⠀
Vì sao sinh viên mới ra trường ở Việt Nam khó tìm được việc làm tử tế?
Các công ty lớn đăng quảng cáo tuyển nhân sự trên các báo có khi cả mươi bữa nửa tháng vẫn chưa tìm ra bộ hồ sơ nào “coi được”. Trong khi số sinh viên với bằng tốt nghiệp loại khá, thậm chí loại ưu nằm nhà chờ việc không đếm xuể. Vì sao lại có nghịch lí ấy?
1. “Công việc nào cho tôi?”
Sự thật đáng buồn là đa số các bạn trẻ đã quen đi theo con đường được vạch sẵn: Học hết cấp III, thi tú tài rồi thi đại học. Quan niệm “tìm một cơ hội khác nằm ngoài cổng trường đại học là chuyện không tưởng” khiến học sinh đổ xô thi để có trường mà học tiếp, bất kể ngôi trường đó có phù hợp sở thích và khả năng của mình hay không. Họ cũng chẳng buồn để tâm tìm hiểu xem ngành mình sẽ học như thế nào, chỉ cần biết là ngành đó lấy điểm thấp, không rớt đâu mà sợ; hay đơn giản bạn bè thi nhiều, vào học chung cho đông vui. Đến lúc học rồi mới thất vọng vỡ lẽ: “Ngành này sao mà chán thế?!?” Sau đó hiếm người có can đảm “làm lại từ đầu”, nghĩa là chọn ngành và thi lại thật nghiêm túc để tìm hướng đi thích hợp. Đa phần xem như “chuyện đã rồi”, tiếp tục học dù chẳng lấy gì làm hứng thú, trải qua những kì thi chỉ mong đủ điểm, đến cuối khoá trầy trật ra trường với tấm bằng loại trung bình và lo lắng mất ăn mất ngủ khi nghĩ về công việc tương lai. Họ là những người không tìm được việc làm vì sự định hướng sai lệch ngay từ đầu.
Một bộ phận không nhỏ khác bị chi phối bởi “nguyện vọng của gia đình”. Với học lực khá giỏi, họ được kì vọng hướng đến những trường danh tiếng với điểm đầu vào cao chót vót. Truyền thống, danh dự gia đình… gây áp lực, cuối cùng những cái đầu vốn đã căng ra vì bài vở đành xuôi tay chấp nhận: “Thôi thì trường nào cũng là trường, thi quách cho xong(!)” Hệ quả là một số không nhỏ sinh viên ngay cả khi đã yên vị ở giảng đường của một trường đại học tiếng tăm vẫn thở ngắn than dài: “Tôi có yêu thích gì ngành này đâu! Tôi học vì bố mẹ tôi muốn thế”. Với khả năng sẵn có, họ dễ dàng đạt điểm cao trong những kì thi, tốt nghiệp loại khá giỏi nhưng cuối cùng vẫn gặp khó khăn khi tìm việc: Công việc theo đúng ngành được đào tạo thì họ đã quá ngán ngẩm, còn việc làm yêu thích lại hoàn toàn không có chuyên môn.
2. “Tôi không có kinh nghiệm”
Dễ dàng thấy được kinh nghiệm là “mặt hàng” đắt giá đối với các nhà tuyển dụng. Hầu hết những vị trí “béo bở” như trưởng phòng hay quản lí đều “ưu tiên cho người có kinh nghiệm” hoặc bắt buộc “từng có kinh nghiệm làm việc…”. H. Linh (22 tuổi) bức xúc: “Họ thẳng thừng trả lại hồ sơ và tấm bằng loại ưu của tôi, bảo rằng tôi không đáp ứng được yêu cầu công việc vì chưa có kinh nghiệm. Tôi vừa mới ra trường thì đào đâu ra thứ xa xỉ ấy?”. Rào cản “kinh nghiệm” khiến không ít bạn mất dần sự tự tin. Họ hoài nghi phải chăng bốn năm “dùi mài kinh sử” của họ không được đánh giá cao bằng vài năm làm việc ở một công ty vô danh nào đó. Đến lúc không còn đủ sức nghe những lời từ chối từ phía nhà tuyển dụng, họ chấp nhận việc làm chẳng ăn nhập gì với ngành học. “Tôi chỉ cần một công việc với mức lương đủ sống và quan trọng nhất không đòi hỏi kinh nghiệm.” Q. Ân (24 tuổi) thở dài.
Phải chăng các nhà tuyển dụng đã quá khắt khe bảo thủ khi một mực đòi hỏi kinh nghiệm làm việc? K. Linh (28 tuổi), trưởng phòng nhân sự một công ty liên doanh, cho biết: “Chúng tôi chỉ yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm khi điều này thật sự cần thiết. Đặt ra yêu cầu như vậy cũng gây khó khăn cho công ty vì không thể tìm được người đáp ứng trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi chấp nhận chờ một vài tháng tới khi tìm được ứng viên ưng ý, còn hơn phải mất 1-2 năm để đào tạo tất cả những kĩ năng cơ bản cho một sinh viên mới ra trường hoàn toàn không biết gì về cách giải quyết công việc.” Suy cho cùng những nhà tuyển dụng vẫn có cái lí của họ. Chương trình ở bậc đại học, nhất là những ngành trừu tượng như Kinh tế, có khi hoàn toàn khác xa những gì sinh viên phải đối mặt và tìm cách xử lí khi thật sự bước chân vào làm việc tại một cơ quan. Lí thuyết chỉ hỗ trợ chứ không thể chỉ đạo, nắm vững lí thuyết là chưa đủ cho một công việc đòi hỏi cả chuyên môn lẫn cọ xát thực tế. Vì vậy những nhà tuyển dụng chỉ chấp nhận “hi sinh”, đào tạo từ đầu những sinh viên nổi bật mà họ biết chắc có tiềm năng làm việc hiệu quả trong tương lai. Còn những nhân “thường thường bậc trung” nếu muốn tìm được một vị trí tương đối, kinh nghiệm vẫn là điều không thể thiếu. Những sinh viên có việc làm thêm phù hợp với ngành học sau khi tốt nghiệp luôn được đánh giá cao hơn số đông còn lại, những người không chịu thay đổi suy nghĩ: “Học thì chỉ cần lo học, có thiếu tiền đâu mà phải đi làm thêm?”
3. “Tôi không thể làm việc theo nhóm”
Làm việc theo nhóm là một kĩ năng tổng hợp đòi hỏi nhiều kĩ năng nhỏ khác. Đầu tiên là tinh thần tự giác và tác phong công nghiệp. Bạn không thể để đồng nghiệp chờ đợi mình làm nốt phần việc duy nhất còn lại trong khi mọi thứ đều đã hoàn tất chỉ vì hôm qua bạn lỡ đi party lỡ giờ, về nhà quá mệt và ngủ quên mất. Mỗi người trong nhóm đều có những vấn đề riêng, nhưng chúng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung của nhóm. Thứ hai là cái “tôi” không được lấn át cái “chúng ta”. Dù bạn có bực tức đến mấy với trưởng nhóm, bạn không có quyền gân cổ lên phản đối tất tật những ý kiến của cô ấy nếu nó đúng. Những người trong nhóm có thể mâu thuẫn xích mích nhưng khi ngồi vào bàn làm việc, họ là một khối thống nhất với tiêu chí chung: Công việc là trên hết.
Trong khi hãy nhìn vào những giảng đường đại học.
Tiết 1: Giảng viên vào lớp đã hơn nửa tiếng mà lác đác cứ vài phút lại có một người bước vào, thong thả vừa đi vừa… gặm bánh mì. Tác phong công nghiệp không có.
Tiết 2: Giảng viên thao thao diễn thuyết, bên dưới không thiếu người thản nhiên nằm dài ra bàn ngủ, dấm dúi ăn uống hay mê mải đánh carô. Tinh thần tự giác đi vắng. Đến khi hoạ hoằn trên lớp thầy cô giao cho một đề tài thuyết trình, cơ hội để thực tập làm việc theo nhóm, thì 60% thời gian gặp nhau là chat chit, ăn uống, 40% còn lại là nêu ý kiến, cãi vã, sau đó bất đồng ý kiến rồi mạnh ai nấy… bỏ về!
Liệu bao giờ thì họ – những sinh viên đại học luôn tự hào về kiến thức và hiểu biết của mình – mới ý thức được rằng “Một cây làm chẳng nên non”?
4. “Đây không phải là công việc tôi mong đợi”
Bạn mong đợi một công việc như thế nào? T. Mai (23 tuổi), tốt nghiệp Đại học Ngoại thương loại giỏi, cho biết: “Tôi muốn tìm một công việc với mức lương khá tại một công ty nước ngoài. Một vài công ty tôi nộp đơn đã có hồi âm, nhưng họ chỉ muốn tôi làm ở vị trí một nhân viên. Tôi lại cần những công việc có cơ hội thăng tiến nên đã từ chối.”
Trên đây không chỉ là suy nghĩ của một cá nhân, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vẫn đang kén chọn vì chưa tìm được chỗ làm vừa ý. Đương nhiên với những sinh viên có bảng điểm cuối khoá đẹp như mơ, cơ hội lựa chọn của họ là rất lớn. Họ có quyền cân nhắc đồng ý lời mời của những nhà tuyển dụng hay từ chối để chờ đợi một công việc tốt hơn. Nhưng đôi khi họ quên mất mọi thứ đều có giới hạn và cơ hội việc làm cũng vậy. Dù tốt nghiệp loại giỏi hay xuất sắc, họ vẫn chỉ là một sinh viên mới ra trường. Kiến thức thực tế chưa đầy đủ, dù muốn nhà tuyển dụng cũng không thể nhận người vừa chập chững làm việc vào vị trí trưởng phòng ngay được. Nếu nhà tuyển dụng chỉ cung cấp cho một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi công việc của một nhân viên bình thường tức là họ đang cho người đó cơ hội để chứng minh thực lực của mình. Thực tế ấy nhiều sinh viên vẫn không chịu hiểu, họ cho rằng những công ty này đang đánh giá sai thực lực của họ, vì thế đừng hòng có được “những con người tài năng” như họ. Họ không biết rằng chính mình đang tự đánh mất một cơ hội thử sức và tìm kiếm kinh nghiệm giúp tấm bằng của họ thêm thuyết phục.
5. Kết:
Những suy nghĩ ấu trĩ của sinh viên mới ra trường cướp đi của họ nhiều cơ hội việc làm và khiến các nhà tuyển dụng e ngại. Có người nói: “Sinh viên Việt Nam hiền lành và xuề xoà”. Có phải là một lời khen? Khi sự hiền lành đi tới mức không dám tìm một công việc làm thêm để “săn” kinh nghiệm, và sự xuề xoà tạo thành thói quen trễ nải trong công việc. Mong lắm một sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của thế hệ tạo nên “văn minh người Việt trẻ”!
Theo SAGA.VN
Tags: Giới trẻ, Lao động - việc làm