Xem ‘Cánh đồng chết’, hồi tưởng tấn thảm kịch ở Campuchia

Cánh đồng chết (The killing fields) là bộ phim được làm dựa trên câu chuyện có thật về thông dịch viên người Campuchia – Dith Pran (Haing S. Ngor thủ vai) và phóng viên của tờ New York Times, Sydney Schanberg (Sam Waterston thủ vai).

Do đặc thù công việc Pran và Schanberg đã có mặt ở nhiều điểm nóng giao tranh giữa lực lượng du kích Khmer Đỏ và chính quyền Lon Nol thân Mỹ. Trong quá trình làm việc, họ đã chứng kiến tận mắt tội ác mà đế quốc Mỹ reo rắc ở Campuchia. Thế nhưng điều này chẳng thấm vào đâu so với những gì kinh khủng diễn ra sau đó.

Khi Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, cả 2 bị cầm tù tại đại sứ quán Pháp. Do là người nước ngoài, Schanberg được trở lại đất nước. Dự cảm không tốt về chế độ mới, ông khuyên bạn của mình cũng rời bỏ Campuchia nhưng bất thành.

Sau đó, suốt 5 năm Sydney Schanberg sống trong dằn vặt khi bản thân nhận được nhiều giải thưởng báo chí danh giá mà công lao phải có phần của người công sự hiện không biết sống chết ra sao dưới chế độ quái thai có một không hai trong lịch sử thế giới, chế độ mà chỉ trong 4 năm đã tàn sát 1/3 dân số của chính mình.

Bộ phim “Cánh đồng chết” được Roland Joffe đạo diễn và quay ở Thái Lan với kinh phí lên đến 15 triệu USD giúp tái hiện hành trình của đôi bạn Dith Pran và Sydney Schanberg, phần nào phản ánh những gì đã diễn ra ở đất nước chùa tháp trong giai đoạn từ 1973 đến 1979, trước khi bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế kịp thời cứu thoát nhân dân Campuchia thoát khỏi dưới chế độ diệt chủng của Pol Pot – Ieng Sary.

Tội ác của Mỹ ở Campuchia

Bộ phim bắt đầu vào tháng 5/1973 ở thủ đô Campuchia, phóng viên Sydney Schanberg đến Campuchia nhằm theo dõi cuộc nội chiến của giữa quân đội chế độ thân Mỹ và du kích Khmer Đỏ.

Ngay từ những phút đầu, “Cánh đồng chết” đã cho người xem thấy được 1 đất nước Campuchia đầy bất ổn dưới chế độ thân Mỹ. Ngay sau khi đến Phnom Penh, Sydney Schanberg đã phải chứng kiến một vụ nổ: một người đi xe máy qua và quăng lựu đạn vào những nạn nhân vốn là dân thường. Sự việc chưa dừng ở đó, Pran bất ngờ xuất hiện và thông báo với Schanberg về một vụ ném bom nhầm vào thị trấn Neak Leung của máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ với lý do “máy tính báo sai tọa độ”.

Đút lót để đi nhờ xuồng cảnh sát đến Neak Leung, Pran và Sydney được chứng kiến hậu quả cuộc ném bom nhầm của Mỹ với hàng trăm người chết, nhiều người bị thương bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Pran và Sydney bị bắt giữ khi định chụp ảnh cuộc hành quyết 2 binh sĩ Khmer Đỏ của quân đội Campuchia. Sau đó 2 người được trả tự do sau khi quân đội Mỹ đưa các nhà báo đến để thực hiện một bài báo chịu sự định hướng của quân đội Mỹ về sự kiện Neak Leung.

Cuộc di tản

Trong phần 2 của bộ phim, người xem có dịp chứng kiến cảnh di tản của người Mỹ trước sự sụp đổ của chính quyền Lon Nol vào tháng 4/1975. Hình ảnh chiếc xe chở Cocacola, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ bốc cháy được sử dụng như hình ảnh ẩn dụ chỉ sự sụp đổ của chế độ Mỹ.

