⠀
Về mô hình ‘Một quốc gia, hai chế độ’ của Trung Quốc
Với mục đích thực hiện thống nhất đất nước bao gồm Trung Quốc đại lục và các lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, phía CHND Trung Hoa đã đưa ra ý tưởng “Một quốc gia, hai chế độ”. Họ xem đây là “một quyết sách chiến lược thực hiện đại sự nghiệp thống nhất tổ quốc”[1], “một thành quả lý luận quan trọng của quá trình tìm kiếm con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”, “một đặc trưng và cũng là nội dung quan trọng của xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”[2].
Bài viết của TS. Lê Đức Hoàng.
Ý tưởng về “Một quốc gia, hai chế độ”
Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, ý tưởng “Một quốc gia, hai chế độ” xuất phát từ hai vấn đề quan trọng sau đây:
Thứ nhất, từ trong lịch sử, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan đều thuộc lãnh thổ của Trung Quốc nhưng sau khi thành lập được nước CHND Trung Hoa năm 1949, chủ quyền cai quản Ma Cao vẫn đang thuộc về Bồ Đào Nha, Hồng Kông thuộc về Anh quốc còn Đài Loan lại do lực lượng Quốc dân Đảng kiểm soát có sự bảo trợ của đế quốc Mỹ.
Về vấn đề Ma Cao: Tài liệu Trung Quốc khẳng định, Ma Cao thuộc về lãnh thổ nước này từ thời nhà Tần nhưng đến giữa thế kỷ XVI phải chịu sự quản lý của Bồ Đào Nha, mãi đến ngày 20/12/1999 mới trao lại quyền quản lý cho Trung Quốc. Cụ thể là từ năm 1557, nhà Minh đã đồng ý cho Bồ Đào Nha thuê Ma Cao để làm cảng giao thương, do Bồ Đào Nha quản lý nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Tiếp đến, người Bồ Đào Nha thành lập một khu dân cư lâu dài ở đây và tiếp tục trả tiền thuê hàng năm cho đến năm 1863 để được quyền ở tại Ma Cao. Ngày 01/12/1887, triều đình nhà Thanh và Chính phủ Bồ Đào Nha ký Điều ước hòa hảo thông thương Trung – Bồ có hiệu lực 40 năm (tức đến 1928 thì hết hiệu lực). Theo đó, Trung Quốc nhượng cho Bồ Đào Nha “quyền chiếm giữ và cai quản Ma Cao”, còn Bồ Đào Nha có nghĩa vụ “không được chuyển nhượng Ma Cao khi chưa có đồng ý của Trung Quốc”.
Năm 1928, chính quyền Quốc dân Đảng thông báo cho Bồ Đào Nha rằng, họ hủy bỏ Điều ước hòa hảo thông thương năm 1887 để ký kết điều ước mới thay thế. Ngoại trừ một vài quy định liên quan đến nguyên tắc thuế quan và các vấn đề thương mại, điều ước mới không làm thay đổi chủ quyền của Ma Cao và quyền cai quản của Bồ Đào Nha ở đây. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Ma Cao có thời gian trở thành vùng bảo hộ ảo của người Nhật cho đến tháng 8/1945, sau đó trở lại tay Bồ Ban Nha.
Về vấn đề Hồng Kông (Hương Cảng): Từ sau Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840-1842), lãnh thổ của Trung Quốc bị nhiều đế quốc phân xẻ. Nhà Thanh liên tục phải ký các điều ước bất bình đẳng với đế quốc. Tại Điều ước Nam Kinh ký với thực dân Anh năm 1842, Trung Quốc phải cắt lãnh thổ Hồng Kông nhượng cho Anh. Trải qua 155 năm, trong đó có thời gian từ tháng 12/1941 đến tháng 8/1945, Hồng Kông bị phát xít Nhật chiếm lĩnh, đến ngày 01/7/1997, chủ quyền cai quản Hồng Kông mới thuộc về Trung Quốc.
Về vấn đề Đài Loan: Năm 1684, nhà Thanh thành lập phủ Đài Loan thuộc tỉnh Phúc Kiến, đến năm 1885 thành lập tỉnh Đài Loan, năm 1895 thì tỉnh này bị Nhật chiếm đoạt. Năm 1945, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nhật xâm lược thì Đài Loan thuộc về bản đồ Trung Quốc. Năm 1949, sau khi thất bại trong cuộc nội chiến (1945-1949), lực lượng Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch kéo ra Đài Loan có vị có sự bảo trợ của Mỹ. Từ đây làm nảy sinh vấn đề Đài Loan, hình thành sự phân cách và phân trị giữa Trung Quốc đại lục với lãnh thổ Đài Loan; thể hiện hai quan điểm nhìn nhận và giải thích không giống nhau. Trong đó, phía CHND Trung Hoa luôn coi lãnh thổ Đài Loan là một tỉnh của mình, còn phía Quốc dân Đảng lại khẳng định Đài Loan là một quốc gia có thể chế chính trị riêng, có chủ quyền và độc lập với CHND Trung Hoa, bình đẳng trên thế giới như Trung Quốc đại lục.
Thứ hai, CHND Trung Hoa quan niệm, chưa lấy lại được chủ quyền đối với Ma Cao, Hồng Kông và Đài Loan thì coi như chưa thống nhất tổ quốc, chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, họ luôn tìm các giải pháp khác nhau, chuyển từ chủ trương dùng giải pháp vũ lực sang giải pháp hòa bình, đàm phán với các bên liên quan để thu hồi chủ quyền ở các lãnh thổ đó về với Trung Quốc đại lục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phía Trung Quốc luôn cho rằng, Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông từ cổ tới nay được coi là lãnh thổ “thần thánh” của Trung Quốc. Nhưng xét về tính chất hiện trạng thì vấn đề Đài Loan và Ma Cao, Hồng Kông không hoàn toàn giống nhau, nên chiến lược và cách làm của Trung Quốc đại lục đối với các lãnh thổ này có khác biệt. Đài Loan và Trung Quốc đại lục là vấn đề thống nhất, còn Ma Cao và Hồng Kông là vấn đề khôi phục chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng tất cả đều thuộc “nhiệm vụ lớn của sự nghiệp thống nhất tổ quốc, là tâm nguyện của cả dân tộc Trung Hoa”[3]. Đồng thời, phía Trung Quốc cho biết là từ thập niên 50 của thế kỷ XX đã thai nghén tư tưởng giải quyết vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao bằng giải pháp hòa bình nhưng vì điều kiện lúc bấy giờ mà chưa thể đưa ra thành ý tưởng có tính khoa học về Một quốc gia, hai chế độ. Trên thực tế, từ cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ XX trở đi, ý tưởng này mới được thực thi.
Tết Nguyên đán năm Kỷ Mùi (1979), phía CHND Trung Hoa có “Thư cáo đồng bào Đài Loan”, trong đó tỏ rõ quan điểm muốn căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết vấn đề Đài Loan, thống nhất tổ quốc bằng phương pháp hòa bình. Trong thư có viết: “Khi giải quyết vấn đề thống nhất tổ quốc, luôn tôn trọng hiện trạng Đài Loan và ý kiến của các giới nhân sĩ ở đây, dùng biện pháp hợp tình hợp lý, không làm việc ảnh hưởng xấu đối với nhân dân Đài Loan”; “hy vọng nhân dân cũng như lãnh đạo của Đài Loan, cần thương lượng giữa chính phủ CHND Trung Hoa với đương cục Đài Loan, kết thúc hiện tượng song đối về quân sự”.
Tiếp đó, trong chuyến thăm Mỹ đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng: “Chúng ta không nên tiếp tục dùng giải pháp giải phóng Đài Loan, mà chỉ cần Đài Loan hồi quy về tổ quốc. Chúng tôi sẽ tôn trọng hiện thực và chế độ hành chính ở đó”[4]. Thông điệp đó lại được ông Đặng phát đi trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đài Loan giữa năm 1979 với một thái độ có tính chất hòa hảo: “Chúng tôi trước sau đã nghĩ về địa vị đặc thù của Đài Loan, không thay đổi chế độ xã hội ở đó, không ảnh hưởng cuộc sống nhân dân ở đó…, đương nhiên không thể có hai nước Trung Quốc, cũng không thể có một nửa Trung Quốc”[5].
