⠀
6 lần bị ám sát hụt của trùm phát xít Adolf Hitler
Trùm phát xít Adolf Hitler từng bị ám sát từ 20 năm trước thời điểm Thế chiến II bùng nổ, khi vẫn còn khá trẻ và ít tiếng tăm.
Trải qua nhiều lần bị ám sát, khi tại quán bia, lúc đang diễn thuyết, hay khi đang họp bàn ngay bên trong boongke “Hang sói” kiên cố, Adolf Hitler vẫn sống sót. Trùm phát xít từng khoe khoang mình là người bất tử trước khi tự sát vào ngày 30/4/1945, kéo theo sự sụp đổ của Đức Quốc xã.
Hỗn loạn tại quán bia
Hitler bị ám sát lần đầu gần 20 năm trước khi Thế chiến II bùng nổ. Trùm phát xít khi đó vẫn còn rất trẻ và chưa thu được nhiều danh tiếng.
Tháng 11/1921, Hitler phát biểu trước nhiều đối thủ chính trị tại quán bia nổi tiếng Hofbrauhaus ở Munich, Đức. Bài hùng biện của Hitler khiến nhiều người có mặt tại sự kiện rất tức giận. Một cuộc ẩu đả giữa các bên nổ ra. Trong lúc hỗn loạn, một nhóm sát thủ không rõ từ đâu xuất hiện chĩa súng lục về phía bục diễn thuyết và bắn.
Hitler không bị thương mà thậm chí vẫn đủ sức chửi rủa suốt 20 phút sau đó, trước khi lực lượng cảnh sát xuất hiện.
Lần chết hụt này chỉ góp phần nâng cao nhiệt huyết của kẻ độc tài tương lai dành cho sự nghiệp của Đức Quốc xã. Ngày 8/11/1923, Hitler tiến hành cuộc “Đảo chính Nhà hàng bia” nhằm phá hoại chính quyền bang Bayern, dự định tiếp tục lật đổ chính phủ Cộng hòa Weimar. Dù thất bại nhưng cuộc đảo chính mang lại cho Hitler tiếng tăm lẫy lừng.
Âm mưu của Maurice Bavaud
Cuối năm 1938, Maurice Bavaud, sinh viên khoa tâm thần học người Thụy Sĩ, sắm một khẩu súng lục và bắt đầu lần theo dấu Hitler khắp nước Đức. Bavaud mang một niềm tin mãnh liệt rằng Hitler chính là “hiện thân của quỷ Satan”. Sự tồn tại của Hitler là mối đe dọa đối với Nhà thờ Thiên chúa giáo. Bavaud luôn cảm thấy phải đảm nhận “trách nhiệm thiêng liêng” tiêu diệt Hitler.
Ngày 9/11/1938, Hitler cùng một số lãnh đạo phát xít diễu hành trên đường phố Munich để kỷ niệm ngày diễn ra sự kiện “Đảo chính Nhà hàng bia”. Bavaud, giấu trong túi áo khẩu súng lục, giữ một chỗ trên khán đài, dọc theo tuyến đường đoàn người đi qua. Nhưng trước khi Bavaud kịp ngắm bắn, đám đông đứng xem đồng loạt giơ tay vẫy chào, che khuất tầm nhìn.
Bavaud miễn cưỡng từ bỏ kế hoạch nhưng sau đó vẫn bị bắt giữ trên đường tìm cách rời Đức. Bavaud thú nhận âm mưu ám sát Hitler khi Gestapo, đơn vị cảnh sát bí mật của phát xít Đức, phát hiện ra súng và nhiều tấm bản đồ anh này mang theo.
Tháng 5/1941, Bavaud bị hành hình bằng máy chém tại nhà tù Plotzensee ở Berlin.
Bom nổ trong buổi diễn thuyết
Georg Elser, thợ mộc người Đức, kịch liệt phản đối chủ nghĩa phát xít vì cho rằng chế độ của Hilter chắc chắn sẽ hủy hoại nền kinh tế, đưa đất nước tới tình cảnh loạn lạc vì chiến tranh.
Cuối năm 1938, Elser nảy ra một ý định nhằm ngăn chặn toàn bộ việc này. Biết rằng Hitler sẽ phát biểu tại nhà máy bia Burgerbraukeller, Munich, nhân kỷ niệm ngày “Đảo chính Nhà hàng bia”, Elser dành nhiều tháng để nghiên cứu, chế tạo một quả bom hẹn giờ, sẽ phát nổ 144 tiếng sau kích hoạt.
Khi hoàn thành quả bom, Elser chuyển tới Munich sống, hằng đêm lẻn vào Burgerbraukeller để đào rỗng một cột bê tông gần bục diễn thuyết.
Sau vài tuần hành động bí mật, Elser lắp đặt thành công quả bom trong cột bê tông và điều chỉnh để nó phát nổ vào đúng 21h20 ngày 8/11/1939, gần giữa bài phát biểu của Hitler.
Kế hoạch của Elser gần như hoàn hảo nhưng lại thiếu yếu tố may mắn. Hitler đã phát biểu sớm hơn dự kiến để kịp quay về Berlin. Ông trùm phát xít kết thúc diễn thuyết vào 21h7, rời đi lúc 21h12. Chỉ 8 phút sau, quả bom của Elser phát nổ làm gãy cột nhà và sập một mảng trần lớn xuống bục diễn thuyết. 8 người chết cùng hàng chục người khác bị thương, nhưng Hitler không nằm trong đó.
