rất đối chọi nhau.

Có hai xu hướng đối chọi, tập trung ở hai nền kinh tế lớn nhất: Mỹ thì muốn thương mại song phương trong khi Trung Quốc và nhiều nước khác muốn đa phương hóa, tự do hoá thương mại, đầu tư. Quan điểm này của Mỹ thể hiện rất rõ qua việc nước này rút khỏi TPP. Thành công nổi bật là đã vượt qua được nhiều thời điểm nhạy cảm và khó khăn để cuối cùng thông qua Hiệp định hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Có những thời điểm có nguy cơ đổ vỡ trong việc ra các tuyên bố quan trọng, vì khác biệt quá lớn, nhưng Việt Nam đã biết cách lắng nghe, quan tâm đến quan điểm và lợi ích của các nước thành viên, đưa vào trong bản thỏa thuận những nội dung với những câu chữ phù hợp mà các nước chấp nhận được. Ta đã linh hoạt, mềm dẻo cân bằng được lợi ích của các bên, đạt được sự chấp thuận của Mỹ và vẫn bảo vệ được giá trị cốt lõi của APEC: đó là liên kết khu vực và tự do thương mại, tự do đầu tư. Đó cũng là xương sống, linh hồn của toàn cầu hóa.

Thế giới thấy rõ hơn gương mặt Việt Nam thời hội nhập

Với Việt Nam, APEC 2017 cũng là cơ hội để thế giới nhìn thấy rõ hơn gương mặt Việt Nam thời hội nhập. Người ta nhìn thấy thực sự Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào đời sống quốc tế, và là một đối tác đáng tin cậy, trước hết ở thái độ rất trách nhiệm, khả năng hòa đồng, kết nối rất cao. Người ta nhìn thấy hình ảnh một đất nước rất cởi mở, năng động, người dân thân thiện, một nền văn hoá đầy bản sắc.

Trong chừng mực nào đó, Việt Nam vẫn là người mới nhập cuộc trên sân chơi toàn cầu hoá. Nhưng chúng ta trưởng thành rất nhanh, tính chuyên nghiệp ngày càng rõ thể hiện trong việc Việt Nam có khả năng tổ chức những sự kiện quốc tế lớn.

Một điểm nữa là, thông thường trước nay, các sự kiện quốc tế lớn tổ chức ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Nhưng lần này ta tổ chức ở Đà Nẵng, một thành phố miền Trung, cũng là dịp để mọi người thấy rằng Việt Nam phát triển khá cân bằng, toàn diện cả Bắc – Trung – Nam. Hà Nội và TP. HCM là hai đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng Đà Nẵng cũng là một điểm thu hút rất lớn với quốc tế, một thành phố năng động, đáng sống hàng đầu ở Việt Nam. Như chính ông Donald Trump đã nói trong bài phát biểu, trước đây, nơi này đặt những căn cứ quân sự của Mỹ, giờ lại trở thành nơi tổ chức hội nghị cấp cao APEC. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới, với những gì mà các bạn đã làm được”.

Về lợi ích kinh tế, lần này chúng ta ký được đến hàng trăm văn bản hợp tác với giá trị kinh tế lên đến hơn 20 tỷ USD.

Nhưng đừng chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế. Không thể phát triển bền vững được nếu kinh tế tách rời văn hóa, và Việt Nam hấp dẫn với thế giới chính là từ văn hóa. Có thể nói APEC 2107 là cuộc ra quân đặc sắc về văn hóa của Việt Nam. Bạn bè quốc tế đến đây được chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa ta và cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá du lịch; thực tế đã có đến cả triệu người nước ngoài tới Việt Nam thời gian gần đây.

Đà đã có, đừng để lỡ

Những thành công đó tạo đà cho Việt Nam phát triển, tạo đà cho một việc rất lớn mà chúng ta đang triển khai là xây dựng chính phủ kiến tạo.

Một điều rất hay là hội nghị APEC 2017 hướng tới người dân, doanh nghiệp, chứ không phải điều gì xa vời, không phải chỉ là hội nghị của riêng các nhà lãnh đạo với nhau. Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng lớn chưa từng có, mà doanh nghiệp chính là sức mạnh của dân.

Theo tôi được biết, con số mà các doanh nghiệp ủng hộ hội nghị cấp cao lần này là gấp 5 lần 2006. Rõ ràng họ đã thấy đây không chỉ là công việc của nhà nước nữa, mà còn là của người dân, doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống của họ nên họ tham gia hồ hởi. Điều này cũng phản ánh một định hướng quan trọng được Hội nghị nhấn mạnh là chính sách phát triển bao trùm, gồm các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội, nguồn lực sáng tạo…

Làm chủ nhà APEC cho chúng ta thêm một cơ hội nhìn rõ hơn bản thân mình, xem trong một thế giới hội nhập, ta đang có gì và đang thiếu gì. Nó vừa như một cuộc ra quân, lại là một cuộc sát hạch và chúng ta phải tận dụng cơ hội lớn do APEC 2017 đưa lại để trở thành kết quả cụ thể trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Không thể bỏ phí cơ hội lớn này. APEC đang tạo đà rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới hội nhập – không chỉ là đi ra thế giới mới hội nhập mà hội nhập ngay chính trên đất nước ta, trong nội bộ nền kinh tế ta.

Với chính phủ kiến tạo mà chúng ta đang xây dựng, APEC như một cú hích đẹp mà Việt Nam phải tận dụng để biến tiềm năng thành sức mạnh thực sự. Nội lực có mạnh thì mới có thể chuyển hoá ngoại lực thành nội lực. Và nội lực, đó không chỉ là của cải chúng ta làm ra, mà đặc biệt quan trọng là tính khoa học và hiệu năng của một nền quản trị quốc gia, cách thức điều hành nền kinh tế, dứt khoát gạt bỏ những gì cản trở, vướng mắc, làm thui chột, tước đi những cơ hội phát triển của đất nước, đồng thời tạo ra những lực đẩy mạnh, những động lực mới.

Và muốn thế chỉ có thể là cải cách, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, xóa bỏ hết những gì thuộc về cơ chế cũ kỹ, kìm hãm tiến bộ. Phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cùng với đó là chống chủ nghĩa quan liêu, cơ chế bùng nhùng làm triệt tiêu sức lao động sáng tạo của người dân, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phải biến khẩu hiệu đẹp “Chính phủ kiến tạo phát triển” thành những định chế, những tiêu chí, với những hành động cụ thể theo hướng minh bạch, quyết liệt và hiệu quả.

Theo VIETNAMNET

Tags: ,