Vì sao chiến thuật ‘trực thăng vận’ của Mỹ phá sản ở Việt Nam?

Thời gian đầu, chiến thuật “trực thăng vận” đã gây một số khó khăn, tổn thất cho Quân Giải phóng. Nhưng rất nhanh chóng, những người lính “chân trần, chí thép” đã sáng tạo ra nhiều cách đánh để khắc chế chiến thuật này.

Vì sao chiến thuật ‘trực thăng vận’ của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam bị phá sản?

Ngày 5-7-1961, tại căn cứ không quân Kadena đặt trên đảo Okinawa – là lãnh thổ Nhật Bản bị Mỹ chiếm đóng sau thế chiến 2, theo đề xuất của Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) và được Bộ Quốc phòng Mỹ phê chuẩn, “Biệt đội 57 vận tải chiến thuật” được thành lập với 15 máy bay trực thăng UH-1A.

Nhiệm vụ của biệt đội này là nghiên cứu và thực hành phương pháp đưa binh lính đến những vùng chiến sự một cách nhanh nhất, bất ngờ nhất khiến đối phương không kịp trở tay, đồng thời tấn công các mục tiêu trên mặt đất và yểm trợ các loại trực thăng vận tải khác. Tất cả những việc nói trên được gọi là chiến thuật “trực thăng vận”.

Thế nhưng chỉ trong 4 năm (1961 – 1965), chiến thuật “trực thăng vận” đã phải phá sản với gần 160 chiếc “gãy cánh”, hơn 200 thành viên phi hành đoàn thương vong hoặc mất tích, hoặc bị bắt làm tù binh…

Sự ra đời của chiến thuật “trực thăng vận”

Nói một cách chính xác, ý tưởng về chiến thuật “trực thăng vận” trong chiến tranh Việt Nam đã được các tướng lĩnh Mỹ thai nghén từ trước khi Biệt đội 57 ra đời. Nó bắt nguồn từ cuộc chiến Triều Tiên, khi những chiếc trực thăng Piasecki H21 (mà lính Mỹ thường gọi là “quả chuối bay” vì hình dạng của nó nhìn tương tự như một quả chuối), dễ dàng đổ quân xuống những vùng rừng núi hiểm trở, nơi xe tăng, xe vận tải khó có thể vào được.

Trong buổi họp với những cố vấn cao cấp Mỹ và các tướng lĩnh quân đội Việt Nam Cộng hòa, tổ chức vào tháng 6-1961 ở Sài Gòn, Đại tướng Paul D. Harkins, Chỉ huy trưởng Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) đã nói: “Chiến thắng ở tỉnh Hậu Nghĩa (nay là hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An) là một điển hình cho sự thành công của việc vận chuyển binh lính bằng máy bay trực thăng. Việt Cộng chỉ có hai bàn chân, họ không thể chạy nhanh nên cần thiết phải mau chóng phát triển hình thái tác chiến ấy”.

“Chiến thắng Hậu Nghĩa” mà Paul D. Harkins nhắc đến chính là trận đụng độ giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa được đưa đến bằng trực thăng và một nhóm nhỏ du kích Quân Giải phóng. Trước đó, tháng 5-1961, tàu vận tải USNS T-AKV-41 chở theo 82 máy bay trực thăng Piasecki H21 cùng đội ngũ phi công cập cảng Sài Gòn. 12 ngày sau, hơn 600 lính Dù được những chiếc trực thăng này thả xuống một khu vực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, giáp với biên giới Campuchia, nơi tin tình báo cho biết có sự xuất hiện của một đơn vị “Việt Cộng”.

Bị rơi vào thế bất ngờ, đồng thời yếu hơn về quân số và vũ khí, nhóm du kích Quân Giải phóng nhanh chóng rút lui để bảo toàn lực lượng. Lính Dù tìm thấy vài hầm ngầm cùng mấy khẩu súng từ thời kháng chiến chống Pháp đã hư hỏng; nhưng một số tờ báo xuất bản ở Sài Gòn hồi đó đã “thổi” lên: “Hàng chục Cộng quân bị tiêu diệt, nhiều loại vũ khí, đạn dược bị tịch thu”.

