⠀
Văn học về đề tài lịch sử: Ranh giới nào giữa sáng tác và xuyên tạc?
Sáng tác về đề tài lịch sử không phải là vấn đề mới mẻ của văn học Việt Nam. Nhìn lại chặng đường phát triển văn học có thể nhận thấy các nỗ lực của nhiều tác giả đem lại sức sống cho các tác phẩm viết về đề tài này. Nhưng gần đây, đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng đề tài này để xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử…
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sự đa dạng và phong phú của sự kiện – con người trong nhiều giai đoạn của lịch sử đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhà văn. Một số lối viết có tính thể nghiệm, một số thủ pháp mới đã được các tác giả vận dụng trong sáng tác, thái độ trân trọng lịch sử cũng thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm qua nguồn tư liệu nhà văn dày công sưu tầm, tham khảo. Một số sáng tác được độc giả yêu mến, trân trọng, nhận được sự tán thưởng – ở mức độ khác nhau, của nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, nỗ lực thử nghiệm, cố gắng đổi mới không đồng nghĩa với hứa hẹn thành công, vì một số tiểu thuyết lịch sử có độ dày lớn, được viết công phu, nhưng như bị sa vào một lối viết mô phỏng, phục dựng, viết thêm từ tài liệu lịch sử có sẵn mà không tạo nét riêng, thiếu dấu ấn với tính cách là sáng tạo của tác giả. Nhân vật lịch sử trong các tác phẩm này chưa được tô đậm để trở thành điểm sáng, mà chỉ là cái bóng mờ nhạt.
Ngược lại một số nhà văn, vì quá mải mê sáng tạo nhân vật lịch sử mà bỏ qua tính hợp lý trong quan hệ giữa nhân vật và bối cảnh lịch sử, văn hóa. Như có tác giả “khoe” trong tiểu thuyết của mình có chuyện Lý Thường Kiệt… đồng tính và mối tình đồng giới với Vua Nhân Tông (!); rồi quan hệ tình ái phức tạp giữa Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ với Lê Thái Tông (!), cháu trai của Nguyễn Trãi có võ công thâm hậu (!)… “Phát hiện” đó liệu có gì khác “chuyện lá cải” mà một vài nhà báo vẫn soi mói, dựng lên quanh người nổi tiếng? Bởi người viết quên rằng một số chi tiết họ đưa vào tác phẩm vốn chỉ là giả thuyết do người nghiên cứu lịch sử hiện đại đặt ra, không có ý nghĩa là chỉ dấu cho sáng tác văn học. Sử dụng các giả thuyết đó một cách sống sượng chỉ làm cho câu chuyện, tình tiết trở nên phản cảm, không thuyết phục người đọc. Trong một số trường hợp, có lẽ vì mải mê mô tả, “vẽ thêm” chi tiết hiện đại cho nhân vật lịch sử nhằm “hoàn chỉnh” bức chân dung của danh nhân thời trước, mà vô tình nhà văn lại làm hỏng cả bức chân dung. Ðể rồi quảng cáo quá đà của giới xuất bản, truyền thông đã đưa người đọc đi từ háo hức đến… thất vọng!
