⠀
Tuyệt chiêu trị nước của giai nhân phủ chúa Trịnh
Buổi ấy đương thời vua Lê – chúa Trịnh, một chế độ chính trị “lưỡng đầu chế” đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Chúa Trịnh dù không chính danh, nhưng toàn quyền định đoạt việc nước. Những bà phi trong phủ chúa vì thế cũng có những uy quyền đặc biệt.
Lăng Đa Bút nơi chôn cất bà Hoa Dung – Nguyễn Thị Ngọc Diễm. Ảnh: Báo Thanh Hóa.
Trong chế độ phong kiến, mặc dù bị nhiều hạn chế do quan điểm Nho giáo gò bó nhưng không vì thế mà giới nữ lưu nước Việt lại không thể hiện được tài năng, phát huy được trí tuệ của mình, ngược lại, nhiều gương mặt xuất hiện cả trên chính trường, nơi tưởng chừng chỉ dành riêng cho giới mày râu.
Đã có không ít những bậc nữ hiền tham chính, giàu lòng nhân từ, lo toan đến việc dân việc nước, thể hiện đầu óc và tài năng chính trị, một trong số đó có bà Hoa Dung, vợ chúa Trịnh Doanh, người đã vạch ra kế sách trị nước ngắn gọn nhưng đầy tính thuyết phục.
Gia đình hiển đạt
Hoa Dung Ân Vương phi tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Diễm (1721-1784), là thứ phi của chúa Trịnh Doanh, mẹ Trịnh Sâm, bà nội của Trịnh Khải và Trịnh Cán.
Bà có tên húy là Nguyễn Thị Khương, quê ở làng Linh Đường, huyện Thanh Trì, phía Nam kinh thành Thăng Long. Làng Linh Đường còn gọi là Linh Đàm nằm bên một đầm nước lớn tương truyền có một loại cỏ thơm gọi là cỏ linh chi cho nên thành tên làng, Linh Đàm có nghĩa là đầm cỏ thơm, còn Linh Đường có nghĩa là hồ nước có cỏ linh chi. Ngoài ra, nơi đây còn có tên gọi là Liên Đàm, nghĩa là đầm sen, bởi đầm có nhiều hoa sen.
Ngôi làng này xưa thuộc xã Linh Đàm, sau đổi thành xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Bà thuộc dòng họ Nguyễn Linh Đường, một dòng họ vẻ vang, uy thế. Cha là Nguyễn Luân (1686 – 1739), tự là Đình Anh, Đình Tư nên người ta thường gọi ông là Nguyễn Đình Tư.
Nguyễn Đình Tư sinh được 6 người con, 3 trai 3 gái thì con trai đều được phong làm Quận công, con gái đều làm phu nhân đại thần. Cha bà thấy Trịnh Doanh thông minh, chăm học, trầm tĩnh và có chí khí, rất nhiều triển vọng lên ngôi chúa thay cho người anh trai hoang dâm tửu sắc Trịnh Giang, nên đã tiến cung con gái mình. Từ đó bà trở thành Thứ phi của chúa Trịnh Doanh và được ban mỹ hiệu là Hoa Dung.
Với công lao và tài trí, Nguyễn Đình Tư được triều đình phong cho nhiều tước vị cao: Tiền tả tư giảng, Bồi tụng, Thượng thư bộ Công, tước Nam quận công.
Ông còn là bạn kết giao với nhiều danh sĩ như Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ; Thượng thư Nguyễn Công Cơ, Thượng thư Nguyễn Công Thái, Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân, Đỗ Thế Giai… Tư thất của ông là nơi mọi người thường đến thưởng hoa, ngâm thơ, bình văn xướng họa nên nhà ông được gọi là Nguyễn môn đào lý (vườn đào, tài trí, thơ văn nhà họ Nguyễn).
Dâng kế trị nước yên dân
Xuất thân trong một gia đình danh giá, cha giữ chức lớn trong triều, lại là thầy học của vua Lê chúa Trịnh; các anh trai đều làm quan, chị em gái đều làm vợ quận công. Kế thừa truyền thống dòng tộc, lại là người thông minh, ham học nên đến tuổi cập kê, Ngọc Diễm trở thành một người tài sắc, mẫn tiệp nổi tiếng.
Ở địa vị cao sang nhưng bà Hoa Dung rất khiêm nhường nhân ái, sống khoan hòa, cần kiệm, độ lượng với mọi người; không chỉ vậy, bà còn là người am hiểu rộng nên được cả An vương Trịnh Doanh và quần thần rất nể trọng phẩm cách và học vấn. Biết được tài năng của bà nên chúa Trịnh thường hay gọi vào đàm đạo về quốc sự.