Quan điểm “nhanh chóng phát triển hình thái tác chiến bằng trực thăng” của Paul D. Harkins được sự ủng hộ nhiệt liệt của tướng William Childs Westmoreland, lúc ấy là Giám đốc Học viện quân sự West Point (tháng 7-1963, ông ta được cử giữ chức Tư lệnh phó MACV, dưới quyền Paul D. Harkins.

Đến tháng 8-1964, Westmoreland thay Paul D. Harkins, làm Tư lệnh MACV, hàm Đại tướng). Trong một báo cáo gửi Bộ Quốc phòng Mỹ, Paul D. Harkins nhận định địa hình miền Nam Việt Nam và những hình thức mà Quân Giải phóng tiến hành chiến tranh du kích, hoàn toàn phù hợp với chiến thuật “trực thăng vận”, đồng thời đề xuất Lầu Năm Góc chấp thuận cho thành lập một đơn vị thí điểm.

Và thế là “Biệt đội 57” ra đời. Lúc này, loại trực thăng UH-1A Iroquois do hãng Bell Helicopter chế tạo (Iroquois là tên của một bộ lạc da đỏ ở Mỹ nhưng lính Mỹ thường gọi loại máy bay ấy là “Huey”), bay lần đầu vào tháng 3-1960. Được trang bị một động cơ piston công suất 670 mã lực, tốc độ tối đa 198km/giờ, bay cao 3.600m, hoạt động trong phạm vi 450km, UH-1A có thể chở được 10 lính. Trước yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, sau một số cải tiến về động cơ, vũ khí và bình chứa nhiên liệu để có thể bay nhanh hơn, xa hơn, ngày 15-10-1961, 15 chiếc UH-1A được giao cho “Biệt đội 57”.

Tháng 11-1961, Biệt đội 57 di chuyển đến sân bay U Don, Thái Lan. Tại đây, phi công thực tập những bài đổ quân xuống những sườn núi cheo leo hoặc những bãi sình lầy và thậm chí ngay trên mặt sông, tập tấn công các mục tiêu cố định, di động trên mặt đất bằng tên lửa và súng máy, tập hạ cánh để bốc người lên trong trường hợp bị đối phương bắn chặn…

Ngày 21-10-1962, Biệt đội 57 đến sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. 9 ngày sau, 6 trong số 15 chiếc UH-1A thực hiện phi vụ đầu tiên là hộ tống một phi đội Piasecki H21 đổ quân xuống một địa điểm nằm ở phía tây, cách Sài Gòn 18km. Trung úy John Wallace, phi công của một trong 6 chiếc UH-1A nhớ lại: “Tất cả những chiếc máy bay của chúng tôi đều được vũ trang bằng 2 ống phóng tên lửa cỡ 2,75-inch và 2 súng máy 7,62mm. Trước lúc những “quả chuối bay” đáp xuống, chúng tôi lần lượt phóng tên lửa và bắn súng máy vào những địa điểm khả nghi. Việc đổ quân hoàn tất. Không thấy đối phương bắn trả một phát nào”.

Phi vụ thứ nhì, sáng sớm ngày 6-11-1962, toàn bộ Biệt đội 57 được huy động. 10 chiếc UH-1A chở theo một đại đội lính Dù, 5 chiếc còn lại bay hộ tống, đổ quân xuống Mã Đà (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) để càn quét vào nơi mà tin tình báo cho là “mật khu của Việt Cộng”. Kết quả sau một trận chạm súng ngắn ngủi, cả hai bên không ai thương vong, du kích Quân Giải phóng rút về hướng bắc, lính Dù đốt cháy một số chòi lá cùng một ít gạo, bắp khô, thu một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến 16 giờ cùng ngày, 9 chiếc trực thăng hạ cánh, đưa lính Dù về lại sân bay Biên Hòa.

Trước những thành công ấy, MACV quyết định thành lập một căn cứ cố định, gọi là Trại Holloway, phục vụ cho chiến thuật “trực thăng vận”, đặt ở ngoại vi thị xã Pleiku, Tây Nguyên.

Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng Mỹ ở Holloway đã có Trung đoàn trực thăng vận tải chiến đấu số 52, trang bị toàn UH-1A, một tiểu đoàn trực thăng vận tải Chinook CH-47, ba đại đội trực thăng tải thương số hiệu 94, 519 và 755, một đại đội máy bay trinh sát O-1 Bird Dog cùng 2 trực thăng “cần cẩu bay” khổng lồ CH-54 Skycrane. Với số lượng như thế, cùng một lúc Trại Holloway có thể vận chuyển 1 tiểu đoàn, khoảng 400 lính đến những nơi nghi ngờ có sự hoạt động của Quân Giải phóng.

Thiếu úy McCulloch, phi công lái chiếc UH-1A thuộc Trung đoàn 52 kể: “Chúng tôi phụ trách bốn tỉnh cao nguyên là Darlac, Pleiku, Kontum và Đà Lạt (tên do chế độ Sài Gòn đặt, nay là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng). Thường thì khi nhận được tin có Vi Xi (tiếng lóng lính Mỹ dùng để gọi tắt hai chữ Việt Cộng) xuất hiện ở nơi nào đó, chúng tôi đổ quân xuống và yểm trợ họ bằng hỏa lực từ trên không để họ tìm và diệt”.

Nếm mùi lửa đạn

Cuối năm 1962, sau nhiều cuộc “tập dượt”, Quân đội Mỹ xây dựng một phương án chuẩn trong việc sử dụng máy bay UH-1A phục vụ chiến thuật “trực thăng vận”. Theo phương án này, mỗi phi vụ đổ quân có 1 trực thăng chỉ huy, gọi là COC và tùy theo số lượng binh lính tham gia, có thể có từ 10 đến 50 chiếc UH-1A chở lính, 5 hoặc 15 trực thăng vũ trang UH-1A bay theo yểm trợ. Ngoài ra còn có vài chiếc UH khác làm nhiệm vụ cấp cứu, tải thương.

Đến năm 1964, bên cạnh những chiếc UH-1A, quân Mỹ được bổ sung thêm loại UH-1B – rồi sau đó là UH-1D, ống xả quay ngược lên trời để tránh tên lửa tầm nhiệt của Quân Giải phóng. 2 loại này mỗi chiếc chở được 12 lính hoặc 6 cáng cứu thương, tốc độ bay cũng tăng lên 215km/giờ. Súng máy 7,62mm được thay bằng minigun 6 nòng, mỗi phút bắn ra 3.000 viên đạn.

Ngày 8-2-1965, một tiểu đoàn tên lửa Hawk của lính thủy đánh bộ Mỹ từ đảo Okinawa chuyển đến Đà Nẵng để thiết lập hệ thống phòng thủ bờ biển. Đúng một tháng sau, lúc 9 giờ sáng ngày 8-3-1965, tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 9 đặt chân lên bờ biển từ Phú Lộc đến Xuân Thiều (nay thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Chiều cùng ngày, cầu không vận đưa tiểu đoàn 2 cũng từ Okinawa đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Tổng số quân từ các lần đổ bộ của Lữ đoàn 9 là khoảng 3.500 lính. Chỉ tính riêng máy bay trực thăng, biên chế thuộc lữ đoàn này có 60 chiếc UH-1B.

Từ đó cho đến giữa năm 1972, vào những lúc cao điểm, có hơn 3.900 trực thăng hoạt động từ Quảng Trị đến Cà Mau, 2/3 trong số đó là UH-1B và 1D. Theo sự bố trí của MACV, mỗi lữ đoàn bộ binh Mỹ đều có 1 đại đội trực thăng. 1 sư đoàn có một tiểu đoàn trực thăng (từ 100 đến 120 chiếc nếu là sư đoàn kỵ binh không vận), chia thành các đơn vị trinh sát, chở quân, hỏa lực và tải thương, tiếp vận. Trang bị cho đơn vị trinh sát thường là trực thăng “cán gáo” OH-6A hoặc OH-58D, vận tải là UH-1B, 1D còn hỏa lực là AH1 Cobra (rắn hổ mang), UH- 1B, 1D. Riêng tiếp vận thì dùng CH54 hoặc CH47.

Thời gian đầu, Quân Giải phóng gặp phải một số thiệt hại vì chiến thuật “trực thăng vận” nhưng không lâu sau đó, họ đã sáng tạo ra nhiều cách đánh. Klaus Vinski, phi công Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 kể: “Đáng sợ nhất là họ đặt mìn định hướng ở dưới đất. Khi chúng tôi hạ thấp xuống để đổ quân thì họ cho nổ mìn, thổi ngược lên. Ở những vùng rừng núi trên cao nguyên, họ còn đặt mìn định hướng trên ngọn cây, nổ chụp xuống những chiếc trực thăng đang tiếp đất”.

Quyết không để đám “giặc nhà trời” tung hoành ngang ngược, 23 giờ ngày 6-2-1965, Tiểu đoàn 409 Quân Giải phóng bí mật tiếp cận hàng rào Trại Holloway, được bảo vệ bởi một tiểu đoàn Biệt Động quân Sài Gòn cùng 5 đại đội bộ binh và một chi đoàn xe bọc thép.

Bên cạnh đó, Trại Holloway còn có nhiều lớp hàng rào kẽm gai cao 10m, mìn chiếu sáng và mìn bẫy. Trung sĩ Stevenson, thuộc đội Quân cảnh tuần tra bảo vệ sân bay kể: “Họ vào bằng 3 hướng. Điều xui xẻo nhất với chúng tôi là lúc họ cắt hàng rào, một ai đó đã vô tình vướng vào dây bẫy của một quả mìn chiếu sáng. Mìn nổ, cả một góc trời sáng rực nhưng đội Quân cảnh tuần tra lại cho rằng có thể chỉ do một con chuột nào đó gây ra”.

Stevenson kể tiếp: “Sau khi cắt xong hàng rào, súng cối của họ bắn liên tục vào các vị trí phòng thủ mà theo tôi, họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng từ trước. Lúc tiếng súng vừa dứt, một mũi của họ đánh vào sở chỉ huy, trung tâm truyền tin, khu nhà ở của phi công, thợ máy và chuyên viên kỹ thuật, một mũi khác đánh vào các nhà chứa máy bay còn mũi thứ ba đánh vào kho chứa bom đạn, xăng dầu”.

Cuộc tấn công chỉ kéo dài đúng 5 phút tính từ lúc những chiến sĩ Quân Giải phóng xông vào Trại Holloway. Kết quả 8 lính Mỹ chết tại chỗ, trong đó có 5 phi công, 126 người khác bị thương, 10 trực thăng bị phá hủy, 15 chiếc khác hư hỏng nặng, hàng chục căn nhà bốc cháy, nhiều nhà khác tan tành vì đạn cối. Chưa hết, khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa gửi quân đến cứu viện thì lại bị Quân Giải phóng phục kích, 26 lính chết, 47 người bị thương, 6 xe vận tải quân sự cháy rụi.

Trận Ấp Bắc

Tháng 1-1963, chiến thuật trực thăng vận lần đầu gặp phải thất bại mang tính quy mô qua trận Ấp Bắc, giữa một bên là du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mỹ và Sài Gòn gọi là Việt Cộng) và quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa. Trận đánh diễn ra vào ngày 2-1-1963, tại ấp Tân Bình và ấp Tân Thới thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), cách Sài Gòn 45 km về phía tây nam; nhưng do các hãng thông tấn phương Tây ngay từ đầu đã đưa tin địa danh trận đánh là “Ấp Bắc” nên nó trở thành tên gọi phổ biến.

Địa hình 2 ấp Tân Bình và Tân Thới cách nhau một quãng đồng trống, có chỗ rộng 500m, có chỗ 1.000m, mỗi ấp có chiều dài hơn 1km, nằm cạnh một con rạch, bề ngang khoảng 7m. Đây là nơi lý tưởng để tiến hành chiến thuật trực thăng vận vì nếu Quân Giải phóng rút lui, họ sẽ phơi lưng ra giữa đồng, làm bia cho máy bay, pháo binh và các loại hỏa lực bộ binh.

Sau khi được tin tình báo là tại Ấp Bắc có một đài phát tuyến của Quân Giải phóng cùng một lực lượng lớn bộ đội đang hoạt động, Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã huy động 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 11, Sư đoàn 7; 2 tiểu đoàn địa phương quân; 1 chi đoàn thiết giáp gồm 13 xe M113 và 4 đại đội lính bảo an – trong đó có 2 đại đội làm lực lượng dự bị, 6 máy bay cường kích Skyraider AD1, 30 trực thăng CH-21 Shawnee và 5 trực thăng Choctaw H34 làm nhiệm vụ đổ quân, 4 máy bay trinh sát L19, 13 tàu xuồng các loại và 6 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu cối 106, 7mm, tổng cộng gần 1.800 lính do do đại tá Bùi Đình Đạm chỉ huy. Cố vấn cuộc hành quân là thiếu tá John Paul Vann, lúc ấy là cố vấn trưởng của Sư đoàn 7.

