Về Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam

Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những tội danh được quy định trong luật hình sự năm 1999, luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2003 và tội danh này cũng được quy định cụ thể trong bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999

Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm“.

Dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Bộ luật Hình sự năm 1999 là:

Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội qua đó đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, tức là các cá nhân thoả mãn 02 dấu hiệu về độ tuổi (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên), và năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm là hành vi nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể hiện dưới dạng các hành vi sau đây:

Tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bảng chính quyền nhân dân. Người phạm tội bằng lời nói hay việc làm truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và nhà nước, gieo rắc sự nghi ngờ bất mãn với chế độ hoặc có lời nói, việc làm xúc phạm chính quyền.
– Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý gây hoang mang cho nhân dân. Hành vi này tác động đến tư tưởng, tâm lý gây ra sự lo lắng, hoang mang trong quần chúng nhân dân. Các tin tức được người phạm tội đưa ra thường là các tin tức bịa đặt.
– Làm, tàng trữ, lưu hành các lọai sách báo, tranh, ảnh có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ( In ấn, phát hành, cất giữ, phân phát những văn hóa phẩm có nội dung kích động chống đối chính quyền, xuyên tạc chế độ XHCN). Người phạm tội trong trường hợp này có thể có cả ba hành vi thuộc chuỗi hành vi chung nhưng luật không đòi hỏi như vậy, người phạm tội chỉ cần có một trong các hành vi đó thì dấu hiệu hành vi đã được coi là thoả mãn.

Các hành vi trên có khi được thực hiện một cách công khai, có khi bí mật.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Với mục đích là chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm giảm uy tín của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015

Theo quy định tại điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm“.

Dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Bộ Luật hình sự 2015 là:

Khách thể: Xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội nhằm de dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chủ thể: Bất kỳ ai, bao gồm người Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, từ đủ 16 tuổi trở lên (Điều 12 BLHS 2015).

Mặt khách quan: Thể hiện ở các hành vi sau:

– Tuyên truyền thông tin có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
– Tuyên truyền thông tin có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
– Tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.

Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp và mục đích là chống nhà nước Cộn hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, làm giảm uy tín của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Khái niệm tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Điều 8, Bộ luật Hình sự Việt Nam.

.

S.T

Tags: ,