Ngày 30/9/1980, trong cuộc trả lời phóng viên của Tân hoa xã, Diệp Kiếm Anh đã nêu lên 9 điểm khẳng định lập trường cơ bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề Đài Loan bằng phương pháp hòa bình, thống nhất. Tuy chưa đưa ra khái niệm Một quốc gia, hai chế độ nhưng ông đã đề cập tới các nội dung của vấn đề này. Tháng 1/1981, trong cuộc nói chuyện với báo giới quốc tế, Đặng Tiểu Bình đem nội dung đó của Diệp Kiếm Anh khái quát thành một khái niệm mới: “Chính điểm mà đồng chí Diệp Kiếm Anh nêu lên, thực chất là một quốc gia, hai loại chế độ. Hai loại chế độ là có thể thực hiện được. Chúng tôi không muốn hoại bỏ chế độ của đại lục cũng không muốn xóa bỏ chế độ của lãnh thổ khác. Không chỉ là vấn đề Đài Loan, còn có vấn đề Hồng Kông, Ma Cao. Đại thể chỉ cần mấy điều đó”[6].
Ngày 22/2/1984, trong cuộc hội kiến với đoàn đại biểu Trung tâm nhiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown nước Mỹ, Đặng Tiểu Bình khẳng định: “Sau khi thống nhất, Đài Loan vẫn giữ chế độ chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc đại lục thì là chế độ chủ nghĩa xã hội, nhưng phải là một nước Trung Quốc thống nhất – một quốc gia hai chế dộ. Vấn đề Hồng Kông cũng như vậy, một quốc gia hai loại chế độ”. Tháng 6 năm đó, trong lần nói chuyện với giới công thương Hồng Kông, ông lại khẳng định chính sách thực hiện Một quốc gia, hai chế độ để giải quyết vấn đề Đài Loan và Hồng Kông. Cũng trong năm 1984, tại Hội nghị lần thứ 2, khóa VI Đại hội nhân dân toàn Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình thông qua chính sách Một quốc gia, hai chế độ. Từ đây, ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ trở thành quốc sách với 4 điểm cơ bản là: Một quốc gia; hai chế độ tồn tại; tự trị cao độ; hòa bình đàm phán[7].
Hàm ý và nội dung “Một quốc gia, hai chế độ”
Phía Trung Quốc cho rằng, hàm ý của ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ gồm hai phương diện. Một là, trong quốc gia Trung Quốc thống nhất vẫn bảo đảm chế độ CNTB lâu dài vốn có ở một số khu vực đặc thù là Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Hai là, xác định chủ thể Trung Quốc vẫn là chế độ CNXH[8]. Nói cụ thể hơn, Một quốc gia, hai chế độ là thực hiện một đất nước Trung Quốc thống nhất gồm Trung Quốc đại lục và Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Trong đó, Trung Quốc đại lục theo chế độ CNXH còn Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao vẫn bảo lưu chế độ CNTB trong một khoảng thời gian nhất định. Như Đặng Tiểu Bình khẳng định: “Một quốc gia, hai chế độ là trong nội bộ nước CHND Trung Hoa có trên 1,3 tỷ dân thực hiện chế độ CNXH; còn Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao có số dân ít hơn nhiều so với dân số đại lục thì thực hiện chế độ TBCN”[9].
Nội dung cơ bản của Một quốc gia, hai chế độ bao gồm mấy phương diện chủy yếu:
Một là, vấn đề cốt lõi là “một quốc gia”. Đây là sự thống nhất chủ quyền quốc gia, là kiên trì lấy thống nhất tổ quốc – một nước CHND Trung Hoa đại diện trên thế giới. Nhất quyết không tán thành phương án Đài Loan hoàn toàn tự trị, nghĩa là có thể tự trị nhưng là tự trị có giới hạn, vì nếu để Đài Loan hoàn toàn tự trị nghĩa là có “hai đất nước Trung Quốc”. Kiên trì lập trường chỉ có một Trung Quốc, tức là kiên trì lập trường nước CHND Trung Hoa. Quyết không để cho lực lượng ngoại quốc can thiệp vào nội bộ Trung Quốc để tạo nên “hai Trung Quốc” hoặc “một Trung một Đài”. Tiến hành khôi phục chủ quyền ở Hồng Kông, Mao Cao. Quyết không để cho chủ quyền của Trung Quốc bị phân xẻ[10]. Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao trở thành đặc khu hành chính của CHND Trung Hoa. Nơi đây không thể sử dụng quyền lực về ngoại giao, quốc phòng, quyết sách chiến tranh… như một quốc gia hoàn chỉnh. Nó chỉ dừng lại ở quyền tự trị ngoài chủ quyền quốc gia Trung Quốc. Các lãnh thổ đó chỉ có thể lấy danh nghĩa là một địa vực của quốc gia thống nhất Trung Quốc để tiến hành giao lưu kinh tế, văn hóa với các quốc gia và khu vực khác.