Dù có cơ hội được di tản cùng gia đình, tuy nhiên Pran vẫn quyết định ở lại giúp đỡ Schanberg hoàn thành công việc nhà báo chiến trường của mình.

Ngày 17/4/1975, quân Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh và nhận được sự chào đón của người dân. Tuy nhiên, ngay sau đó lực lượng này đã bắt giữ các nhà báo và đưa tới một nhà giam tạm thời. Tại đó, Pran đã phải thương lượng rất vất vả và chịu sự sỉ nhục của binh lính Khmer Đỏ để cứu 4 người bạn là phóng viên ngoại quốc.

Sau khi được thả, 5 người không rời khỏi Phnom Penh mà trú ẩn tại đại sứ quán Pháp chờ được di tản. Tuy nhiên, tại đây chính phủ Khmer Đỏ đã gây áp lực buộc người Campuchia phải rời khỏi đại sứ quán. Do hộ chiếu làm giả bị hỏng nên Pran vẫn bị buộc phải rời khỏi nơi đây và bắt đầu cuộc hành trình sinh – tử của mình.

Cuộc sống dưới chế độ Khmer Đỏ

Pran cũng giống như nhiều người dân Campuchia sống ở thành phố, bị chế độ Khmer Đỏ đưa vào diện lao động khổ sai bắt buộc. Trong những trại lao động ở nông thôn này, Pran chứng kiến những tội ác dã man của Khmer Đỏ, được thực hiện nhân danh “Angkar” (Tổ chức).

Tại những vùng quê, người dân Campuchia phải lao động sản xuất nông nghiệp theo chính sách “làm lại từ đầu” của Khmer Đỏ. Theo chính sách này, Pran và những người Campuchia khác phải làm việc ở đồng lúa dưới sự theo dõi của đội quân trẻ em vốn bị Khmer Đỏ tẩy não, những đứa trẻ bị tước đoạt tất cả khái niệm về gia đình, lòng nhân ái, chỉ có duy nhất “Angkar”.

Sự vô nhân đạo của chế độ Khmer Đỏ được khắc họa rõ nét qua hình ảnh một bé gái sử dụng túi ni lông xanh để thắt cổ chết một người Campuchia phạm lỗi trong khi làm đồng.

Dưới chế độ Khmer Đỏ, mọi người dân Campuchia cũng phải đến những lớp học cộng đồng để cải tạo lại. Tại đây, những người thuộc tầng lớp trí thức trước kia, là “những người đeo kính” và “biết ngoại ngữ” đều bị thủ tiêu bằng cách này hoặc cách khác.

Điều kiện khổ cực và làm việc vất vả khiến Pran phải bắt cả đến những con thạch sùng để ăn hay hút máu trâu để sống. Bị bắt gặp, Pran bị trói, đánh đập và hành hạ cho đến khi được 1 cậu bé thương tình thả ra. Trong một nỗ lực trốn thoát, Pran tụt xuống một hố rộng đầy những bộ xương người, và khi ngoi lên ông nhìn thấy cả một “cánh đồng chết”.

May mắn được cứu sống và trở thành người giúp việc cho một cai ngục Khmer Đỏ, Pran ẩn mình để tiếp tục cuộc sống của mình cho đến khi Bộ đội tình nguyện Việt Nam truy quét Khmer Đỏ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Campuchia lật đổ ách thống trị của chế độ diệt chủng của Pol pot – Ieng Sary.

Nhân sự hỗn loạn từ cuộc không kích, Pran và người con của người cai ngục trốn thoát. Sau nhiều gian khổ, Pran đã đến được biên giới Thái Lan và đoàn tụ với gia đình cũng như người bạn Schanberg.

Chế độ Khmer Đỏ sụp đổ sau cuộc tấn công của quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, đến tận năm 1999, lực lượng này mới hoàn toàn tan rã. Pol Pot – nhân vật số một cầm đầu Khmer Đỏ đã chết vào năm 1998.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , , ,