⠀
Vì sao các đòn trừng phạt không thể làm nước Nga bị khuất phục?
Washington nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ thay đổi các tính toán của Moskva, nhưng nền kinh tế Nga vẫn vận hành tốt.
Thực tế là nền kinh tế Nga đã được “cách điện” tốt chống lại các lệnh trừng phạt. Nhờ giá dầu tăng trở lại gần đây, dự trữ ngoại tệ của Moskva đã phục hồi kể từ mức đáy sau năm 2014, và giờ đã lên mức cao nhất từ trước tới nay, gần nửa nghìn tỷ USD (tương đương 1/3 GDP của Nga).
Dù các chính khách phương Tây thích nói về sự sụt giá của đồng nội tệ Nga (đồng ruble), từng mất 25% giá trị từ đầu năm đến nay, nhưng thực tế đây lại là một “may mắn” đối với ngân sách nhà nước. Thật may cho Tổng thống Vladimir Putin, dòng tiền đổ vào bằng USD chủ yếu nhờ xuất khẩu khí tự nhiên, trong khi chi tiêu xã hội và các dự án quan trọng của chính phủ lại được chi trả bằng đồng ruble!
Nợ công của Nga nổi tiếng là được quản lý tốt, chỉ chiếm chưa đầy 17% GDP vào năm 2017, hoặc xấp xỉ 50% quỹ dự trữ. Trong khi những người ủng hộ trừng phạt muốn bóp nghẹt các bảo lãnh nợ công mới, chính phủ Nga lại ít muốn hoặc không cần tăng lượng tiền này, vì ngân khố của họ đã đầy những “đồng tiền xanh” thu nhập từ việc bán khí đốt.
Vai trò chủ đạo của nhà nước đối với nền kinh tế đã cho phép Điện Kremlin tạo ra sự bảo vệ mới. Ít nhất 80% nền kinh tế Nga hoặc dựa vào nhà nước hoặc do các nhà tài phiệt quản lý, những người này cũng do chính quyền bổ nhiệm. Khoảng 38% lực lượng lao động do nhà nước tuyển dụng. Điều này có nghĩa là hầu hết phúc lợi của nền kinh tế Nga không phụ thuộc vào sự thăng trầm của thị trường, mà tùy thuộc vào việc nhà nước có sẵn sàng tái phân bổ một phần thu nhập từ xuất khẩu khí đốt hay không.
Điện Kremlin đã không hề lãng phí thời gian, và tận dụng cơ chế trừng phạt vào các mục đích chính trị. Như ông Putin từng nói, mọi vấn đề rõ ràng đều do lỗi của Washington, chứ không phải của Kremlin. Các lệnh trừng phạt đã làm giảm mạnh tình trạng tháo vốn khỏi Nga. Nhà nước đã sử dụng các quỹ còn lại để củng cố quyền lực chính trị của mình bằng cách huy động giới ưu tú và làm sống lại tình cảm chống phương Tây. Cuộc cải cách lương hưu không được lòng dân (và cũng được cho là không cần thiết) cũng được đổ lỗi cho… phương Tây: chính phủ Nga đang thiếu tiền vì phương Tây áp đặt trừng phạt và làm nhụt chí các nhà đầu tư nước ngoài.
Quan trọng hơn, các trừng phạt đã gây sức ép lớn lên giá tài sản ở Nga. Theo cuộc thăm dò mới đây, 89% chủ doanh nghiệp Nga muốn bán công ty của mình. Nhưng đây lại là một tin tốt lành đối với 12 công ty gia đình trị lớn nhất, đang tìm cách độc quyền hóa các nguồn lực của đất nước. Họ đã mua các tài sản này với giá rẻ, sử dụng các khoản cho vay được các ngân hàng nhà nước cung cấp.
Nhưng các trừng phạt “hữu ích” nhất đối với chính phủ Nga là trừng phạt cá nhân. Việc phương Tây áp trừng phạt đối với các nhà tài phiệt đã đẩy họ lại gần Điện Kremlin hơn.
Hãy xem trường hợp của Oleg Deripaska, một trùm tư bản về nhôm bị Mỹ trừng phạt trong năm nay cùng với công ty của ông, Tập đoàn sản xuất nhôm Rusal; hay tập đoàn năng lượng En+, và nhiều doanh nghiệp khác. (Ông đã phải bán tống bán tháo cổ phiếu của mình cho nhà nước để cứu công ty). Trong khi cổ phiếu của Rusal “lao dốc” sau thông báo gói trừng phạt mới hồi tháng 4 vừa qua, giá trị vốn hóa thị trường của công ty và doanh thu chỉ còn là “những củ khoai tây” nhỏ so với khối tài sản của các tập đoàn dầu khí nhà nước Nga.
Hoạt động xuất khẩu nhôm của Nga cũng không bị ảnh hưởng. Không phải vì chính quyền Tổng thống Trump đã quá bận rộn với việc cấp phép và khước từ giấy phép do các lệnh trừng phạt do họ mới ban bố, mà bởi không ai trong chính quyền có đủ can đảm phá chuỗi dây chuyền cung ứng toàn cầu hoặc ném công nhân Mỹ hoặc EU ra đường.
Chắc chắn, chỗ dễ bị tổn thương trong cấu trúc chính của nền kinh tế Nga là làm sao để vượt qua sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu khí đốt và các loại nguyên liệu đầu vào khác, hầu hết sang châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ Nga đang đánh cược rằng phương Tây sẽ không thể ngừng mua các loại hàng hóa này, vì chính người tiêu dùng châu Âu là những người cảm nhận tác động tiêu cực của nó đầu tiên và rõ nhất.
Nga cũng sẽ dễ bị tổn thương với các lệnh hạn chế nhập khẩu công nghệ tiên tiến và trang thiết bị. Nhưng các loại trừng phạt này cũng sẽ làm tổn thương các công ty quốc tế như Siemens hay ABB. Tương tự, lĩnh vực hàng không dân dụng của Nga phụ thuộc vào máy bay, linh kiện, dịch vụ của Mỹ, nhưng thật lạ là các trừng phạt trong lĩnh vực này không hề được thảo luận rộng rãi cũng như không được thực thi.
Giới lãnh đạo Nga không lo lắng nhiều lắm đối với sự thịnh vượng về lâu dài của đất nước. Mục tiêu của họ là ổn định tình hình. Nếu gói trừng phạt tiếp theo của phương Tây lại thất bại, Moskva thậm chí có thể tận hưởng một sự ủng hộ lớn của dân chúng để ngăn điều tồi tệ xảy ra với mình.
Theo DIỆU AN / VIETNAMNET
Tags: Nga, Quan hệ Nga - Mỹ, Kinh tế Nga