Mỗi khi đi kinh lý, chúa đều giao cho bà trông coi công việc trong vương phủ. Qua những lần điều hành công việc đó mà tư duy, tầm nhìn và khả năng chính trị của bà ngày càng phát triển, vừa bao quát tính chuyện lâu dài, lại vừa thực tế để tìm ra những biện pháp đem lại lợi ích trong quản lý, chấn hưng đất nước, lập lại kỷ cương và bình ổn xã hội.
Trên cơ sở đó, bà đã đưa ra kế sách “Ngũ quy” dâng lên chúa với nội dung cơ bản là:
– Quy nông tắc ổn: Phát triển nông nghiệp, khi nghề nông phát đạt thì thế nước nhất định sẽ mạnh, xã hội ổn định.
– Quy công tắc phú: Mở mang công nghiệp để đem lại sự giàu có cho đất nước.
– Quy thương tắc hoạt: Thúc đẩy thương mại, mua bán trao đổi hàng hóa sẽ tạo sự linh hoạt, năng động trong xã hội.
– Quy trí tắc hưng: Quan tâm tới giáo dục, nâng cao hiểu biết bằng học vấn, đào tạo nhân tài để sử dụng thì đất nước sẽ hưng thịnh.
– Quy pháp tắc bình: Lấy pháp luật làm công cụ quản lý xã hội, giữ nghiêm phép nước thì xã hội bình yên.
Sử sách không ghi chép lại việc chúa Trịnh có đem kế sách “Ngũ quy” của chính phi Hoa Dung ra thi hành trong thực tế hay không nhưng cho biết rằng, xã hội Đàng Ngoài thời chúa Trịnh Doanh chấp chính khá ổn định.
Trịnh Doanh là người chăm chỉ trong công việc, ban hành nhiều quyết định hợp lòng người, được quần thần và dân chúng ủng hộ, ông rất chú ý tuyển chọn và sử dụng quan lại trên cơ sở coi trọng thực tài, mọi việc thưởng phạt công minh…
Những điều đó chứng tỏ tư tưởng chính trị của bà Hoa Dung có ảnh hưởng ít nhiều tới các quyết sách của phủ chúa và việc xử lý chính sự đều không nằm ngoài khuôn khổ kế sách “Ngũ quy” mà bà đã đề xuất.
Cuộc đời thăng trầm
Sau khi Trịnh Doanh mất, trong thời gian đầu khi Trịnh Sâm lên nối nghiệp chúa, bà Hoa Dung rất quan tâm giúp đỡ con mình, Trịnh Sâm tôn bà là Thái phi, còn vua Lê Hiển Tông ban “kim sách” (sách vàng), một ân huệ chỉ dành cho những nhân vật đặc biệt cao quý và phong bà làm Quốc thánh mẫu.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ca ngợi: “Chúa cho phép tắc các triều trước là nhỏ hẹp, nên việc chính thường tự quyết đoán, phần nhiều không theo lệ cũ, cầm giữ chính quyền, cất nhắc nhân tài, văn tự sửa sang ở trong, võ công chống chọi ở ngoài. Chính giáo lừng lẫy khắp nơi, bốn cõi yên ổn, công lao rực rỡ hơn các đời trước”.
Sử sách đánh giá chính sự thời Trịnh Sâm có nhiều tiến bộ tích cực nhưng về sau, vì ông quá say mê sắc đẹp của Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà dần bỏ bê việc nước. Nhận thấy nguy cơ của sự bất ổn, bà Thái phi Hoa Dung đã nhiều lần can ngăn nhưng không được Trịnh Sâm nghe theo, bà chán nản rời vương phủ về sống ở quê Linh Đường, giúp làng sửa đình, chùa, cày cấy, dệt lụa, làm nhiều việc thiện cho dân.
Lên ngôi chúa, Trịnh Tông đã tôn phong bà là Thánh từ Thái tôn. Bà lâm bệnh rồi mất vào ngày 28 tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), thọ 65 tuổi. Trong tác phẩm “Dụ Am thi văn tập” của mình, Phan Huy Ích có bài thơ lại ghi việc làm lễ sơn lăng cho Thái phi, có đoạn viết:
“Tuổi già chăm lo yên xã tắc
Lập ra khuôn phép giúp ba triều
Linh Đường mưa máu âu trời xót
Núi Bút sương buông, buồn tịch liêu”.
Theo TÙY PHONG / BÁO PHÁP LUẬT
Tags: Danh nhân Việt Nam, Chúa Trịnh, Xứ Đàng Ngoài