Một xu hướng khác là tiểu thuyết, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử theo lối bình dân hóa. Nói thế nào thì tiểu thuyết võ hiệp, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử vẫn chỉ là sản phẩm giải trí của một bộ phận người đọc, nhưng được một vài nhà phê bình ca ngợi là khuynh hướng “ngoại biên” trong văn học Việt Nam. Mà khó có thể tin các nhà phê bình ấy lại không biết tại sao tiểu thuyết võ hiệp, truyện ngôn tình về đề tài lịch sử ít được đánh giá cao, bởi tính giải trí của tác phẩm loại này thường lấn át các phương diện quan trọng khác của văn học như tính thẩm mỹ, tính giáo dục. Tất nhiên, không nên xem nhẹ tính giải trí của tác phẩm văn học trong xã hội hiện đại, và không nên phê phán nếu cuốn sách không chứa đựng yếu tố chệch hướng với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, không thể hiện một chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi, nhưng không thể tùy tiện ca ngợi, gán cho tác phẩm những giá trị mà bản thân không có, khiến người đọc có thể nhầm lẫn về năng lực cảm thụ thẩm mỹ. Nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng đặc trưng tưởng tượng, hư cấu trong văn chương để xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật. Có người trong số họ tự nhận mình “nhân danh những người khác, nhân danh tự do và quyền con người”, nhưng thực chất những gì họ viết không khác gì dày xéo lên quá khứ, dày xéo lên công lao của những người đã hy sinh rồi than vãn đó là “oan hồn” họ “mắc nợ”!
Gần đây, một cây bút từng được biết tới với tư cách tác giả của một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh kể trên blog cá nhân việc tiểu thuyết của mình vì sao bị cấm xuất bản tại Việt Nam, vì… “những vấn đề của cuộc sống và thời đại hiện tại đang được phản ánh mãnh liệt, da diết trong đó”! Tuy nhiên, đọc cuốn sách này lại thấy tràn ngập luận điệu xuyên tạc quá khứ, phóng đại lịch sử theo xu hướng tiêu cực. Liệu có thể coi là một con dân nước Việt khi tác giả này viết về truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ như sau: “Khi xuống biển, năm mươi người mọc vẩy. Người dẫn đầu thì mọc sừng. Khi lên núi, năm mươi người mọc lông. Người dẫn đầu biến thành một con vượn. Con vượn hú khóc mỗi chiều tà. Và hai tay vuốt lấy vuốt để dọc bầu vú, dồn những giọt sữa trong vắt cho đàn con bú. Những người trên núi thì chệnh choạng đi về phía biển, còn những người dưới biển thì chệnh choạng đi về phía núi. Chẳng mấy khi gặp nhau vì hễ gặp thì họ lại đánh nhau. Cung nỏ và gậy gộc, ném đá, ném lao. Khi đánh nhau thì họ cười, sứt đầu mẻ trán thì khóc. Những xác chết rải rác. Người đi lượm xác khi thì là người có sừng, khi là con vượn. Ðôi khi, họ không nhận ra đâu là con của họ”?
Không chỉ viết về lịch sử một cách xuyên tạc, tác giả còn khiến sản phẩm của mình trở thành văn bản chứa đầy sự hằn học với thứ ngôn từ “bẩn”, tục tĩu, trần trụi. Cũng cần nói rằng, trước đó, một nhà văn tham gia chương trình đầu tư sáng tác văn học về đề tài sử thi lại viết một tác phẩm mà không có nhà xuất bản nào nhận in, cuối cùng, cuốn sách ra đời ở nước ngoài! Bằng thủ pháp “cào bằng lịch sử”, nhà văn này đã công khai đặt ngang hàng giá trị cao cả của những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ thời Lý Thường Kiệt đến nay với sự trả thù phi nghĩa của nhà Nguyễn, với hành động thảo khấu của các toán cướp. Chứng cứ là tác giả để nhân vật thổ phỉ ngang nhiên nói rằng: “Chúng mày vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng. Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Thế là giống nhau”! Và lập tức một số kẻ lưu vong đã lợi dụng cuốn tiểu thuyết để tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, suy diễn thành ý thức hệ lịch sử rằng… bản chất thuần túy, chân thật nhất của dân tộc là phỉ(?).
Bước vào thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, trước yêu cầu của sự phát triển, từ đòi hỏi của tiến trình văn học, các nhà văn được tạo điều kiện để khai thác mọi góc khuất của cuộc sống, từ quá khứ đến hiện tại, để tôn vinh các giá trị cao đẹp trong phẩm chất của con người Việt Nam, cũng như phê phán các yếu tố tiêu cực. Ðối với các tác phẩm về đề tài lịch sử, văn học Việt Nam đã có những thành công cần ghi nhận như các tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải),… Một số tác phẩm cho thấy người Việt Nam không bao giờ ngủ quên sau chiến thắng của các cuộc chiến tranh, mà nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức khó khăn còn tồn tại, nhắc nhở phải biết vượt qua mọi nỗi đau số phận, khắc phục hạn chế, để phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, với đề tài lịch sử, nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật không có nghĩa là chìm đắm trong nỗi đau, không có nghĩa trượt ngã để đánh mất bản thân, tự cho mình quyền đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. Cần lên án hơn là khi nhà văn bóp méo sự thật lịch sử, phóng đại sự thật lịch sử theo hướng tiêu cực, xây dựng nhân vật như là nạn nhân của lịch sử, lấy tác phẩm làm lý do “bảo vệ nạn nhân lịch sử” để chỉ trích nhà nước. Không phân biệt các giá trị cơ bản có tính nhân văn để phân biệt đúng – sai, không đủ độ lượng đánh giá quá khứ, người viết không thể tri ân với người mà họ thấy “còn mắc nợ”. Và nếu “trả nợ” từ nhận thức lệch lạc, lợi dụng việc này để xuyên tạc sự thật thì sản phẩm họ làm ra chỉ phù hợp với mấy kẻ vong thân, vong bản không chịu chấp nhận thất bại, vẫn nuôi mối hận thù, vẫn cố tình thực hiện hành vi chống phá đất nước. Ðối với những người này, sự thật hay nghệ thuật đều vô nghĩa, mà văn chương chỉ để họ chuyển tải “thông điệp chính trị” hòng kích động, gây hấn, thù địch với dân tộc, đất nước. Họ nhằm nhà văn nào ở trong nước còn chưa vững bản lĩnh chính trị để tán dương, bảo trợ, làm cho nhà văn đó tự huyễn hoặc rồi làm ra loại sản phẩm có nội dung, nghệ thuật thấp kém, mà họ thừa biết giá trị đích thực của loại tác phẩm này đến mức độ nào. Cho nên, có điều gì đó không bình thường khi có nhà văn lại tỏ ra hãnh diện vì “có tác phẩm xuất bản ở nước ngoài” mà không biết nơi xuất bản sách của họ chỉ là cơ sở vô danh ở chính nước sở tại, mỗi năm in vài ba đầu sách mà vẫn ế ẩm. Với thứ mạo danh văn chương, giả danh lịch sử, dù có tự định vị là văn chương “ngoại biên” thì cũng chỉ là thủ đoạn né tránh tiếng đời chứ không phải là “xu thế tất yếu” của văn chương Việt Nam như họ khoe khoang, tâng bốc lẫn nhau trên RFA, RFI, hay vài ba website, diễn đàn của những kẻ đỡ đầu.
Sáng tác văn học về đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng hấp dẫn song cũng là thách thức lớn đối với nhà văn. Ðặc biệt, khi sáng tác về đề tài lịch sử, nhà văn không chỉ phải có trách nhiệm với độc giả đương đại và tương lai, mà cần có trách nhiệm với quá khứ. Ðề tài lịch sử trong văn học không đòi hỏi người viết đi tìm sự chân xác như trong khoa học lịch sử, tuy nhiên lại đòi hỏi người viết phải là người yêu lịch sử, tôn trọng lịch sử, tự hào với những trang sử vẻ vang của dân tộc, biết chia sẻ với những trang sử bi thương khi đất nước bị kẻ thù xâm lược, chia rẽ, con người rơi vào hoàn cảnh bi thương, không được làm chủ số phận… Chỉ có như vậy diễn ngôn lịch sử trong sáng tác mới có thể tồn tại lâu bền trong người đọc.
Theo VIỆT QUANG / NHÂN DÂN ONLINE (2014)
Tags: Văn học