Về việc GDP đầu người của Lào cao hơn Việt Nam

Một số người tuyên bố rằng họ cảm thấy “xấu hổ”, “nhục nhã” khi biết GDP đầu người của Lào đã vượt qua Việt Nam trong những năm gần đây. Cần phải hiểu về điều này như thế nào?

Đầu tiên, các bạn chắc đều hiểu GDP là gì. GDP có 2 cách tính: nominal là GDP danh nghĩa, tức là giá trị sản xuất của một quốc gia trong một năm, qui ra đơn vị USD, tiếp đến là PPP, tức là giá trị nominal kia được quy đổi tùy theo mức sống của các quốc gia. Ví dụ: Một cái iPad nếu được sản xuất ở Mỹ có thể có giá lên đến hàng nghìn USD, trong khi nếu sản xuất ở Trung Quốc thì chỉ có vài trăm USD, do mức sống ở hai quốc gia là khác nhau. Việc quy đổi này dựa vào chi phí sinh hoạt và lạm phát của từng nước.

Nếu xét theo GDP/đầu người trên danh nghĩa, năm 2016:
-Lào: 2353 USD/người
-Việt Nam: 2.306 USD/người

Còn theo PPP:
-Lào: 5920 USD/người
-Việt Nam 6050 USD/người

Tức là nếu xét theo giá trị quy đổi theo mức sống thì Việt Nam và Lào khá giống nhau.

Có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên sao Lào… giàu gần bằng Việt nam như thế dù Lào chả có gì nổi bật cả. Đầu tiên, Lào là một nước nhỏ với dân số rất ít, chỉ khoảng 6.8 triệu người. Những quốc gia có dân số thấp thường có GDP/đầu người tương đối cao do chỉ cần một vài ngành kinh tế là đủ để nuôi cả nước rồi. Ví dụ: Brunei (năm 2017, dân số là 428.697 người) đào được mỏ dầu, dù không thể so với Trung Đông nhưng cũng đủ để đưa quốc gia này có GDP/đầu người danh nghĩa đạt 27.000 USD. Trong khi đó, các nước lớn và đông dân thì thường có lợi thế hơn về lao động, thị trường và tài nguyên nên GDP sẽ lớn hơn nhưng cũng dẫn đến chênh lệch trình độ phát triển và giàu nghèo giữa các vùng.

Ấn Độ có GDP đầu người thấp hơn Việt Nam (1.940 USD, năm 2017) nhưng chả ai dám nhận Việt Nam giàu hơn Ấn Độ cả.
.

Kinh tế Lào hiện tại khá giống Việt Nam chục năm trước với đa phần lao động tập trung ở nông nghiệp, dù ngành này vẫn còn sơ khai. Ngoài ra, họ dựa chủ yểu vào xuất khẩu điện, kim loại, du lịch. Lào cũng đang thực hiện các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với 3 nhà đầu tư lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Người khá giả đương nhiên tập trung ở thủ đô Vientiane giáp biên giới Thái Lan. Tính theo GDP đầu người, Vientiane cao hơn Hà Nội và xấp xỉ thành phố Hồ Chí Minh.

Thu nhập “cao” trên lý thuyết nhưng người dân Lào phải chịu chi phí sinh hoạt hơn nhiều người Việt. Nghe có vẻ vô lý nhưng bởi vì Lào vẫn yếu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và qui mô kinh tế nhỏ nên chi phí sản xuất hàng hóa cao. Một so sánh trên trang numbeo.com cho thấy đại đa phần các mặt hàng thiết yếu ở Vientiane đắt hơn so với Hà Nội.

Chúng ta có thể thấy Lào và Việt Nam có điều kiện tự nhiên, xã hội rất khác nhau. Họ không có nhiều tài nguyên như chúng ta, lại không có cảng biển nên kinh tế không thể bằng chúng ta được. Bù lại, dân số họ ít nên… dễ lo hơn. Tạo công ăn việc làm cho vài triệu người đương nhiên dễ hơn là cho 50 triệu người.

Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng nên mọi so sánh đều không mang tính quyết định hơn thua. Sở dĩ nhiều người thấy việc GDP/đầu người của Lào hơn Việt Nam là lạ bởi vì người Việt Nam mấy chục năm nay luôn mang tư tưởng trịnh thượng, đàn anh với hai nước Lào và Campuchia. Chúng ta đem họ ra so sánh và đùa cợt khi nói chuyện với suy nghĩ hai nước này muôn đời kém hơn Việt Nam. Vì thế, khi Google ra cái thông tin GDP kia, nhiều bạn mới thấy sốc khi “thằng em” lại dám hơn “thằng anh”. Nhưng như đã nói, việc này nó có nhiều yếu tố. Giống như bây giờ Singapore có tổng GDP thua Việt Nam thì không lẽ dân Singapore phải cảm thấy nhục nhã xấu hổ à?

Tóm lại mọi sự so sánh giữa các quốc gia đều phải tính đến sự khác biệt về địa lý, văn hóa, xã hội. Chúng ta tìm hiểu thêm về các nước khác để mở mang đầu óc là chính, chứ đừng tự thấy xấu hổ khi GDP đầu người thua Lào, hay thấy tự hào ngời ngời khi GDP tổng hơn Singapore.

Theo GIẢI ĐỘC THÔNG TIN

Tags: