Vấn đề miệt thị cộng đồng nhìn từ chuyện của ‘Bệnh nhân thứ 17’

Bêu xấu, bịa chuyện, tấn công bệnh nhân COVID-19 trên Mạng xã hội là hành động của một bộ phận người dùng Internet. Song nhìn vào đó, hình ảnh của cả cộng đồng có thể bị đánh giá tiêu cực.

Sau làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận hồi tháng 3, N.H.N. – bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 17 của Việt Nam – một lần nữa trở thành mục tiêu tấn công trên mạng xã hội vì xuất hiện trong bài viết nói về “public-shaming” (tạm dịch: nạn miệt thị cộng đồng) của tạp chí The New Yorker (Mỹ).

“Đồ nói dối trắng trợn”, “Chết nghìn lần cũng đáng”, “Không bằng súc vật”, “Nên bị thả từ tòa nhà cao tầng xuống đất”.

Đó chỉ là một số ít bình luận thể hiện sự phẫn nộ, quá khích dành cho bệnh nhân thứ 17, được để lại trên trang Facebook của tạp chí Mỹ.

Cơn cuồng nộ của đám đông là có cơ sở, vì họ cho rằng N.H.N. và chị gái Nga Nguyễn cố tình cung cấp một số thông tin sai, che giấu sự thật.

Thế nhưng, điều cần tách bạch và làm rõ ở đây là: bệnh nhân thứ 17 thật sự đã bị miệt thị cộng đồng.

Theo định nghĩa phổ biến, “public-shaming” được hiểu là hành động công khai chỉ trích, nhằm vào cá nhân nào đó, đặc biệt trên Internet.

Bài báo trên tạp chí Mỹ cho biết N.H.N. là nạn nhân của “public-shaming” khi cô bị phát tán thông tin về gia cảnh cùng hình ảnh đời sống cá nhân trên mạng.

Cùng với đó, N. cũng bị chửi bới là “kẻ siêu lây nhiễm” xuất phát từ một số tin đồn do dân mạng bịa ra như dù cô không khỏe vẫn tham dự lễ khai trương cửa hàng Uniqlo, đi chơi trên phố Tạ Hiện và tới thăm bạn trai ở một khu chung cư cao cấp.

Đó thực sự là những điều đã xảy đến với N.H.N. Phản ứng của cộng đồng mạng chỉ phần nào dịu xuống khi các lãnh đạo của thành phố Hà Nội lên tiếng bác bỏ những tin đồn trên về cô.

Không ai nói việc N. khai báo gian dối khi nhập cảnh để tránh kiểm dịch là đúng. Thế nhưng, dân mạng cũng đã sai khi phát tán thông tin riêng tư, hình ảnh của cô gái này, rồi thêu dệt nhiều sự việc không đúng về cô.

Chính sự hung hãn, hùa vào tấn công bệnh nhân thứ 17 theo cách bất chấp từ một bộ phận cư dân mạng, hình ảnh của người dùng Internet Việt Nam nói chung dễ bị đánh đồng là xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt sau bài báo của The New Yorker.

Trong bối cảnh các kênh digital (kỹ thuật số) như Facebook, Twitter… ngày càng phát triển mạnh, chúng có thể giúp quảng bá hình ảnh đất nước thì cũng có thể khiến bộ mặt của quốc gia tệ đi rất nhiều. Thực tế, theo khảo sát được Microsoft công bố đầu năm nay, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).

Không ai đáng bị miệt thị cộng đồng

Chuyện bệnh nhân COVID-19 bị tấn công, chửi bới trên mạng không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Đầu năm nay, khi Singapore phong tỏa đất nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch, một phụ nữ bị quay lại clip từ chối đeo khẩu trang trong lúc gọi món tại một quán ăn. Đoạn video lan truyền với tốc độ chóng mặt, người dùng mạng cũng sớm chỉ ra người này là Tuhina Singh – Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ.

Một số thậm chí đăng lên mạng địa chỉ e-mail và số điện thoại của Singh. Cô bị đám đông hùa vào tấn công trên mạng cho đến khi chính quyền Singapore tuyên bố thủ phạm thực sự tên là Paramjeet Kaur.

Rất nhanh chóng, người dùng mạng xã hội chuyển sang “xâu xé”, chửi bới Kaur, gọi cô là “Covidiot” (thuật ngữ chỉ người phớt lờ những cảnh báo liên quan đến sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng trong đại dịch).

Sita Tyasutami (30 tuổi), người đầu tiên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Indonesia, cũng từng là nạn nhân của “public-shaming”.

Sau khi bị lộ thông tin cá nhân, Sita Tyasutami (phải) cùng mẹ và chị gái – những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Indonesia – phải đối mặt với vô số tin nhắn, bình luận miệt thị, ghét bỏ. Ảnh: CNA.

Sau khi chính quyền công bố hai bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 trên truyền thông, bằng cách nào đó, thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, hồ sơ sức khỏe của Tyasutami và mẹ cô (bệnh nhân số 2) bị phát tán rộng rãi trên mạng.

Dân mạng kéo vào tấn công các tài khoản mạng xã hội của Tyasutami. Họ gửi đến những tin nhắn chỉ trích, đổ lỗi cho gia đình Tyasutami đã mang dịch bệnh về nước, thậm chí dọa tìm giết cô.

Quá áp lực, Tyasutami phải chuyển trang cá nhân về chế độ riêng tư. Cô thường xuyên nôn mửa vì quá căng thẳng. Ngay cả khi đã khỏi bệnh, Tyasutami vẫn liên tục nhận được những tin nhắn ghét bỏ, đe dọa.

Nạn miệt thị cộng đồng cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.

Ngày 18/3, báo chí Ba Lan đưa tin Wojciech Rokita, một giáo sư bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đã tự sát sau khi nhận quá nhiều bình luận xúc phạm trên mạng.

Trước đó, dân mạng liên tục chia sẻ tin đồn cho rằng Rokita không tuân thủ quy định cách ly và tới thăm phòng trưng bày xe hơi sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19.

Luật sư đại diện cho gia đình Rokita tuyên bố hôm 19/3 rằng vị giáo sư đã không phá vỡ quy định cách ly và tìm đến cái chết do “làn sóng thù hận” mà ông phải đối mặt trên mạng.

Theo The Guardian, không có gì đáng ngạc nhiên khi “public-shaming” có thể gây ra những hậu quả bi thảm. Trong đại dịch COVID-19, một bộ phận cư dân mạng có thể lập luận rằng họ tấn công, gây nguy hiểm cho một cá nhân để cứu nhiều người khác. Thế nhưng, hành động này chưa bao giờ là đúng, cũng không ai đáng trở thành nạn nhân của miệt thị cộng đồng.

Không giúp ích gì

Pamela Hieronymi, giáo sư triết học tại ĐH California ở Los Angeles (UCLA), Mỹ, khẳng định hành động “public-shaming” bệnh nhân COVID-19 hay bất cứ ai không hề giúp ích gì trong đại dịch.

Theo chuyên gia này, Internet với tính chất ẩn danh, thiếu sự kiểm duyệt cùng khả năng lan tỏa nhanh chóng đã gây ra những tổn thương nhất thời, dễ dàng tạo ra làn sóng phẫn nộ hàng loạt và ngay lập tức.

Jennifer Jacquet, giáo sư tại ĐH New York (Mỹ), nói với MSNBC rằng đại dịch COVID-19 đang mở ra “rất nhiều cơ hội với nạn miệt thị cộng đồng”. Bà cảnh báo mọi người nên lên án “một hành vi lây lan dịch” ví như tụ tập thành nhóm lớn trong không gian hẹp, thay vì quấy rối “một cá nhân” trên mạng.

Đồng tình với các quan điểm trên, June Tangney, giáo sư tâm lý học tại ĐH George Mason (Mỹ) – cho rằng nạn miệt thị cộng đồng có thể khiến đại dịch càng trở nên tồi tệ. “Bằng cách làm nhục người khác trước cộng đồng, chúng ta đang thực sự khuyến khích điều ngược lại”, bà nhận định.

Lydia Woodyatt, giáo sư khoa học xã hội tại ĐH Flinders (Australia), cho rằng: “Bằng cách gia tăng sự thù địch trong bối cảnh đầy biến động, chúng ta chỉ đang thúc đẩy hành động gây hấn như một phương tiện đối phó.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên đồng ý rằng đó không phải là ý kiến ​​hay. Con người có thể truyền đạt các chuẩn mực xã hội theo những cách bình tĩnh và không quá khích. Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau”.

Từng chia sẻ với Zing về làn sóng “lùng diệt” bệnh nhân thứ 17 của dân mạng, bà Phan Tường Yên – chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý – nhận định cơn cuồng nộ của đám đông là có cơ sở vì N.H.N. đã vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an nguy của một cộng đồng lớn.

Tuy nhiên, nó không đáng để bất kỳ ai trong chúng ta trừng phạt một cái sai bằng nhiều cái sai khác.

Theo bà, cơn cuồng nộ mất kiểm soát nhắm vào ca nhiễm thứ 17 của Việt Nam có thể gây ra những sợ hãi không đáng có đối với những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 khác, khiến họ tránh né khai báo tình hình sức khoẻ cá nhân.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng không thể xem thường hệ quả của việc cộng đồng phải tiếp nhận thụ động hàng trăm bài đăng với những từ ngữ không thể cay nghiệt và mang tính miệt thị hơn trong thời gian liên tục.

“Đừng tổn hao quá nhiều năng lượng sống cho những đay nghiến tiêu cực bào mòn niềm tin và niềm vui của chúng ta mỗi ngày. Không việc gì phải chối bỏ sự bất bình mình đang có. Ai cũng có quyền lên tiếng, lên án, phê phán. Thế nhưng đừng đánh đồng nó với quyền tuyên án hay trừng phạt – dù là qua mạng – ai đó bằng việc trút xả sự hằn học đen tối nhất lên họ”, bà Phan Tường Yên nói.

Theo THIÊN NHI / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,