10 cuộc chiến tiêu biểu chống quân xâm lược phương Bắc trong cổ sử Việt

Trong suốt 2.000 năm, những cuộc chiến khốc liệt và hào hùng cho thấy người Việt chưa bao giờ chấp nhận khuất phục trước quân xâm lược đến từ phương Bắc.

1. Năm 30 SCN, vua Hán Quang Vũ áp đặt chế độ trực trị trên vùng đất của người Việt. Từ năm 40, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng , người Việt đã đánh đuổi quân Hán và lập ra một quốc gia độc lập với kinh đô tại Mê Linh. Nhà Hán đã phải huy động một lực lượng quân sự rất hùng hậu mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà.

2. Sau nhiều thế kỷ bị đô hộ, năm 541 Lý Nam Đế đã lãnh đạo người Việt đánh đuổi quân trú đóng phương Bắc, giành lại độc lập cho đất nước. Ông xưng là Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lập ra Nhà Tiền Lý.

3. Từ năm 906, Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự trị khỏi tay người phương Bắc, truyền được 3 đời. Năm 938, vua Nam Hán sai thái tử là Hoằng Tháo kéo quân xâm lấn. Với trận cọc gỗ bọc sắt trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đại thắng quân Hán ở sông Bạch Đằng, giết chết thái tử Hoằng Tháo. Hoàng đế Nam Hán đưa quân tiếp ứng theo đường bộ khi nghe tin bại trận đã khóc và rút về.

4. Năm 981, vua Tống sai tướng Hầu nhân Bảo kéo quân xâm lấn nước Việt theo hai đường bộ và thủy. Vì vua nước ta là Đinh Tuệ mới 8 tuổi, nên quân sĩ tôn tướng Lê Hoàn lên ngôi, tức là vua Lê Đại Hành. Với sự thống lĩnh của Lê Đại Hành, quân ta phá tan quân Tống ở trận Chi Lăng, giết Hầu nhân Bảo. Nghe tin, cánh quân xâm lược đang theo đường biển tiến vào nước ta vội vàng tháo chạy.

5. Năm 1075, trước dã tâm xâm lăng của nhà Tống, tướng Lý thường Kiệt đã chủ trương “tiên phát chế nhân”, đưa 10 vạn quân tấn công châu Khâm, châu Liêm và châu Ung, trên đất Tống. Năm 1076, vua Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết kéo hơn 30 vạn quân sang xâm lấn nước ta, nhưng bị đánh tan ở sông Như Nguyệt. Quân Tống kéo tới hơn 30 vạn, chỉ còn 3 vạn trở về .

6. Năm 1257, từ Vân Nam, tướng Ngột Lương Hợp Thai đem 3 vạn quân Mông Cổ và hơn 1 vạn quân Đại Lý tấn công Đại Việt, chiếm Thăng Long. Vua Trần thái Tôn lo ngại, hỏi ý kiến Trần Thủ Độ. Trần thủ Độ khẳng khái: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo!”. Chỉ mấy ngày sau, vua Trần dẫn quân phản công, đánh thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu. Thất thế, quân Mông Cổ phải rút lui.

7. Năm 1284, vua Hốt Tất Liệt của nhà Nguyên sai con là Thoát Hoan cùng với các danh tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi, kéo 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Quân Nguyên còn có thủy binh từ Chiêm Thành đánh lên. Sau khi chiếm được Thăng Long, chúng đã bị quân dân Việt phản công mạnh mẽ, thất bại liên tiếp ở các trận Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp… và phải bỏ chạy về nước.

8. Cuối tháng 12/1287, Thoát Hoan lại theo hai đường thủy bộ, đưa 50 vạn quân với hơn 800 chiến thuyền đánh Đại Việt. Sau khi bị tướng Trần Khánh Dư phá tan đoàn thuyền lương, cánh quân thủy của giặc rơi vào nguy khốn, rút lui theo sông Bạch Đằng và bị hủy diệt trong trận địa cọc ngầm của tướng Trần Hưng Đạo. Nghe tin thủy quân tan vỡ, Thoát Hoan dẫn quân bỏ chạy về nước.

9. Năm 1406, giặc Minh kéo quân xâm chiếm nước ta. Năm 1418, Lê Lợi lãnh đạo nông dân khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Sau 8 năm gian khổ, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, thắng trận Tụy Động và bao vây thành Đông Quan. Cuối năm 1427, quân khởi nghĩa đánh tan đoàn quân tiếp viện của nhà Minh ở Ải Chi Lăng. Nghe tin, Vương Thông đang ở Đông Quan viết thư cầu hòa, và xin rút quân về nước. Lê Lợi lên ngôi vua, khôi phục lại nền độc lập của người Việt.

10. Năm 1788, Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn quân Nhà Thanh tiến đánh Đại Việt, chiếm đóng Thăng Long. Được tin, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung và đem quân ra Bắc. Đội quân của ông tiến công thần tốc, liên tiếp hạ gục các đồn giặc. Sau các chiến thắng lớn ở Ngọc Hồi, Đống Đa, sáng mùng 5 Tết, quân ta vào Thăng Long. Quân Thanh bỏ chạy bị gẫy cầu phao, chết đuối chật cứng sông Hồng.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,