Hai là, thực hành một bước hai chế độ và hòa bình thống nhất tổ quốc, thì chủ thể quốc gia vẫn là CNXH, lấy chế độ CNXH làm cơ sở thực hiện. Không có CNXH thì cũng không có Một quốc gia, hai chế độ.
Tháng 12/1984, trong cuộc tiếp xúc đại diện lãnh đạo nước Anh để bàn về vấn đề Hồng Kông, Đặng Tiểu Bình chuyển thông điệp đến nhân sĩ Hồng Kông và thế giới rằng, Một quốc gia, hai chế độ là ngoài CNTB còn có CNXH làm chủ thể của CHND Trung Hoa, kiên định, bất di bất dịch thực hiện CNXH. Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao có số dân rất ít so với Trung Quốc đại lục, nên trên cơ sở lấy số đông làm chủ thể xây dựng CNXH, còn lại số ít thuộc về địa vực thì có thể thực hành CNTB. Đối với chủ thể CNXH mà nói thì cần duy trì CNTB ở Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao. Điều này càng có thể làm cho việc mở cửa đối ngoại của Trung Quốc được tiến hành tốt hơn, thuận lợi hơn. Do đó, thực hiện chủ trương Một quốc gia, hai chế độ đều là có lợi. Việc tồn tại nội dung CNTB trong một phạm vi nhỏ của toàn Trung Quốc thống nhất càng có lợi cho sự phát triển CNXH ở đây[11].
Ba là, Một quốc gia, hai chế độ có thể bảo đảm sự bất biến về chế độ xã hội ở Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao trong thời gian dài. Trên phạm vi nước CHND Trung Hoa, sẽ thiết lập khu hành chính đặc biệt tại Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao. Tại các đặc khu này, không thay đổi chế độ xã hội, kinh tế và phương thức sinh hoạt; thực hiện chế độ xã không giống với Trung Quốc đại lục; thực hiện tính độc lập tương đối và quyền tự trị cao độ dưới tiền đề thống nhất tổ quốc.
Căn cứ quy định trong Thông cáo chung về vấn đề Hồng Kông giữa Trung Quốc và Anh quốc, về Ma Cao giữa Trung Quốc và Bồ Đào Nha cùng một số quy định của các đặc khu hành chính này thì sau khi Hồng Kông, Ma Cao hồi quy về tổ quốc sẽ làm đặc khu hành chính không hề phân cách với nước CHND Trung Hoa, được hưởng quyền tự trị cao độ. Nhưng quyền tự trị này không thể so sánh với quyền tự trị của các khu tự trị ở Trung Quốc đại lục. Ở Hồng Kông thì theo kiểu “người Hồng Kông quản lý người Hồng Kông”, đối với Đài Loan thì quyền hạn tự trị càng rộng. “Cái gọi là càng rộng ở đây được hiểu là ngoài những quyền tự trị như ở Hồng Kông và Ma Cao, thì vẫn cho Đài Loan quyền bảo lưu quân đội”[12] . Sau khi quyền cai quản Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao thuộc về Trung Quốc đại lục thì ở đó không tất yếu phải là chế độ XHCN mà là chế độ tư bản. “Sau khi thực hiện phương châm Một quốc gia, hai chế độ, thì chính sách đối với Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao trong 50 năm là bất biến, thậm chí hơn 50 vẫn là bất biến. Đó là yêu cầu hiện thực và phát triển của đất nước Trung Quốc[13].
