Vai trò của máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại

Máy bay không người lái hiện được xem là phương tiện hữu hiệu trong trinh sát và tấn công mục tiêu mà không gây tổn hại nhiều đến sức người cũng như kinh tế, hiện đang được nhiều quốc gia tiên tiến sử dụng. Tuy nhiên, liệu loại máy bay này có thực sự thay thế được các loại máy bay thông thường khác?

Bài viết của chuyên gia quân sự Henrik Paulsson. Bài viết đăng trên báo “Bưu điện Jakarta”.

Ngày 18/4/2017, tác giả Gilang Kembara đã cho xuất bản bài báo phê bình việc Indonesia mua máy bay Sukhoi Su-35 của Nga bởi vì chi phí cho vận hành loại máy bay này là rất tốn kém, thay vào đó tác giả này lập luận nên sử dụng ngân sách để mua máy bay không người lái. Đánh giá của ông Gilang Kembara về máy bay có người lái là hoàn toàn chính xác: Ngay cả những loại máy bay với chi phí thấp nhất trên mỗi giờ bay như JAS39 Gripen thì giá của nó cũng gấp gần ba lần so với loại máy bay không người lái MQ-9 Reaper. Do đó, cần tập trung đầu tư nhiều vào loại máy bay không người lái để làm giảm chi phí, giảm các nguy cơ liên quan đến phi công trong quá trình huấn luyện và chiến đấu.

Tuy nhiên, có một số điểm tác giả không đồng ý với Kembara, đặc biệt là lập luận nên tập trung mua máy bay không người lái thay vì mua các chiến đấu cơ thế hệ mới. Các lập luận của ông về máy bay không người lái cũng như hoạt động của lực lượng không quân Indonesia là chưa thực sự hiểu về việc áp dụng công nghệ hiện đại để xây dựng lực lượng không quân trong thế kỷ XXI.

Để xây dựng một lực lượng không quân đủ mạnh trong thời kỳ hiện nay thì chỉ riêng máy bay không người lái là chưa đủ đáp ứng được các yêu cầu vì những lý do sau:

Thứ nhất, máy bay chiến đấu có người lái và máy bay không người lái thực hiện các nhiệm vụ rất khác nhau. Thứ hai, sẽ là một sai lầm trong sự phát triển tương lai của các lực lượng không quân, cụ thể là quan tâm quá mức đến các loại phương tiện mới mà không tập trung vào hiện đại hóa các loại máy bay đã có kinh nghiệm vận hành.

Có bốn yếu tố mà lực lượng không quân ngày nay cần phải đảm bảo để làm tăng hiệu quả chiến đấu của mình đó là: Thực hiện nhiệm vụ không đối không, không đối đất; tiêu diệt máy bay địch; đánh bom các mục tiêu; kiểm soát không phận và cuối cùng là trinh sát, giám sát cả trên bộ và trên biển. Ngày nay, máy bay không người lái chỉ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trinh sát, giám sát và tấn công mặt đất, nó không thể thay thế máy bay chiến đấu có người lái trong việc áp dụng công nghệ chiến đấu trên không cũng như kiểm soát không phận, một số cuộc tấn công mặt đất bằng máy bay không người lái mới chỉ được thực hiện để tiêu diệt phiến quân ở Pakistan.

Máy bay không người lái gần đây cũng được sử dụng để hỗ trợ cho lực lượng tấn công trên bộ ở chiến trường Afghanistan, tuy nhiên, các máy bay loại này thường tỏ ra chậm chạp trong việc tiêu diệt các mục tiêu cần chú ý trong thời gian ngắn, điều này là trái ngược với những chiếc F-16. Một số nhiệm vụ khác mà ông Kembara hy vọng máy bay không người lái sẽ có thể đảm đương đối với Indonesia đó là việc giám sát biển. Ở Mỹ, chiếc P-3C Orion được thay thế bằng một đội máy bay có người lái P-8 Poseidon và những chiếc máy bay không người lái Triton MQ-4C. Mặc dù loại máy bay Triton MQ-4C không thể thay thế được máy bay P-8 Poseidon song nó được sử dụng để giám sát, hỗ trợ cho các máy bay có người lái lớn hơn và đắt tiền hơn nhằm tăng hiệu quả hoạt động của máy bay có người lái.

Tuy vậy, việc sử dụng máy bay không người lái theo cách này đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng lớn, phức tạp được hỗ trợ bởi hệ thống MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper, trong khi việc đầu tư mua sắm các hệ thống này cũng không hề rẻ. Phần thực sự tốn kém đó là việc trang bị hệ thống điều khiển để có thể “nói chuyện” được với các máy bay không người lái khi chúng hoạt động. Để vận hành được các máy bay loại này khi chúng hoạt động trên các đại dương rộng khắp cũng như các khu vực khác nhau, phương pháp hiệu quả nhất để vận hành là qua vệ tinh. Đối với Mỹ – quốc gia hiện đang kiểm soát lĩnh vực này không dễ gì chia sẻ với các nước không phải là đồng minh của họ. Việc đầu tư, tạo ra một mạng lưới kiểm soát khác rẻ hơn nhưng sẽ làm hạn chế tính hiệu quả trong hoạt động của máy bay không người lái.

Mặc dù cần phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và mua sắm máy bay không người lái, tuy nhiên hiện tại các máy bay có người lái vẫn đang là lựa chọn số một và các loại máy bay không người lái chưa thể thay thế được chúng. Các máy bay không người lái chỉ có thể hỗ trợ trong việc giám sát trên bộ và trên biển. Việc cho rằng các máy bay không người lái có thể thay thế các chiến đấu cơ hiện đại ngày nay là một sai lầm, cả hai loại máy bay này đều cần thiết cho một lực lượng không quân hiện đại.

Đối với lực lượng không quân trong thế kỷ XXI, điều cần thiết phải có là một hệ thống các loại máy bay làm nền tảng. Hệ thống này bao gồm các loại máy bay tiêm kích, radar hiện đại, máy bay tuần tra biển có người lái và các loại máy bay không người lái. Hệ thống mạng hiện đại là một trong những tiêu chuẩn trong các lực lượng không quân hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Các hệ thống này cho phép kết nối thông tin nhanh chóng, hiệu quả giữa các loại phương tiện cũng như đội ngũ chỉ huy, vận hành chúng.

Nếu không quân Indonesia muốn trở thành một lực lượng hiện đại trong thế kỷ XXI để có thể tác chiến, huấn luyện cũng như thực hiện các nhiệm vụ giám sát bảo vệ lãnh thổ thì cần thiết phải đánh giá lại mục tiêu của việc mua sắm, trang bị. Việc chỉ đơn thuần bỏ tiền ra mua máy bay mới mà không quan tâm đến việc đầu tư vào hệ thống radar, hệ thống mạng kết nối sẽ trở thành một sự lãng phí tiền bạc. Thay thế máy bay Su-35 bằng máy bay không người lái sẽ là một sai lầm khó có thể sửa chữa.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG 

Tags: ,