Elser bị bắt ngay trong đêm khi đang tìm cách bỏ trốn qua biên giới Thụy Sĩ. Tháng 4/1945, Elser bị Đội Cận vệ (Schutzstaffel) giết chết sau 5 năm ngồi tù.
Bom hẹn giờ trong thùng rượu mạnh
Theo History, một trong những âm mưu ám sát Hitler táo bạo nhất phải kể đến nỗ lực của Henning von Tresckow, sĩ quan quân đội Đức, cùng các đồng sự.
Ngày 13/3/1943, Hitler tới thị sát đồn Smolensk do Tresckow chỉ huy. Trước khi ông trùm phát xít và đoàn tùy tùng lên máy bay trở về bản doanh, Tresckow tiếp cận một nhân viên trong đội, nhờ người này mang một hộp chứa hai chai rượu mạnh chuyển cho người bạn ở Berlin. Nhân viên đoàn tùy tùng lập tức nhận lời mà không biết rằng trong đó chứa bom, phát nổ sau 30 phút.
Tresckow và đồng chủ mưu Fabian von Schlabrendorff hy vọng cái chết của Hitler sẽ là chất xúc tác cho một cuộc đảo chính lật đổ các lãnh đạo cấp cao của phát xít.
Tuy nhiên, kế hoạch tan thành mây khói khi máy bay của Hitler vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay ở Berlin.
“Chúng tôi rất bất ngờ và không thể hiểu vì sao mọi chuyện thất bại”, Schlabrendorff nhớ lại. “Trường hợp xấu nhất là quả bom bị phát hiện khiến chúng tôi bại lộ, kéo theo cái chết của nhiều người khác”.
Tresckow hoảng sợ liên lạc với người mà ông gửi món hàng và thông báo có một sự nhầm lẫn nhỏ. Ngày hôm sau, Schlabrendorff tới trụ sở chính của Hitler và tráo quả bom với hai chai rượu thật. Một cầu chì bị lỗi là lý do khiến quả bom không phát nổ.
Nhiệm vụ tự sát của Rudolf von Gertsdorff
Sau thất bại đầu tiên khoảng một tuần, Tresckow cùng đồng sự tiếp tục lên kế hoạch lấy mạng Hitler một lần nữa. Địa điểm dự kiến là tại một cuộc triển lãm trưng bày cờ và vũ khí của Liên Xô ở Berlin. Hitler sẽ tới tham quan sự kiện này.
Sĩ quan Rudolf von Gertsdorff tình nguyện trở thành người mang bom. Song, sau khi tiến hành nghiên cứu, thăm dò, ông nhận ra rằng cài đặt bom tại triển lãm là nhiệm vụ bất khả thi bởi lớp an ninh bảo vệ quá dày.
“Việc tôi có thể làm chỉ là ôm quả bom tới triển lãm, áp sát Hitler bằng mọi cách và cùng nổ tung với ông ta”, Gertsdorff cho hay.
Ngày 21/3/1943, Gertsdorff có cơ hội tuyệt vời để cùng chết với Hitler khi ông trở thành người hướng dẫn cho trùm phát xít tại triển lãm. Quả bom được hẹn giờ phát nổ sau 10 phút. Nhưng dù được Gersdorff dẫn đường, Hitler vẫn quyết định rời đi thông qua một cánh cửa ngách khi vừa mới xuất hiện được vài phút. Gersdorff sau đó vô hiệu hóa quả bom trong một nhà vệ sinh chỉ vài giây trước khi nó phát nổ.
Âm mưu tháng 7
Ngày 6/6/1944, khoảng 160.000 lính thuộc khối Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, tấn công vào nước Pháp, khi đó đang nằm dưới quyền kiểm soát của Đức Quốc xã.
Không lâu sau sự kiện này, một nhóm sĩ quan bất mãn người Đức phát động chiến dịch ám sát Hitler tại đồn chỉ huy “Hang sói” đặt tại nước Phổ. Người trực tiếp lên kế hoạch là Claus von Stauffenberg, đại tá quân đội từng bị mất một mắt và cụt một tay sau khi tham gia cuộc chiến tranh ở Bắc Phi.
Stauffenberg cùng đồng sự gồm Tresckow, Friedrich Olbricht và Ludwig Beck dự định ám sát Hitler bằng một quả bom ngụy trang sau đó lợi dụng lực lượng quân dự bị để lật đổ các lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã.
Nếu cuộc đảo chính thành công, nhóm sẽ ngay lập tức thương lượng và ký kết một hiệp ước hòa bình với phe Đồng minh.
Ngày 20/7/1944, Stauffenberg quyết định thực hiện kế hoạch sau khi ông và một số sĩ quan quân đội phát xít được triệu tập tới phiên họp với Hitler tại “Hang sói”. Stauffenberg mang theo vali chứa đầy chất nổ dẻo.
Sau khi đặt vali cạnh Hitler, Stauffenberg vờ nghe điện thoại và rời khỏi phòng. Quả bom phát nổ sau đó ít phút, khiến chiếc bàn gỗ vỡ một mảng lớn, phòng hội nghị cháy đen. Vụ việc khiến 4 người thiệt mạng nhưng Hitler vẫn thoát nạn mà không gặp bất kỳ vết thương nguy hiểm nào. Một sĩ quan đã vô tình dịch chuyển vali ra sau một chân bàn lớn trước khi nó phát nổ vài giây.
Vụ ám sát bị phanh phui, Stauffenberg cùng hàng trăm người khác bị xử tử.
Theo VNEXPRESS
Tags: Đức Quốc Xã, Adolf Hitler