Về phía Quân Giải phóng, lực lượng tham chiến gồm 2 đại đội bộ binh thuộc Tiểu đoàn 514 và 261; 1 trung đội trợ chiến; 2 tiểu đội đặc công, 1 trung đội bảo vệ căn cứ; 2 tổ công binh thủy; 1 trung đội du kích huyện Châu Thành cùng du kích các xã Điềm Hy, Tân Phú, Tân Hội, tổng quân số chỉ hơn 200 người.

1 giờ sáng ngày 2-1, lính địa phương quân và lính bảo an tiến hành bao vây xã Tân Phú. Đến 5 giờ 30, sau khi chiếc L19 bay nhiều vòng trinh sát, 15 trực thăng xuất phát từ sân bay Thân Cửu Nghĩa dưới sự yểm trợ của máy bay cường kích AD1, thả xuống 1 đại đội. Cùng lúc đó, 1 đại đội theo con đường phía đông rạch Ấp Bắc vào xóm chùa Thầy Lơ, 1 đại đội từ phía tây rạch Ấp Bắc vào xóm Hội đồng Vàng, hình thành thế gọng kìm. Tiếp theo, 15 trực thăng khác thả xuống 1 đại đội ở ngay vị trí của lần đổ quân thứ nhất.

Đến 6 giờ sáng, 4 chiếc AD1 ném bom. Sau đó pháo binh bắn hơn 50 quả. Khói đạn chưa tan, lại có 15 trực thăng chuẩn bị thả xuống thêm 1 đại đội nữa. Khi những chiếc trực thăng ấy bay ngang trận địa của đại đội 1, tiểu đoàn 514, trung đội trợ chiến và trung đội 2, Tiểu đoàn 261 Quân Giải phóng thì gặp lưới lửa từ dưới bắn lên. 3 chiếc đầu tiên bay thoát nhưng 3 chiếc tiếp theo rơi tại chỗ, 2 chiếc trúng đạn bay đến Cà Dâm và Bàu Rô mới rơi. Tổng cộng trong trận này, chỉ tính riêng trực thăng, có 5 chiếc bị bắn rơi, 9 chiếc bị bắn hư hỏng nặng. Phi hành đoàn chết 3, bị thương 8.

Thiếu tá Michael Dawson, một phi công trực thăng kỳ cựu thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận, Mỹ, nói: “Trình độ và kinh nghiệm của phi công trực thăng từ Mỹ sang Nam Việt Nam luôn làm chúng tôi ái ngại. Họ chỉ mới 20, 21 tuổi và cũng mới chỉ có 25 giờ “đơn phi” (nghĩa là bay một mình, không có huấn luyện viên bay kèm), nhưng là bay tập trong lúc ở miền Nam Việt Nam, chuyến bay nào cũng có thể là chuyến bay chiến đấu và là chuyến bay cuối cùng. Việt Cộng luôn sẵn sàng xả đạn vào trực thăng Mỹ kể cả khi vừa cất cánh, lúc đang bay hoặc khi đổ quân…”.

Với lính Mỹ, tiếng kêu phành phạch của máy bay trực thăng luôn là “tiếng vỗ cánh của những thiên thần” nhưng phi công trực thăng đã trở thành vấn đề trầm trọng đối với phái bộ cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam MACV. Theo lý thuyết, một đại đội trực thăng mà số phi công sẵn sàng cất cánh đạt đến 90% là con số lý tưởng nhưng ngoại trừ khoảng thời gian đầu tiên của năm 1962 và 1963, còn từ 1964 trở đi, phi công thường xuyên thiếu do thương vong trong những lần “trực thăng vận”.

Thiếu tá Michael Dawson nói tiếp: “Vẫn theo lý thuyết, quy định số giờ bay cho phi công UH là khoảng 150 giờ/ tháng nhưng thực tế, họ thường phải bay trung bình 200 giờ”.

Trận Ia Drang – “Trực thăng vận” phá sản

Sau thất bại ở Ấp Bắc rồi đến đầu năm 1965, trực thăng UH-1A được thay bằng UH-1B, 1D còn trực thăng H21, H34 thì bị loại khỏi biên chế. Thời điểm này, phần lớn nông thôn miền Nam Việt Nam đều nằm trong vùng giải phóng. Ở Tây Nguyên, quân đội Việt Nam Cộng hòa chỉ còn kiểm soát được những thị xã và một số các thị trấn.

Nhiều làng xã huyện lỵ ban ngày là của quân đội Sài Gòn nhưng ban đêm, Quân Giải phóng làm chủ. Đường giao thông liên tục bị cắt đứt, muốn di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia lắm khi phải có lính đi trước dò mìn nên nhiều nơi chỉ biết trông đợi vào sự tiếp tế của máy bay.

Trung úy Kennmore, phi công trực thăng thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 kể: “Những chuyến bay lên vùng ba biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào rất kinh hoàng. Việt Cộng lúc này ngoài súng phòng không 12,7mm thì họ còn có tên lửa vác vai. Để tránh hỏa lực của họ, chúng tôi thường phải bay thật cao nhưng lúc xuống, trực thăng không thể xuống nhanh như những loại máy bay khác, và thế là dính đạn. Có lần hạ cánh ở sân bay Pleiku, tôi đếm được 14 vết đạn trên thân máy bay, may mà không trúng những bộ phận hiểm yếu…”.

Giữa tháng 9-1965, tin tình báo cho biết một lực lượng lớn cấp sư đoàn Quân Giải phóng đang hoạt động tại bắc Tây Nguyên. Nguồn tin này càng có cơ sở khi ngày 19-10, Quân Giải phóng tấn công cứ điểm Pleime do Trung đoàn 33, Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận Mỹ, trấn đóng.

Ngày 11-11, vẫn tin tình báo cho biết 3 trung đoàn Quân Giải phóng đang chuẩn bị mở đợt tấn công vào các đồn Lực lượng đặc biệt Mỹ nằm gần núi Chư Prong, tây bắc Pleime. Nhận thấy đây là cơ hội để triển khai chiến thuật trực thăng vận bằng những loại máy bay mới nhận được, vũ trang mạnh hơn, bay nhanh hơn, xa hơn và chở được nhiều quân hơn, ngày 13-11, Đại tá Thomas W. Brown, chỉ huy Tiểu đoàn 3 gặp trung tá Hal Moore, chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Sư đoàn 1 Kỵ binh. Trong cuộc gặp này, cả hai đều thống nhất sẽ tung ra một cuộc hành quân đánh chặn bằng trực thăng, dự kiến là ngày 14-11.

Để có bãi đáp cho 16 trực thăng UH-1D cùng đổ quân một lần, dựa vào bản đồ không ảnh, Đại tá Brown chọn một một khoảng trống bằng phẳng, xung quanh chỉ có những bụi cây nhỏ, nằm ở phía đông núi Chư Prong, cách sông Ia Drang khoảng 2km về phía tây bắc. Đây là bãi đáp chính, mật danh LZ-Xray. Bên cạnh đó, còn có 4 bãi đáp phụ, lần lượt gọi là LZ Albany, LZ Columbus, LZ Tango, LZ Yankke và 2 bãi đáp dự phòng LZ Whiskey, LZ Victor. Tất cả những bãi đáp phụ này nằm cách bãi chính LZ-Xray không quá 4km.

Bãi LZ-Xray có kích thước gần bằng một sân bóng đá, mọc đầy cỏ lau và cỏ tranh. 10 giờ 48 phút ngày 14-11, đại đội đầu tiên của Tiểu đoàn 1, Lữ Đoàn 7 đặt chân xuống X-Ray sau 30 phút B 52 ném bom hủy diệt, pháo binh và trực thăng vũ trang bắn dọn đường xung quanh khu vực đổ quân. Và thay vì phải nằm ở bãi đáp để bảo vệ an toàn cho các đơn vị xuống sau thì Đại úy John Herren, chỉ huy Tiểu đoàn 1, theo lệnh của Trung tá Moore, lại xua quân đi trinh sát. Hệ quả là những nhóm xuống sau bị Quân Giải phóng tiêu diệt 79 người, bị thương 121 người.

