⠀
Về khả năng phục hồi những hệ sinh thái đã bị con người phá hủy
Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Làm thế nào để phục hồi hệ sinh thái được giới nghiên cứu khoa học đặc biệt quan tâm.
Tăng 329 loài trong Sách đỏ
Thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn. Nó đã và sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội – môi trường. Đó là biến đổi khí hậu, suy giảm các hệ sinh thái mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Bộ ba này sẽ đe dọa sự phát triển kinh tế và sức khỏe của nhân loại trong đó có nhân dân Việt Nam.
Hệ sinh thái có giá trị đặc biệt không riêng đối với Việt Nam mà trên toàn cầu. Hệ sinh thái và đa dạng sinh học là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn cuộc sống. Nếu nó bị suy giảm hoặc mất đi chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường…
Tại Việt Nam, tình trạng xâm chiếm khiến hệ sinh thái rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển… ngày càng thu hẹp. Các hệ sinh thái đang bị phá hủy đa dạng sinh học dẫn đến nghèo kiệt. Nó dẫn đến ô nhiễm môi trường cả thành thị lẫn nông thôn, đặc biệt các vùng biển, ven biển ngày càng trầm trọng.
Đặc biệt, chưa ngăn chặn được sự tuyệt chủng của các loài thực vật, động vật nằm trong danh mục loài cần ưu tiên bảo vệ. Cụ thể, các loài thực vật, động vật đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2020, tăng lên 329 loài so với năm 2007. Trong đó, 136 loài thực vật và 193 loài động vật.
Nếu tiếp tục xu thế tiêu cực hiện nay sẽ làm suy giảm tới 80% tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Hãy biết rung cảm đau xót khi chỉ hơn 40 năm qua của cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, quần thể các loài động vật có xương sống, hoang dã đã bị suy giảm một cách đáng kinh ngạc.
Như loài tê giác trắng ở Cộng hòa Nam Phi, từ năm 2013, mỗi năm đã mất 1.000 cá thể do nạn săn bắn trộm lấy sừng. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, những năm 90 của thế kỷ 20, loài tê giác trắng phương Bắc hầu như đã tuyệt chủng trong thiên nhiên.
Ở Việt Nam cũng có trên 6 loài động vật có vú (Mammalia) bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Gần đây nhất đầu thế kỷ 21 (năm 2010) cá thể tê giác một sừng (Rhinoceros Sondaicus) đã bị tuyệt chủng tại hệ sinh thái rừng ẩm Cát Lộc (VQG Cát Tiên – tỉnh Đồng Nai).
Giá trị to lớn của hệ sinh thái và đa dạng sinh học đối với cuộc sống không gì có thể thay thế. Nhưng chính con người đã góp phần làm tổn thương đến hệ sinh thái. Vì vậy, con người phải có trách nhiệm phục hồi lại hệ sinh thái.
Giải pháp phục hồi
Theo các nhà khoa học, để phục hồi hệ sinh thái đúng cách cần dựa trên cơ sở khoa học. Nếu làm tốt, nó có thể giúp bảo tồn được gần 70% số loài sinh vật trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Nó cũng giúp hấp thụ 50% lượng CO2 mà con người đã thải vào khí quyển kể từ cuộc cách mạng công nghệp.
Bên cạnh việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái thì việc bảo vệ rừng hiện có và bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt đối với các loài thực vật, động vật, nấm vi sinh vật quý hiếm cũng là một giải pháp quan trọng. Nó giúp phục hồi nguồn gen trong tự nhiên – phục vụ phát triển kinh tế – xã hội hiện tại và tương lai.
Giải pháp để phục hồi hệ sinh thái hiệu quả là “dựa vào thiên nhiên trong phát triển kinh tế – xã hội trên nguyên tắc thuận thiên với thiên nhiên. Sống hài hòa với thiên nhiên trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Mở rộng việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang xanh – hành lang đa dạng sinh học.
Tăng cường đầu tư các nguồn lực về tài chính, chính sách, khoa học – công nghệ. Thu hút sự tham gia của cộng đồng bản địa trên phương châm xuyên suốt vì hạnh phúc – bình an của con người. Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ thuật chuyên sâu về kỹ năng phục hồi các hệ sinh thái”.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện diện tích rừng nghèo chiếm 54,45%. Rừng nghèo kiệt phục hồi chiếm 13,01%. Rừng giàu chiếm 8,7%. Vì vậy, mọi giải pháp có lợi cho mục tiêu phục hồi các hệ sinh thái nghèo kiệt là cần thiết và có ý nghĩa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Phục hồi hệ sinh thái rừng nghèo kiệt bằng cách tránh hạn chế việc chuyển đổi hệ sinh thái này sang mục đích sử dụng khác (trồng cà phê, cao su…). Giữ diện tích đó để thực hiện các dự án trồng cây xanh. Hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên để phục hồi lại hệ sinh thái rừng có chất lượng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan.
Đối với hệ sinh thái hồ, suối, sông thì phải tổ chức quản lý thu gom rác thải trên bờ, trên mặt nước. Trồng các giống loài cây bản địa thích hợp xung quanh bờ các sông, suối. Tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã.
Xây dựng quy trình khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thủy sản theo phương châm bền vững. Ngăn chặn kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.
Đối với hệ sinh thái ven biển, biển, đảo thì cùng với việc trồng cây xanh có giá trị kinh tế, giúp chắn cát, gió, sóng thì thu gom rác thải cần tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, mỗi người có ý thức trồng cây xanh theo đề án 1 tỷ cây xanh để phục hồi hệ sinh thái thực vật, bảo vệ môi trường sống.
Phục hồi hệ sinh thái giúp ngăn chặn sự nghèo kiệt, làm yếu hoặc mất chức năng chính. Nó biến những hệ sinh thái này trở thành nơi có sự sống tương đương với thời gian trước suy thoái. Từ đó, nó kết nối với các hệ sinh thái lân cận, tạo thành hành lang xanh góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, chống đỡ biến đổi khí hậu. Việc phục hồi hệ sinh thái cũng biến nơi đây thành tiềm năng cải thiện sinh kế cho cư dân bản địa, nhất là đối với người nghèo.
Theo GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI
Tags: Bảo vệ rừng, Sinh thái học, Quản lý môi trường