⠀
Vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến tranh biên giới 1979
Ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc vượt biên giới Việt Nam, khi đó thậm chí còn chưa có thời gian để chữa lành những vết thương do bọn xâm lược Mỹ gây ra, phát động cuộc tấn công quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh phía Bắc của nước cộng hòa. Mục đích của hành động này, theo kế hoạch của Trung Quốc, là “trừng phạt” Việt Nam vì đã tham gia lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia.
Bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử Alexei Syunnerberg.
Lịch sử cuộc xung đột Trung-Việt đã có hơn hai nghìn năm. Các cuộc xung đột đó luôn luôn bắt đầu bởi phía Trung Quốc và luôn luôn kết thúc trong thất bại. Cuộc xung đột năm 1979 có thời gian ngắn nhất, chỉ trong vòng 30 ngày. Nhưng đó là cuộc tấn công xâm lược mạnh nhất của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam.
Tại thời điểm đó có 85% lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện diện ở Campuchia. Vì vậy, đáp trả những kẻ xâm lược chỉ có một bộ phận quân thường trực, bộ phận lực lượng quốc phòng địa phương, các đơn vị biên phòng và dân quân tự vệ. Lãnh đạo Việt Nam không được biết sức mạnh của cuộc xâm lược, cũng như hướng tiến quân của Trung Quốc.
Trong tình hình đó, Liên Xô đã hỗ trợ đầy đủ cho Việt Nam. Nhằm lôi kéo quân đội Trung Quốc từ phía Nam, 6 quân khu của Liên Xô đã được đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. 29 sư đoàn bộ binh cơ giới của quân đội Liên Xô với sự hỗ trợ của không quân đã được điều tới biên giới Xô-Trung trong khu vực Mãn Châu. Phía Đông cũng đã được chuyển tới hai sư đoàn không quân. Và một trong số sư đoàn ấy đã được chuyển tới sân bay ở Mông Cổ, chỉ cách Bắc Kinh một nửa giờ bay. Lãnh đạo quân sự của Liên Xô đã tiến hành một động thái khác ủng hộ Việt Nam — trong tầm nhìn của phía Trung Quốc, một số đơn vị xe tăng mô phỏng cuộc tấn công vào mục tiêu đối phương giả định ở gần biên giới. Và trong sa mạc Gobi, ngay bên cạnh biên giới giữa Mông Cổ và Trung Quốc, lính nhảy dù của Liên Xô cũng tiến hành tập trận.
Ngay từ đầu tháng Hai, khi có thông tin đầu tiên về dự định của Trung Quốc muốn “trừng phạt” Việt Nam, một tàu tuần dương và một tàu khu trục của Hải quân Liên Xô đã được phái đến Biển Đông. Sau khi cuộc chiến bắt đầu, hải quân Liên Xô bổ sung thêm các tàu khác vào nhóm này, tạo thành một đơn vị lớn. Trong những ngày hạ tuần của tháng Hai, nhóm này đã gồm 13 tàu, và tới đầu tháng Ba — số lượng tàu Liên Xô ở khu vực này lên đến ba mươi chiếc. Liên Xô cũng đã chuẩn bị cho khả năng để nhóm tàu này đến cảng Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh, khi đó đang bắt đầu thành lập căn cứ quân sự của Liên Xô.
Nhờ có sự hiện diện của tàu Liên Xô ở Biển Đông, hải quân Trung Quốc đã không thể tham gia vào cuộc xâm lược Việt Nam. Ngoài ra, các tàu của Liên Xô cũng đảm bảo an toàn cho việc cung cấp hàng hoá cho Việt Nam. Chỉ riêng ở Hải Phòng, trong giai đoạn xung đột đã bốc dỡ hơn 20 tàu hàng và tàu chở dầu. Đồng thời, các thủy thủ Liên Xô phải đối mặt với chuỗi tàu chiến Mỹ, từ ngày 25/2 đã đỗ ngoài khơi bờ biển Việt Nam, với mục đích mà người Mỹ tuyên bố là “kiểm soát tình hình.” Để kiềm chế không cho tàu Mỹ đi vào khu vực chiến đấu, tàu ngầm của Liên Xô chặn đứng con đường tiếp cận của tàu Mỹ. Tàu Mỹ không dám vượt hải tuyến mà Hải quân Liên Xô tạo ra, và đến ngày 6 tháng 3 họ đã phải rút khỏi Biển Đông.
Một nhóm các cố vấn quân sự Liên Xô đã được gửi thêm đến Việt Nam. Nhóm được thành lập tại Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô vào đầu tháng Hai năm 1979, theo khuyến nghị của Tổng cục trưởng tình báo, từng cảnh báo không phải là về một giả thuyết, mà về khả năng cuộc tấn công thực sự của Trung Quốc vào Việt Nam.
Trong số những cố vấn đến nước Cộng hòa có cả các chuyên gia trinh sát. Kết quả công việc chung của trinh sát Liên Xô và Việt Nam là đã có thể nhanh chóng xác định được rằng, lực lượng xâm lược có khoảng 600.000 người, bộ phận thường trực của quân đội nhân dân Việt Nam trên biên giới phía Bắc đang chiến đấu trong vòng vây, và đòn tấn công chính của Trung Quốc dự định sẽ giáng vào Lạng Sơn để mở đường tới Hà Nội.
Dựa trên thông tin tình báo này, người đứng đầu nhóm các cố vấn Liên Xô, tướng Gennady Obaturov đã họp với Tổng bí thư Lê Duẩn đề nghị sử dụng các máy bay của Liên Xô để chuyển lực lượng thiện chiến nhất của Quân đoàn Việt Nam từ Campuchia sang mặt trận phía Bắc. Ông cũng gợi ý các mục tiêu cụ thể trên đường hành quân của bọn xâm lược để bố trí các hệ thống tên lửa “Grad” mà Liên Xô đã chuyển giao cho Việt Nam trước đó chưa lâu. Và ông Obaturov đã giới thiệu với nhà lãnh đạo Việt Nam kế hoạch do các cố vấn Liên Xô lập ra về việc đưa các đơn vị thường trực Việt Nam ra khỏi vòng vây của Trung Quốc.
Liên Xô chấp nhận đề nghị của tướng Obaturov và ngay lập tức viện trợ cho Việt Nam toàn bộ tất cả những thứ vũ khí và trang thiết bị cần thiết cho cuộc chiến đấu. Một trong những cố vấn quân sự Liên Xô có mặt tại Việt Nam những ngày ấy, Đại tá Gennady Ivanov cho biết:
“Trong thời gian ngắn nhất, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhận được tất cả những thứ vũ khí cần thiết để phản công. Bằng máy bay vận tải quân sự của Liên Xô, nhiều hệ thống tên lửa “Grad” được chuyển sang cho Việt Nam, ngoài ra còn có nhiều máy móc trinh sát điện tử, cũng như các phương tiện khác hỗ trợ chiến đấu”.
Tất cả những điều đó phần lớn đã quyết định kết cục cuộc chiến, trong đó tất nhiên, vai trò của lực lượng vũ trang anh hùng của Việt Nam là rất quan trọng. Các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam chặn quân Trung Quốc, không cho kẻ thù tiến sâu hơn 30km vào lãnh thổ Việt Nam. Đến ngày 5/3/1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, và ngày 18/3 chiến sự hoàn toàn chấm dứt. Một lần nữa, như trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ một vài năm trước đó, Việt Nam đã bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Tất cả cố vấn quân sự Liên Xô đến nước cộng hòa để hỗ trợ trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược Trung Quốc đã được trao huy chương “Chiến công” của Việt Nam. Họ không ngay lập tức trở về Tổ quốc, đã ở Việt Nam thêm hai năm nữa để giúp cải cách và nâng cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo SPUTNIK
Tags: Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô