Ấn Độ và Trung Quốc: Hai câu chuyện tăng trưởng hay nhất thế giới

Bài viết dưới đây là góc nhìn về câu chuyện tăng trưởng của hai cường quốc kinh tế châu Á mà Noah Smith, nhà báo chuyên mục Bloomberg View kiêm giáo sư tài chính tại Đại học Stony Brook (Mỹ) đưa ra.

Ấn Độ và Trung Quốc: Hai câu chuyện tăng trưởng hay nhất thế giới

Với việc toàn cầu hóa đang đi lùi còn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, có suy đoán cho rằng sự bùng nổ của châu Á kết thúc. Nó không kết thúc. Việc đi lên của Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là câu chuyện kinh tế quan trọng nhất trên thế giới.

Để có cái nhìn toàn diện về tầm quan trọng của hai nước này, hãy nhìn vào mức độ quan trọng của họ trong những năm gần đây. Dưới đây là biểu đồ về tốc độ tăng trưởng GDP của hai nước châu Á. Mỹ được thêm vào để so sánh.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phát triển nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Đây là điều bình thường đối với những nước nghèo, các quốc gia vẫn còn nhiều chỗ trống để đuổi kịp nước giàu. Song quy mô dân số của cả hai nước lớn, với mỗi nước có số dân nhiều gấp bốn lần dân số Mỹ, những con số phần trăm này thêm vào tổng thể rất nhiều tiền. Dưới đây là số liệu tăng trưởng đô la tổng cộng của ba nền kinh tế.

Trong thập niên qua, Đại lục thêm vào kinh tế thế giới số tiền gấp ba lần so với số tiền Mỹ cộng vào kinh tế toàn cầu. Ấn Độ, nước có mức tăng trưởng vượt Trung Quốc hồi năm ngoái, hiện nghèo hơn nhiều. Vì vậy mỗi năm, họ chỉ góp vào kinh tế thế giới khoảng 1/5 số tiền tính bằng USD so với Trung Quốc.

Hai nền kinh tế quan trọng với các nước đang phát triển vì nhiều lý do khác nhau. Ấn Độ, nước đang rất nghèo và rất đông dân, trên lý thuyết có nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong dài hạn. Số liệu chủ chốt cho Ấn Độ là tốc độ tăng trưởng theo tỷ lệ phần trăm cao, vì đây là hướng dẫn sơ bộ về lợi nhuận đầu tư mà giới đầu tư ngoại rót vốn vào nước có thể kỳ vọng. Với Trung Quốc, số liệu chủ chốt là sự tăng trưởng USD tuyệt đối, đại diện cho kích thước các thị trường mới được thêm vào mỗi năm.

Do đó các câu hỏi về tăng trưởng toàn cầu vẫn xoay quanh Trung Quốc và Ấn Độ. Thực ra có lý do rất tốt cho việc này. Nhiều thị trường mới nổi có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên thay vì sản xuất hay dịch vụ. Khi giá hàng hóa lên cao, những cái tên này thể hiện tốt song khi thế giới cần tìm tài nguyên mới hay phát minh ra công nghệ tiên tiến để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, họ chịu thiệt.

Ấn Độ và Trung Quốc thì khác. Hai nước có rất nhiều người nhưng không có nhiều tài nguyên dành cho mỗi người. Đơn cử, Trung Quốc có mỏ than lớn song hiện cũng là nước nhập khẩu than lớn. Hai quốc gia châu Á đông dân đến mức người dân phải làm ra tiền từ chính mồ hôi nước mắt của họ. Lao động, không phải đất đai, mới chính là tài nguyên cơ bản mà Ấn Độ cùng Trung Quốc đang có.

Đây là tin tốt cho sự phát triển lâu dài. Trung Quốc, Ấn Độ không chịu lời nguyền tài nguyên khắc nghiệt – sự kết hợp của chính sách ưu đãi xấu và tỷ giá hối đoái không thuận lợi, vốn neo các nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên vào trạng thái thu nhập trung bình.

Ví dụ lịch sử cho Trung Quốc và Ấn Độ đều tích cực. Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều từng là nền kinh tế nông nghiệp với nhiều người, song lại không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Các khu vực này giàu lên theo cách tương tự nhau: di chuyển dân từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực nông thôn lên khu vực thành thị, sau đó bổ sung nhiều ngành công nghiệp dịch vụ. Ấn Độ cùng Trung Quốc có vẻ như đang theo đúng hướng của những thành công buổi đầu thay vì dẫm lại dấu chân của nhiều nền kinh tế đang phát triển.

Tất nhiên, câu hỏi được đặt ra là điều này sẽ tiếp tục trong bao lâu. Những rủi ro được nhiều người biết. Tại Trung Quốc, mối đe dọa chính là bong bóng bất động sản có thể kéo tuột giới doanh nghiệp, chính quyền địa phương và hệ thống tài chính. Việc dân số trong độ tuổi lao động hạ trong dài hạn và nhu cầu làm sạch môi trường cũng là hai yếu tố tiêu cực. Ở Ấn Độ, câu hỏi lớn là liệu chính phủ có thể vượt qua tình trạng trì trệ và tham nhũng để cải thiện đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng cùng giáo dục hay không.

Với các nước tiên tiến, điều họ cần làm quá rõ ràng. Trước hết, họ nỗ lực càng nhiều càng tốt để tạo thuận lợi cho đầu tư ở Trung Quốc, Ấn Độ cũng như xuất khẩu đến cả hai nước này. Sức khỏe của nhiều doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Đông Á phụ thuộc vào cách họ tận dụng những cơ hội mà hai cái tên lớn này cung cấp.

Tiếp theo, họ cần sử dụng chính sách để giúp các nước này duy trì tăng trưởng, đặc biệt là Ấn Độ. Tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và các nước giàu là khởi điểm. Giúp Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao là biện pháp khác. Chính sách thứ ba là các nước tiên tiến nhận vào nhiều người nhập cư Ấn Độ, Trung Quốc, đặc biệt là những người có tay nghề. Những người nhập cư và con cái họ có xu hướng về đầu tư vào quê nhà, bồi đắp liên kết giữa các quốc gia. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng, tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn là một trong những hằng số hạnh phúc. Việc đảm bảo hai nước tiếp tục tăng trưởng là rất quan trọng.

Theo THU THẢO / THANH NIÊN ONLINE (2016)

Tags: , , ,