Xe tăng T-62 và sự răn đe hạt nhân của Liên Xô: Hai yếu tố đặc biệt của xung đột Trung – Xô 1969

Có thể nói, sự xuất hiện của chiếc xe tăng T-62 cùng lời dọa giáng đòn hạt nhân khiến Trung Quốc ngừng xung đột biên giới. Nhưng lại mở ra cơ hội để Bắc Kinh tăng cường hợp tác với Washington.

Xe tăng T-62 và sự răn đe hạt nhân của Liên Xô: Hai yếu tố đặc biệt của xung đột Trung – Xô 1969

Theo National Interest, để chiếm lại đảo Trân Bảo rơi vào tay Trung Quốc, Liên Xô ngày 15.3.1969, mở cuộc phản công quy mô với sự xuất hiện của 4 xe tăng chiến đấu chủ lực T-62.

Đợt tấn công Liên Xô đáp trả Trung Quốc chiếm đảo

Đây là khí tài mới nhất và vẫn được Moskva giữ bí mật quân sự vào thời điểm đó. Tuy nhiên khi vượt qua khúc sông hẹp bị đóng băng nối liền với đảo Trân Bảo, một chiếc T-62 trúng phải mìn, đứt xích bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ba chiếc còn lại rút về phía Liên Xô không lâu sau đó.

Lính Trung Quốc ném lựu đạn vào xe tăng, khiến toàn bộ kíp lái thiệt mạng. Lính Trung Quốc sau đó nhận lệnh kéo chiếc xe tăng tối tân này về phòng tuyến nhưng không thành công vì hỏa lực bắn tỉa từ bên kia chiến tuyến.

Ngày hôm sau, binh sĩ Liên Xô quay trở lại để thu thập xác người tử nạn sau khi nhận được phản hồi chấp thuận từ phía Trung Quốc. Nhưng khi họ tìm cách kéo chiếc xe tăng về thì Trung Quốc lại nã pháo dồn dập.

Gần một tuần sau khi chiếc xe tăng nằm lại, đội công binh Liên Xô được lệnh tiếp cận để biến chiếc T-62 thành đống sắt vụn, nhưng chịu nhiều thương vong và phải rút lui.

Ngày 28/3/1969, đến lượt phía Trung Quốc đưa lực lượng đến kéo xác xe tăng về phía mình. Công binh Trung Quốc tháo dỡ từng phần của xe tăng trong khi lính bắn tỉa cùng pháo binh tung hỏa lực yểm trợ.

Vài ngày sau đó, khối băng bao quanh xe tăng bắt đầu tan chảy, dẫn đến việc Liên Xô nã đạn vào xung quanh, nhấn chìm những gì còn lại của xe tăng T-62 tối tân.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô rút đi, quân Trung Quốc vẫn không bỏ cuộc khi cố gắng trục vớt xe tăng bằng các thiết bị thô sơ. Nhiều người đã chết cóng vì ở dưới nước đóng băng quá lâu.

Đến ngày 29/4, Trung Quốc mới kéo được chiếc T-62 lên khỏi mặt nước và chuyển tới nhà máy chế tạo xe tăng. Giữa tháng 5, một người Trung Quốc mang theo thuốc nổ bí mật tiếp cận nhà máy chế tạo xe tăng ở Lyshuen nhưng chưa kịp cài bom thì bị bắt giữ.

Người này thừa nhận làm việc cho Liên Xô với ý định biến khu nhà máy và cả chiếc T-62 chìm trong biển lửa.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Một chiếc xe tăng T-62 không giúp làm thay đổi vị thế của Trung Quốc ở thời điểm đó. Trái lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông nhận ra Liên Xô nghiêm túc đến mức nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biên giới.

Để trả đũa cuộc xung đột trên đảo Trân Bảo cũng như việc Trung Quốc đánh cắp chiếc xe tăng T-62, ban lãnh đạo Liên Xô khi đó đã lên kế hoạch dùng đến vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami của tờ National Interest cho biết, Liên Xô khi đó có hai lựa chọn. Một là dùng đơn vị cơ giới đánh thẳng vào Mãn Châu, kết hợp với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế nhằm vào các cơ sở nghiên cứu và lực lượng hạt nhân Trung Quốc.

Ước tính Liên Xô cần tới 750.000 quân, lực lượng tăng thiết giáp, không quân và cả vũ khí hạt nhân chiến lược để hoàn thành mục tiêu này.

Lựa chọn thứ hai là chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để vô hiệu hóa năng lực hạt nhân của Trung Quốc cũng như tấn công thủ đô Bắc Kinh và nơi tập trung giới lãnh đạo Trung Quốc.

Năm 1964, Trung Quốc lần đầu tiên thử bom hạt nhân và nếu Liên Xô càng kéo dài thời gian, Bắc Kinh càng có thời gian gắn vũ khí hạt nhân vào đầu đạn tên lửa.

Các chuyên gia nhận định, một tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-8 của Liên Xô, trang bị đầu đạn nhiệt hạch 2,3 megaton được cho là đủ để xóa sổ thành phố và một nửa số dân 7,6 triệu người.

Sau khi suy tính kỹ, lãnh đạo Liên Xô tỏ ra thận trọng, họ hiểu rằng không thể tấn công hạt nhân Trung Quốc mà không phải trả giá. Leo thang chiến tranh với Trung Quốc sẽ làm suy yếu lực lượng Liên Xô đóng quân ở châu Âu.

Ngược lại, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông tin rằng lãnh thổ rộng lớn và quân số đông đảo đủ sức bảo vệ đất nước trước mọi đòn tấn công hạt nhân từ quốc gia láng giềng.

Có thể nói, sự xuất hiện của chiếc xe tăng T-62 cùng lời dọa giáng đòn hạt nhân khiến Trung Quốc ngừng xung đột biên giới. Nhưng lại mở ra cơ hội để Bắc Kinh tăng cường hợp tác với Washington.

Hai năm sau đó, Mỹ bí mật đưa Henry Kissinger đến Trung Quốc gặp Thủ tướng Chu Ân Lai, dọn đường cho chuyến thăm của Tổng Thống Richard Nixon năm 1972.

Về hòn đảo tranh chấp Trân Bảo, năm 1991, Liên Xô đã ký quyết định trao trả lại cho Trung Quốc. Mãi đến năm 2003, Nga và Trung Quốc mới hoàn thành việc phân định biên giới.

Theo DÂN VIỆT

 

Tags: , , , ,