Vì sao không chịu sửa việc phiên âm phi lý trong sách giáo khoa?

Nhìn vào sách giáo khoa (SGK) giờ đây vẫn không hiểu vì sao sau nhiều thập kỷ cả xã hội đổ tiền của cho con em học ngoại ngữ, học sinh thì được khuyến khích tìm kiếm tài liệu đọc thêm trên Internet, giờ đây các em vẫn phải vò đầu bứt trán trước những “Xôn-phê-ri-ô”, “A-lếch-xăng-đờ-ri”, “A-pô-lô-ni-ut”, “Xít-tơn”, “Y-an-gun” hay “Phoi-ơ-bắc”.

Vì sao không chịu sửa việc phiên âm phi lý trong sách giáo khoa?

Trong ngổn ngang trăm sự của ngành giáo dục, chuyện phiên âm tiếng nước ngoài thành tiếng Việt trong SGK là dễ điều chỉnh nhất; thế mà bất kể biết bao đề xuất rất tâm huyết của nhiều nhà giáo dục, biết bao phân tích đúng sai của các chuyên gia ngôn ngữ, những người có trách nhiệm vẫn bình chân như vại, nhiều thế hệ học sinh vẫn học những tên người, địa danh… mà các em không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào, như thể đang ở một hành tinh khác.

Một ví dụ trong SGK lớp 10

Mở bất kỳ một cuốn SGK lớp 10 ra, ta sẽ thấy cách viết như sau: “Hăng-ri Đuy-năng (1828-1910) là nhà nghiên cứu văn học người Thụy Sĩ, năm 31 tuổi, ông được chứng kiến cảnh khoảng 40.000 người vừa chết, vừa bị thương nằm la liệt khắp nơi trong cuộc chiến đấu giữa quân đội Pháp – I-ta-li-a, ở Xôn-phê-ri-ô (I-ta-li-a), ông đã đến những làng gần đó tổ chức những đội cứu thương”.

Hay một ví dụ khác: “Lút-vích Phoi-ơ-bắc lại khẳng định: Con người nhận thức được thế giới tự nhiên…”, hay “T. Hốp xơ (1588-1679), nhà…”, hoặc “Có lần một sinh viên hỏi Clốt Béc-na…”.

Sau nhiều thập kỷ cả xã hội đổ tiền của cho con em họ học ngoại ngữ, và khi học sinh ngày nay được khuyến khích tìm kiếm tài liệu đọc thêm trên Internet, nhiều đề tài được giao cho các em tự nghiên cứu bằng cách tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, giờ đây các em sẽ tìm đâu ra về Xôn-phê-ri-ô, A-lếch-xăng-đờ-ri hay A-pô-lô-ni-ut?

Các em biết thành phố Xít-tơn hay Y-an-gun là ở phương trời nào để lục lọi tư liệu học mở rộng và làm giàu vốn kiến thức?

Lập luận dai dẳng nhất để bảo vệ cho việc phiên âm sang tiếng Việt là để giúp các em đọc đúng từ nước ngoài dù các em có học hay chưa học ngoại ngữ.

Đây không chỉ là lập luận ít tính thuyết phục nhất mà phải gọi là lập luận sai lầm nhất. Seattle được người Mỹ đọc là [xì-a-tồn] với trọng âm ở vần a. Khi đọc thành “Xít-tơn”, đố bạn tìm được cư dân tiểu bang Washington nào biết được bạn đang nói về thành phố lớn nhất của họ.

Và bất kỳ từ nào được phiên âm sang tiếng Việt theo cách trong SGK đều sai và khác so với từ gốc, không ít thì nhiều, hoàn toàn không giúp gì cho các học sinh nhận biết mặt chữ để tra cứu, ngay cả nghe âm cũng không dễ dàng nhận ra.

Phiêm âm như trong SGK góp phần làm hỏng cách phát âm tiếng Anh của học sinh. Đã quen với cách đọc “Niu-Oóc”, sau này học tiếng Anh gặp lại từ “New York”, các em không tài nào phát âm đúng được nữa.

Cho nên, ta thường thấy nhiều học viên khi học tiếng Anh đã đọc các từ “stand”, “state” thành hai âm bắt đầu bằng [xì], chuyện phát âm ấy gây cười phổ biến đến độ giờ đây khi lên Facebook vẫn thấy nhiều người diễn đạt giễu nhại từ “status” thành “xì-ta-tút”. “Brazil” mà đọc thành “Bờ-ra-xin” ắt cũng do được hướng dẫn đọc theo kiểu phiên âm này từ ngày xa xưa nào đó.

Một thực tại đã hoàn toàn khác

Điều phi lý nhất là nỗ lực đưa tiếng Anh vào cấp tiểu học là rất lớn, nhiều nơi đã bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3.

Các nhà giáo nghĩ sao khi các em học các môn văn, sử, địa, gặp các từ đã bị phiên âm lại phải loay hoay giải mã ngược chúng để xem rốt cuộc tên người, địa danh ấy thật sự là cái gì. Và khi giải mã ngược được rồi thì mới biết đấy chính là từ gốc mà các em đã được học ở lớp tiếng Anh, thậm chí đã xem/nghe thường xuyên trên YouTube.

Chẳng hạn, khi học môn địa lý lớp 5, các em được dạy rằng, thủ đô của Hoa Kỳ là “Oa-sinh-tơn”, học sinh chắc chắn sẽ phải vò đầu bứt tai một hồi lâu mới nhận ra đó chính là từ “Washington” mà các em đã được học và đã quá quen.

Những người lập luận phiên âm để giúp các em đọc đúng, xin đọc từ “Oa-sinh-tơn” to lên và thành thật mà nói nó giúp gì các em đọc đúng từ “Washington”?

Điều phi lý kế tiếp là cách phiên âm như trong SGK không phải là tiếng Việt thuần túy, vì vậy không thể nói nó giúp các em đọc đúng một cách dễ dàng.

Ví dụ, từ “Ô-xtrây-li-a” đưa cho một học sinh chưa từng học tiếng Anh để tự em ấy đọc, làm sao em đọc được vì [xtrây] đâu có trong tiếng Việt. Ở hướng ngược lại, một em đọc trong SGK về nhà triết học Lút-vích Phoi-ơ-bắc bàn về khả năng nhận thức thế giới của con người bỗng nhớ lại video từng xem hay một bài báo vừa đọc, thuật lời của Elon Musk nói rất có thể chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập.

Giả thử em muốn đưa ý này vào bài viết để nộp cho thầy cô, em sẽ viết tên Elon Musk như thế nào đây: I-lon Mớt-xờ-cờ chăng? Viết như thế nào cho đúng là một chuyện khó vì các em đâu thể biết được cái phương pháp phiên âm tiếng nước ngoài thành tiếng Việt như trong SGK.

Phiên âm tên người hay địa danh thành tiếng Việt và bắt học sinh học qua từ đã phiên âm là sai lầm nặng nề vì đó không phải tên hay địa danh của thiên hạ. Chỉ một tên người “G. Bu-sơ” không thôi cũng đã thấy hàng loạt sai sót: Tổng thống Mỹ không ai có tên là Bu-sơ; từ “Bush” cũng không thể đọc thành “Bu-sơ”.

Và nếu cứ nhất quyết phiên âm thì vì sao vẫn giữ nguyên chữ cái G (viết tắt của từ George). Nếu phải tìm cách phiên âm từ “George” này thành một từ gì đó, người viết bài này cũng chịu, không biết viết sao cho “đúng kiểu sách”.

Vẫn biết việc viết và đọc tên người, địa danh nước ngoài còn nhiều vấn đề phức tạp, khi từ gốc đến từ nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau. Ta có thể thấy một số trường hợp khó, chẳng hạn SGK phiên âm là Ác-si-mét, nếu dựa vào cách đọc đã quen thuộc của người Việt, ắt phải ghi theo tiếng Pháp (Archimède) bởi ghi theo tiếng Anh (Archimedes) thì đọc sẽ khác đi.

Tương tự, A-ri-xtốt phải thay bằng Aristotle hay Aristote? Nhưng các vấn đề hơi khó giải quyết như thế chỉ chiếm một phần nhỏ, đại đa số trường hợp phiên âm thành tiếng Việt kiểu như “Uy-li-am Sếch-xpia sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn” mà báo chí từng đề cập cách đây mấy năm có thể nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp.

Các trường hợp còn lại hãy giao cho các tác giả biên soạn SGK giải quyết vì đó là một phần công việc biên soạn của họ, tạo dấu ấn cho bộ sách của họ một cách thuyết phục.

Chúng ta đang đứng trước một cơ hội để sửa sai một cách căn bản: biên soạn và áp dụng bộ SGK mới tới đây(*). Xin hãy dũng cảm đứng ra quyết định chuyện bỏ phiên âm. Thế giới viết sao, mình viết như thế. Chỉ chừng đó cũng đủ tạo sự khác biệt cho bộ sách mới rồi.

SGK môn tin học lại không theo nguyên tắc phiên âm tên người, địa danh sang tiếng Việt như các môn khác, nói cho đúng thì thực ra không rõ theo nguyên tắc nào.

Chẳng hạn, cuốn Tin học dành cho trung học cơ sở vẫn để nguyên tên nhà toán học Von Neumann, nhưng đến cuốn Tin học lớp 10, tên ông này lại được phiên âm ra thành Phôn Nôi-man, đồng thời mở ngoặc viết đầy đủ J. Von Neumann. Tên những nhà khoa học khác đều được để nguyên như Blaise Pascal, G. Leibnitz, Alain Turing…

Có lẽ môn tin học là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện không thể dùng cách phiên âm trong khi vẫn mong muốn học sinh hội nhập với thế giới. Dạy tin học cho học sinh lớp 6 rồi lấy lý do học sinh chưa biết đọc tiếng Anh nên phải phiên âm các từ như Windows, Unix là chuyện điên rồ, không ai làm.

Hoặc lấy câu này “Chọn lệnh Start -> Control Panel rồi nháy đúp chuột vào biểu tượng Date and Time để xem ngày giờ của hệ thống”, có ai đòi phải phiên âm hết các từ tiếng Anh thành, ví dụ xì-tát, côn-tờ-rôn pe-nơn… bởi vì đó là các từ xuất hiện ngay trên màn hình, phải để nguyên để các em nhận biết. Không nhận biết chính xác các thuật ngữ này trong tin học, khỏi nói chuyện học gì.

Sau mốt thời thượng nói về cách mạng công nghiệp 4.0, nay người ta bắt đầu nói nhiều về AI (trí tuệ nhân tạo). Một trong những bước đầu tiên để có AI là dạy cho máy học, rất cụ thể như cho máy nhìn thấy hình con mèo và đính nhãn con mèo cho nó biết.

Thử tưởng tượng sau này ngành giáo dục xây dựng AI, dạy cho nó nhìn hình một nhà văn người Mỹ và bảo nó học đây là Ơ-nít Hê-minh-uê, chắc chắn con AI này sang nước khác sẽ cãi chí chóe với con AI của nước họ, rằng thế giới này không hề tồn tại nhà văn nào tên là Ernest Hemingway cả!

Chúng ta có thể cười với hình ảnh một trí tuệ thông minh nhân tạo ngu ngơ nhưng không thể cười nổi nếu con em chúng ta cũng đang được dạy y như thế.

.

—————————–

Chú thích:

* Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11-2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được áp dụng chậm nhất từ năm học 2020 – 2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021 – 2022 với cấp THCS và từ năm học 2022 – 2023 với cấp THPT.

Theo NGUYỄN VŨ / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,