⠀
Việt Nam và vấn đề phát triển thị trường biển để bảo vệ chủ quyền biển
Lịch sử cho thấy các đặc thù phát triển thị trường là yếu tố quan trọng liên quan trực tiếp tới vận mệnh các quốc gia ven biển.
Những khu vực có tính tương tác đa cực cao và thuận tiện cho giao thương sẽ có ưu thế vượt trội để phát triển đi trước. Ngược lại, những khu vực bị cô lập và thị trường kém phát triển thường xuyên đối diện với nguy cơ tụt hậu và mất an ninh chủ quyền.
Xuyên suốt lịch sử, bài học về sự hưng thịnh của các quốc gia thường gắn liền với khả năng duy trì giao thương trên biển. Biển cả không chỉ là cầu nối trao đổi hàng hóa, mà còn kết nối giúp lưu thông tri thức khoa học và văn hóa. Tuy nhiên, trong lịch sử của mình, Việt Nam dường như chưa khai thác được nhiều các lợi thế từ biển, dù có một đường bờ biển dài, giáp với Thái Bình Dương và nằm cách không xa Ấn Độ Dương là bao. Điều này liên quan trực tiếp tới một thực tế là nước ta thiếu vắng một thị trường đủ mạnh giúp duy trì đều đặn các tuyến giao thương trên biển.
Thời kỳ cổ đại: thị trường lệ thuộc nhiều vào yếu tố địa lý
Thị trường mạnh sẽ tạo ra động cơ tài chính để tổ chức giao thương, và ngược lại, giao thương phải thuận tiện thì thị trường mới hình thành. Nhưng một điều kiện rất quan trọng khác để hình thành thị trường là giữa các địa phương phải có sự khác biệt tương đối về sản vật được đem đi buôn bán, trao đổi.
Ở đây, một câu hỏi cần đặt ra là: vì sao trong số rất nhiều quốc gia cổ đại nằm cạnh biển, chỉ có khu vực các nước lân cận Địa Trung Hải được chứng kiến những sự tương tác và giao lưu mạnh mẽ để có thể phát triển cùng một lúc vài ba nền văn minh rực rỡ? Câu trả lời là Địa Trung Hải rất khác với những vùng biển cổ đại khác, được vây bọc bởi những vùng thổ nhưỡng khác nhau với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Mỗi địa phương có một nguồn nguyên liệu và sản vật thiết yếu riêng, từ đồng, sắt, đá hoa cương, kim loại quý, tới dầu ôliu, lúa mạch, rượu nho, v.v. Điều kiện tự nhiên như vậy kết hợp với đặc thù khí hậu ôn hòa, thời tiết, tạo thuận lợi rất lớn cho các hoạt động buôn bán trao đổi bằng đường biển. Nhờ đó, các thị trường và các nền văn minh cổ như Ai Cập, Lưỡng Hà, và Hy Lạp có thể dễ dàng kết nối nhau, kích thích nhau phát triển.
So với khu vực Địa Trung Hải thì khu vực Đông Nam Á cũng là một quần thể các quốc gia ven biển, nhưng điều kiện tự nhiên hạn chế và khắc nghiệt hơn nhiều. Từng quốc gia riêng lẻ thường bị rừng nhiệt đới che phủ một phần đáng kể diện tích. Điều kiện thổ nhưỡng giữa các vùng không khác biệt nhau đáng kể. Những nền văn minh cổ phát triển trong điều kiện như vậy nhìn chung đều dễ bị giới hạn trong phát triển, và khó hình thành nên những thị trường kinh tế lớn.
Do trình độ đóng tàu và đi biển của con người thời kỳ cổ đại chưa cao nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, không thể đi quá xa bờ. Trong khi người Địa Trung Hải có thể men theo bờ để buôn bán tự do giữa những trung tâm kinh tế lớn, từ Hy Lạp sang Lưỡng Hà và Ai Cập, thì các cộng đồng cổ ở Đông Nam Á chỉ có thể đi loanh quanh trong phạm vi hẹp, giao thương một cách hạn chế giữa những nền kinh tế nhỏ. Thị trường hạn chế khiến họ càng không thể đủ tài lực tổ chức nhiều những chuyến viễn dương xa xôi.
Trung đại và cận đại: đơn cực và thiếu giao lưu dẫn đến tụt hậu
Tính chất đa cực trong khu vực và khả năng lưu thông thuận tiện giữa các quốc gia châu Âu trong một giai đoạn dài trong lịch sử, đặc biệt là từ thời kỳ Phục hưng, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật. Nếu mỗi quốc gia khép kín tự lực tìm tòi thì thành quả khoa học sẽ bị hạn chế, nhưng nếu giữa các quốc gia có sự cọ xát, tương tác, thì khoa học sẽ được thường xuyên bồi đắp và dễ dàng cất cánh hơn.
Nếu đối chiếu với phần còn lại của thế giới, đơn cử lấy Trung Quốc làm đại diện nổi bật nhất, chúng ta cũng thấy rằng Trung Quốc phát triển tiến bộ nhanh nhất là vào thời kỳ cổ đại, khi quốc gia này duy trì được tính đa cực khi vẫn còn phân chia thành các nước nhỏ hơn. Còn sau khi Trung Quốc đã thống nhất thì phát triển mạnh nhất là vào thời nhà Đường, khi giao thương với phương Tây được duy trì tích cực qua con đường tơ lụa.
Nhưng kể từ khi Trung Quốc thống nhất thì tính cạnh tranh và tính tương tác đa cực giữa các cộng đồng độc lập không còn nữa. Tính đồng nhất trong một xã hội khép kín gây trì trệ cho khoa học kỹ thuật. Xu hướng này càng gia tăng khi con đường tơ lụa rơi vào suy thoái kể từ khi người Hồi giáo nổi lên kiểm soát Trung Đông, khiến sự giao thương và lưu thông tri thức giữa Trung Quốc với phương Tây bị chặn lại. Hệ quả là châu Âu đạt được sự vượt trội về trình độ khoa học kỹ thuật so với Trung Quốc cũng như toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Tiến bộ về trình độ công nghệ của châu Âu khiến người châu Âu đủ sức thường xuyên tổ chức những chuyến vượt đại dương, qua đó bắt đầu triển khai được một mạng lưới thị trường toàn cầu. Trong khi đó ở Trung Quốc, triều đình nhà Minh cũng tổ chức được một số chuyến viễn du hồi đầu thế kỷ 15 do đô đốc Trịnh Hòa thực hiện, nhưng những chuyến đi này mang tính chất chính trị và ngoại giao, chứ không đem lại giá trị gia tăng về kinh tế để tạo ra động lực cho những chuyến viễn du tiếp theo. Hay nói theo cách khác, công nghệ chinh phục biển của Trung Quốc vào thời kỳ ấy chưa đạt tới tầm thị trường hóa.
Sự tụt hậu của Trung Quốc so với phương Tây là điển hình chung cho một châu Á thua thiệt do điều kiện địa lý hạn chế và sự đơn điệu về địa chính trị tạo ra những khu vực trì trệ, kém phát triển. Do bối cảnh ấy, trong một giai đoạn dài sau này châu Á từng bước bị biến thành thuộc địa để phương Tây khai thác.
Như vậy, tình trạng bị cô lập và những điều kiện không thuận lợi về địa lý đã khiến Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác bị tụt hậu với phương Tây trong phát triển khoa học và kinh tế nói chung, cũng như về giao thương trên biển nói riêng. Không thể nói rằng cha ông chúng ta thiếu tham vọng chinh phục biển. Tới cuối thế kỷ 15, khi Đại Việt hoàn tất chinh phục Champa để kết thúc một thời kỳ dài những cuộc chiến tranh qua lại, chưa kịp ổn định khai phá thì tới đầu thế kỷ 16, xảy ra sự kiện người Bồ Đào Nha chiếm eo biển Malacca. Kể từ đó, toàn bộ vùng Đông Nam Á và Đông Á đứng trước nguy cơ bị thực dân hóa. Trong bối cảnh ấy, tâm lý ngờ vực, thu mình cố thủ của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, là điều có thể hiểu được.
Vận mệnh người đi sau: tùy thuộc vào mức độ phát triển của thị trường
Lợi ích kinh tế là động lực chính đằng sau các hoạt động chiếm thuộc địa và mở rộng thị trường của phương Tây. Tự thân việc chiếm thuộc địa cũng là một cách để mở rộng thị trường, nhưng không phải là cách duy nhất. Đối với những nơi đã sẵn có một thị trường ổn định phù hợp để khai thác đem lại nguồn lợi cho các nhà buôn thì việc chiếm thuộc địa đôi khi trở nên không cần thiết, thậm chí còn gây hại cho chính quốc gia đi xâm chiếm thuộc địa.
Trường hợp của Bồ Đào Nha tại eo biển Malacca là một ví dụ. Với tham vọng độc chiếm cửa ngõ thương mại của Đông Nam Á và Đông Á, vào năm 1511 Bồ Đào Nha tập trung một lực lượng lớn chiến thuyền và quân đội xâm lược Malacca. Nhưng điều này hóa ra lại tai hại, biến khu vực này từ một khu vực thương mại thuận tiện trở thành bất ổn định, gây khó khăn cho giao thương, và hệ quả là sau một thời gian sa lầy, người Bồ Đào Nha bị Hà Lan hất cẳng khỏi Malacca vào thế kỷ 17.
Trường hợp của Thái Lan và Nhật Bản là ví dụ điển hình cho những nước thoát khỏi số phận thuộc địa nhờ đã có được thị trường ổn định, thuận tiện cho việc phát triển giao thương để đem lại lợi nhuận cho phương Tây. Đa phần những khu vực ven biển kém phát triển khác ở châu Á không có được may mắn này. Trong số đó, Ấn Độ và Indonesia là những nơi chưa có nền hành chính đủ mạnh (Ấn Độ trong giai đoạn này thậm chí chưa thể coi là một quốc gia), khiến thị trường bị phân tán rời rạc. Ngược lại, Việt Nam và Trung Quốc đã có một nền hành chính có tính kiểm soát tương đối mạnh, các thị trường trong nước đã khá phát triển, nhưng lại bị hạn chế do chính quyền phong kiến thi hành chính sách bế quan tỏa cảng.
Những quốc gia nói trên đều chưa kịp phát triển một thị trường ổn định và đều đã bị phương Tây chiếm toàn bộ hoặc một phần ven biển làm thuộc địa. Những vùng thuộc địa này trở thành điểm đặt chân để phương Tây khai thác tài nguyên, hoặc làm bàn đạp mở rộng thị trường vào sâu trong nội địa. Ví dụ như trường hợp thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, có lẽ động cơ ngay từ ban đầu không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà cái đích chiến lược nhắm tới là toàn bộ Đông Dương.
Vấn đề của Việt Nam trong bối cảnh hiện đại
Trong thế giới hiện đại, sau khi các cuộc chiến tranh lớn và Chiến tranh Lạnh qua đi, thị trường toàn cầu đã đi vào ổn định. Các quốc gia tập trung vào phát triển kinh tế, hướng tới giao thương ngày một tự do hơn, và đặc biệt tránh các cuộc xung đột. Những cuộc xung đột lớn dẫn đến xảy ra chiến tranh trên diện rộng như ở Iraq, hay như ở Libya vừa qua là không phổ biến.
Tại châu Á, sau khi Trung Quốc mở cửa giao thương với Mỹ và phương Tây, tiềm lực và địa vị cường quốc của họ từng bước hồi phục và ưu thế ấy nhanh chóng được chuyển hóa thành đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông. Trong khi đó, suốt một giai đoạn dài thị trường của Việt Nam bị cô lập, giao thương bị hạn chế. Trong thế yếu đó, chúng ta bị mất Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa mà không được ai can thiệp, hỗ trợ.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng chung của thế giới, khả năng trong thời gian tới xảy ra xung đột lớn dẫn đến mất chủ quyền của Việt Nam trên diện rộng ở biển Đông là điều khó xảy ra. Hơn nữa, cộng đồng thế giới khó lòng làm ngơ để xảy ra bất ổn trên diện rộng ở biển Đông, vì điều này sẽ ảnh hưởng tới nhiều bên liên quan, đặc biệt là gây gián đoạn các tuyến giao thương quốc tế.
Tuy nhiên, chủ quyền của Việt Nam vẫn có nguy cơ bị ăn mòn dần dần qua các xung đột quy mô nhỏ. Thực tế thì điều này đã xảy ra trong quá khứ, và vẫn có thể tiếp tục lặp lại trong tương lai. Ví dụ, kịch bản trong tương lai có thể xảy ra là một quốc gia thăm dò dầu khí, và triển khai xây dựng dàn khoan trong khu vực tranh chấp. Một diễn biến như vậy không đủ lớn để gây ra xung đột trên diện rộng, càng khó thu hút sự quan tâm và can thiệp của cộng đồng quốc tế.
Tiềm lực hải quân của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với các kịch bản xung đột quy mô nhỏ như trên, do chưa có những chiến hạm lớn. Những con tàu tuần tiễu loại nhỏ không giúp được gì trong các kịch bản này, trong khi các loại vũ khí hiện có như hỏa tiễn, và tàu ngầm chỉ phù hợp cho việc xuất kích chớp nhoáng, tuy là những loại vũ khí rất cần thiết cho việc phòng thủ và tấn công khi nổ ra chiến tranh, nhưng trong thời bình thì không thể dùng được do điều này đồng nghĩa với việc tuyên chiến. Các phi cơ chiến đấu mà chúng ta đang sắm về là công cụ có chức năng vừa công, vừa thủ, nhưng lại không thể được duy trì thường trực cố định trên mặt biển tại vị trí tranh chấp.
Với những tranh chấp quy mô nhỏ như trong bối cảnh thời bình hiện nay, các chiến hạm lớn có vai trò đáng kể. Chúng có thể được triển khai thường trực ngay tại những điểm tranh chấp, với mục tiêu thực chất không phải là để chiến đấu, mà là để thị uy. Có thể hiểu hoạt động mua các chiến hạm lớn gần đây của Philippines là nhằm mục tiêu này. Thực tế cho thấy việc thị uy trực tiếp như vậy đôi khi là cách hữu hiệu để bảo tồn chủ quyền. Chẳng hạn như gần đây, Nhật Bản không hề thua kém Nga về trình độ công nghệ, nhưng vẫn phải chịu lép vế trước Nga do thiếu sự hiện diện về quân sự tại khu vực tranh chấp chủ quyền.
Cần chú trọng cho phát triển thị trường
Bài học lịch sử lớn nhất về an ninh biển mà chúng ta có thể rút ra cho Việt Nam là cần đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế. Những giai đoạn thị trường của chúng ta bị cô lập do nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì đều kéo theo nguy cơ cao bị tụt hậu và mất an ninh chủ quyền.
Sự đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, đặc biệt là các cường quốc, trong thời gian qua là đúng đắn, nhưng chưa đủ. Chúng cần được bảo chứng bằng những lợi ích kinh tế, đặc biệt là các hoạt động thương mại trên biển. Các hoạt động giao thương quốc tế nếu được tích cực đẩy mạnh trong vòng chủ quyền của Việt Nam sẽ biến quyền lợi về an ninh biển của Việt Nam thành vấn đề an ninh của đối tác quốc tế. Những dàn khoan dầu ngoài khơi của chủ đầu tư từ các cường quốc khác nhau liên doanh với Việt Nam sẽ làm tăng cam kết đảm bảo an ninh giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối thị trường của Lào với các cảng biển chiến lược của Việt Nam cũng sẽ làm nâng tầm quan trọng của tuyến đường biển quốc tế qua các hải cảng của Việt Nam.
Nhưng giải pháp cơ bản nhất là Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện năng lực thị trường của mình nhằm tạo sự gắn bó lâu dài với thị trường quốc tế. Một thị trường yếu kém, trình độ công nghệ lạc hậu, thì việc xây dựng nhiều cảng biển, nhiều dàn khoan dầu ngoài khơi, sẽ không làm tăng tính kết nối quốc tế trong lâu dài mà chỉ tạo điều kiện để nước ngoài rút kiệt tài nguyên tự nhiên hiện có của quốc gia.
Việc phát triển thị trường cần song hành đồng bộ với khả năng bảo vệ thị trường. Sự phát triển đúng hướng về tiềm lực quân sự cũng sẽ làm tăng vị thế của quốc gia trên các bàn đàm phán, tức là giúp tăng triển vọng cho hòa bình và ổn định. Trong đó, về lâu dài khi khả năng kinh tế đáp ứng được thì việc mua các chiến hạm lớn là cần thiết. Chúng có thể được triển khai tại các điểm tranh chấp, buộc đối phương phải rút lui khỏi các hoạt động xâm phạm chủ quyền, ví dụ như thăm dò hay xây dựng cơ sở khai thác dầu khí, hoặc đe dọa phong tỏa các tuyến giao thương huyết mạch trên biển của quốc gia.
Theo PHẠM TRẦN LÊ / TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Chủ quyền Việt Nam, Hàng hải - Vận tải quốc tế, Biển Đông