Xung đột Nga – Ukraina: Trận quyết chiến của hai trật tự đơn cực và đa cực

Sau khi Liên Xô – quốc gia từng đóng vai trò là một cực của thế giới tan rã vào năm 1991, trật tự thế giới hai cực cũng sụp đổ theo. Trong bối cảnh đó, giới tinh hoa chính trị ở Mỹ cũng như phương Tây tuyên bố về cái gọi là “sự cáo chung của lịch sử”…

Lược trích bài viết của Đại tá Lê Thế Mẫu đăng trên chuyên san “Thông tin báo cáo viên” của Ban Tuyên giáo Trung ương, tháng 5/2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng cuộc chiến ở Ukraina là bước ngoặt của lịch sử dẫn tới một trật tự thế giới mới. Còn Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhận định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là trận chiến có ý nghĩa thời đại sẽ khai sinh một trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, nội hàm “trật tự thế giới mới” theo quan niệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov là hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi giấc mơ ngăn chặn bằng được sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau Chiến tranh lạnh.

Còn Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavro nhấn mạnh, cuộc chiến Ukraina sẽ chấm dứt sự thống trị thế giới của Mỹ và sẽ dẫn tới trật tự thế giới mới đa cực. Như vậy, bản chất cuộc chiến ở Ukraina là cuộc chiến giữa hai trật tự thế giới khác nhau, hoặc là cuộc chiến giữa Mỹ và Nga.

Trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh chỉ là khoảnh khắc lịch sử

Sau khi Liên Xô – quốc gia từng đóng vai trò là một cực của thế giới tan rã vào năm 1991, trật tự thế giới hai cực cũng sụp đổ theo. Trong bối cảnh đó, giới tinh hoa chính trị ở Mỹ cũng như phương Tây tuyên bố về cái gọi là “sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh sẽ do một cực duy nhất và do Washington kiểm soát. Kể từ đó, Mỹ thực hiện chủ trương chiến lược biến quá trình toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh thành quá trình “Mỹ hóa thế giới”. Tuy nhiên, vào thời điểm Liên Xô tan rã, nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Mỹ và phương Tây từng cảnh báo rằng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo chỉ là “khoảnh khắc lịch sử” và sẽ được thay thế bằng một trật tự thế giới mới đa cực sau khoảng 20 năm.

Hành động phiêu lưu quân sự và chính trị của Washington không chỉ rút nhiều ngàn tỷ USD từ hầu bao của Mỹ mà còn gây ra tàn phá và bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới mà không mang lại “nhân quyền”, “dân chủ” hay “cải cách” như họ tuyên bố. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ áp đặt cho nhiều nước đã làm xói mòn nền tảng của thương mại thế giới, phá hoại các quy tắc của WTO và mô hình toàn cầu hóa thị trường tự do cạnh tranh, khiến nhiều nước không còn tin vào sự lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực.

Nhận định về tình hình này, tạp chí “Time” (Mỹ) đưa nhận định, thập kỷ đầu thế kỷ 21 đối với nước Mỹ là “thập kỷ địa ngục”, “thập kỷ của những ước mơ đổ vỡ”, hoặc “thập kỷ bị đánh mất”. Paul Krugman-chuyên gia hàng đầu thế giới từng đoạt Giải thưởng Nobel kinh tế nhận định rằng, thập kỷ đầu thế kỷ 21 có thể gọi là “con số không tròn trĩnh” đối với nước Mỹ. Vào thời điểm bước sang thế kỷ 21, người Mỹ tự tin rằng Hoa Kỳ ở đỉnh cao phát triển kinh tế và thịnh vượng, thì đến cuối thập kỷ đầu niềm tin đó đã tan vỡ hoàn toàn. Rút cuộc, các hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Washington đã đẩy nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế bùng phát từ năm 2008 và lan tỏa khắp thế giới thành cuộc khủng hoảng hệ thống kinh tế thế giới dựa trên cơ sở USD. Trong khi Mỹ đánh mất đỉnh vị thế đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học-công nghệ và quân sự, thì Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ với nền kinh tế vươn lên vị trí thứ 2 thế giới; nước Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô sụp đổ và phục hưng phát triển thành cường quốc mới; EU phát triển tới 28 thành viên và vươn lên vị thế tự chủ chiến lược và cạnh tranh với Mỹ.

Nhận định về sự suy giảm toàn điện vị thế của Mỹ, lãnh đạo và giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực đang tới hồi kết thúc và nhân loại đang hướng tới trật tự thế giới đa cực. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten nhận định:“Thế giới đã trải qua sự biến đổi sâu sắc hướng tới đa cực”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Rude trong cuộc điều trần tại Thượng viện đưa ra nhận định:”Nga và Trung Quốc đang thay đổi trật tự thế giới và đe dọa vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Francis Fukuyama- tác giả của học thuyết chính trị về “sự cáo chung của lịch sử” đã phải thừa nhận rằng quá trình “Mỹ hóa thế giới” với hệ tư tưởng tự do đang lâm vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2020 được tổ chức với chủ đề “Thế giới không còn phương Tây” (“Westlessness”) với hàm ý cảnh báo về sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ Mỹ đứng đầu.

Trật tự thế giới đơn cực lung lay đẩy nền chính trị nội bộ Mỹ lâm vào mâu thuẫn và bất đồng ngày càng gay gắt, được thể hiện rõ nhất trong hai cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 và 2020. Sự kiện Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ trong cuộc bầu cử đầy kịch tính và vô cùng phức tạp trong năm 2016 được nhìn nhận là sự lựa chọn lịch sử của các cử tri Mỹ nhằm đưa Hoa Kỳ “vĩ đại trở lại” dựa trên cơ sở một nền sản xuất đại công nghiệp hiện đại mà không dựa vào vị thế độc tôn của USD.

Với cuộc chiến Ukraina, Mỹ toan tính duy trì trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát

Bản chất cuộc chiến ở Ukraina là cuộc cuộc chiến tranh địa-chính trị giữa Mỹ và Nga. Nhìn từ góc độ địa-chính trị, tình hình thế giới ngày nay có nhiều nét tương đồng với thế giới trong những năm 1930 đã từng dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong những năm 1930, Mỹ từng tài trợ toàn diện cho phát xít Đức và sử dụng họ phát động Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm tiêu diệt Liên Xô nhưng đã thất bại. Hiện nay, Mỹ đang ủng hộ toàn diện cho các lực lượng tân phát xít ở Ukraina để châm ngòi cho cuộc chiến tranh lớn giữa Nga và NATO ở châu Âu với kết cục được tính trước là Nga sẽ thất bại. Từ đó, Mỹ sẽ loại bỏ vai trò của Nga như là quốc gia phá hoại trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát.

Với cuộc chiến Ukraina, Nga chủ trương chấm dứt quyền thống trị thế giới của Mỹ

Tổng thống Nga V. Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo trong bài phát biểu thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Munich (Đức) năm 2007. Trong đó ông nhấn mạnh, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo không có bất kỳ cơ sở đạo lý nào để tồn tại bởi nó đi ngược lại nguyên tắc dân chủ mà chính các nước phương Tây đang cổ súy.

Trong tham luận đọc tại Diễn đàn của “Câu lạc bộ quốc tế Valdai” ngày 24/10/2014, Tổng thống Nga V. Putin nhận định: “Thế giới nhận thấy rất rõ những kẻ chiến thắng trong Chiến tranh lạnh đang mưu toan vô vọng khi họ rắp tâm sắp xếp lại trật tự thế giới thế giới chỉ nhằm phục vụ lợi ích của họ. Trong điều kiện một quốc gia và các đồng minh của họ chiếm ưu thế, thì việc tìm kiếm các giải pháp toàn cầu đã biến thành tham vọng áp đặt các luật lệ riêng cho cả thế giới. Tham vọng này lớn tới mức họ nghiễm nhiên áp đặt cách tiếp cận và quan điểm của họ cho cả cộng đồng quốc tế. Nhưng thế giới lại không chấp nhận điều đó”.

Về sự cấm vận trong quan hệ quốc tế, Tổng thống V. Putin cho rằng, các biện pháp đó đang tàn phá các cơ sở nền tảng của thương mại và các định chế của WTO, phá hoại các nguyên tắc sở hữu tư nhân, làm sụp đổ mô hình toàn cầu hóa thương mại tự do dựa trên cơ sở thị trường, tự do và cạnh tranh-một mô hình do chính các nước phương Tây đề xướng và đã từng được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Do đó, quan hệ quốc tế cần phải được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế với nền tảng là các nguyên tắc nhân đạo như bình đẳng, công bằng, sự thật. Đây là luật chơi hiển nhiên và một khi được thực hiện sẽ thay đổi căn bản tình hình thế giới.

Phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Tổng thống V. Putin đã tiên liệu trước các biện pháp đối phó với cuộc chiến tranh cấm vận của phương Tây. Để đáp trả các biện pháp cấm vận chưa từng có của Mỹ và đồng minh, Tổng thống V. Putin ký Sắc lệnh “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động của Mỹ, các nước ngoài và các tổ chức quốc tế có liên quan; Nghị định “Về các biện pháp kinh tế bổ sung để đảm bảo sự ổn định tài chính của Liên bang Nga”; Nghị định “Về các biện pháp đảm bảo phát triển nhanh ngành công nghệ thông tin ở Nga”; Đạo luật Liên bang “Về sửa đổi một số quy định lập pháp của Nga”. Thực thi các sắc lệnh và nghị định này, Nga đã áp dụng nhiều biện pháp chống cấm vận khác nhau.

Với nhiều biện pháp chống cấm vận có hiệu quả, Tổng thống V. Putin tuyên bố, chiến tranh cấm vận do Mỹ và đồng minh phát động nhằm vào Nga đã thất bại.

Chuyên gia phân tích chính trị Mỹ Prasad Philbrick trong bài viết trên The New York Times đưa ra nhận định: “Các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev để tạo ấn tượng rằng đang hình thành phản ứng thống nhất trên toàn cầu đối phản đối hành động của Moskva ở Ukraina nhưng thực tế hoàn toàn không như vậy. Hầu hết trong số 195 quốc gia trên thế giới không ủng hộ Ukraina và cũng không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga“.

Barry Pavel – Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Mỹ của Atlantic Council nhận định: “Trên thực tế, hầu hết các chính phủ trên thế giới không đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến ở Ukraina“.

Theo TTBCV

Tags: ,