Về cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải ở Đà Nẵng

Các nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại mặt trận Đà Nẵng (1858-1860) đến nay vẫn có nhiều tranh luận về vai trò của triều đình Huế (vua Tự Đức), gắn với “biểu tượng” của tinh thần chiến đấu “dưới chân thành Điện Hải”. Với mong muốn làm rõ hơn một số vấn đề nêu trên qua vài tài liệu là thư từ, báo cáo, hồi ký của những người trực tiếp tham gia chiến sự của phía đối phương và từ tài liệu chính thống của triều Nguyễn, chúng tôi mong muốn qua bài viết này góp phần làm rõ hơn một số nhìn nhận về sự kiện lịch sử bước ngoặt này.

Lấy thành Điện Hải xây dựng tuyến phòng thủ

Sáng 1/9/1858, R. de Genouilly gửi tối hậu thư cho quan Trấn thủ Đà Nẵng, buộc phải giao tất cả các đồn này trong vòng 2 giờ(1). Sau khi không nhận được hồi âm, R. de Genouilly lệnh khai hỏa đại bác trên các tàu chiến bắn xối xả vào đồn An Hải (đồn Đông) – thành lớn nhất bên báo đảo Sơn Trà. Theo như lời của Đại úy Henri de Ponchalon thì, “khi vào đồn “Đài nước ngọt” (tức bảo Trấn Dương 3, cũng gọi là đồn Ba), chúng tôi còn thấy bức thư của Đô đốc để trên bàn vẫn chưa khui”(2).

Tiếp đó, ngày 2/9/1858, “đến 6 giờ sáng, thì tập hợp tại điểm tập kết của đoàn quân thứ nhất. Đến 8 giờ, tàu Dragonne, La Fusée, La Mitraille bắn về phía đồn Tây (thành Điện Hải)(3), địch (quân triều Nguyễn) im lặng. Nửa giờ sau, một phát đại bác của tàu Dragonne đã làm nổ tung kho thuốc súng của đồn này. Đến 9 giờ thì im tiếng súng. Trung đội công binh do Đại úy Lable chỉ huy đã chiếm đồn Đông (đồn An Hải) từ lúc rạng đông, nay được Đại đội 16 thuộc Trung đoàn 4 thay thế dưới sự chỉ huy của Đại úy Guillot. Đến 10 giờ, trung đội công binh được chi viện một phân đội lính thủy vượt sông trên những ca nô chiếm đồn Tây (thành Điện Hải) mà không cần nổ súng vì họ đã bỏ đồn trong đêm sau vụ nổ tại đồn Đông”(4). Và như vậy, có một số nhà nghiên cứu chỉ căn cứ vào sự kiện này đã đưa ra nhận định quân triều Nguyễn “bỏ chạy”, không kháng cự và chiến đấu trực diện tại thành Điện Hải thì không thể nói “chiến đấu dưới chân thành Điện Hải”. Để đưa ra vấn đề, chúng tôi lần lượt đề cập các sự kiện có liên quan sau:

Nếu không kể trận chiến đầu tiên vào ngày 1 và 2/9/1858, thì từ tháng 9/1858 đến tháng 2/1859, tại Đà Nẵng đã diễn ra 11 trận chiến đấu lớn nhỏ: Trận Mỹ Thị – Cẩm Lệ (1/10 đến 5/11/1858); trận sông Nại Hiên lần thứ nhất (11/1858); trận sông Nại Hiên lần thứ hai (11/1858); trận Nam Thọ (12/1858); trận Hóa Khê – Nại Hiên lần thứ nhất (12/1858); trận Hóa Khê – Nại Hiên lần thứ hai (12/1858); Trận Hóa Khê – Thạc Giản (nay là địa danh Thạc Gián -12/1858); trận Thạc Giản – Nại Hiên (1/1859); trận An Hải (1/1859); trận Điện Hải (1/1859); trận Phúc Ninh (2/1859)(5). Khi thống kê kết quả các trận đánh trong giai đoạn này cho thấy, trong số 11 trận đánh, mặc dù đa số các trận đánh do liên quân Pháp – Tây Ban Nha chủ động tiến công, nhưng hầu như tất cả các trận đánh đó, quân triều Nguyễn đã dùng lối đánh phục kích, mai phục và buộc liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải rút lui. Trên thực tế, kể từ sau ngày 2/9/1858, quân triều Nguyễn đã lùi về để xây dựng tuyến phòng thủ, phù hợp với điều kiện của mình khi so sánh vũ khí của hai bên và về cách đánh của đối phương, nhất là dùng pháo đại bác đánh theo lối “cường tập”. Nếu đánh trực diện tại thành Điện Hải vào sáng 2/9/1858, thì chắc chắn quân triều Nguyễn sẽ bị thiệt hại và tổn thất, như vậy cũng không có ý nghĩa về mặt chiến lược và chiến thuật; đồng thời, cũng do dự lường được việc đó nên quan triều Nguyễn đã chủ động lui quân “ngay trong đêm sau vụ nổ tại đồn Đông”(6), để khẩn trương bố trí thế trận mới, chứ không phải vì hèn nhát mà “bỏ chạy”.

Hơn nữa, thành Điện Hải trong thời gian này, Liên quân cũng không thể đóng chiếm hoàn toàn, khi ban đêm quân triều Nguyễn tiến đánh để giành lại thế trận. Cụ thể như đêm ngày 4/9/1858, theo báo cáo của những thám tử của Giám mục Pellerin “là khi đêm bị một đoàn quân khoảng 10.000 người tấn công”(7). Tất nhiên, con số này không chính xác nhưng nó xác tín cho việc quân triều Nguyễn đã bố trí xung quanh thành Điện Hải rất đông và sẵn sàng làm chủ lại thành, nhất là khi về đêm, dễ tác chiến khi quân An Nam thông thuộc địa hình.

Trong 11 trận đánh này, có trận đánh Điện Hải (1/1859)(8), là trận tiêu biểu cho cách đánh mới tính đến thời điểm lúc bấy giờ, khi Nguyễn Tri Phương “cho đắp lũy kéo dài từ bờ biển đến các xã Phúc Ninh, Thạc Giản, bên ngoài lũy đào hố, cắm chông, che cỏ, cát lên trên, chia quân đặt phục binh, sát đến thành Điện Hải. Quân của Tây dương chia 3 toán đến đánh, phục binh trỗi lên đánh, quân Tây dương sa xuống hố, quan binh giữ lũy bắn ra, quân của Tây dương phải lui. Vua thưởng chung cho 100 quan tiền”(9). Trận đánh vẫn lấy thành Điện Hải là điểm mốc (đánh dấu) để xây dựng tuyến phòng thủ, chứ không hề có việc bỏ rơi thành Điện Hải ra khỏi tuyến phòng thủ của mình. Về trận này, Henri de Ponchalon cho biết lúc này, “toàn bộ khu vực tả ngạn sông Hàn đã thuộc về đối phương (quân triều Nguyễn), họ xây dựng một pháo đài sau đồn Tây (Điện Hải). Mục đích của họ là bảo vệ con đường ra Huế. Pháo đài Labbe và đồn Đông không ngăn cản được họ vì hướng chính là phía Sơn Trà. Chúng ta từ đồn Đông và từ các tàu xuồng ở sông nã đạn vào họ (quân triều Nguyễn), song không ngăn cản họ tiến hành công việc vì họ làm nhiều nhất vào ban đêm” (10). Rõ ràng, việc lui quân ở thành Điện Hải trước đó không hề làm mất đi ý nghĩa của cuộc kháng chiến của quân triều Nguyễn tại mặt trận Đà Nẵng.

Giành thế chủ động trên chiến trường

Riêng trận Phúc Ninh (hay đánh vào đồn Hải Châu, còn gọi là trận Tết Kỷ Mùi) diễn ra vào ngày 6 và 7/2/1859, đánh dấu thế trận chủ động của quân An Nam khi R. de Genouilly rời Đà Nẵng dẫn quân vào Nam, đánh Gia Định. Về trận này, Henri de Ponchalon cho biết: “Trong lúc ta tiến hành cuộc chiến tại Sài Gòn, đối phương (quân triều Nguyễn) hy vọng có thể đuổi ta ra khỏi Đà Nẵng nên tăng cường mọi hoạt động, tiến đến 2 bờ sông. Ngày 6/2, sau khi ăn Tết xong, người An Nam mở cuộc tấn công lần đầu tiên… Đến 3 giờ chiều, 400 quân đổ bộ lên tả ngạn sông rồi tấn công các đồn trên bờ sông và các đồn sau kho gạo. Quân An Nam chống cự quyết liệt, pháo của họ ngừng bắn. Trong lúc xung phong, các bờ thành sáng rực, hóa pháo nổ bắn ra những viên đạn cháy rực, các lính (Liên quân) tấn công bị hắc dầu sôi, các loại axit, những nồi lửa…

Song đối phương (quân triều Nguyễn) không ngăn cản họ được, 3 pháo đài bị chiếm và các khẩu đại bác bị khóa lại. Vì không còn thời gian nữa, nên thiếu tá Bréranger chuyển sang ngày mai mới tấn công tiếp vào các đồn còn lại. Lực lượng rút về mang theo các khẩu súng giữ thành. Vũ khí, ném lửa gồm có một khúc tre có hỏa pháo được gắn lên đầu súng hoặc trên cây giáo. Còn hỏa pháo là một hỗn hợp mà người An Nam giữ bí mật, họ gắn lên đầu một đoạn tre. Hỏa pháo bắn ra một lúc 3 hoặc 4 loại đạn cháy. Còn loại ống thụt cỡ lớn dùng để bắn dầu sôi hoặc các loại axit”(11). Khi thống kê các phương thức, kỹ thuật đánh địch, thì trận này lại có nhiều điểm mới trong cách đánh (tức các loại vũ khí mới) sẵn có tại địa phương, dưới sự chỉ huy chung của Nguyễn Tri Phương, nhất là trận đầu tiên thể hiện tính chủ động khi quân An Nam tấn công trước.

Nếu như trận Phúc Ninh diễn ra lúc Genouilly rời Đà Nẵng dẫn quân vào Nam, thì đúng một tháng sau, ngày 6/3/1859, quân triều Nguyễn lại chủ động tấn công Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại đồn Đông (An Hải), thể hiện tâm thế mới của triều đình Huế và lợi dụng bối cảnh lịch sử khó khăn của Liên quân lúc bấy giờ. Về trận này, Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục, chỉ đề cập đến việc “quân Tây dương (ước 600) đến đánh Thạch Than (Thạch Thang – tức bên cánh Tây Đà Nẵng, khu vực thành Điện Hải hiện nay), Phó Vệ úy là Phan Gia Vĩnh đem quân nghĩa dọng chống cự lại. Quân của Tây dương quay lại bắn mặt trận sau.

Lại vây sát thượng đồn Hải Châu và vây cả hạ đồn. Nguyễn Tri Phương được tin báo, phái Nguyễn Song Thanh đem 300 quân thiện chiến  đến tiếp ứng, do Đào Trí làm Đốc chiến. Tôn Thất Hàn (Đề đốc), Nguyễn Hiên (Đốc binh) đóng ở Thạc Giản để phòng giữ. Quân của Tây dương tiến lui 3 lần. Hiệp quản là bọn Nguyễn Doãn (ở đồn thượng), Nguyễn Viết Thành (ở đồn hạ) cố sức đánh giặc phải thua”(12). Tuy nhiên, có một sự kiện quan trọng, nhưng Đại Nam thực lục không đề cập, đó là sau khi đánh lui Liên quân trận này, quân triều Nguyễn lại chủ động phối hợp tiến đánh đồn Đông (An Hải) đang bị Liên quân chiếm giữ bên Sơn Trà. Cụ thể, “vào lúc 9 giờ 30 phút tối, đồn Đông bị tấn công.

Trên các điểm cao xung quanh, địch đã bố trí nhiều loại đại bác cỡ nhỏ, họ dùng đòn tre để di chuyển các loại súng này, lính bộ binh ẩn nấp trong các bụi rậm. Đồn của họ trừ mặt tiền ngó ra sông còn các bên đều bố trí hỏa lực. Pháo thủ của chúng ta bắn liên tục, song người An Nam đã lừa chúng ta bằng cách bố trí người nộm bằng rơm, có chiếu sáng. Đến 10 giờ tối, địch (quân triều Nguyễn) thôi bắn”(13). Tiếp đó, “chiều hôm sau, có một cuộc tấn công mới song địch ở xa, nên ta chỉ bắn trả mới vài phát đại bác, tất cả đều im lặng.

Người ta có thể tóm tắt về cuộc tấn công vừa qua đã thu kết quả trái ngược là tạo cho địch tiến hành nhanh chóng việc xây một đồn phía tả (Tây) ngạn sông, mà vị trí đồn này sẽ gây một trở ngại lớn cho các tiểu đồn của chúng ta – hai đêm qua nhiều điểm sáng đã xuất hiện ở đây”(14). Về trận này, trong thư của Michel – sĩ quan tàu chiến Némésis, gửi Ngài Tổng ủy viên cho biết: “Từ 2 đến 3 tháng nay, tiền đồn trên sông của chúng tôi (Liên quân Pháp – Tây Ban Nha) đã hoàn toàn bị kẻ thù vây hãm; đồng bằng thì đầy rẫy các chiến hào; các thành và ụ pháo được dựng lên, phục vụ cho một đội quân khoảng 10.000 người (quân An Nam)”(15). Như vậy, riêng từ tháng 2 đến tháng 4/1859, quân triều Nguyễn đã giành thế chủ động trên chiến trường, gây cho Liên quân Pháp – Tây Ban Nha rất nhiều khó khăn.

Rõ ràng, thông qua các sự kiện trên có thể thấy, việc quân triều Nguyễn rút lui khỏi thành Điện Hải vào tối ngày 1, rạng sáng 2/9/1858 trước khi Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công là một sự rút lui chủ động, có tính chiến thuật, không phải xuất phát từ một sự “hèn nhát”, “bỏ chạy” như cách “dùng từ” của một số sĩ quan tham chiến Pháp, cũng như nhận định của một số nhà nghiên cứu khi không phân tích tổng thể của các chuỗi sự kiện để đưa ra nhận định có tính khách quan hơn. Có thể thấy, trong suốt cuộc chiến đấu từ đầu tháng 9/1858 đến tháng 3/1859, thì thành Điện Hải không bị Liên quân chiếm hoàn toàn, quân triều Nguyễn vẫn chủ động đánh giành lại và thậm chí làm bàn đạp để tấn công đồn An Hải, với chiến thuật mới (nghi binh) và các loại vũ khí mới. Hơn nữa, thành Điện Hải vẫn luôn là điểm (chốt) để quân An Nam xây dựng thêm các đồn và tuyến phòng thủ mới nhằm đánh Liên quân Pháp – Tây Ban Nha, để giành thế mạnh và tiếp tục chiến đấu có tính chiến thuật bằng đàm phán(16).

Vì các lẽ đó, việc xem cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Mặt trận Đà Nẵng (1858-1860), với cách gọi có tính biểu tượng “cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải” là không có gì là quá đáng, xét cả về thực tế và lòng tự tôn dân tộc.

Trong hồi ký của Colonel Henri de Ponchalon ngày 21/9/1858, Đô đốc R. de Genouilly nhận được bức thư của quân triều Nguyễn và giao việc dịch bức thư này cho Colonel Henri de Ponchalon vì ông này có biết chữ Hán. Nội dung chính như sau: “Các ngươi là những tên trộm, ban đêm lén lút vào nhà người ta để thực hiện những mưu mô xảo trá, các ngươi đột kích một cách thình lình, đốt nhà rồi đốt tất cả mọi thứ gây nên cuộc đổ máu. Hiện nay, các ngươi mới chỉ chạm trán với quân địa phương, những ngày sắp đến khi lực lượng chính quy kéo đến các người sẽ trả giá cho hành động hèn nhát của mình”.

Theo: Colonel Henri de Ponchalon: Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris,1896, tr. 112.

.

————————–

Chú thích:

(1) Đến nay, vẫn chưa có thông tin đầy đủ nội dung bức tối hậu thư. Trong hồi ký của nhân chứng là sĩ quan người Pháp cũng nói chung chung là “giao tất cả các đồn này”, cụ thể là các đồn nào, chỉ là các đồn Phòng Hải, các đồn thuộc “trấn dương thất bảo”… hay toàn bộ các đồn phía Đông (thuộc Sơn Trà)? Theo chúng tôi, nghiêng về ý kiến, giao các đồn này là chỉ các tiền đồn Phòng Hải và các đồn thuộc “trấn dương thất bảo” trước đó mà thôi.
(2) Colonel Henri de Ponchalon: Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris,1896, p. 99. Bản dịch của Huỳnh Phương Bá.
(3) Khi mới xây dựng năm 1813 gọi là đài Điện Hải, đến năm 1834 đổi tên là thành Điện Hải, sau cuộc chiến ở Đà Nẵng (1858-1860) gọi là đồn Điện Hải. Theo Nguyễn Quang Trung Tiến: “Thành Điện Hải – từ câu chuyện lịch sử đến những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích”, Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, số 10, 2017, tr. 9.
(4) Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860: tlđd, p. 102.
(5) Thống kê theo: Võ Kim Cương (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, tập 6 (1858-1896), Nxb. Khoa học xã hội, 2017, tr. 99-100.
(6) Tức đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2-9-1858.
(7) Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860: tlđd, p. 106.
(8) Theo cách gọi trong: Lịch sử Việt Nam, tập 6 (1858-1896), sđd, tr. 100.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 591.
(10) Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860: tlđd, p. 132.
(11) Colonel Henri de Ponchalon: Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris,1896, p. 155-156. Bản dịch của Huỳnh Phương Bá.
(12) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 602.
(13) Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860: tlđd, p. 159.
(14) Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860: tlđd, p. 159.
(15) Bức thư của Michel – sĩ quan tàu chiến Némésis, Đà Nẵng ngày 10-5-1859 gửi Ngài Tổng ủy viên. Hồ sơ AB-XIX-3970. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp.
(16) Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện nay, thành Điện Hải là thành lớn nhất, tiêu biểu nhất là di tích duy nhất còn lại của cuộc kháng chiến chống Liên quân Pháp – Tây Ban Nha.

Theo VÕ HÀ / BÁO ĐÀ NẴNG

Tags: , , ,