Vài nét về thuyết Chuyển đổi quyền lực trong quan hệ quốc tế

Thuyết Chuyển đổi quyền lực (Power transition theory) tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các cường quốc trong hệ thống quan hệ quốc tế khi xuất hiện thay đổi về cán cân sức mạnh.

Vài nét về thuyết chuyển đổi quyền lực trong quan hệ quốc tế

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Mặc dù thừa hưởng nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện thực như xem sức mạnh và sự phân phối sức mạnh đóng vai trò thiết yếu trong việc phân định kết quả chính trị thế giới, nhưng thuyết Chuyển đổi quyền lực lại nhìn thế giới bằng một nhãn quan khác. Theo đó, trật tự thế giới không phải là vô chính phủ, mà được phân thành một hệ thống thứ bậc dựa trên sức mạnh của các quốc gia.

Thứ bậc

Khái niệm “thứ bậc” (hierarchy) được sử dụng trong nhiều văn cảnh khác nhau trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lãnh đạo các nghi lễ”, khái niệm này đã được các học giả sử dụng để miêu tả về một trật tự có thứ bậc hay các mối quan hệ giữa hai bên có phân chia cao thấp. Trong thuyết Chuyển đổi quyền lực, thứ bậc hàm ý về sự xếp hạng sức mạnh giữa các quốc gia với nhau. Trong khi đó, theo một số lý thuyết quan hệ quốc tế khác như trường phái Anh Quốc chẳng hạn, thứ bậc còn biểu hiện vai trò và ý thức hành vi của mỗi cá thể trong cộng đồng theo nguyên tắc trách nhiệm và hành vi của mỗi quốc gia cần phù hợp với sức mạnh, vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế.

.

Theo cách phân chia này, sự thay đổi về cán cân sức mạnh sẽ dẫn đến sự thay đổi về vị trí của mỗi quốc gia trong hệ thống quốc tế nếu quốc gia đó cảm thấy không hài lòng với vị trí mình đang có. Mức độ hài lòng và không hài lòng trong hệ thống được thuyết Chuyển đổi quyền lực xem như là chỉ dấu nhằm xác định nước nào là cường quốc nguyên trạng (status quo power), muốn duy trì hệ thống thứ bậc hiện hữu, và nước nào là cường quốc xét lại (revisionist power), muốn sử dụng sức mạnh đề thay đổi trật tự, đòi phân chia lại lợi ích. Mặc dù có thể có nhiều nước không hài lòng với vị trí mình đang có, nhưng do các nước yếu không đủ khả năng thay đổi hệ thống thứ bậc của hệ thống nên thuyết Chuyển đổi quyền lực chỉ tập trung vào những nước đang trỗi dậy về sức mạnh và có mức độ không hài lòng tăng cao đối với hệ thống thứ bậc hiện hữu.

Sự bất ổn định của hệ thống xảy ra bắt nguồn từ mối tương tác giữa quốc gia bá chủ và cường quốc đang lên. Việc khoảng cách quyền lực giữa hai bên ngày càng thu hẹp dẫn đến nhiều tình huống có khả năng gây ra mâu thuẫn. Rõ nét nhất việc là cường quốc đang lên cảm thấy sức mạnh của mình không tương xứng với vị trí đang có và không chấp nhận trật tự cũ. Bằng cách thách thức vị trí bá quyền hay lãnh đạo của quốc gia bá chủ, cường quốc đang lên muốn phân chia lại lợi ích, nâng cao vị trí của mình trong hệ thống thứ bậc hoặc tăng cường ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế, áp đặt các luật chơi phù hợp với lợi ích của mình lên hệ thống. Ngược lại, quốc gia bá chủ cũng không muốn vị trí và lợi ích của mình bị thách thức bởi cường quốc đang lên. Nhận thức được sự thay đổi về quyền lực đang diễn ra, nước này có thể thực hiện các hành động ngăn chặn, như phát động một cuộc chiến phủ đầu chống lại cường quốc đang lên trong lúc mình còn ở thế thượng phong. Đây cũng là lý do tại sao các học giả thuyết Chuyển đổi quyền lực được cho là có quan điểm bi quan về sự thay đổi cán cân sức mạnh.

Khác với lý thuyết cân bằng quyền lực, thuyết Chuyển đổi quyền lực cho rằng mục tiêu cuối cùng của các quốc gia không phải là theo đuổi hay tích lũy sức mạnh. Thay vào đó, sức mạnh chỉ là một phương tiện để các quốc gia theo đuổi một mục tiêu quan trọng hơn, đó là giành được vị trí lợi thế hơn trong hệ thống thứ bậc quốc tế. Khi một thứ hạng mới được xác lập, phản ánh hợp lý hơn tương quan sức mạnh giữa các quốc gia, thì trật tự và hòa bình sẽ được thiết lập. Ngoài ra, trong khi thuyết cân bằng quyền lực cho rằng sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia là yếu tố then chốt giúp duy trì hòa bình và ổn định trong hệ thống quốc tế, thì thuyết Chuyển đổi quyền lực lại cho rằng việc quyền lực của các quốc gia, đặc biệt là của các cường quốc trong hệ thống, xích lại gần nhau và trở nên cân bằng lại dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh bá quyền, làm mất ổn định hệ thống.

Thuyết Chuyển đổi quyền lực đã được nhiều học giả sử dụng để kiểm chứng các trường hợp chuyển đổi quyền lực trong lịch sử. Kết quả thực nghiệm miêu tả một bức tranh hỗn hợp. Sự thay đổi cán cân quyền lực từng diễn ra một cách hòa bình trong trường hợp Mỹ vượt Anh ở những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Theo đó, hợp tác giữa quốc gia bá chủ và cường quốc đang lên đã diễn ra một cách êm thấm. Tuy nhiên, trong trường hợp Đức vượt Anh cũng khoảng thời gian này thì chiến tranh lại xảy ra.

Trong thời gian gần đây, việc Trung Quốc trỗi dậy dần trở thành một cường quốc toàn cầu đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Một số học giả đã sử dụng thuyết Chuyển đổi quyền lực để phân tích quan hệ giữa quốc gia bá chủ hiện tại là Mỹ và cường quốc đang lên là Trung Quốc. Một bài nghiên cứu gần đây nhất của hai đại diện trường phái này là Ronald Tammen và Jacek Kugler đã đi đến kết luận rằng yếu tố then chốt để quyết định liệu mâu thuẫn có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc hay không xoay quanh hai vấn đề chính. Một là, cần xác định Trung Quốc là cường quốc nguyên trạng hay cường quốc xét lại. Hai là thời điểm nào trong tương lai Trung Quốc có thể vuợt Mỹ về sức mạnh. Hai câu hỏi này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi và cho đến nay các học giả vẫn chưa đưa ra được một câu trả lời thống nhất.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: