⠀
12 phong cách của chủ nghĩa Hiện đại trong kiến trúc
Chủ nghĩa Hiện đại và ảnh hưởng của nó vẫn là đề tài được nhắc đến thường xuyên trên các diễn đàn kiến trúc ngày nay mặc cho thời gian đã thay đổi thế giới như thế nào.
Chủ nghĩa hiện đại có thể được mô tả là một trong những phong cách lạc quan nhất trong lịch sử kiến trúc, được rút ra từ những khái niệm không tưởng, sự đổi mới và tái hiện cách con người sẽ sống, làm việc và tương tác. Triết lý của Chủ nghĩa hiện đại vẫn chi phối phần lớn đàm luận kiến trúc ngày nay, ngay cả khi cái thế giới đã phát sinh ra Chủ nghĩa hiện đại đã thay đổi hoàn toàn.
Chúng tôi đã đối chiếu một danh sách các phong cách kiến trúc quan trọng xác định Chủ nghĩa Hiện đại trong kiến trúc. Công cụ này dùng để hiểu sự phát triển của thiết kế thế kỷ 20, với các ví dụ về từng phong cách, thể hiện sự thực hành chủ nghĩa Hiện đại sau mỗi nguyên lý.
Các phong cách nửa đầu thế kỷ
Bauhaus
Trường thiết kế Bauhaus – Walter Gropius.
Fagus Factory – Walter Gropius + Adolf Meyer.
The Bauhaus có nguồn gốc từ một trường kiến trúc và nghệ thuật của Đức do Walter Gropius thành lập năm 1919. Ngôi trường này cũng là hình mẫu cho nhiều trường kiến trúc học theo, học viện này đã đặt tên cho một phong cách đặc trưng bởi việc nhấn mạnh vào chức năng, ít tính trang trí, và hợp nhất về hình thức và hình dạng trừu tượng một cách cân bằng.
De Stijl
Café l’Aubette / Theo van Doesburg.
Được thành lập vào năm 1917, De Stijl (The Style trong tiếng Hà Lan) có nguồn gốc từ Hà Lan và được coi là đạt đỉnh từ năm 1917 đến 1931. Đặc điểm của phong cách bao gồm những thành phần thiết kế tối giản – với những đường kẻ dọc, ngang cùng những màu sắc cơ bản như việc sử dụng màu đen, trắng và màu chính. Phong cách này cũng tương đồng với tạp chí De Stijl do nhà thiết kế người Hà Lan Theo van Doesburg xuất bản vào thời điểm đó.
Chủ nghĩa kiến tạo (chủ nghĩa kết cấu)
Trong khi phong cách Bauhaus và De Stijl phát triển vào những năm 1920 ở Tây Âu, chủ nghĩa kiến tạo đã xuất hiện ở Liên Xô. Chủ nghĩa kiến tạo kết hợp với sự đổi mới về công nghệ với ảnh hưởng của chủ nghĩa vị lai Nga, dẫn đến khối lượng hình học trừu tượng theo phong cách này. Phong cách này không còn được ưa chuộng vào đầu những năm 1930. Các kiến trúc sư kiến tạo nổi tiếng của Nga bao gồm El Lissitzky và Vladimir Tatlin, dù cho cả hai hầu hết được công nhận bởi các đề xuất và công trình chưa được xây dựng của họ.
Chủ nghĩa biểu hiện
Grundtvig Church – Peder Vilhelm Jensen Klintg.
Scharnhorst Step-down Transformer Station (1928-29).
Các hình dạng sinh học, hữu cơ, cảm xúc xác định phong cách Biểu hiện trái ngược với các định nghĩa tuyến tính, sạch sẽ của kiến trúc Bauhaus, mặc dù chúng cùng tồn tại giữa năm 1910 và 1930. Xuất phát từ phong cách Avante Garde ở Đức, Hà Lan, Áo, Séc và Đan Mạch, chủ nghĩa biểu hiện đã khám phá khả năng kỹ thuật mới xuất hiện từ việc sản xuất hàng loạt thép, gạch và thủy tinh, đồng thời cũng gợi lên những khối lượng bất thường và tầm nhìn không tưởng.
Các phong cách khoảng giữa thế kỷ
Chủ nghĩa công năng
“Indian Ship” villa – Idhea.
Chủ nghĩa công năng được dựa trên nguyên tắc mà ở đó thiết kế của một công trình nên phản ánh mục đích và công năng của công trình đó. Nổi lên từ hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong cách này gắn liền với các ý tưởng về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa nhân văn hiện đại. Khi phong cách này phát triển trong suốt những năm 1930, đặc biệt là ở Đức, Ba Lan, Liên Xô, Hà Lan và Tiệp Khắc, ý tưởng trung tâm của “hình thức theo công năng” đã được truyền vào ý tưởng sử dụng kiến trúc như một phương tiện để tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Chủ nghĩa tối giản
Barcelona Pavilion – Mies van der Rohe.
Chủ nghĩa tối giản phát triển từ trào lưu Bauhaus và De Stijl ở thập niên 1920, và nhấn mạnh vào cách sử dụng những yếu tố thiết kế giản đơn mà không có sự trang trí hay tô điểm nào. Phong cách này được phổ biến bởi các kiến trúc sư như Mies van der Rohe, ở đó nó đề xuất một thiết kế với các yếu tố cơ bản sẽ tiết lộ bản chất thực sự của nó. Các đặc trưng của thiết kế này bao gồm những hình dáng hình học thuần tuý, vật liệu đơn giản, tính lặp lại và những đường nét rõ ràng.
Phong cách quốc tế
Villa Savoye – Le Corbusier.
United Nations – Wallace K. Harrison.
Phong cách quốc tế được đặt ra vào năm 1932 bởi Philip Johnson và Henry Hitchcock tại Triển lãm quốc tế về Kiến trúc Hiện đại. Là một sự phát triển của các nguyên tắc Hiện đại sơ khai ở châu Âu, phong cách Quốc tế mô tả một kỉ nguyên nơi mà chủ nghĩa Hiện đại châu Âu lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kì. Được đặc trưng bởi tính hình học đơn giản và một sự thiếu hụt tính trang trí, phong cách này đã được sử dụng ở Hoa Kỳ, được đặc trưng bởi những toà nhà chọc trời nguyên khối với hệ vách, mái bằng và kính có mặt ở khắp nơi.
Chủ nghĩa chuyển hoá luận
Nagakin Capsule Tower – Kisho Kurokawa.
Shizuoka Press & Broadcasting Center – Kenzo Tange.
Chuyển hoá luận là một trào lưu Nhật Bản thời hậu chiến đã truyền tải vào các siêu cấu trúc với sự tang trưởng sinh học hữu cơ. Bị ảnh hưởng bởi các nguyên lý Mac-xít và các quá trình sinh học, một nhóm các nhà thiết kế trẻ tuổi bao gồm Kiyonori Kikutake, Kisho Kurokawa và Fumihiko Maki đã công bố bản tuyên ngôn của họ về chủ nghĩa chuyển hoá luận vào năm 1960, mang đến cho phong trào này sự chú ý từ công chúng. Các đặc điểm gồm có: các mô-đun, tiền chế, tính thích ứng và cơ sở hạ tầng cốt lõi mạnh mẽ.
Chủ nghĩa thô mộc
The Barbican Estate – Chamerlin, Powell&Bon Architects.
Chủ nghĩa thô mộc xuất hiện vào những năm 1950, được đưa ra bởi các kiến trúc sư người Anh là Alison và Peter Smithson. Được bắt nguồn từ “Béton brut” (bê tông thô) đầu tiên bởi Le Corbusier, phong cách này được nhận dạng bởi hình thức đơn giản, phong cách hình học nghiêm ngặt và các hình dạng khác thường. Các công trình thô mộc thường là các dự án chính phủ, công trình giáo dục hay căn hộ cao tầng, thường được ốp bằng bê tông thô không hoàn thiện.
Các phong cách cuối thế kỷ
Chủ nghĩa hậu hiện đại
The Portland Building – Michael Graves.
Đến giữa thế kỷ 20, các đường nét sạch sẽ của phong cách Quốc tế và chủ nghĩa thực dụng bị tước bỏ, ngày càng trở nên phổ biến ở các thành phố của Mỹ và châu Âu. Được tạo ra từ một việc suy nghĩ ngược lại về các giá trị hiện đại cốt lõi, kiến trúc hậu hiện đại là một phần của sự thay đổi triết học cũng giống như chủ nghĩa Hiện đại mà nó tìm cách thay thế; nhằm mục đích làm sống lại những ý tưởng lịch sử hoặc truyền thống và mang lại một cách tiếp cận mang tính bối cảnh hơn cho thiết kế.
Phong trào High-Tech
Georges Pompidou Centre – Renzo Piano & Richard Rogers.
Lloyd’s London Building – Richard Rogers.
Kiến trúc High-tech, còn được nhắc đến với tên gọi Chủ nghĩa biểu hiện Kết cấu, là một phong cách Hiện đại về sau kết hợp với công nghệ và thiết kế công trình. Tận dụng những lợi thế trong vật liệu và công nghệ, phong cách này nhấn mạnh vào tính minh bạch trong thiết kế và xây dựng, truyền đạt kết cấu và công năng của công trình thông qua các yếu tố được phơi bày ra ngoài. Đặc trưng của nó gồm các sàn đưa ra ngoài, thiếu những bức tường kết cấu bên trong, dịch vụ được phơi bày và các không gian có thể thích ứng.
Chủ nghĩa giải kết cấu
Vitra Design Museum – Gehry Partners.
Bắt nguồn từ chủ nghĩa Hậu hiện đại, chủ nghĩa giải kết cấu được nhận dạng bởi sự thiếu vắng tính hài hoà, tính liên tục hay sự đối xứng trong các công trình. Chủ nghĩa giải kết cấu thường thao túng bề mặt của kết cấu, tạo ra những hình dạng không thẳng mà làm biến dạng và rối loạn các yếu tố, do đó gợi lên các khái niệm về sự không thể đoán trước và sự hỗn loạn được kiểm soát. Phong cách này đã trở nên nổi bật trong những năm 1980.
Theo DESIGNS.VN
Tags: Kiến trúc, Trào lưu nghệ thuật