9 bài học về tiền bạc các bậc cha mẹ nên dạy con từ sớm

Biết cách chi tiêu, quản lý và quý trọng giá trị của đồng tiền là bài học cơ bản giúp trẻ trưởng thành hơn trong cuộc sống hàng ngày.

9 bài học về tiền bạc cha mẹ nên dạy con từ sớm

Tiền không tự nhiên mà có: Cha mẹ cần sớm cho trẻ hiểu rằng mọi thứ chúng ta được hưởng đều phải đánh đổi bằng sức lao động và sự cố gắng. Điều này không có nghĩa bạn nên trả tiền để con làm việc nhà vì đây là những việc trẻ phải làm ngay cả khi không được thưởng bất kỳ khoản tiền nào. Nhưng cha mẹ có thể khuyến khích con học cách thiết lập bán hàng, thanh lý đồ cũ hoặc làm cỏ trong sân vườn hàng xóm khi đủ lớn.

Cân nhắc giữa thứ cần và mong muốn: Trẻ khó xác định được mục tiêu rõ ràng của bản thân. Thông thường, trẻ sẽ phí tiền vào thứ “bỗng dưng thích” nhưng lại rất nhanh chán. Cha mẹ nên dành thời gian lên danh sách, nói chuyện nhẹ nhàng để tìm hiểu lý do món đồ trẻ muốn mua. Điều này giúp trẻ nhận thức rõ hơn về mục tiêu cá nhân, đồng thời tránh việc chi tiêu sai mục đích. Trẻ cần hiểu rằng những gì chúng ta cần luôn được ưu tiên hơn những gì mong muốn.

Sức mạnh của sự kiên nhẫn: Cha mẹ hãy đặt ra một quy tắc như sau: “Cứ 10 đồng kiếm được, hãy tiết kiệm ít nhất 1 đồng”. Người lớn có thể mua cho trẻ 3 ống heo đất/lọ và dán 3 nhãn: “tiết kiệm”, “chi tiêu” và “cho đi”. Phụ huynh đừng ép con bỏ tiền vào ống “cho đi” mà hãy dạy con rằng còn rất nhiều người nghèo hơn chúng ta, nên chia sẻ một chút mới thực sự có ý nghĩa. Cha mẹ hãy xem xét số tiền trẻ chi tiêu mỗi tháng và khen ngợi sự kiên nhẫn của con.

Mua sắm dựa trên chất lượng: Khi con đã học toán cơ bản, người lớn hãy dẫn trẻ đi mua đồ cùng bạn và dạy cách mặc cả. Cha mẹ nên cho trẻ xem hai món đồ giống nhau với các mức giá khác nhau, sau đó hỏi con xem nên mua gì.

Đừng tiêu tiền ngay khi vừa có: Theo tạp chí Parent, dạy trẻ kiên nhẫn đi đôi với việc kiềm chế ham muốn mua sắm. Trước khi đi mua sắm, người lớn dạy trẻ tạo một ngân sách, liệt kê những gì sẽ mua, cửa hàng sẽ đến và phạm vi giá cho từng sản phẩm. Với những mặt hàng giá trị lớn hơn, trẻ tham khảo và so sánh giá của chúng trên mạng. Trẻ sẽ học được thói quen lập kế hoạch mua hàng trước khi đi mua sắm.

Không thể có mọi thứ: Ai cũng muốn sở hữu những món đồ xa xỉ để phục vụ bản thân. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Cha mẹ chỉ nên đưa cho trẻ một khoản tiền nhất định, đưa con đến cửa hàng đồ chơi, cho phép mua bất cứ thứ gì chúng muốn, miễn là trong số tiền cho phép.

Kiếm tiền bằng cách thanh lý đồ cũ: Với quần áo đã chật nhưng vẫn mới, đồ chơi không còn hứng thú, cha mẹ có thể gợi ý trẻ lên kế hoạch bán hàng thanh lý. Trẻ sử dụng dịp này để loại bỏ đồ không cần nữa, bán những gì có thể, sau đó cho các thứ còn lại.

Lưu lại các khoản chi: Việc đơn giản như biết tiền của mình đã đi đâu là bước tiến lớn trong kỹ năng quản lý tiền của trẻ. Cha mẹ có thể dạy trẻ sử dụng sổ ghi chép hoặc lưu vào máy tính các khoản chi, tạo một nơi để trẻ có thể lưu trữ các biên lai và hóa đơn.

Biết chia sẻ: Quyên góp một phần nhỏ tiền của trẻ để làm từ thiện sẽ dạy cho con rằng tiền có thể được sử dụng để giúp đỡ mọi người, thay vì để mua đồ. Cha mẹ không cần trực tiếp yêu cầu con quyên góp mà có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện có thật về những người kém may mắn, tạo sự đồng cảm sâu sắc, sau đó, mới đề nghị con quyên góp tiền giúp đỡ họ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , , ,