⠀
Xuất khẩu văn hóa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Hàn Quốc ra sao?
Có thể nói Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu văn hóa đại chúng hàng đầu thế giới. Đây cũng là cách để xứ kim chi phát triển “sức mạnh mềm”.
Từ giữa những năm 1990, khái niệm Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) đã xuất hiện, thể hiện sự phát triển phi thường của văn hóa nước này, bao gồm âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình, ẩm thực…
Đầu tiên, làn sóng ấy lan rộng sang Trung Quốc và Nhật Bản, sau đó đến Đông Nam Á và tiếp tục tác động mạnh mẽ trên toàn cầu. Cơ quan quản lý phát thanh truyền hình của Hàn Quốc luôn tích cực trong việc cử đoàn đại biểu đi quảng bá nhiều chương trình truyền hình và nội dung văn hóa ở các nước.
Hallyu mang lại khối lợi nhuận khổng lồ, là “sứ giả” văn hóa và quảng bá hình ảnh quốc gia. Từ đầu năm 1999, nó trở thành một trong những hiện tượng văn hóa lớn nhất châu Á. Hiệu ứng của Hallyu: Đóng góp vào 0,2% GDP vào năm 2004, ước tính khoảng 1,87 tỷ USD. Năm 2019, con số này tăng lên 12,3 tỷ USD.
Để làn sóng lan xa
Các phương tiện truyền thông nổi tiếng trong khu vực cho rằng, Hallyu bắt nguồn từ một số bộ phim điện ảnh và truyền hình như Trái tim mùa thu (năm 2000), Cô nàng ngổ ngáo (2001) và Bản tình ca mùa đông (2004). Tất cả đều trở nên rất nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Thành công của các sản phẩm giải trí này tạo ra tiếng vang lớn và thu hút sự chú ý về văn hóa Hàn Quốc.
Dưới đây là những yếu tố chính đóng góp lớn vào sự phát triển của làn sóng Hàn Quốc:
Bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với người dân: Có lẽ yếu tố quan trọng nhất mở đường cho Hallyu là quyết định của Chính phủ vào đầu những năm 1990 nhằm dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với người dân. Điều này tạo tiền đề cho một số người Hàn Quốc khám phá thế giới phương Tây, chủ yếu là Mỹ và châu Âu.
Nhiều người theo đuổi con đường học vấn hay bắt đầu sự nghiệp tại các công ty có uy tín ở châu Âu và Mỹ trước khi về nước vào cuối những năm 1990. Họ mang theo quan điểm mới về kinh doanh, sự tinh tế và cách diễn giải mới đối với nghệ thuật, điện ảnh và âm nhạc cũng như các hình thức biểu đạt sáng tạo. Điều này đã tạo ra một đội ngũ nhân tài mới, trẻ và có trình độ cao đang chờ nắm bắt các cơ hội ở Hàn Quốc.
Các chaebol (đại tập đoàn gia đình) tái cơ cấu: Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 tác động nặng nề tới các chaebol của Hàn Quốc. Những tập đoàn này hoạt động trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất chip đến đóng tàu. Cuộc khủng hoảng buộc họ phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tập trung vào năng lực cốt lõi. Hàn Quốc hiểu rằng, nếu các chaebol thất bại, đất nước sẽ thất bại.
Tổng thống bấy giờ là ông Kim Dae-Jung đã coi việc thúc đẩy công nghệ thông tin và văn hóa đại chúng là 2 động lực chính cho tương lai của Hàn Quốc. Công nghệ sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới và văn hóa đại chúng có thể trở thành ngành xuất khẩu quan trọng trị giá hàng tỷ USD, đồng thời giúp xây dựng thương hiệu Hàn Quốc.
Cấm kiểm duyệt: Luật kiểm duyệt của Hàn Quốc đã cấm các nhà làm phim và nghệ sĩ khai thác những chủ đề gây tranh cãi. Điều này đã kiềm chế sự sáng tạo của họ trong thời gian dài. Năm 1996, tòa án Hiến pháp cấm việc kiểm duyệt và mở ra một loạt chủ đề độc đáo để nghệ sĩ tự do khám phá. Động thái này mang đến những cơ hội cho thế hệ trẻ thể hiện các ý tưởng mới và táo bạo hơn thông qua điện ảnh và âm nhạc.
Chú trọng xây dựng thương hiệu của các công ty hàng đầu: Một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu vào giữa những năm 1990, đặc biệt tập trung vào chất lượng, thiết kế, tiếp thị và xây dựng thương hiệu trên quy mô toàn cầu… Tất cả nhằm cải thiện chất lượng tổng thể, cung cấp hàng hóa cao cấp cho thị trường thế giới.
Tăng cường cơ sở hạ tầng: Chính phủ chi ngân sách đáng kể để phát triển cơ sở hạ tầng Internet công nghệ cao vì họ tin rằng, mọi người dân sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối với toàn cầu. Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp. Ví dụ năm 2012, các quỹ chính phủ chiếm hơn 25% tổng số tiền đầu tư mạo hiểm giải ngân. 1/3 tổng số vốn đầu tư mạo hiểm được chi cho ngành giải trí.
Nền tảng gồm những thanh niên năng động, đầy sức sống và sáng tạo trong việc biểu đạt những ý tưởng mới và táo bạo thông qua ngôn ngữ điện ảnh và âm nhạc. Môi trường rất thuận lợi nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ khiến âm nhạc, phim truyền hình và điện ảnh xứ kim chi tạo ra cơn sốt trong khu vực.
Điện ảnh với sứ mệnh bảo vệ văn hóa quốc gia
Điện ảnh được coi là một trong những kênh quan trọng nhằm gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Hàn Quốc. Nước này khẳng định quan điểm đưa nhiệm vụ bảo vệ văn hóa quốc gia lên hàng đầu. Nếu sản phẩm chỉ có tính giải trí phổ thông, không bao hàm cơ sở văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc thì đó chỉ là sự bắt chước, không bền vững, không được đánh giá cao. Các đài truyền hình luôn cạnh tranh khốc liệt nhưng mục đích chung đều hướng tới quảng bá văn hóa của đất nước.
Đồng thời, Hàn Quốc chủ trương việc học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đã có nhiều sản phẩm điện ảnh được sản xuất theo hướng kết hợp giữa nội dung là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu đất nước với phong cách làm phim “bom tấn” của Hollywood, hấp dẫn hàng triệu khán giả, tạo ra những cơn sốt phòng vé và gây được tiếng vang lớn.
Đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã bắt tay thực hiện chính sách cải tổ điện ảnh toàn diện. Phương án tối ưu được lựa chọn là đầu tư vào con người. Hơn 300 người từ 18 – 25 tuổi được chính phủ gửi sang Mỹ đào tạo bằng ngân sách. Việc tiếp xúc với tư tưởng mới từ Mỹ và thế giới đã “khai thông” tư tưởng cho các nhà làm phim, thổi luồng gió tươi trẻ vào điện ảnh.
Điện ảnh Hàn Quốc trở thành một trong những nền điện ảnh đứng đầu châu Á, đẩy lùi phim Hollywood tại thị trường nội địa, tràn sang chiếm lĩnh thị trường của hàng loạt quốc gia trên thế giới.
Một bộ phận của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tập trung vào nhạc pop, thời trang, giải trí, phim ảnh… Bộ phận này cùng với 3 bộ phận khác được gọi là Văn phòng nội dung văn hóa nhận ngân sách khổng lồ với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu ngành công nghiệp văn hóa.
Chính phủ cũng rất tích cực tổ chức các lễ hội văn hóa, thực hiện các chiến dịch quảng bá để công bố sự độc đáo của Hàn Quốc, và gián tiếp tạo môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp giải trí. Tính đến tháng 8/2020, 32 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc đã được mở tại 28 quốc gia ở khắp châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ.
Công nghiệp điện ảnh phát triển còn nhờ nỗ lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn và chính phủ đều góp phần quan trọng trong việc tài trợ, sản xuất, phân phối và công chiếu các bộ phim.
Gần đây, Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc đặt ra mục tiêu tập trung phát triển theo chiều sâu, nuôi dưỡng tài năng từ cộng đồng các nhà làm phim trẻ độc lập. Trong quá trình này, doanh thu không phải là tiêu chí chính nữa mà là chất lượng phim và các giải thưởng quốc tế uy tín…, dựa trên chất lượng tác phẩm chứ không chỉ danh tiếng của nhà làm phim.
Chính phủ và các nhà làm phim tin tưởng rằng, những hình ảnh đẹp về đất nước và con người Hàn Quốc sẽ thu hút du khách, qua đó góp phần quảng bá văn hóa rộng rãi trên khắp thế giới.
Theo VIETNAMNET
Tags: Hallyu, Hàn Quốc