Quá trình thực thi ý tưởng “Một quốc gia, hai chế độ”
Ý tưởng này được vận dụng đầu tiên vào giải quyết vấn đề Hồng Kông. Từ khi thành lập nước, CHND Trung Hoa luôn coi Hồng Kông là lãnh thổ của Trung Quốc, không thừa nhận sự thống trị bất bình đẳng của đế quốc ở đây, nên chủ trương thông qua đàm phán để giải quyết được vấn đề này. Bởi vậy, CHND Trung Hoa luôn chủ động thông qua con đường ngoại giao, đàm phán với phía Anh quốc. Quá trình đàm phán bắt đầu từ năm 1982, đến tháng 12/1984 thì hai bến ký Tuyên bố chung Trung – Anh. Trong đó, quy đinh đến ngày 01/7/1997, nước Anh phải trao trả chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc. Còn phía Trung Quốc phải cam kết, sau khi thu hồi chủ quyền sẽ thực hiện nguyên tắc Một quốc gia, hai chế độ, duy trì hiện trạng chế độ chính trị, thể chế kinh tế, pháp luật và đời sống vốn có; cho Hồng Kông có quyền tự trị cao độ với phương châm “người Hồng Kông cai quản Hồng Kông”. Tháng 4/1990, Quốc hội khóa 7 của nước CHND Trung Hoa thông qua Luật cơ bản của Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông – nước CHND Trung Hoa, quy định sẽ được thực thi từ ngày 1/7/1997. Đúng ngày 1/7/1997, khi Anh thực hiện trả lại chủ quyền nơi đây cho Trung Quốc thì cũng là ngày mà phía Trung Quốc thành lập Chính phủ khu hành chính đặc biệt Hồng Kông của nước CHND Trung Hoa.
Tiếp đó, Trung Quốc thu hồi được chủ quyền ở Ma Cao vào này 20/12/1999. Từ ngày 2/8/1979 thì Trung Quốc và Bồ Đào Nha đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau quá trình đàm phán, đến ngày 13/4/1987, hai bên ra được Thông cáo chung về vấn đề Ma Cao. Trong đó, quy định từ ngày 20/12/1999, Trung Quốc khôi phục chủ quyền đối với Ma Cao, đồng thời thành lập khu hành chính đặc biệt, thi hành chính sách Một quốc gia, hai chế độ đối với khu vực này . Đến ngày 31/3/1993, Trung Quốc thông qua Luật cơ bản khu hành chính đặc biệt Ma Cao nước CHND Trung Hoa, theo đó trao quyền tự trị cao độ cho Ma Cao. Ma Cao có quyền quản lý hành chính, quyền lập pháp và tư pháp; duy trì chế độ và lối sống vốn có trong 50 năm kể từ ngày 20/12/1999.
Thực hiện ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ đối với vấn đề Đài Loan diễn ra phức tạp, khó khăn, lâu dài hơn. Từ thập niên 50 thế kỷ XX, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đại lục đã tìm cách giải quyết vấn đề Đài Loan với chủ trương dùng vũ lực. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, họ lại chọn phương pháp hòa bình. Từ năm 1979, Trung Quốc có nhiều động thái đối với Đài Loan nhằm mục đích thống nhất bằng con đường đàm phán hòa bình. Trong các năm 1981, 1982, 1983, 1984, 1985, lãnh đạo CHND Trung Hoa liên tục phát đi thông điệp thống nhất Trung Quốc đối với Đài Loan theo ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ.
Thập niên 90 trở đi, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan nhằm vào mục đích thống nhất Trung Quốc tuy có những phát triển nhất định nhưng cũng không ít phong ba. Trung Quốc đi từ hoạt động tiếp xúc về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… dẫn đến hoạt động tiếp xúc có tính chất chính trị. Ngày 30/1/1995, trong bài phát biểu dưới nhan đề “Vì hoàn thành đại nghiệp thống nhất tổ quốc mà không ngừng phấn đấu”, Giang Trạch Dân nhấn mạnh phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa với Đài Loan; tỏ rõ tinh thần ủng hộ đồng bào Đài Loan, hoan nghênh lãnh đạo Đài Loan đến thăm Trung Quốc đại lục, mong muốn Đài loan mời lãnh đạo Trung Quốc địa lúc đến thăm Đài Loan….[14]. Từ đó về sau, Trung Quốc đại lục luôn chủ động tạo cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với các bên liên quan nhằm sớm thống nhất được Đài Loan mặc dù phía Đài Loan vẫn tỏ thái độ khá cứng rắn về một Đài Loan độc lập. Cho đến nay vẫn tồn tại hai lập trường đối lập nhau. Phía Đài Loan luôn khẳng định sự tồn tại độc lập của nước Đài Loan có quốc thể riêng, đi theo chế độ TBCN. Trong khi đó trên các diễn đàn, từ lời nói đến sách báo, phía Trung Quốc đại lục luôn khẳng định Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng, việc thực thi ý tưởng “Một quốc gia, hai chế độ” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bởi vì trong lịch sử phát triển chủ nghĩa Marx thì Một quốc gia, hai chế độ là khái niệm mới, thể hiện sự kết hợp giữa những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Marx với thực tế Trung Quốc; đồng thời, thể hiện sự sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thống nhất tổ quốc.
Về mặt lý luận, ý tưởng về Một quốc gia, hai chế độ là sự phát triển một bước học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Marx-Lenin. Trước đây, chỉ nói về nhà nước với một chế độ chính trị đơn lập, thì bây giờ các nhà Marxst của Trung Quốc đưa ra lý luận về kết cấu của nhà nước bao gồm hai chế độ chính trị, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo về lý luận xây dựng nhà nước ở Trung Quốc.
Về thực tiễn, tuy việc thực hiện ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió, nhưng Trung Quốc đã lấy lại được chủ quyền đối với Hồng Kông và Ma Cao, đồng thời duy trì được sự phát triển kinh tế phồn vinh, xã hội ổn định ở đây và đang thực hiện ý tưởng này đối với Đài Loan với kỳ vọng sẽ đạt mục đích cuối cùng. Thực ra, ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ được bắt nguồn từ yêu cầu tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề Đài Loan, nhưng đầu tiên thực hiện được ý tưởng đó lại là từ vấn đề Hồng Kông và Ma Cao.
Về mặt quốc tế, ý tưởng Một quốc gia, hai chế độ xuất phát từ việc giải quyết vấn đề thống nhất Trung Quốc, không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao, mà còn là ý tưởng dùng phương pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn về suy nghĩ.
——————————-
Chú thích:
[1] Phục Tự Cường: Tổng quan Trung Quốc, Nxb ĐH hàng không, Bắc Kinh, 2010, tr.100, Trung văn.
[2] Trương Chính An: Quá trình tìm kiếm con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, Luấn án Tiến sĩ, Trường Đảng Trung ương, 2000, tr.94, Trung văn.
[3] Phục Tự Cường: Tổng quan Trung Quốc, Nxb ĐH hàng không, Bắc Kinh, 2010, tr.100, Trung văn.
[4] Vương Quý Lâm, Quách Đại Quân: Lịch sử Trung Quốc hiện đại, quyển hạ, Nxb GD, Bắc Kinh, 2011, tr.356, Trung văn.
[5] Trương Chính An: Quá trình tìm kiếm con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, Luấn án Tiến sĩ, Trường Đảng Trung ương, 2000, tr.95, Trung văn.
[6] Phục Tự Cường: Tổng quan Trung Quốc, Nxb ĐH hàng không, Bắc Kinh, 2010, tr.95, Trung văn.
[7] Vương Quý Lâm, Quách Đại Quân: Lịch sử Trung Quốc hiện đại, quyển hạ, Nxb GD, Bắc Kinh, 2011, tr.356 -357, Trung văn.
[8] Phục Tự Cường: Tổng quan Trung Quốc, Nxb ĐH hàng không, Bắc Kinh, 2010, tr.100, Trung văn.
[9] Đặng Tiểu Binh văn tuyển, tập 3, Nxb Nhân dân, 1989, tr.58, Trung văn.
[10] Đặng Tiểu Binh văn tuyển, tập 3, Nxb Nhân dân, 1989, tr.12- 30, Trung văn.
[11] Đặng Tiểu Binh văn tuyển, tập 3, Nxb Nhân dân, 1989, tr.103, 217, Trung văn.
[12] Đặng Tiểu Binh văn tuyển, tập 3, Nxb Nhân dân, 1989, tr.86, Trung văn.
[13] Đặng Tiểu Binh văn tuyển, tập 3, Nxb Nhân dân, 1989, tr.217, Trung văn.
[14] Vương Quý Lâm, Quách Đại Quân: Lịch sử Trung Quốc hiện đại, quyển hạ, Nxb GD, Bắc Kinh, 2011, tr.481-482, Trung văn.
[15] Trương Chính An: Quá trình tìm kiếm con đường xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, Luận án Tiến sĩ, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, 2000, tr.98, Trung văn.
Theo KHXHNVNGHEAN.GOV.VN
Tags: Hồng Kông, Trung Quốc