Tại bãi đáp phụ LZ Albany, tình cảnh cũng bi thương không kém. Lưới lửa phòng không của Quân Giải phóng đã chờ sẵn. Thiếu úy Barry, phi công UH-1D đổ quân xuống bãi này kể lại: “Có vẻ như B 52, pháo binh và không quân chẳng làm gì được Việt Cộng. Họ bắn như vãi đạn về phía chúng tôi.

Một chiếc UH-1B bị trúng đạn ở đuôi. Nó quay như chong chóng gặp gió rồi cắm đầu xuống đất, nổ tung. Và thay vì phải đáp cách mặt đất từ 1 đến 1,5m để bộ binh nhảy xuống, có trực thăng bắt lính phải nhảy từ độ cao hơn 2m. Một số chiếc khác thả lính cách đó 1km. Ai cũng muốn sống để quay về”.

Cuộc đổ quân xuống LZ Albany khiến 155 lính Mỹ thiệt mạng, 124 bị thương, 4 mất tích. Phóng viên Joe Galloway đi theo cuộc hành quân, viết trên tờ “Sao và sọc – Stars and Stripes” – là tờ báo của Quân đội Mỹ: “Lúc 7 giờ 55 phút sáng ngày 15 tháng 11, trước những thiệt hại không lường được vì sự tấn công như vũ bão của Việt Cộng, trung tá Moore ra lệnh ném lựu đạn khói màu để xác định phạm vi đóng quân của tiểu đoàn rồi gọi máy bay hỗ trợ. Vài phút sau đó, hai chiếc phản lực F-100 Super Sabre tiếp cận bãi LZ-Xray và ném xuống mấy quả bom xăng (nalpalm).

Thấy bom rơi quá gần vị trí của mình, Trung úy Hastings, chỉ huy đại đội C điên cuồng khi biết 1 lính Mỹ chết, 9 người khác bị thương vì bom xăng, đã liên lạc với hai chiếc máy bay, văng tục chửi thề, yêu cầu không ném bom nữa…”.

Ở bãi LZ Columbus, con số thiệt hại ít hơn, chỉ 3 lính Mỹ chết và 13 người bị thương nhưng trong những cuộc giao tranh sau đó, lại có thêm 71 người chết và 282 bị thương.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Kỵ binh không vận quyết định gửi quân cứu viện nhưng không một chiếc trực thăng nào dám hạ cánh xuống bãi LZ-Xray và những bãi phụ, mà chỉ thả quân ở cách đó 1km để lính đi bộ vào. Riêng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5 Kỵ binh, lợi dụng yếu tố bất ngờ, lúc 8 giờ sáng ngày 16, các phi công UH-1D thả họ xuống bãi đáp dự phòng Victor, cách bãi Xray 3,5km.

Đến 9 giờ, khi đang chuẩn bị hạ cánh cho đợt đổ quân tiếp theo, phi công nhìn thấy những chớp lửa lóe lên từ dưới đất nên họ phải lập tức bay lên. Trong số 15 trực thăng bay chuyến ấy, chỉ có 2 chiếc hoàn thành việc đổ quân. Những chiếc còn lại thả lính xuống cách xa bãi Victor 1,5km. Con số tổng kết của phía Mỹ sau trận Ia Drang kéo dài từ ngày 14 đến ngày 18-11-1965 cho thấy 324 lính Mỹ chết, hơn 500 bị thương, 6 mất tích, 59 trực thăng bị bắn rơi, bắn hỏng. Chiến thuật “trực thăng vận” xem như phá sản hoàn toàn.

Theo thống kê của “Hội Phi công trực thăng Mỹ ở Việt Nam – Vietnam Helicopter Pilots Association”, từ năm 1961 đến cuối 1972, đã có 7.013 chiếc UH-1A, 1B, 1D tham chiến, chiếm 59,3% tổng số các loại trực thăng người Mỹ đưa đến miền Nam Việt Nam. 3.305 chiếc trong số đó – nghĩa là hơn một nửa, bị bắn rơi hoặc bị phá hủy vì những trận pháo kích, tập kích của Quân Giải phóng vào các sân bay. Một số ít hư hỏng vì những lý do kỹ thuật. 2.177 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng…

Theo CAO TRÍ / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , , ,